Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm B

Thứ sáu - 15/12/2023 19:13 207 0

 
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM B : GA 1,6-8.19-28
 
             
Có người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phảilà Đấng Ki-tô”. Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải” - Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp : “Không”.
            
Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” Ông nói : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho phẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói”. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.     
           
 
TÔI CÓ PHẢI LÀ MỘT CHỨNG NHÂN KHÔNG ?
 
            
Có một điều từng được Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 quan tâm đặc biệt trong dịp mừng Đại Năm thánh 2000 mà khác với những Năm thánh trước. Đó là việc tưởng niệm các vị tử đạo mới (thế kỷ 20). Và ngài khuyến khích các Giáo hội địa phương cẩn thận thiết lập danh sách, thu thập hồ sơ, chứng từ về các vị tử đạo này, để ký ức quý giá về chứng tá của các ngài khỏi bị mai một với thời gian. Đức Cha Chủ tịch “Ủy ban về các vị Tử đạo mới” cho biết : tính đến đầu tháng 10-1999, hơn 10.000 tên tuổi đã được thiết lập. Nhưng thực ra đó mới chỉ là một giọt nước rơi vào chậu thôi. Danh sách này do các Hội đồng Giám mục và các Dòng tu gửi về Ủy ban Trung ương Năm thánh 2000. Hàng trăm ngàn tín hữu Ki-tô đã chết trong các tù ngục của chính thể độc tài, các trại tập trung của Đức Quốc xã, các trại lao động cải tạo của chế độ Xô viết ; hàng trăm ngàn tín hữu khác đã chết trong các làn sóng bách hại tôn giáo tại Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Hàn..., trong các cuộc nội chiến tại Mỹ châu La-tinh và Phi châu. Đức Cha Chủ tịch nói: “Điểm nổi bật của thế kỷ này là con số lớn lao các vị tử đạo tại mỗi đại lục. Hàng trăm ngàn tín hữu Ki-tô bị giết chỉ vì họ là tin vào Chúa Ki-tô. Và cuộc tử đạo của các Ki-tô hữu trong thế kỷ này vẫn chưa chấm dứt”. Họ đã được tưởng nhớ ngày 7-5-2000 trong một buổi cử hành đại kết, quy tụ tại Đấu trường Rô-ma (Colosseum) đủ đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội từ khắp nơi trên thế giới, để gợi lên, cùng với Giám mục Rô-ma, sự phong phú của điều gọi là “công cuộc đại kết bằng giá máu”.
            
Trước thềm Năm Thánh 2025, cụ thể là hôm 5-7-2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thành lập một Ủy ban mang cùng tên, sẽ công nhận các vị Tử đạo Công giáo và các vị thuộc các hệ phái Kitô khác nữa. Mục tiêu của Ủy ban này là lập một danh mục tất cả những ai đã đổ máu kể từ năm 2000 để tuyên xưng Chúa Kitô và làm chứng cho Tin Mừng. Đức Thánh Cha giải thích tầm quan trọng việc này như sau: “Các vị tử đạo trong Giáo hội là những chứng nhân của đức cậy được bắt nguồn từ đức tin vào Đức Kitô và khơi dậy đức ái đích thực. Niềm hy vọng duy trì xác tín sâu xa rằng điều thiện mạnh hơn sự ác, bởi vì Thiên Chúa trong Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết… Ủy ban sẽ tiếp tục việc nghiên cứu, vốn đã khởi sự dịp Đại Năm Thánh 2000, để xác định những Chứng nhân Đức tin trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ này, và sẽ tiếp tục trong tương lai.” Ngài còn cho biết thêm: “Trong Năm Thánh sắp tới [2025], chúng ta cũng sẽ hiệp nhất với nhau trong cùng một cuộc cử hành đại kết như vậy”.
            
1. Trở thành chứng nhân là điều khẩn thiết
            
Các vị tử đạo chính là các chứng nhân của Đức Ki-tô, y như Gio-an Tẩy giả đã là “chứng nhân” của Người. Ý tưởng này có đánh động chúng ta không ? Cuối Tin Mừng của mình, Gio-an sẽ nói ông đã là một chứng nhân, và lúc Tin Mừng Luca kết thúc, Đức Giê-su cũng bảo : “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”. Phải tin rằng đó là điều quan trọng.
            
Chứng nhân mạc khải một cái gì đó, ông biết, ông bày tỏ sự hiện hữu và tầm quan trọng của một ai đó. Đấy là điều Gio-an Tẩy giả đã làm đối với Đức Ki-tô. Ông đã khiến người ta ngạc nhiên, ông đã kích thích cơn sốt đợi chờ của họ, nỗi đợi chờ cảm thấy ngay từ câu hỏi đầu tiên của người Do-thái : “Ông có phải là Đấng Ki-tô không? Nói đi nào ! Nói đi nào !” Gio-an Tẩy giả biết rõ họ đang nghĩ đến cái gì và bấy giờ chứng từ của ông vang dội : “Không phải! Nhưng có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Đất đã chuẩn bị. Khi ngày hôm sau, ông chỉ một người mà nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa”, thì các môn đệ tiên khởi đã lập tức đi theo con người này, và đến lượt mình, họ cũng đã trở thành các chứng nhân : “Đức Ki-tô đã tới !”
            
“Đức Ki-tô đã tới” nhưng nhiều người có biết đâu. Một số đợi Người cách mơ hồ, họ cảm thấy có quá nhiều chuyện gây thất vọng và khắc khoải trong đời mình, trong thế giới. Chính nỗi mong đợi ngấm ngầm ấy được phụng vụ Mùa Vọng nhắc lại và nhấn mạnh ; nhưng cả năm, mọi ngày, nhiều con người chờ đợi một sự cứu rỗi, một Đấng cứu thế. Phúc cho họ nếu gặp được nhiều chứng nhân. Phải chăng tôi là một chứng nhân như vậy ?
            
Chúng ta chắc đã cảm thấy tiếng gọi đó, ít nhất một lần trong đời : làm tông đồ, làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Nếu nhiệt thành này thiu ngủ, thì trang Tin Mừng hôm nay có thể đánh thức dậy. Chúng ta có trước mắt chứng nhân đầu tiên, chứng nhân mẫu mực : Gio-an Tẩy giả.
            
Ông đã gây kinh ngạc. Phải chăng có một cái gì đó trong tôi khiến những người thân cận kinh ngạc ? Phải chăng tôi biểu lộ đức tin đủ để thiên hạ cảm thấy bị thúc đẩy hỏi tôi : “Bạn là ai ? Bạn có ai trong đời mình ?” Điều đó sẽ chứng minh rằng tôi là một bảng quảng cáo tốt cho Đức Ki-tô, là lời loan báo về một cái gì đó, về một người nào đó : “Ở giữa anh em có một đấng. Người đang có mặt trong các cuộc đấu tranh, trong các niềm hy vọng, trong các cách yêu thương của anh em” - “Ai thế ?” - “ Đức Giê-su Ki-tô !” - “Hãy nói cho chúng tôi biết Người”.

2. Biết nêu chứng từ là điều quan trọng
            
Lúc ấy bắt đầu giây phút khó khăn của chứng từ trực tiếp : biết nói về Đức Giê-su Ki-tô. Thiệt hại biết bao nếu chúng ta không đủ lời. Để làm chứng nhân, cần phải biết và các phương tiện được cung cấp rộng rãi cho chúng ta : sách báo, học khóa, giáo lý thính thị. Bảo “mình không biết” mà rồi chẳng cố gắng gì cả thì đúng là muốn làm một chứng nhân tồi. Nhiều Ki-tô hữu rất có học thức và đầy niềm tin nhưng dốt giáo lý đến độ luôn tỏ ra lúng túng khi được một người ngoại giáo hay một tín hữu bình dân hỏi. Họ đã chẳng đọc sách nào về đức tin, cuốn Kinh thánh tuyệt đẹp của họ không bao giờ được mở, các lập trường luân lý hiện nay của Giáo Hội hay sự tiến triển của phụng vụ làm họ bối rối nhưng họ chẳng cố gắng thu thập tài liệu cho mình như vẫn làm trong bất cứ lãnh vực nào khác. Cá tính cũng như văn hóa của họ gây ấn tượng đến độ chúng ta có khi phải tự nhủ : họ đã có thể làm chứng cho Đức Ki-tô mạnh mẽ đến chừng nào. Tiếc thay!
            
Tuy nhiên, đừng đấm ngực hay chỉ tiếc thay cho người khác. Vấn đề là chính bản thân chúng ta. Ta có chắc mình biết Đức Giê-su không? Các phản ứng gây nên bởi nhiều cuốn sách mới trong các thập niên gần đây, như cuốn “Jésus” của Jacques Duquesne hoặc bộ “Jesus of Nazareth” của Joseph Ratzinger (ĐGH Benedict XVI) chẳng hạn, đã cho thấy rằng chúng ta hết thảy phải nỗ lực để hiểu biết Người hơn nữa.
            
Vì sao? Vì việc nghiên cứu về Người thường xuyên tiến triển theo văn hóa thời đại. Chúng ta sẽ khám phá ra những khía cạnh của bản thân và hoạt động Người hợp với não trạng chúng ta hơn, đối với một số, hay trái lại gây hoang mang hơn, đối với số khác. Chẳng hạn các phép lạ, các khác biệt giữa bốn Tin Mừng, hay cuộc tranh luận thường xuyên giữa Đức Giê-su của lịch sử và Đức Giê-su của niềm tin.
            
Đứng bên ngoài các cuộc tranh luận ấy chứng tỏ mình không say mê Đức Giê-su Ki-tô cho đủ. Ai yêu mến Người thì sẽ muốn biết tất cả về những kiến thức hôm qua và những khám phá hôm nay về Người. Một nữ tín hữu trẻ đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn : “Tôi sẽ lê gót bất cứ nơi nào có thể học thêm một cái gì đó về Đức Giê-su”.
            
Dĩ nhiên, chúng ta không muốn khẳng định rằng người ta tự động trở nên một chứng nhân tốt nhờ mải miết trau dồi kiến thức đạo. Nếu duy trì đức tin chúng ta ngang mức độ kiến thức đời  của ta là chuyện tuyệt đối cần thiết, thì dẫu sao đó chỉ là một khía cạnh của chứng từ chúng ta. Chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô đặc biệt là một con người sống nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Và điều này phải thấy cho được !
            
Bạn muốn bày tỏ Đức Giê-su là niềm hy vọng của loài người ? Bạn sống niềm hy vọng ấy ra sao ? có chấp nhận mọi gian khổ để bảo vệ những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời, hay chỉ biết luồn cúi, quỵ lụy để “được việc”, để thành công trong chuyện tổ chức và xây cất hiện tại, thay vì “đúng việc” xứng tư cách mục tử ? Bạn muốn minh chứng Đức Giê-su Ki-tô mang đến tình yêu ? Bạn tỏ ra huynh đệ như thế nào ? có liều mình gánh chịu muôn vàn khó khăn, khó dễ để bênh vực cho các nạn nhân của bất công, ngược đãi ? để công khai và tập thể lên tiếng chống lại nạn phá thai, án tử hình, tệ tham nhũng…? Bạn muốn công bố Đức Giê-su Ki-tô là sự thật ? Bạn có can đảm cất tiếng chống lại những sai lầm, gian dối trong thế gian, nơi các chủ nghĩa trá ngụy, và tìm mọi cách (kể cả đấu tranh, đấu tranh ôn hòa) để có thể phổ biến rộng rãi Tin Mừng, học thuyết Giáo Hội, có thể giáo dục được mọi tầng lớp thanh thiếu niên ? Bạn muốn giới thiệu Đức Giê-su Ki-tô như Nhà giải phóng ? Bạn tỏ ra tự do trước cường quyền như thế nào, trước “mưu đồ thao túng Ki-tô hữu bằng ân huệ hay bằng dọa nạt” ra sao ? có dám mạnh mẽ phản đối những trói buộc bất công, những hạn chế quá đáng, những quy định ngặt nghèo, những luật lệ nhằm biến tôn giáo thành một công cụ ngoan ngoãn?


 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây