Một dạng nghèo khó tinh tế hơn
Chúa Giêsu đã hứa rằng trong đời sau, sẽ có sự đảo ngược, người đứng cuối sẽ đứng đầu, thì tôi mong là những người này...
Có những cách bị loại trừ trong đời khác nhau.
Đầu năm nay, một trong các anh lớn của tôi qua đời. Theo mọi tiêu chuẩn, anh đã sống một cuộc đời gương mẫu, chủ yếu sống vì người khác. Anh chết trong tình yêu thương tha thiết của mọi người quen biết anh. Cuộc đời anh sống vì gia đình, cho Giáo hội, cho cộng đồng và bạn bè.
Khi giảng trong tang lễ của anh, tôi chia sẻ, trong khi anh luôn đem lại nụ cười và sự phúc hậu, nhiều lúc là cả sự hóm hỉnh, nhưng ẩn sâu trong lòng, đôi khi anh phải cố gắng lắm để luôn làm như thế. Vì sao? Vì dù anh đã dành trọn cuộc sống trưởng thành để phục vụ người khác, nhưng phần lớn trong đời, anh không có nhiều lựa chọn trong những chuyện đó. Câu chuyện của anh tôi là thế này.
Anh là một trong số anh lớn trong nhà, thuộc gia đình nhập cư đông con thế hệ thứ hai, vật lộn với nghèo đói ở một vùng nông thôn hẻo lánh tại vùng đồng cỏ Canada, nơi không dễ để đi học vào thời đó. Cho nên, với anh và những người đồng trang lứa, cả nam và nữ, dự tính bình thường là sau khi học xong tiểu học thì nghỉ học và bắt đầu làm việc phụ giúp gia đình. Thêm nữa, khi anh học xong tiểu học, lúc đó cũng không có trường trung học để anh học tiếp. Đáng tiếc hơn, có lẽ anh là người có thiên tư và sáng láng nhất nhà. Không phải anh không muốn tiếp tục học, nhưng vào thời đó, anh làm những gì mà hầu hết những người đồng trang lứa của anh làm, nghỉ học và bắt đầu làm việc, góp hết tiền lương hàng tháng để phụ giúp gia đình. Anh đã làm thế với tâm hồn vui vẻ, biết rằng đây là điều mình được mong chờ để làm.
Suốt thời gian từ lúc bắt đầu đi làm năm 16 tuổi, cho đến khi tiếp quản nông trại của gia đình năm ba mươi mấy tuổi, anh đã làm nông, làm thợ nề, và đủ thứ nghề, từ lái máy xúc cho đến lái xe tải. Hơn thế nữa, khi bố mẹ chúng tôi qua đời và anh tiếp quản nông trại, anh bị áp lực phải giữ nông trại này để nuôi sống gia đình trong nhiều năm trời. Đến lúc anh được ra khỏi trách nhiệm này thì cũng đã quá muộn để anh đi học lại. Những năm trước khi anh nghỉ hưu, anh hăng hái tham gia các chương trình giáo dục và mục vụ giáo dân, giúp anh được hăng hái về cảm xúc và phát triển về tri thức. Một phần hy sinh của anh là anh chưa hề kết hôn, không phải vì anh thích độc thân, mà vì những chuyện đã ràng buộc anh với bổn phận, làm cho anh không bao giờ có đủ cơ hội để kết hôn.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của anh trong bài giảng, có vài người đã nói với tôi: Anh tôi cũng thế! Chị tôi cũng thế! Bố tôi cũng thế! Mẹ tôi cũng thế!
Từ nhỏ đã thấy người anh của mình như vậy, nên ngày nay, hễ thấy ai làm những công việc phục vụ như nấu ăn trong căn-tin, quét dọn nhà cửa, cắt cỏ, làm thợ nề, làm lao công và những công việc tương tự, tôi thường tự hỏi, họ có giống anh mình không? Họ có chọn làm công việc này hay họ làm vì hoàn cảnh bắt buộc? Người này có muốn làm bác sĩ, nhà văn, giáo viên, doanh nhân hay CEO, rồi cuối cùng lại phải làm công việc này vì kinh tế hay vì hoàn cảnh nào đó? Đừng hiểu lầm ý tôi. Những công việc đó không có gì là hạ giá hay kém cao quý cả. Thật sự là làm việc tay chân có lẽ là công việc lương thiện nhất, không như công việc của tôi trong cộng đồng hàn lâm, rất dễ vị kỉ và gần như là không thích đáng. Làm việc tay chân có một phẩm giá cao quý, như anh tôi đã có. Tuy nhiên, dù tầm quan trọng và phẩm giá của công việc đó, hạnh phúc của người làm việc đó đôi khi phụ thuộc vào việc họ có lựa chọn hay không, nghĩa là họ làm việc đó vì họ chọn hay là vì những yếu tố khác nhau, như kinh tế gia đình, thân phận nhập cư, thiếu cơ hội, buộc họ phải làm những việc này.
Khi thấy những người này trong cuộc sống hằng ngày, tôi cố để ý đến họ và trân trọng việc phục vụ của họ cho chúng ta. Đôi khi tôi tự nhủ: Đây có thể là anh mình. Đây có thể là chị mình. Đây có thể là người thông minh nhất nhà nhưng lại không có cơ hội để làm bác sĩ, nhà văn, y tá, giáo viên hay nhân viên xã hội. Nếu như Chúa Giêsu đã hứa rằng trong đời sau, sẽ có sự đảo ngược, người đứng cuối sẽ đứng đầu, thì tôi mong là những người này, như anh tôi, người đã bị lấy đi những cơ hội mà chúng ta có được, sẽ hiểu thấu lòng tôi với một tâm tình đồng cảm hơn cả sự thấu hiểu của tôi dành cho họ trong đời này.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
Tác giả bài viết: J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn tin: https://giaophanlongxuyen.org
Ý kiến bạn đọc