Các Nữ Tu Người Sắc Tộc Đầu Tiên Của Miền Thượng

Thứ bảy - 22/06/2024 08:45 293 0

Các nữ tu bản xứ ở Tập viện Gò Thị năm 1928. Ảnh: MEP
 

Các Nữ Tu Người Sắc Tộc Đầu Tiên Của Miền Thượng

 


Năm 1924, Cha Emile Kemlin (Văn), Bề trên Miền truyền giáo Kontum đã gởi 4 thiếu nữ đầu tiên người dân tộc Bahnar thuộc làng Kontum Kơnâm đi tu dòng Mến Thánh Giá Gò Thị, Bình Định.


Đời sống tu đối với người sắc tộc thời đó còn khá xa lạ, thậm chí khó hiểu, nhất là đối với các cha mẹ. Các em nữ vào Dòng tu cũng là con người của núi rừng, buôn làng, phải rứt khỏi sức hút của môi trường sống tự nhiên để bước vào một khuôn khổ sống mới là cả một sự biến đổi tận căn của nếp sống người sắc tộc.


Trong số 4 tập sinh có một chị phải trở về nhà vì bệnh tật. Còn lại 3 chị là Marie Mưk, Marie Niu và Anne Ngơ đã bền đỗ theo ơn gọi và đã tuyên khấn lần đầu tại Tập viện Gò Thị ngày 14/09/1930, với tên dòng: Veronique Mưk, Ursule Niu và Anne Ngơ.


Để mở rộng truyền giáo và có thể phục vụ những người anh chị em sắc tộc một cách tích cực và hữu hiệu, Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã cử 3 chị trở về quê hương Kontum phụ lực trong nhóm tông đồ đầu tiên tại trường Têrêxa, thuộc giáo xứ Tân Hương do Cố Jules Alberty Hiền vừa thành lập, xây dựng hoàn thành năm 1931.


Các chị là những bông hoa rừng đầu tiên trong vườn hoa muôn sắc của các nữ tu phục vụ cánh đồng truyền giáo giáo phận Kontum.


Sơ Marie Véronique Mưk qua đời ngày 30/03/1962, Sơ Marie Ursule Niu qua đời ngày 21/03/1947 và Sơ Anne Anna Ngơ qua đời ngày 09/02/1986.
 

3 Sơ Bahnar: Marie Ursule Niu, Marie Véronique Mưk và Anne Ngơ khấn lần đầu tại tập viện Gò Thị ngày 14/09/1930.
Ảnh. MEP
 

Để hiểu rõ hơn và tham khảo thêm những thông tin thú vị về 3 nữ tu Bahnar tiên khởi, nhất là Sơ Mưk, chúng tôi xin giới thiệu một trích đoạn trong bài viết có tựa đề:

Soeur Mouk, première religieuse des “Sauvages Bahnars”,

Annales des MEP 1931, tr. 62-64.

(Bản dịch của anh Nguyễn Anh Võ, CVK67)

 

SƠ MƯK, NGƯỜI NỮ TU BAHNAR ĐẦU TIÊN

 

Mấy tuần trước khi các Sơ dòng Thánh Phaolô đến vào tháng Năm năm 1924, chúng tôi đón nhận bốn thiếu nữ người Bahnar, do một cô giáo người Việt dẫn từ Kontum xuống, cô giáo này trước đây đã được chúng tôi đào tạo trong vòng hai năm tại nhà thương dành cho người bản xứ ở Kim Châu. Chính Cha Kemlin, tổng đại diện Kontum, gửi các em từ miền ngược xuống đây. Vậy là các em này phải bắt đầu sống một cuộc sống thật khác lạ và khó khăn, bởi từ nay các em phải khép mình vào kỷ cương, điều mà trên miền ngược ấy các em chưa bao giờ nghĩ đến, cho dù các em bản tính thật tốt lành. Quả vậy, ngay ngày hôm sau thôi, người ta đã thấy các em đứng trước nhà, tay ôm một mớ quần áo. «Các con đi đâu thế ? Ra sông ». Vậy là phải mất công giải thích cho các em rằng ở dưới này không hề giống như trên Kontum, và trong nhà dòng đã sắp xếp làm việc gì ở chỗ nào rồi.

Cũng phải lâu lắm các em mới làm quen được. Tuy nhiên, những lời khuyên phải kiên trì trong những ngày tháng thử thách ban đầu, và việc nhắc nhở các em cần trung thành với ơn gọi, lại đến từ miền ngược, những lời ấy tuy hồn nhiên nhưng lại đánh động thật nhiều. Chúng tôi mạn phép dịch thư ra như sau :


«Mưk con,
«Con đi xa đã khá lâu, hơn hai tháng rồi còn gì ! Mẹ và bố nhớ con lắm ; nên bố viết thư này để được nói chuyện với con. Mẹ và bố suốt ngày cứ nghĩ đến con thôi. Con cứ hình dung một con bò cái bị người ta tách lìa khỏi con nó một cách phũ phàng. Vú của nó đau nhức, mà lòng thì nặng trĩu. Nhưng biết làm sao được ? Chúa nhân lành đã đem con đi, để con làm việc cho Chúa ; xin vâng theo ý Chúa thôi ! Bố mẹ rán đè nén những tình cảm thân thương nhất, những nỗi nhớ thương sâu xa nhất, và bố mẹ xin tuân phục ý Chúa. Bởi thế, dù sao đi nữa thì bố mẹ vẫn không muốn con rời xa vùng đất người Kinh ấy, tuy ở đó con giống như trẻ mồ côi.  Mẹ con nhờ bố nhắn với con là nếu con còn ít tiền, thì mua giùm cho nhà mình một cái thau. Mẹ muốn là tự con đi mua lấy, được vậy thì có thể nói là con còn tiếp tục ăn cơm với bố mẹ  giống như trước đây.


«Con cũng đừng quên cầu xin Chúa phù hộ cho nhà mình trong năm nay, bởi chung quanh đây nhà nào cũng đang phải chịu cảnh đói kém. Bố mẹ cũng nhớ cầu xin Chúa  giúp sức cho tất cả các con và bố mẹ phó thác con trong vòng tay của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse ».


Nói gì thì nói, việc phải sống xa gia đình đối với các thiếu nữ người Thượng này thật là khổ sở, và mấy tháng đầu, các em cứ xin về hoài, đến nỗi mỗi buổi sáng, khi vừa thức dậy, là người ta phải đi kiểm tra xem đêm vừa rồi các em có trốn về không. Các em ngủ riêng với cô giáo của mình từ Kontum xuống, và các em trách cứ Cha Kemlin một cách gay gắt, vì Cha đã hứa là sẽ đến thăm các em nhưng chờ hoài chẳng thấy !


Một ngày kia, tôi nhận được mấy chữ của Cha Kemlin, Cha đang bệnh nặng, và Cha cho biết sẽ đi nghỉ ở Đà Lạt, và từ đó … về nghĩa trang Thánh Phêrô ở thành phố Marseille. Cha viết thư này từ Qui Nhơn. Cha cáo lỗi vì không thể đến Gò Thị, vì ngày hôm sau Cha phải lên đường rồi. Tôi liền viết ngay cho Cha mấy hàng sau :


«Cha kính mến, nếu như Cha ghé ngang Qui Nhơn mà không đến đây, thì con chẳng còn nói gì được nữa : mấy đứa con của Cha sẽ về lại trên đó và chẳng ai ngăn chúng được. Đàng nào thì Cha cũng phải đến đây, nếu không dự tính của Cha cho tương lai sẽ chết yểu».


Ngày hôm sau, Cha Kemlin xuất hiện tại Gò Thị, và ngay sau đó thì hết khóc lóc và các khuôn mặt rạng rỡ trở lại. Cha Kemlin ở lại với các em suốt buổi, nói chuyện với các em thật cảm động, và giải tội cho các em bằng tiếng Bahnar. Ngay hôm sau đó, có sự biến đổi hoàn toàn : các em trở nên vui vẻ, bình an ; không còn nói chuyện xin về sớm, khi chưa được mặc tấm áo vị hôn thê của Đức Kitô. Chỉ có một em bị bệnh, buộc chúng tôi phải trả em về cho gia đình. Còn ba em kia chứng tỏ mình rất sẵn sàng sống đời tu trì. Các em được diễm phúc khấn lần đầu ngày 14 tháng Chín vừa qua. Nhân dịp trọng đại này, Cha Décrouille đã từ Kontum xuống, và ngay trước giờ lễ, đã nói chuyện với các em  bằng tiếng Bahnar trong nhà nguyện. Các em được ở lại giúp trong Nhà Tập, với lòng nhiệt thành hăng say, tuy rất nóng lòng chờ các Sơ người Pháp qua để cùng lên lại Kontum và giúp các Sơ ấy mở trường và lập một Nhà Tập cho người Bahnar. Người liên lạc thư từ với tôi phải thốt lên : «Hoan hô các Sơ, lên Kontum đi ! Thiên đàng cho công cuộc truyền giáo đó !»


Từ hai năm nay, có thêm ba em người Thượng nữa đến ở chung với ba em trước. Nhưng với các em mới này, việc học tập và thích nghi dễ dàng hơn nhiều, vì đã có ba em trước chỉ dẫn cho : các em cũng cho thấy nhiều hứa hẹn.


Rõ ràng là từ trời cao, Cha Kemlin, người Cha thánh thiện và quá cố của các em, đã ra tay phù hộ.

E.-M. D.

 

(Trích Annales des MEP 1931, tr. 62-64.

Nguyễn Anh Võ, CVK67 chuyển ngữ)

__________________________

[1] Làng Kontum Kơnâm thuộc giáo xứ Chính Tòa Kontum. x. Lược sử giáo xứ Chính Tòa – danh sách các nữ tu, lưu tại giáo xứ Chính Tòa; và Kỷ yếu Hội dòng MTG Qui Nhơn.

[2] Lm Emile Kemlin Văn (s 1875 -lm 1898 – qđ 1925);

Bề trên Miền truyền giáo Kontum; 1912-1924;

Phụ trách Địa sở Kontum: 1919-1925;

Qua đời: 06/04/1925 tại Marseille, Pháp.

 

Nhà thờ Kontum – Giáo xứ Chính tòa ngày nay. Ảnh. MEP
 
 
Nhà thờ Tân Hương, Kontum. Ảnh: MEP
 
Trường Têrêxa (Tu viện) Tân Hương do Cố Hiền Jules Alberty Hiền xây dựng năm 1931, bên cạnh nhà thờ Tân Hương, Kontum

 

Minh Sơn

19/06/2024

WGPKT(20/06/2024) KONTUM

Tác giả bài viết: Minh Sơn

Nguồn tin: https://giaophankontum.com

 Tags: Lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây