Cộng đoàn Giuse- Hòa Khánh

Thứ tư - 11/10/2023 23:29 1.102 0


CỘNG ĐOÀN GIUSE - HÒA KHÁNH
Bổn mạng: Thánh Giuse, kính ngày 19.3


I. ĐỊA CHỈ
Nhà thờ Hòa Khánh,
50 Nguyễn Lương Bằng,
Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
(: 077.452.7873

Email: mtghk06@gmail.com

II. LƯỢC SỬ

Trước năm 1966, chiến tranh, giao thông liên lạc khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của các em ở Cô Nhi viện Trà Kiệu. Chị Maria Placidie Huỳnh Thị Tính, Giám đốc Cô Nhi viện Trà Kiệu, xin chuyển một số cô nhi từ Trà Kiệu về Giáo xứ Phước Thành[1], thuộc thôn Đa Phước, xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang[2].

Tháng 7.1966, được sự đồng thuận của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng và cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, cha sở Giáo xứ Phước Thành, chị Placide đã giao cho chị Albertine Nguyễn Thị Thôi và chị Alice Nguyễn Thị Lợi dẫn 20 em cô nhi từ Trà Kiệu về Phước Thành. Lúc bấy giờ, một nhà trại đơn sơ được dựng lên trên mảnh đất gần Nhà thờ Phước Thành[3]. Sau hơn hai năm, nhờ sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, một khối nhà hai tầng được hình thành, nhu cầu sinh hoạt ổn định.
Năm 1969, cơ sở này được thành lập với tên gọi Cô Nhi viện Phước Thành - Hòa Khánh với tổng diện tích khuôn viên 28.000m² (70m x 400m). Chị Maria Placidie Huỳnh Thị Tính làm Giám đốc.
Năm 1970-1971 Cô Nhi viện có sáu nữ tu điều hành và chăm sóc cho 250 em cô nhi; gồm các chị: Placidie, Albertine, Agnès, Angélique, Cyrilla, Calvaire.

Năm 1977, Ty Thương Binh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến làm việc với chị Placidie để tiếp thu Cô Nhi viện theo chính sách Nhà nước. Tài sản và nhà cửa phải giao trọn cho Ty Thương Binh. Giấy tờ bàn giao có chữ ký của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục giáo phận Đà Nẵng, cha Gioakim Trần Kim Thượng, cha sở Giáo xứ Hòa Khánh và chị Placidie Huỳnh Thị Tính, Giám đốc Cô Nhi viện Phước Thành – Hòa Khánh.

 


Nhà cửa không còn, các em cô nhi tứ tản. Chị em rất hoang mang. Đứng trước tình thế khó khăn này, chị Claire Thái Thị Xuyên, phụ trách Phước viện Trà Kiệu, đã đến an ủi chị em, giúp viết đơn khiếu nại gởi Ban Thanh Tra và các cấp chính quyền tại Đà Nẵng, Hà Nội

Khi đến ngày Ty Thương Binh tiếp quản, chị em được lệnh ra khỏi nhà, giao chìa khóa. Các em cô nhi và tài sản bị chuyển về Đà Nẵng. Chị em khăn gói ra khỏi nhà, dựng lều trước cổng, sống trong cảnh màn trời chiếu đất 40 ngày. Trong thời gian này, chị em vẫn tiếp tục gởi đơn khiếu nại và được chính quyền mời làm việc nhiều lần. Chị em sống trong hy vọng, đêm ngày cầu nguyện và chờ đợi.

Sau nhiều lần làm việc với Ban Thanh tra Đà Nẵng, nhà nước thỏa thuận với các chị, Giáo xứ Hòa Khánh[4] và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng[5]: Trường Đại học xây căn nhà cấp 4, diện tích 120m2 đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 8 nữ tu trên phần đất phía sau Nhà thờ Hòa Khánh. Trong khi chờ đợi nhà mới được hoàn thành, chị em tạm thời vào ở lại nhà cũ, tức cơ sở Cô nhi Phước Thành.

Ngày 30.5.1980, chị Placidie Huỳnh Thị Tính và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ký nhận thỏa thuận đã hoàn thành. Các chị chuyển chỗ ở qua nhà mới để bắt đầu một giai đoạn mới với những sinh hoạt mới. Cha Phêrô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh thay mặt Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm phép nhà mới với sự tham dự của một số cha trong Địa phận cùng với Mẹ Gabrielle Lê Thị Phi Hường, một số khách thân quen và chị em trong cộng đoàn.
Cùng chung với mọi người trong hoàn cảnh xã hội giai đoạn này, các chị em tại công đoàn đã trải qua thời gian hết sức khó khăn về kinh tế và điều kiện sống. Các chị phải làm đủ nghề để sinh sống: làm rẫy ở Hòa Ninh, làm bánh tráng, vấn thuốc lá, mành trúc, trồng hoa,…. một số em cô nhi đã lớn cũng trở về ở trong cộng đoàn. Năm 1988, nhà xuống cấp, nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân, chị Placidie đã xây dãy nhà mới 414m2.
 


Từ 1988 - 2008, cùng với hoàn cảnh xã hội đổi mới, khu công nghiệp Hòa Khánh được thành lập, các gia đình công nhân, viên chức quy tụ về và định cư ở Hòa Khánh để tiện việc làm ăn sinh sống. Năm 2006, thành phố Đà nẵng phát triển tạo nên việc di dời giải tỏa các hộ dân nằm trong qui hoạch. Nhiều gia đình trong khu qui hoạch bị giải tỏa và nhiều gia đình từ các vùng khác trong thành phố đến nhập cư ở Hòa Khánh. Thành phần vãng lai gồm sinh viên, công nhân đến sinh hoạt ngày thêm đông. Do đó, cộng đoàn đã mở rộng lãnh vực mục vụ và phục vụ xã hội.

Về mục vụ giáo xứ, vẫn tiếp tục dạy giáo lý cho thiếu nhi và tân tòng; bên cạnh đó, các chị còn giúp lo phòng thánh, trang trí cắm hoa bàn thờ và tập hát cho ca đoàn, trao Mình Thánh Chúa, đọc kinh liên gia, thăm viếng người neo đơn, bệnh tật, khó khăn tại các gia đình và bệnh viện; Về mục vụ giáo dục, cộng đoàn đã mở dạy nhóm trẻ gia đình từ năm 1994, ký túc xá dành cho các em nội trú cấp I và II có cả nam lẫn nữ. Từ năm 2002 ký túc xá chỉ dành cho các sinh viên nữ. Ngoài ra, các chị có nhận các em dự tu tại cộng đoàn đang học cấp 3 và sinh viên. Cùng năm này, cộng đoàn mở quán cơm sinh viên vừa để có chút thu nhập trang trải cho cộng đoàn, vừa để giúp các sinh viên nghèo, lao động nghèo, nuôi các em cô nhi trong nhà, tạo công việc làm cho các em cô nhi đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống chưa ổn định.
Năm 2007, cộng đoàn đã nâng cấp tầng lầu dãy nhà đã nói trên gồm 6 phòng để thuận lợi cho sinh hoạt của chị em. Đồng thời, cộng đoàn mở rộng nhà trẻ để phát triển việc giáo dục mầm non.

Vào tháng 9.2007, khởi công xây thêm dãy nhà trẻ với diện tích 312m2. Bên cạnh đó cũng mở rộng nhà lưu trú sinh viên nhằm hỗ trợ các sinh viên nữ có điều kiện thuận lợi để học tập. Qua đó, giúp các em những kỹ năng sống, biết đảm đương cuộc sống. Riêng các em sinh viên Công giáo được có điều kiện thực hành đức tin qua việc đi lễ, tham gia đoàn thể sinh viên công giáo.
Năm 2010, cộng đoàn đóng cửa quán cơm. Tu sửa, bố trí lại nhà cửa, phòng ốc nhà trẻ cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội.

Năm 2014, các chị lập phòng bán ảnh tượng, sách báo và các đồ phụng tự Công giáo cho giáo dân trong giáo xứ.

Vì nhu cầu của giáo xứ, ngày 07.10.2016, cộng đoàn đã nhường 600m2 đất ở phía sau để giáo xứ làm nhà an bình.

Cùng với đà tiến của xã hội, cộng đoàn có nhu cầu phát triển giáo dục mầm non, nhưng nhà trẻ đã xuống cấp và không đủ tiêu chuẩn. Cộng đoàn trình bày với giáo quyền và Hội dòng để xin xây dựng lại nhà trẻ. Quá trình xin phép đòi phải có giấy tờ cơ sở. Mặt bằng đất Cộng đoàn Hòa Khánh đang ở từ thời cha cố Gioakim Nguyễn Kim Thượng đến nay đã có giấy xác nhận của Đức cố Giám mục Phanxicô Xavie Nguyễn Quang Sách và cha cố Gioakim Nguyễn Kim Thượng. Lúc này, Hội đồng Mục vụ giáo xứ xét không hợp lệ, nên yêu cầu làm giấy hợp đồng 50 năm, sau đó hết hạn bổ sung tiếp. Theo đó, chị Phụ trách Lucia Kim Cúc đã chỉnh sửa văn bản và sáng thứ 4, ngày 28.8.2019, văn bản được cha F.X Nguyễn Ngọc Hiến, cha sở đương nhiệm và ông Anrê Nguyễn Phú chủ tịch Hội đồng giáo xứ đóng dấu, ký xác nhận lại giấy sử dụng đất, thời hạn 50 năm kể từ ngày ký theo ý muốn của giáo xứ.

Sau bao nỗ lực và cố gắng, ngày 01.02.2021, cộng đoàn đã hoàn thành bản vẽ thiết kế thi công và giấy phép xin xây dựng Trường Mầm non Bông Hồng.

Hiện tình:

- Nhân sự: 6 Khấn sinh
Hiện nay, các chị em tại Cộng đoàn Hòa Khánh tiếp tục công việc phục vụ:

- Mục vụ Giáo xứ
-  Giúp lo phòng thánh,
-  Cắm hoa, trang trí bàn thờ,
-  Dạy giáo lý cho thiếu nhi và tân tòng,
- Tập hát cho ca đoàn,
- Trao Mình Thánh Chúa,
- Đọc kinh liên gia,
- Thăm viếng người neo đơn, bệnh tật, khó khăn tại các gia đình và bệnh viện.

- Giáo dục Mầm non
Điều hành Trường Mầm non Bông Hồng.
120 trẻ Mầm non gồm các lớp: Nhà trẻ, Mầm, Chồi và Lá.
Với sự cộng tác của
-  10 giáo viên hợp đồng
-  02 cấp dưỡng (hợp đồng)
Ngoài ra, các chị còn giúp dạy giáo lý ở Giáo xứ Phú Hạ vào ngày Chúa Nhật.

PHỤ TRÁCH CỘNG ĐOÀN
-  Năm 1968 – 1999: Chị Maria Placidie Huỳnh Thị Tính (theo sổ chia xứ)
-  Năm 1999 – 2002 : Chị Anna Delphine Lê Thị Tài
-  Năm 2002 – 2009 : Chị Maria Consolata Trần Thị Bích Ngọc
-  Năm 2009 – 2013 : Chị Macta Võ Thị Kim Chi
-  Năm 2013 – 2014 : Chị Têrêsa Nguyễn Thị Dung
-  Năm 2014 – 2016 : Chị Maria Đoàn Thị Hồng
-  Năm 2016 –     : Chị Luxia Huỳnh Thị Kim Cúc

III. THAY LỜI KẾT

Qua 55 năm hiện diện tại Giáo xứ Hòa Khánh, theo thời gian, các thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá đã tận tụy thực hiện sứ mạng của Dòng. Qua mỗi công tác, chị em cố gắng giới thiệu Chúa cho các đối tượng mình phục vụ. Điều chị em tâm niệm là xây dựng cộng đoàn hiệp nhất yêu thương để làm chứng cho lời mình rao giảng và trong công tác mục vụ truyền giáo, tìm cách huấn luyện nhân sự để cộng tác phục vụ giáo xứ được hữu hiệu. Hiện tại, ngoài việc mục vụ giáo xứ, cộng đoàn sẽ dự kiến phát triển giáo dục mầm non đáp ứng với nhu cầu của địa phương; mở lớp năng khiếu đàn, ngoại ngữ cho sinh viên và thiếu nhi, tìm kiếm ơn gọi qua  việc tiếp nhận sinh viên nội trú. Xin Chúa tiếp tục đồng hành, dẫn dắt cộng đoàn trong mọi sinh hoạt để chị em có thể chu toàn sứ vụ được trao phó. “Tạ ơn Chúa, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì người đã tín nhiệm gọi tôi đến để phục vụ Người.” (1Tm 1,12).
 
 

[1] Năm 1964, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, cha sở Phú Hương, đưa giáo dân đi tránh bom đạn. Nơi bằng phẳng nhất tại vùng cát trắng của thôn Đa Phước, xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang là nơi được chọn làm điểm dừng chân và tìm kế sinh nhai lâu dài cho đoàn giáo dân Phú Hương và lập nên Giáo xứ Phước Thành. Sau đó một số các giáo xứ từ các vùng thôn quê mất an ninh cũng tiếp tục được các cha sở đưa giáo dân về Đa Phước lập cư, các giáo xứ được thành lập: Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Tân, Phước Xuân, Phước Hà và hai Giáo xứ Phú Lộc, Hòa Mỹ dành cho các gia đình binh sĩ.
[2] Thời kỳ này xã Hòa Khánh thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà. Ngày 23.01.1997, quận Liên Chiểu được thành lập gồm 03 xã: Hòa Hiệp, Hòa Khánh và Hòa Minh. Ngày 02.3.2005, phường Hòa Khánh được chia thành hai phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam.
[3] Năm 1977, Nhà nước trưng thu Cô Nhi viện, giao cho Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Nay khu đất Cô Nhi viện thuộc khuôn viên khu A Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, 54 Nguyễn Lương Bằng, Hòa Khánh Bắc.
[4] Sau năm 1975, giáo dân các giáo xứ vùng Đa Phước, Hòa Khánh đã hồi cư về quê cũ, hoặc đi nơi khác lập nghiệp, nên các giáo xứ bị giải thể. Một số gia đình giáo dân thưa thớt còn ở lại không quá 150 người, quây quần chung quanh Nhà thờ Giáo xứ Phước Thành. Trước tình hình đó, tên gọi Giáo xứ Hòa Khánh ra đời.
[5] Trường nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), được thành lập vào tháng 7/1975, với tên gọi ban đầu là Viện Đại học Đà Nẵng. Tháng 10/1976, Viện Đại học Đà Nẵng gọi là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Năm 2004, gọi là Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.
 

Tác giả bài viết: BVH

 Tags: Lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây