Lược sử cộng đoàn cô nhi viện Xuân Tâm

Thứ sáu - 04/06/2021 21:08 2.883 0
CỘNG ĐOÀN BÊLEM ĐỒNG TÂM XUÂN LỘC

Bổn mạng: Lễ Mẹ Hồn xác lên trời 15.8 

 
2021 06 05 cnv


 
 
I. VỊ TRÍ & LIÊN LẠC

          Cộng đoàn  Bêlem Đồng Tâm,  Hộp thư 15 Bưu điện Xuân Tâm, Căn cứ 2, Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai.
          Điện thoại:  (0251) 3758.366 , 0904171440.
          Email:   cddongtam@yahoo.com.vn

   II. LƯỢC SỬ
         
Tiền thân Cộng đoàn Đồng Tâm Xuân Lộc là Cô Nhi Viện Vân Côi Chu Lai. Cô Nhi Viện Vân Côi đã được thành lập năm 1967[1] tại Thanh Trà, Chu Lai, Lý Tín, Quảng Tín (nay thuộc thôn Thanh Trà, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).[2]  
         
Ngày 06 tháng 5 năm 1965, căn cứ quân sự Chu Lai được thành lập, chiến tranh xảy ra nhiều nơi trong vùng. Người dân trong vùng chiến tranh tản cư về Chu Lai, trong đó có số đông giáo dân. Cha Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc chăm sóc mục vụ cho số giáo dân này. Trong đoàn dân di cư về Chu Lai có một số trẻ em bị lạc cha mẹ, cha mẹ bị chết trong chiến tranh hoặc từ nhiều hoàn cảnh khác, do đó, cha Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc lập một Cô nhi viện tại Chu Lai với tên gọi là Cô nhi viện Vân Côi và giao cho các chị Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn chăm sóc. Theo sổ chia nhân sự các nhiệm sở của Hội dòng, chị Cécile Dorothée Nguyễn Thị Mau là người phụ trách đầu tiên Cô nhi viện Chu Lai từ 1967-1969. Kế tiếp là chị Marie Hélène Nguyễn Thị Nhi (Thu Cẩm) phụ trách từ năm 1969-1975 và di cư vào Đồng Tâm (1975-1987).
         
Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, cha Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc đưa một số giáo dân thuộc giáo xứ Chu Lai, giáo xứ Phước Tường, giáo xứ An Hòa của giáo phận Đà Nẵng và số các em cô nhi lớn tuổi thuộc Cô nhi viện Vân Côi (thường gọi là Cô nhi viện Chu Lai) vào lập nghiệp tại Ấp 1, xã Xuân Tâm, Xuân Lôc, Ðồng Nai ngày nay. Trong số đất cha đã trưng để xây dựng cơ sở cho giáo xứ, cha dành cho Cô nhi viện thửa đất có diện tích 3.146,6 m², giáp đường Quốc lộ.
         
Trong cuộc chiến Mùa Xuân năm 1975, khoảng giữa tháng 3.1975, các chị đưa các em cô nhi ra Đà Nẵng để chờ tàu đưa các em di tản. Tuy nhiên chỉ được hai chuyến tàu xuất bến, số còn lại phải về tạm tá túc tại nhà xứ Thanh Đức, Đà Nẵng, liền sau đó trở về Chu Lai sống vá víu qua ngày. Lúc bấy giờ, phần lớn người dân ở Chu Lai về quê, một số gia đình quân nhân di tản nhiều nơi, các ân nhân tài trợ cuộc sống cho các em cô nhi không còn, lại nữa sản phẩm nông nghiệp nơi vùng cát trắng của Chu Lai không thể cung cấp đủ lương thực hằng ngày, nên Bề trên Hội dòng cho phép di dời Cô nhi viện vào đất cha Phúc đã cho cô nhi. Ngày 26.07.1975, chị Marie Hélène Nguyễn Thị Nhi (Thu Cẩm), Giám đốc Cô nhi Vân Côi, cùng với 07 chị em trong cộng đoàn đưa 42 em mồ côi[3] vào định cư tại giáo xứ Đồng Tâm thuộc Giáo phận Xuân Lộc ngày nay. Một số em nhận được thông tin của bà còn dòng tộc ở quê nên trở về sum họp với bà con tại quê nhà, vùng huyện Núi Thành, Quảng Nam ngày nay.
  
Trên thửa đất này, những căn nhà tạm được dựng thêm lên cho đủ nhu cầu. Các chị, các em cô nhi lớn bươn chải kiếm sống bằng mọi cách, từ khai hoang vỡ hóa để trồng khoai lang khoai mì, đến may vá áo quần, làm bánh tráng mì…dần dần cuộc sống tạm có cái khoai, cái bánh tráng mì no lòng qua ngày. Sau 06 năm tại Chu Lai và 12 năm tại Đồng Tâm, Bà Hélène, người mẹ chưa một ngày nghỉ ngơi vì đàn con mồ côi nheo nhóc, lúc 08 giờ 20’ ngày 27.4.1987 là thời điểm Bà không còn cười nói nhắc nhở đàn con vì hôm đó là ngày Bà ra đi về với Chúa. Thân xác Bà được đặt nằm trên chiếc giường cũ kỷ giữ căn nhà vách gỗ đơn sơ với bao tiếng gào thét của những đứa con không biết cha mẹ sinh ra mình mà chỉ biết Bà là mẹ mình. Thân xác Bà được chôn cất tại đất thánh giáo xứ Đồng Tâm.  Hằng năm, các anh chị gốc cô nhi Vân Côi ở vùng Xuân Lộc, Đồng Nai và ở Tam Thạnh, huyện Núi Thành, Quảng Nam, về ngôi nhà chung và Cô Nhi Viện Xuân Tâm làm giỗ nhớ ơn Bà.
         
Chị Marie Rosaire Nguyễn Thị Thanh Hằng, người chị em từng chung tâm góp sức với chị Hélène chăm lo các em mồ côi từ khi ở Chu Lai, thay thế chị Hélène, quán xuyến việc chăm sóc các em mồ côi và duy trì sự phát triển của cộng đoàn. Năm 1989, chị Marie Rosaire gõ cửa lòng quảng đại của các nhà hảo tâm. Chị đã xây dựng ngôi nhà mới khang trang sạch sẽ thay cho ngôi nhà cũ đã nhiều chắp vá, xiêu vẹo. Hằng năm chị tiếp nối truyền thống mừng Bổn mạng Cô nhi viện vào ngày mồng 7 tháng 10, để nhớ ơn Mẹ Mân côi, nhớ cội nguồn Cô nhi viện Vân Côi, Chu Lai.
         
Tháng 09 năm 1994, chị Marie Rosaie làm Tổng Quản lý của Hội dòng. Chị Marie Yvonne Lê Thị Thanh Tâm nhận sứ mạng phụ trách cộng đoàn Cô nhi Đồng Tâm.
         
Thời điểm này, các anh chị em gốc Cô nhi viện Vân Côi đã trưởng thành, đã lập gia đình riêng. Lúc này, trẻ em được đem đến cho Cô nhi viện ngày càng đông, đa số là con của những người mẹ trẻ sinh con ngoài ý muốn. Vì thế, nhu cầu có thêm nhà ở, có các chị chuyên môn để chăm sóc các em sơ sinh là ưu tư hàng đầu của cộng đoàn.
         
Năm 1998, chị Marie Yvonne xây dựng thêm ngôi nhà mới, đủ không gian cho sinh hoạt ngày vì nhân khẩu ngày càng tăng. Chị Marie Yvonne đã xin đổi tên của cộng đoàn là “Cộng Đoàn Bêlem Đồng Tâm” và chọn ngày 25.12 hằng năm là ngày mừng bổn mạng.[4] Nhận tên Bêlem, cộng đoàn muốn ở đây trở thành nơi sinh trưởng và lớn lên trong tình Chúa tình người của những trẻ em mồ côi. Tên gọi Bêlem - Đồng Tâm kêu mời chị em được sai đến nơi đây lấy tinh thần của “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm”, để làm mẹ của những đứa trẻ mồ côi.
         
Ngày 01.08.2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận cộng đoàn là cơ sở tôn giáo. ( Giấy chứng nhận cơ sở Tôn Giáo số 689/BTGDT – TG ngày 01/08/2007)
         
Tháng 09 năm 2009, chị Marie Yvonne tuổi đã cao, sức khỏe đã mòn sau 16 năm phục vụ cộng đoàn. Chị được thay đổi công tác, chị trở thành cây cao bóng cả, chỗ dựa tinh thần cho chị em trong cộng đoàn và các em mồ côi .
         
Ngày 25.9.2009, chị Anna Nguyễn Thị Bạch Cúc được bổ nhiệm làm phụ trách cộng đoàn.
         
Sau thời gian các chị gởi đơn xin thành lập cơ sở hoạt động xã hội và được Sở LĐTB-XH Tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép vào ngày 21/04/2011 số 807/ QĐ-UNND.
         
Số trẻ em trong cơ sở gia tăng, nhu cầu sinh hoạt càng cấp thiết. Cơ sở được quy hoạch và lập sơ đồ thiết kế tổng thể. Cùng với nỗ lực của cộng đoàn, sự hỗ trợ của Hội dòng, sự yêu thương của ân nhân xa gần, Chị Anna Bạch Cúc đã khởi công xây dựng ngôi nhà mới (01 trệt, 02 lầu) trên nền nhà trước đây đã xây dựng (33m x 11m). Công trình khởi công xây dựng vào ngày 11.05.2015 và được làm phép đưa vào sử dựng ngày 05.09.2016.
         
Sau khi có nơi sinh hoạt tạm ổn, cộng đoàn tiếp tục xây thêm 2 dãy nhà mới theo thiết kế tổng thể - ghép với ngôi nhà 03 tầng thành chữ U (1 trệt, 1 lầu - tổng diện tích sử dụng 1111.43m2 ). Công trình bắt đầu vào ngày 28.02.2017 và hoàn thành vào trung tuần tháng 08/2017. Sáng ngày 30.01.2018, cộng đoàn Bê Lem – Đồng Tâm hân hoan dâng Thánh lễ tạ ơn và làm phép ngôi nhà mới.        
         
Sau hơn 10 năm phục vụ cộng đoàn, ngày 30.8.2019, chị Anna Nguyễn Thị Bạch Cúc được thay đổi nhiệm sở.
        
 Ngày 31.8.2019, chị Madalena Trương Thị Liễn được bổ nhiệm làm phụ trách cộng đoàn.   
   
Ngày 20.10.2019, chị Madalena Liễn khởi công tu sửa cơ sở theo thiết kế, nới rộng nhà nguyện đủ cho 11 nữ tu và 52 em cô nhi lớn nhỏ và trùng tu 3 phòng ở cho các chị cao niên. Sau 01 tháng thi công, công việc trùng tu hoàn thành. Ngày 23.11.2019 cha quản xứ dâng lễ tạ ơn và làm phép nhà nguyện cho cộng đoàn.
       
Để phục vụ tốt cho các em mồ côi, Hội dòng đã cho một số chị em được đào tạo chuyên môn đến để đáp ứng nhu cầu của Cô Nhi Viện. Cho đến hôm nay cô nhi viện Đồng Tâm đã đi vào qui củ với một tổ chức đầy đủ nhân sự có chuyên môn theo đúng theo quy định của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội : Có Nhân viên xã hội, y tá, tâm lý, cấp dưỡng.
      
Các em cô nhi được phân theo nhóm tuổi để thuận tiện cho việc chăm sóc, giáo dục : 
    - Nhóm sơ sinh.
    - Nhóm 2 - 6 tuổi
    - Nhóm tiểu học,
    - Nhóm trung học,
Mỗi nhóm tuổi có 2 chị em đồng hành chăm sóc từ vệ sinh đến vấn đề giáo dục, ăn uống, học hành, y tế.
       
Cơ sở của cô nhi viện được chia thành nhiều khu vực:

- Nhà nguyện
- Nhà khách cộng đoàn
- Phòng sinh hoạt cộng đoàn
- Nhà sinh hoạt của các em trong viện.
- Nhà cơm của quí Soeurs
- Nhà cơm của các em.
- Nhà sơ sinh với nhà ngủ, chơi, vệ sinh.
- Nhà ngủ, nhà vệ sinh, nhà chơi của lứa tuổi 2-5 tuổi.
- Nhà ngủ, nhà học, nhà vệ sinh của khối lớp 6-17 tuổi dành cho nữ.
- Nhà ngủ, nhà học, nhà vệ sinh của khối lớp 6- 17 tuổi dành cho nam.
- 1 phòng thư viện.
- 1 phòng y tế.
- 1 nhà chơi với cầu tuột liên hoàn và nhà banh...do nhóm thiện nguyện Xuân Lộc trao tặng.
- Khu nhà bếp.
 
Các trẻ em được viện đón nhận không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Những em mới được đón nhận trong tình trạng ốm yếu hoặc nguy tử, chị em rửa tội và đưa đi bệnh viện khám tổng quát, xét nghiệm để biết tình trạng của từng em mà chăm sóc chu đáo hơn.

Trong công việc nuôi dưỡng các em, các chị em thường được tư vấn từ các bác sĩ , những chuyên gia tâm lý có dịp đến thăm viện. Nhờ lòng bác ái của nhiều ân nhân xa gần, các em sơ sinh được uống sữa, được các chị đưa đi bệnh viện Nhi Đồng II Sài Gòn khám định kỳ. Hằng tháng được đưa đi chích ngừa, tiêm vắc xin tại trạm y tế xã Xuân Tâm theo quy định của Bộ Y tế.  Các em được cấp dưỡng theo tuổi của mình.
 
Để trau dồi tri thức, các em được đi học ở các trường tùy theo lứa tuổi. Trường Mầm Non Xuân Tâm, Trường Tiểu học Xuân Tâm I, Trường PTTH Xuân Hưng, một số em nữ được gởi đi học nội trú tại trung tâm nội trú Trinh Vương Nha Trang do các nữ tu Mến Thánh Gía Qui Nhơn điều hành, một số em nam được gởi đi học ở các trường nội trú tại Phương Lâm, Biên Hòa, Cần Giờ do các cha Donbosco, các thầy Lasan điều hành.

Để trau dồi đức tin, các em tham gia học giáo lý ở giáo xứ, tham gia ca đoàn, lễ sinh…
         
Mỗi dịp hè, các em được đưa đi tham quan, tắm biển, dã ngoại với sự cộng tác của các tình nguyện viên và các ân nhân.
       
Ngoài việc ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi, chị em trong cộng đoàn còn tham gia những sinh hoạt mục vụ của giáo xứ như trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ, dạy giáo lý, ca đoàn thiếu nhi.  
 
Cộng đoàn còn là vườn ươm ơn gọi cho Hội dòng, cho đến thời điểm này (2021) - sau 46 năm hoạt động, cộng đoàn đã đóng góp cho Hội dòng 25 dự tu trong số đó đã có 15 khấn sinh.  

NHÂN SỰ PHỤ TRÁCH CỘNG ĐOÀN

 
  • Năm 1975 - 1987  : Chị Marie Héléne Nguyễn Thị Thu Cẩm
  • Năm 1987 - 1994  : Chị Maria Rosaire Nguyễn Thị Thanh Hằng
  • Năm 1994 - 2009  : Chị Marie Y vonne Lê Thị Thanh Tâm
  • Năm 2009 - 2019  : Chị Anna Nguyễn Thị Bạch Cúc
  • Năm 2019 -           : Chị Maria Madalena Trương Thị Liễn

III. THAY LỜI KẾT : 
         
Nhìn lại chặng đường Cô nhi viện đã đi qua được 08 năm tại Chu Lai (1967-1975), 46 năm tại Xuân Lộc (1975-2021), chặng đường mang đầy dấu ấn tình Chúa tình người. Có những lúc sức người đã đổ ra tối đa nhưng không thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của các em, thì Thiên Chúa kịp ra tay nâng đỡ. Chúa quan phòng thúc đẩy nhiều nhà hảo tâm, nhiều nhóm từ thiện mở lòng, rộng tay để các em mồ côi được chăm sóc tử tế. Quả vậy “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người” (Tv 68,6). Trong niềm tin đó, chị em tiếp nối sứ mạng của các chị đi trước, để Thiên Chúa dùng mình như dụng cụ, như cầu nối những tấm lòng sang trọng nhân cách mà làm công việc của Thiên Chúa: nuôi dưỡng cô nhi, quả phụ.  

----------------------
[1] Bản TTĐP Qui Nhơn & Đà Nẵng, số 54, tháng 12 năm 1967, trang 26.
[2] Tỉnh Quảng Tín được thành lập ngày 31.7.1962, gồm 6 quận: Hậu Đức, Hiệp Đức, Lý Tín, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước. Lúc bấy giờ vùng Chu Lai thuộc huyện Lý Tín. Năm 1976, nhập Quảng Tín vào tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, gọi là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày 6.11.1996, tách và lập thành phố Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam.
[3] Con số này do chị Sâm cung cấp. Chị Sâm sinh năm Canh Tý (1960) tại Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng Nam. Cha mẹ chị chết trong chiến tranh. Chị vào Cô nhi Vân Côi năm 1970. Chị là người trong số cô nhi di cư vào Đồng Tâm năm 1975. Nay chị có gia đình ở tại thôn Thanh Trà, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
[4] Theo Thánh Bộ Phụng Tự, “Huấn thị Lịch riêng”, 24/6/1970, số 28 trong EV 3/2606; Cf. Thánh Bộ Phụng Tự, Qui tắc Patronus về việc đặt tên thánh Bổn mạng 19/3/1973, số 4 trong EV 4/2344: Một điều cần lưu ý là không bao giờ được chọn Thiên Chúa Ba Ngôi hay các ngôi vị Thiên Chúa làm Bổn mạng, vì Ngài là chính Đấng ban ơn chứ không phải Đấng chuyển cầu: “Không thể chọn Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Bảo trợ, vì chính Thiên Chúa không tự giới hạn quyền bảo trợ của mình vào một nơi nào, cũng không phải là Đấng Bảo trợ ngang hàng với bất cứ ai khác”. Do đó, ngày 20 tháng 6 năm 2018 Hội dòng đã quyết định thay đổi Bổn mạng của cộng đoàn cho phù hợp với chỉ dẫn của Bộ Phụng tự. Bổn mạng hiện nay của cộng đoàn là Lễ Mẹ Hồn xác lên trời  15.8

Tác giả bài viết: Lm Gioan Võ Điình Đệ

 Tags: Lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây