Ngày 5 – Suy niệm Chủ đề tuần cửu nhật suy tôn thánh giá, Năm 2024

Thứ năm - 05/09/2024 05:16 207 0
 

Ngày 5
Suy niệm Chủ đề tuần cửu nhật suy tôn thánh giá, Năm 2024

“Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất, và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Ta khát”. (Ga 19, 28)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con tin Ba Ngôi đang ở đây với chúng con trong sự thầm lặng nơi Thánh Thể. Chúa đang ở đây dù mắt phàm con không thấy nhưng lại là trung tâm và nguồn mạch của lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người trong nhân loại.

Giây phút đầu tiên của ngày sống mới, chúng con muốn dành tất cả cho Chúa với lời tôn vinh, chúc tụng, tạ ơn và yêu mến. Chúng con muốn chiêm ngắm Đức Kitô - Đấng Chịu Đóng Đinh, suy tôn Người đã dùng thánh giá mà cứu độ chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Khi cam kết sống lời khấn dòng theo linh đạo Mến Thánh Giá, và đời sống chung nơi cộng đoàn là con để cho mình hoàn toàn thuộc về Chúa. Khi tuyên xưng sẽ tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này, là con công khai gắn kết đời con cho Chúa qua mọi biến cố thăng trầm của Hội dòng. Con có bổn phận góp phần mình cho sự thánh thiện và phát triển của Hội dòng trong tình liên đới với chị em về những ân huệ thiêng liêng và cả tội lỗi…Thế nhưng, nhiều lúc con chỉ biết phàn nàn, than thở, đứng ngoài cuộc trong các sự kiện lớn nhỏ để chê bai, chỉ trích; chưa dốc tâm, dốc sức, đóng góp khả năng làm cho đời sống cá nhân và cộng đoàn được thăng tiến. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con nghe và cảm nhận sâu sắc hơn về lời trăn trối “Ta khát”, Chúa đã nhắn gởi cho chúng con trước khi rời khỏi trần gian để về cùng Chúa Cha. Xin cho chúng con can đảm làm thỏa cơn khát của Chúa bằng nỗ lực hoán cải và cố gắng sống thánh thiện hơn trong đời sống của con mỗi ngày.

Suy niệm:

“Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất, và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Ta khát”. (Ga 19, 28)

Thân xác Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá chẳng những gánh tội thay cho loài người nhưng còn chịu đựng những đau đớn nơi thân thể, trái tim bị đâm thủng, dòng máu đã trút cạn. Ngài không một lời kêu trách, vẫn hy vọng nơi lòng từ tâm của nhân loại. Ngài còn bày tỏ tình yêu cho con người mọi thời nên đã kêu lên: “Ta khát”.

“Ta khát”. Lời nói đầy thân thương của Chúa Giêsu trên thánh giá đưa chúng ta trở về với cuộc gặp gỡ giữa Ngài và người phụ nữ thành Samari, bên bờ giếng Gia-cóp, lúc 12 giờ trưa. Ngài đã biểu lộ tâm tình hiệp thông với người phụ nữ Samari, Ngài chủ động bắt chuyện với chị, dù người Do-thái không giao thiệp với người Samari. Hơn nữa, vào thời  Đức Giêsu, người phụ nữ không được tiếp xúc với người ngoài gia đình của mình. Từ chuyện Đức Giêsu xin người phụ nữ xa lạ nước uống từ giếng... bằng cách này Ngài sẵn sàng ban tặng cho bà nguồn nước trường sinh, ai uống nước đó sẽ không bao giờ khát nữa: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Cái khát của Chúa Giêsu trên thánh giá sẽ làm cho cơn khát ơn cứu độ của con người tìm thấy dòng nước trường sinh, dòng nước chảy ra từ tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không bao giờ mất đi. Vì thế, Thánh Sử Gioan đã ghi lại một hình ảnh rất đặc biệt: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Chúa đã đón nhận giấm chua, và rồi từ chính Ngài, ơn cứu độ đã chảy ra, đó là máu và nước từ cạnh sườn Ngài, nguồn suối tình yêu chảy ra. Phải chăng giấm chua đã được thánh hoá và biến đổi thành nước và máu đem lại ơn cứu độ?

Trước tình yêu cao quý và nhưng không của Thiên Chúa, Đức Giêsu chờ đợi ban tặng cho chúng ta dòng nước trường sinh – ơn cứu độ, chúng ta có sẵn sàng tiếp nhận như người phụ nữ Samari không? Hiện tại có rất nhiều dòng nước đang mời chào chúng ta: dòng nước của đam mê thế tục, dục vọng, quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ, sung túc, tiện nghi... Nhưng tất cả những dòng nước đó, dù có thoả mãn cơn khát cấp thời của chúng ta, nhưng nó không làm cho cơn khát ơn cứu rỗi được thực hiện. Cơn khát đích thực mà mỗi người cần tìm kiếm là gì? Thỏa mãn cơn khát trần thế có giúp chúng ta tìm thấy tình yêu đích thực, làm dịu cơn khát thiêng liêng là được hạnh phúc, được cứu độ không?

Cùng đích của cơn khát ơn cứu độ ở nơi Đức Giêsu, ở nơi trái tim Ngài, ở chính thập giá mà Ngài đang bị đóng đinh. Nơi đó Chúa vẫn đang đang khát. Ngài đang khát chúng ta.

Tiếng kêu “Ta khát” vẫn luôn vang vọng trong chúng ta. Cơn khát của tình yêu đến tận cùng, Ngài chấp nhận trút bỏ vinh quang và chết như một tội nhân. Tất cả những điều ấy là để cứu chúng ta thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, để chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa. Chúng ta hãy mở lòng mình ra đón nhận tình yêu ấy và để cho mình được biến đổi.

“Ta khát”, Di ngôn thật đẹp và ý nghĩa biết bao. Chính lúc Đức Giêsu đón nhận giấm chua, mật đắng cùng với bao đau thương vì bất nhân, vô cảm, dửng dưng mà cuộc đời vô tâm dành cho Ngài, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta, Chúa khát mỗi người chúng ta. Hãy đến trao cho Chúa Giêsu con người, cuộc sống, ước mơ hoài bảo và  cả những lầm lỗi, thiếu sót, thất bại của chúng ta cho Ngài. Ngài sẽ biến đổi tất cả để chúng ta thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về chúng ta. “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,3-4).

Đối với chúng ta những người sống đời thánh hiến theo Linh đạo Mến Thánh Giá, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh, Đấng đã tuyển chọn, yêu thương và hiến mạng vì mỗi chúng ta, Ngài đang “Khát chính chúng ta”. Chúng ta thinh lặng để thêm một lần xác tín về căn tính của mình. Tôi thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về Hội dòng và Cộng đoàn mình đang là thành viên mà chính lời Khấn dòng đòi buộc mỗi người.

Giáo Hội, Hội dòng đang muốn chúng ta hướng về một cách sống mang hai ý nghĩa: Một đàng chúng ta cần để cho Chúa Giêsu kéo chúng ta đến gần Ngài. Đàng khác, chúng ta cần có một sức mạnh để lôi kéo đối với người khác về với Chúa và Giáo Hội. Điều này chỉ có được bằng cách nuôi dưỡng đời sống chúng ta nơi sự khao khát Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ liên kết chúng ta với Thiên Chúa và thân thưa với Ngài về hoàn cảnh, nhu cầu của anh chị em. Có như thế mỗi chúng ta sẽ dễ dàng làm dịu cơn khát tình yêu thương phục vụ mà nhân loại đang chờ đợi nơi người sống đời thánh hiến. Đời thánh hiến phản ảnh vẽ lộng lẫy của tình yêu. Bởi vì, bằng sự trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, đời thánh hiến tin ở tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống với lòng tin đó. Như vậy, đời thánh hiến góp phần gìn giữ trong Giáo Hội ý thức sinh động rằng Thập giá là sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế gian. Thập giá là dấu chỉ vĩ đại về sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô, và điều đó đặc biệt đúng trong những nỗi khó khăn và thử thách. Có rất nhiều người được thánh hiến liên tục làm chứng về điều đó với một sự can trường rất đáng khâm phục, khi họ thường xuyên phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, kể cả bị bắt bớ và tử đạo” ( x. ĐSTH 24).
Kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kitô là Con của Người; vì thế nhân loại được gọi trở nên giống như Đức Kitô. Nói cách khác, sự “tuyển chọn” và “tiền định” đều bao hàm ý tưởng yêu thương. Vậy, chúng ta hãy sống trong tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu thương nhau nơi cộng đoàn và nơi sứ vụ. Sống trung thành với những điều nhỏ nhỏ trong cuộc sống với tất cả tình yêu và sự gắn kết thân mật với Ngài trong đời sống nội tâm, để phần nào làm dịu cơn khát của Thầy Giêsu, Đấng đã yêu mến chúng ta và chúng ta cũng yêu mến Ngài.  

Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Giêsu,
Cầu nguyện là một việc làm thiết thực để thỏa mãn cơn khát tìm kiếm Thiên Chúa của chúng con. Nhờ lời cầu nguyện, con cảm nghiệm được sự khiêm nhường tột cùng và tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa. Khi đắm mình trong cầu nguyện con sẽ được Chúa cho thỏa mãn những khát vọng con tìm kiếm là chính Ngài. Xin giúp con say mê gặp gỡ Chúa qua các giờ kinh nguyện chung, các giờ thầm lặng riêng tư bên Thánh Thể để con được hiệp thông với Chúa là nguồn bình an, niềm vui và sự viên mãn sâu xa trong cuộc sống của con. Để trong Chúa, con được thỏa mãn mọi khát vọng. Và trong cầu nguyện: ý chí, lý trí và trái tim con chỉ còn khao khát tình yêu của Chúa, Chúa là Đấng đã chết vì yêu con.
Ngụp lặng trong tình yêu Chúa, xin cho con cũng biết khao khát yêu thương con người, đặc biệt những con người bé nhỏ nghèo hèn xung quanh, và yêu thương chị em cùng bước đi trong linh đạo Thập Giá, để mọi cơn khát của tiền, tình, danh vọng không còn chỗ trong trái tim con. Xin cho con luôn sẵn sàng làm dịu cơn “khát” của Chúa và của anh chị em con bằng một phong cách của người sống đời nội tâm, phong cách của người thuộc về Chúa thật sự, phong cách của người nữ tu chân chính. Amen

Thực hành: Sống tinh thần lệ thuộc trong cộng đoàn bằng việc : Chào đi chào về,  Xin phép, Cám ơn, Xin lỗi…


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây