Nghĩa trang theo niềm tin Kitô giáo
WGPBC (04.11.2023) - Theo Từ điển Tiếng Việt, nghĩa trang (hay nghĩa địa) là danh từ chỉ khu đất chung dùng làm nơi chôn người chết[1]. Người ta còn dùng từ “tha ma” hay “bãi tha ma” với nghĩa tương tự, mặc dù nó gợi lên cảm giác không được trang trọng cho lắm[2]. Nghĩa trang Công giáo được gọi là “đất thánh”.
Đất thánh (thánh địa) có tiếng gốc Latinh là coemeterium, bởi từ Hy Lạp κοιμητήριον - koimêtêrion (nơi yên giấc). Đất thánh là phần đất được Giáo hội thánh hoá để chôn cất các tín hữu đã qua đời và chờ ngày sống lại, an nghỉ trong Thiên Chúa. Trong đất thánh thường có nơi đặt bàn thờ để cử hành Thánh lễ; trên các ngôi mộ thường có tượng Thánh giá[3]. Ngoài ra, trên các lăng mộ thường có dòng chữ “R.I.P.” (viết tắt của các từ tiếng Latinh: Requiescat in pace; hoặc tiếng Anh: Rest in peace), có nghĩa là “hãy nghỉ ngơi trong an bình”.
Đã đành, nghĩa trang là nơi chôn cất người chết nhưng đối với những người có niềm tin vào Đức Kitô, thì không gian này còn mang nhiều ý nghĩa riêng biệt. Trong bối cảnh Giáo hội bước vào tháng 11, tháng cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời, thật hợp lý khi dừng lại suy tư một vài nét ý nghĩa của nghĩa trang theo niềm tin Kitô giáo, dựa theo mặc khải Thánh Kinh, Phụng vụ và Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
1. Bến đợi của người tín hữu
Kinh Thánh xác nhận sự thật căn bản: “Thế nào chúng ta cũng phải chết, như nước chảy xuống đất không thể hốt lại được” (2Sm 14,14; x. G 11,16; 14,11-12; Tv 22,15). Tác giả thư gửi tín hữu Hípri lặp lại chân lý ấy trong viễn tượng cánh chung: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Hr 9,27). Cái chết là điểm chung của thân phận nhân loại. Đã có ngày sinh ắt có ngày tử và có thể nói, đời sống trên trần gian của con người đang không ngừng đi đến phần mộ. Không ai được “miễn trừ” khỏi cái chết. Được tạo dựng từ bùn đất, con người sẽ trở về với bụi tro. Chân lý này được diễn tả cách rõ ràng trong Lời nguyện làm phép tro vào ngày Thứ Tư Lễ Tro: “Xin rủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hoá nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi”. Và khi xức tro, thừa tác viên có thể chọn đọc theo công thức: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi” (x. St 3,19).
Khi nhìn nhận cái chết là “điểm đợi” của một đời người thì cách nào đó có thể nói, nghĩa trang chính là “bến đợi” của người tín hữu. Sự chết xuất hiện như một kết thúc bình thường của cuộc đời trần thế. Hơn nữa, sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô (x. 2Tm 1, 9-10; SGL 1021). Khía cạnh này của sự chết mang lại sự khẩn trương cho cuộc đời chúng ta: Nhắc đến việc phải chết giúp chúng ta nhớ rằng chúng ta chỉ có một thời gian giới hạn để thực hiện cuộc đời chúng ta (x. Gv 12,1.7; SGL 1007). Giáo hội khuyên chúng ta hãy chuẩn bị cho giờ chết của mình, hãy khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta “trong giờ lâm tử” (Kinh Kính mừng) và hãy phó thác cho thánh Giuse là bổn mạng của ơn chết lành (SGL 1014).
Nghĩa trang còn được coi là bến đợi của người tín hữu theo nghĩa, đây là nơi con người gửi lại thân xác chờ đợi ngày được phục sinh, khi xác phải chết được sống lại kết hợp với linh hồn trong ngày Đức Kitô quang lâm. Ở điểm này, nghĩa trang là nơi biểu lộ sâu xa niềm tin của Giáo hội vào mầu nhiệm “xác loài người ngày sau sống lại”. Lời cầu cho người đã qua đời trong Kinh nguyện Thánh Thể III thể hiện rõ xác tín ấy: “Xin ban cho kẻ đã chết như Con Cha, thì cũng được sống lại như Người, khi Người cho xác kẻ chết sống lại từ bụi đất và cho thân xác mọn hèn chúng con trở nên giống thân xác sáng láng của Người”.
Người ta thường gọi việc tiễn đưa người quá cố ra phần mộ là “đám đưa tang”. Người Kitô hữu cần hiểu việc này theo nghĩa đưa thân xác đã lìa thế của người thân ra nơi an nghỉ cuối cùng, chờ ngày sống lại. Và “Hội Thánh, như một người Mẹ, đã mang Kitô hữu trong lòng mình một cách bí tích trong suốt cuộc lữ thứ trần gian của họ, nay đồng hành với họ đến cuối đường để trao họ ‘vào tay Chúa Cha’. Trong Đức Kitô, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha đứa con của ân sủng của Ngài, và trong niềm hy vọng, gửi vào lòng đất hạt giống thân xác sẽ sống lại trong vinh quang” (x. 1Cr 15, 42-44; SGL 1683).
2. Nơi gặp gỡ giữa người sống và người chết
Không gian nghĩa địa thường hiu quạnh, lạnh lẽo nhưng lại là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ sống động giữa người sống và người chết. Người còn sống ra viếng mộ để “gặp gỡ” người đã khuất, để nhắc nhớ những kỷ niệm thân thương, để thuật lại cho nhau về những nét nhân đức của người quá cố khi tại thế... Và đối với người tín hữu, đi ra viếng mộ còn để đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ (vào các dịp an táng hay trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời). Như thế, người chết không bị chôn sâu dưới nấm mồ nhưng vẫn sống trong ký ức, trong tâm khảm, trong sự thương nhớ và cầu nguyện của những người đang sống. Trong chiều hướng ấy, Giáo hội còn ưu ái ban ơn đại xá (nhưng phải nhường lại cho các linh hồn) cho các tín hữu thành kính đi viếng nghĩa địa từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, dù có cầu nguyện thầm cho các linh hồn. Những ngày khác trong năm, khi đi viếng nghĩa địa và cầu nguyện cho các linh hồn, thì được hưởng nhờ ơn tiểu xá.
Giáo lý Công giáo dạy rằng: do mầu nhiệm “các thánh thông công”, Giáo hội trao phó những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa và dâng những lời cầu khẩn, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể cầu cho họ (SGL 1055). Theo nghĩa này, nghĩa trang là nơi để Giáo hội sống mầu nhiệm “các thánh thông công”, cách đặc biệt là sự hiệp thông giữa các tín hữu còn sống và các tín hữu đã qua đời. Nhất là với việc cử hành Thánh lễ, cộng đoàn tín hữu, đặc biệt là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người “đã an nghỉ trong Chúa”, bằng việc hiệp thông với thân thể của Đức Kitô mà người quá cố là một chi thể sống động, rồi bằng việc cầu nguyện cho người ấy và với người ấy (SGL 1689).
Thật ra, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo hội lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì “dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện” (2Mcb 12,45), nên Giáo hội cũng dâng lời cầu nguyện cho họ. Lời cầu nguyện của người còn sống không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta nên hữu hiệu (SGL 958). Ở nhiều lăng mộ cổ có ghi dòng chữ ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Nay tôi mai bạn, xin cầu cho tôi” (hodie mihi cras tibi, ora pro me).
Như thế, sự chết cũng là mầu nhiệm của sự liên đới và của cả cộng đoàn. Nghi thức an táng theo truyền thống Byzantin diễn tả rất sâu sắc điều này qua cái hôn từ biệt người quá cố: “Với lời chào cuối cùng này, chúng ta hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và lìa xa chúng ta, nhưng đây cũng là cuộc hiệp thông và đoàn tụ, vì dầu phải chết, chúng ta cũng không bao giờ phải chia lìa nhau; quả thật, tất cả chúng ta đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng ta sẽ không bao giờ bị chia lìa, vì chúng ta đang sống cho Đức Kitô và giờ đây chúng ta đang được kết hợp với Người, đang đi đến với Người... Tất cả các tín hữu chúng ta sẽ được cùng nhau ở với Đức Kitô” (SGL 1690).
3. Điểm hẹn của lòng hiếu thảo
Nghĩa trang tưởng chừng vắng vẻ heo hút lại chính là điểm hẹn của lòng hiếu thảo. Thật đẹp khi chứng kiến hình ảnh toàn thể gia đình, anh em bạn hữu quây quần bên phần mộ người quá cố để đọc kinh cầu nguyện. Thật giàu ý nghĩa khi nhìn những đứa trẻ vụng về luống cuống đang thắp nhang, cúi đầu trước nấm mộ người thân. Giáo hội không ngừng dạy con cái mình phải tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ lúc các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời, để chu toàn điều răn của Chúa: Thảo kính cha mẹ. Thật vậy, “lòng biết ơn đối với cha mẹ không những phải được thể hiện khi cha mẹ còn sống, mà vẫn còn phải tiếp tục ngay cả sau khi cha mẹ đã qua đời, bằng việc lo an táng, xây đắp và chăm sóc phần mộ, giỗ chạp, hương khói, tưởng nhớ, cầu nguyện và xin lễ cho linh hồn cha mẹ được sớm về hưởng hạnh phúc thiên đàng”[4].
Tảo mộ là một trong những nét văn hoá lâu đời và rất đặc trưng của người Việt Nam, thường diễn ra vào thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Nhân ngày Thanh minh, một số nơi có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ gia tiên sau cuộc tảo mộ. Đại thi hào Nguyễn Du cũng nhắc tới tập tục này trong tác phẩm Truyện Kiều: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”[5]. Phong tục cổ truyền này không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với các bậc bề trên mà còn là dịp để gia đình quây quần, ôn lại kỷ niệm, đồng thời nhắc nhớ nhau phải ghi nhớ công ơn của tổ tiên ông bà, từ đó phấn đấu trong học hành, công việc để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bản thân cũng như gia đình. Nó cũng góp phần tạo nên sự gắn kết, sum vầy trong gia đình, dòng tộc. Dù đi làm ăn ở phương trời nào, ai cũng muốn quay về nhà ngày tảo mộ, thăm lại và chăm sóc phần mộ ông bà tổ tiên, và có thể nói là mời hương hồn người quá cố về cùng ăn Tết với con cháu theo tập tục cổ truyền. Nếu vì một lẽ nào đó, do cuộc sống tha phương cầu thực, con cháu tìm cách gửi gắm nhờ người thân chăm lo cho phần mộ ông bà, cha mẹ.
Trong tâm tình hiệp thông với những thành viên đã qua đời và tin tưởng đợi ngày thân xác mọi người sẽ sống lại khi lịch sử kết thúc, người Kitô hữu trân trọng các nghĩa trang, các nhà hài cốt. Hằng năm, việc chăm sóc tu tảo phần mộ được thực hiện nhân dịp giỗ hiệp thông của gia tộc, dịp đầu tháng 11 dương lịch và cuối năm âm lịch. Hơn nữa, người Công giáo thường thăm mộ, cắm hoa cho người thân và dâng lễ tại nghĩa trang vào ngày mùng hai Tết. Công việc chính của tảo mộ là thu dọn cỏ dại, sửa sang, quét dọn các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Khi tảo mộ, người Công giáo không được đốt vàng mã[6]. Ngoài ra, các tín hữu cũng phải tránh mọi hình thức mê tín, xa lạ với đức tin Công giáo. Chẳng hạn, khi an táng hoặc cải táng người thân, không được coi ngày giờ; hoặc không được mời thầy địa lý chọn đất, chọn hướng...
Cũng phải nói thêm, người Việt rất coi trọng việc mồ mả, giỗ chạp: “Người ta sống vì mồ vì mả chứ không ai sống vì cả bát cơm”, “sống tết chết giỗ”. Tuy nhiên, vì quá đặt nặng chuyện mồ mả nên trong việc thực hành đang tồn tại những lạm dụng không hay. Chuyện xây cất mồ mả tổ tiên đôi khi lại trở thành cái cớ để phô trương thanh thế dòng tộc hay điều kiện kinh tế của gia đình. Nhiều khu lăng mộ hoành tráng với kinh phí tiền tỷ mọc lên ở nhiều nơi. Ngày lễ Tết, con cháu trang trí cho phần mộ ông bà cha mẹ những chậu hoa thật lớn (thậm chí cả tiền triệu) trong khi ngày thường lại rất ít ngó ngàng... Ngược lại, xem nhẹ việc mồ mả thì bị coi là bất hiếu. Hẳn người đã khuất cũng cảm thấy “tủi thân” nếu phần mộ không có con cháu thường xuyên thăm viếng, cỏ mọc rậm rạp, không hương hoa... Người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở những hình thức bề ngoài như thế nhưng luôn trong ý thức rằng việc chăm sóc phần mộ là dấu chỉ biểu lộ tâm tình hiếu kính và biết ơn. Tấm lòng thành đó cần được thực hiện cùng với lời cầu nguyện và những hy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Những tín hữu đã qua đời có thể bị thiệt thòi khi không được người thân nhớ đến và cầu nguyện.
4. Hướng lòng ngưỡng vọng về Trời cao
Cùng chung ưu sầu và lo âu với con người trong thế giới hôm nay, Công đồng Vaticanô II viết: “Trước cái chết, tính cách bí ẩn về thân phận con người đạt tới tột điểm. Con người không những bị hành hạ bởi những đau đớn và sự suy tàn nơi thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời”[7]. Quả thực, con người ngày nay rất sợ hãi cái chết. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để tránh né cái chết. Một trong những nguyên nhân của nỗi sợ hãi cái chết là nghĩ rằng chết là chấm hết mọi sự. Đó là lý do tại sao cái chết không được hoan nghênh[8]. Và đó cũng là lý do tại sao nghĩa trang thường tạo cảm giác lạnh lẽo, rùng rợn, ghê sợ. Nghĩa trang liên hệ trực tiếp đến thực tại chết chóc, đau buồn. Hơn nữa, cái chết không phải là điều đáng ao ước nên không dễ gì đối diện với nó bằng một tâm hồn bình thản. Đó là chưa kể nỗi lo sợ bị lãng quên vẫn đau đáu thường trực nơi con người.
Đứng nơi nghĩa trang, người Kitô hữu được mời gọi vượt quá những nét bi thảm của cái chết. Chúng ta than khóc trước sự ra đi của những người thân yêu bạn hữu là phải lẽ nhưng đừng buồn phiền như những người không có niềm hy vọng (x. 1Tx 4,13). Cái chết của một thành viên trong cộng đoàn (hay ngày giỗ) phải là một dịp khiến người ta vượt quá những viễn cảnh của “thế gian này” và các tín hữu được lôi cuốn đến những viễn cảnh chân thật của đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh (SGL 1687). Đó là niềm hy vọng “trời mới đất mới” (2Pr 3,13; x. Kh 21,1), ở đó “sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Nhà thần học P. Nouet nói: “Sống là để tìm Chúa, chết là để gặp Ngài, và đời đời được trong tay phải của Ngài”.
Trong niềm tin vào một Đấng đã phục sinh và có một cuộc sống bất biệt bên kia cái chết, người Kitô hữu cần nhìn về nghĩa trang không phải như một không gian đậm màu u ám buồn thảm bởi toàn sự chết chóc, chia ly nữa nhưng là nơi mở ra với niềm hy vọng sống lại và sự sống đời đời[9]. Bởi lẽ nhờ Đức Kitô, sự chết Kitô giáo mang một ý nghĩa tích cực. Trong sự chết, Thiên Chúa kêu gọi con người đến với Ngài (SGL 1010-1011). Cái nhìn của Kitô giáo về sự chết được diễn tả một cách rõ ràng trong phụng vụ của Hội Thánh: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”[10]. Bài hát Sự sống thay đổi của nhạc sĩ Phanxicô thường được cất lên trong các lễ an táng và cầu hồn, cũng có lời tha thiết: “Cuộc sống này bao nhiêu lần đưa tiễn ngậm ngùi, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có chia lìa chẳng có hợp tan”.
Ở điểm này, cái chết còn được coi như là “cầu nối” đưa con người lên thiêng đàng. Kitô hữu nào kết hợp sự chết riêng của mình với sự chết của Chúa Giêsu, thì coi sự chết như việc đến với Chúa và đi vào sự sống muôn đời (SGL 1020). Chính Đức Giêsu, tuy run sợ khi đối diện với sự chết (x. Mc 14, 33-34; Hr 5, 7-8), nhưng đã đảm nhận nó trong một hành vi suy phục thánh ý Cha Người cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành (x. Rm 5, 19-20; SGL 1009). Đối với những người chết trong ân sủng của Đức Kitô, sự chết là tham dự vào cái Chết của Chúa, để họ cũng có thể tham dự vào sự Phục sinh của Người (x. Rm 6,3-9; Pl 3,10-11; SGL 1006). Hơn thế nữa, được gieo xuống mồ là thân xác hư hoại, phục sinh là thân xác bất hoại (x. 1Cr 15,42), “thân xác của sự vinh quang” (Pl 3,21), “thân xác có thần khí” (1Cr 15,44) (x. SGL 999 và 1013).
Như thế, có thể nói nghĩa trang là bến đợi của người tín hữu, là nơi gặp gỡ giữa người sống và người chết, là điểm hẹn của lòng hiếu thảo. Nơi nghĩa trang, các tín hữu không được dừng lại với sự bi thảm của sự chết nhưng được mời gọi hướng lòng ngưỡng vọng về Trời cao. Hơn nữa, chính tại nghĩa trang cũng là nơi Giáo hội biểu lộ niềm tin của mình vào những tín biểu sau cùng trong kinh Tin kính: “tin xác loài người ngày sau sống lại”, “tin các thánh thông công”, “tin sự sống đời đời”. Giáo hội không ngừng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời trong niềm tin tưởng vào Đấng có quyền năng “biến đổi bóng tối sự chết thành rạng đông sự sống”.
Chữ viết tắt:
SGL: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo năm 1992, bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGM VN, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012.
[1] VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 859.
[2] Theo một số học giả, “tha ma” vốn là biến âm của từ “thâm ma”. Đây là hai chữ đầu trong cụm từ “thâm ma xá na” (深魔舍那 - shēn mó shě nà). Đây là cách người Hoa phiên âm từ “śmaśāna” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “nghĩa địa”, nơi vứt xác người chết. Như vậy, “tha ma” chỉ là một từ gốc Sankrit mà tiếng Việt đã mượn thông qua tiếng Hán; x. AN CHI, Rong chơi miền chữ nghĩa - Tập 2, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2020.
[3] BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO - UBGLĐT/HĐGM VN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 258; x. Bộ Giáo luật 1983, điều 1240; SÁCH LỄ RÔMA, Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
[4] Thanh minh là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Theo quy ước, tiết Thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết Xuân phân và kết thúc vào khoảng 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Cốc vũ bắt đầu. Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nơi mới có tên gọi là hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ); x. Từ điển Bách khoa Toàn thư Mở Wikipedia, mục từ: Thanh minh.
[5] NGUYỄN VĂN KHÔI, Luân lý Kitô giáo qua Mười điều răn - Quyển 2, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 34.
[6] x. VÕ TÁ KHÁNH, Kinh nguyện và Gia lễ Công giáo, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr. 234-236 và 263-264.
[7] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 1 và 18
[8] x. MICHAEL AMALADOSS, Những suy tư thâm trầm về cuộc sống, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, O.Cist chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 95.
[9] SÁCH LỄ RÔMA, Kinh Tiền tụng I cầu cho các tín hữu đã qua đời; x. SGL 1012.
[10] Lời nguyện làm phép huyệt: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, khi an nghỉ trong mồ ba ngày, Chúa đã thánh hoá phần mộ của mọi người tin vào Chúa, để khi dùng chôn cất thân xác, các phần mộ làm gia tăng niềm hy vọng sống lại. Xin Chúa thương cho tôi tớ Chúa được nghỉ yên trong ngôi mộ này cho tới khi Chúa là sự sống lại và là sự sống chiếu sáng làm cho tôi tớ Chúa được phục sinh, và trong ánh quang chiếu toả từ tôn nhan Chúa, tôi tớ Chúa được nhìn thấy ánh sáng vĩnh cửu trên trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời”; x. SÁCH NGHI LỄ RÔMA, Nghi thức an táng, Uỷ ban Phụng tự trực thuộc HĐGM VN, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2014, tr. 48.
Tác giả bài viết: Xuân Giang
Nguồn tin: http://gpbuichu.org
Ý kiến bạn đọc