Chúa Nhật Chúa Chiên Lành và tranh của Sybil Parker

Chủ nhật - 30/04/2023 08:33 768 0
 
Sybil C. Parker, “The Door of the Fold” 1895 



Chúa Nhật IV Phục Sinh được gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành” vì đó là chủ đề của Tin Mừng hôm nay.

Trước đây Tin mừng của Chúa nhật này nằm ở Chúa nhật thứ Ba Phục sinh, nhưng trong quá trình duyệt lại các sách Bài đọc sau Công đồng Vatican II, Tin mừng Chúa nhật Chúa Chiên Lành được lùi lại sau một tuần để các tín hữu có thể nghe được nhiều hơn về những lần Chúa hiện ra với các Tông đồ (chẳng hạn Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus).

Hôm nay cũng đánh dấu một sự thay đổi trong các bài đọc Tin Mừng sau Phục sinh. Trong khi hai Chúa nhật trước tập trung nhiều hơn vào các sự kiện cụ thể về những cuộc hiện ra sau khi Chúa Giêsu Phục sinh, thì hôm nay cũng như các Chúa nhật sắp tới, Tin mừng chuyển sang những lời dạy của Chúa Giêsu về việc Ngài sắp Thăng Thiên và ơn của Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống. Các Bài đọc I, trích từ sách Tông đồ Công vụ, luôn là những tường thuật lịch sử về đời sống của Giáo hội.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Nhân Lành, người canh giữ đàn chiên, cũng là một chủ đề thuộc giáo hội học: đây là thần học về Giáo hội. Giáo hội là chuồng chiên của Đức Kitô. Không có con chiên nào đơn độc: con chiên nào đi lạc khỏi bầy, khỏi chuồng, sẽ gặp nguy hiểm. Con chiên đó không tự do để “xác định khái niệm về sự tồn tại của chính mình, về ý nghĩa, về vũ trụ và về mầu nhiệm của cuộc sống con người”. Con chiên bị lạc, bị lộ điểm yếu và gặp nguy hiểm. Nó cần được giải nguy và cứu thoát.

Cần có một trật tự đối với chuồng chiên, và chính người Mục Tử Nhân Lành duy trì trật tự đó. Người ấy là người gác cổng, mở ra… và đóng lại. Tiếng nói của Người là chuẩn mực: chiên “nghe tiếng Người” và đi theo Người. Chiên biết lắng nghe tiếng nói quen thuộc mà chúng biết, chắc chắn đó không phải âm thanh quyến rũ của người lạ.

Khi tập hợp và canh giữ chiên trong chuồng, người Mục Tử Nhân Lành không đàn áp tự do hoặc chà đạp lên “quyền tự chủ” của chúng. Người Mục Tử và Cánh Cửa chuồng bảo đảm cho sự an toàn của đàn chiên, không phải vì những điều trói buộc đầy ác ý mà “để chúng được sống và sống dồi dào hơn”. Như Bài đọc II đã đề cập, Chúa Kitô là “Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1Pr 2, 25), Đấng đã đưa anh em trở về từ nơi lạc lối.

Hình ảnh người mục tử có một truyền thống lâu đời và trộn lẫn trong Kinh thánh. Chúng ta nghe thấy âm vang của hình ảnh đó trong Thánh vịnh đáp ca - “Chúa là mục tử chăn dắt tôi” (Tv 23). Những người chăn chiên đã xuất hiện ở Bêlem. Kinh Thánh cũng công nhận những mục tử xấu, những người mà hôm nay Chúa Giêsu gọi là “kẻ trộm cướp” chỉ đến chia rẽ và làm đảo lộn bầy chiên. Ở nơi khác, Chúa Giêsu nói rõ chiên là “của Ngài”, chúng thuộc về Ngài, và chính mối quan hệ đó - chứ không phải mối quan hệ của kẻ làm thuê - mới tạo nên Người Mục Tử Nhân Lành.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về cách con chiên phải hành động, nhưng đó cũng là bài học quan trọng cho các mục tử: giám mục, linh mục, tất cả những người có vai trò lãnh đạo trong Giáo hội. Trách nhiệm của họ giống như Người Mục Tử Nhân Lành, nói lên tiếng nói của mình và bảo vệ sự toàn vẹn của đàn chiên, và là người dẫn đầu.

Nghịch lý thay, Chúa Giêsu vừa là Mục Tử vừa là Chiên. Ngài là “Chiên Con của Cha”, chiên con không tì vết, được dâng trên thập giá, là Đấng xóa bỏ tội lỗi thế gian.

Chủ đề này được ghi lại trong bức tranh của họa sĩ người Anh, Sybil Parker, cuối thế kỷ 19. Bức tranh sơn dầu “The Door of the Fold”, “Cửa Chuồng Chiên” của Sybil Parker từ năm 1895, miêu tả Chúa Giêsu trong vai trò người gác cổng, người mở cánh cửa chuồng chiên. Bên dưới bàn tay phải của Ngài — bàn tay uy quyền — là năm con cừu mạo hiểm ra ngoài, hòa mình vào môi trường nhưng tin tưởng vào Người lãnh đạo của chúng. Cạnh chân trái của Ngài là một con chiên đang nằm trong thư thái (xem Tv 4,8). Trên tay trái, Chúa Giêsu đang ôm một con chiên nhỏ, con chiên bị mất được tìm thấy? Chúa Giêsu âu yếm nhìn vào những con vật của mình.

Những phần khác của bức tranh diễn tả mối tương quan giữa vị Mục Tử Nhân Lành và vai trò của Ngài như con chiên bị hiến tế của Thiên Chúa. Trên vai của Chúa Kitô, thanh gỗ của chuồng chiên tạo thành một cây thánh giá. Bên trái là những thành phần trong cuộc khổ nạn của Ngài: ngọn đồi đá của Calvê, chiếc áo choàng đỏ, dòng chữ khắc. Sự thanh khiết của khung cảnh – Chúa Kitô mặc áo trắng, được giặt trắng như lông cừu, tương phản với màu sắc mạnh mẽ của áo choàng đỏ: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1, 18).

Trên thanh rui mái nhà là nho và lúa mì, ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể, nơi sự hiến tế được kéo dài mãi mãi. Hai con chim bồ câu nép mình trong thanh gỗ nhắc nhở chúng ta về đôi chim gáy được dâng lên trong lễ Dâng Chúa vào đền thờ, lễ vật hy sinh theo quy định dành cho người nghèo (Lv 14,22; Lc 2, 24).

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn tin: https://www.hoangcatholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây