Dấu Thánh Giá không đơn giản là mở đầu hay kết thúc.

Thứ tư - 15/11/2023 19:51 1.007 0


Dấu Thánh Giá không đơn giản là mở đầu hay kết thúc.
 

Là một người Công giáo gộc, có nhiều điều tôi chưa bao giờ đặt vấn đề về đức tin Công giáo hay đắn do suy nghĩ khi thực hiện điều gì đó với tư cách là người công giáo. Những thứ như tháng Năm dâng hoa kính Đức Mẹ hay đi Đàng Thánh Giá… tất cả chỉ là một phần văn hóa khi tôi lớn lên. Lời kinh của tôi trước bữa ăn luôn bắt đầu bằng: “Lạy Chúa, xin chúc lành cho chúng con..” và tôi luôn bắt đầu mọi lời kinh nguyện bằng dấu thánh giá.

Thỉnh thoảng nhìn lại và suy nghĩ về những việc này giúp tôi có thể hiểu sâu hơn. Chẳng hạn tại sao tôi làm dấu Thánh Giá? Phải chăng nó đã là một thói quen nên tôi thực hiện nó cách cẩu thả cho qua chuyện hoặc không hề suy nghĩ?

Làm Dấu Thánh Giá đâu phải như kiểu nhấc điện thoại lên gọi cho Chúa. Dù chúng ta luôn bắt đầu và kết thúc thánh lễ bằng dấu thánh giá, cũng như khi bắt đầu và kết thúc một lời nguyện mỗi ngày, nhưng dấu thánh giá không đơn giản chỉ là dấu chỉ mở đầu hay kết thúc, tự nó là một lời cầu nguyện.

Cử chỉ đơn giản này diễn tả những mầu nhiệm sâu sắc nhất trong đức tin của chúng ta: mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, mỗi lần làm Dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa đã nhập thể, chết trên Thập giá vì chúng ta, và vì vậy, chúng ta ghi trên bản thân mình bằng dấu của thập giá đó.

Đừng bao giờ quên ý nghĩa của thập giá. Như thánh Phaolô đã nói, thập giá đối với người Do Thái là sự ô nhục và là sự điên rồ đối với dân ngoại (1Cor 1, 23). Đối với các thính giả của thánh Phaolô, chính hình ảnh cây thập giá và ý tưởng cho rằng thập giá là sự thánh thiện hay dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa là hoàn toàn lố bịch. Thực ra, chúng ta không còn mang cú sốc như những người Do Thái hay dân ngoại thời xưa, nhưng có lúc chúng ta đã trở nên vô cảm với cây thập giá. Thập giá hiện là một biểu tượng phổ biến, tuy nhiên, vô tình chúng ta đã lãng quên. Thập giá được mang trên thân thể, treo trên tường, đặt ở nơi tôn nghiêm….  từng là dấu hiệu của sự tàn bạo và áp bức đã trở thành dấu hiệu của chiến thắng và yêu thương.

Đừng vội vàng khi làm Dấu Thánh Giá. Đó là một cử chỉ đơn giản và chắc chắn là một thói quen. Vì thế, chúng ta dễ dàng làm dấu thánh giá mà không cần suy nghĩ. Hãy nhớ rằng đó là một lời cầu nguyện cũng là lời tuyên xưng đức tin. Mỗi khi ghi trên mình Dấu Thánh Giá, hãy xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm để vác thập giá của mình và đi theo Ngài.

Những lúc không đủ can đảm để dâng lên Chúa một lời nguyện tắt khi thức giấc hoặc trước khi đi ngủ, khi mệt mỏi hoặc những lúc chán chường, đơn giản hãy làm Dấu Thánh Giá cách trang trọng và có ý thức, chúng ta sẽ tìm thấy được sự bình an trong vòng tay che chở của Chúa Kitô.

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn tin: https://www.hoangcatholic.com

 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây