Bài giảng Lễ Khấn dòng và Tạ Ơn của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

Thứ sáu - 06/09/2024 23:58 132 0

LỄ KHẤN DÒNG VÀ TẠ ƠN
của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
Tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, ngày 22-8-2024
(Is 61,9-11; 1Cr 1,22-31; Mt 16,24-27)


Trong những thập niên gần đây, cứ đến ngày 22 tháng 8 hằng năm, nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn chìm ngập trong bầu khí rộn ràng đón chào quí khách từ khắp nơi đổ về để hiệp dâng thánh lễ khấn dòng và tạ ơn của các nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, một hội dòng thuộc quyền Giáo phận Qui Nhơn, mà tiền thân của nó là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá của Địa phận Đàng Trong đã được chính vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của Địa phận là Đức cha Phêrô Lambert de La Motte thành lập vào năm 1671 tại An Chỉ thuộc địa bàn Giáo phận Qui Nhơn ngày nay.

Giáo phận Qui Nhơn ngày nay là hậu thân trực hệ của Địa phận Đại diện Tông tòa Đàng Trong được thành lập năm 1659. Chỉ vỏn vẹn 12 năm sau ngày con thuyền Địa phận chính thức hạ thủy và tách bến để xuôi dòng thời gian tiến ra chỗ nước sâu, vị thuyền trưởng là Đức cha Lambert đã qui tụ chung quanh mình một nhóm phụ nữ đạo đức và biến họ thành những nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi. Có thể nói, trên lộ trình xuyên thế kỷ của con thuyền Giáo phận Qui Nhơn, ngay từ những thời điểm quan trọng đầu tiên, sự hiện diện và hoạt động của Hội dòng Mến Thánh Giá đã bắt đầu đồng thời với sự hiện diện của vị Giám mục tiên khởi trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài tại Giáo phận cách đây 353 năm.

Sự đồng hành cả về không gian lẫn thời gian, của Hội dòng Mến Thánh Giá với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Qui Nhơn, đã khiến cho ngày lễ khấn dòng và tạ ơn hôm nay trở thành một ngày hân hoan không riêng gì của Hội dòng, mà còn của toàn thể Giáo phận. Chính vì thế, niềm vui đong đầy hạnh phúc đang tỏa rạng trên khuôn mặt của các chị em sắp tuyên khấn và mừng kỷ niệm khấn dòng trong thánh lễ hôm nay, cũng chính là niềm vui của toàn thể cộng đồng dân thánh Giáo phận được Thiên Chúa yêu thương và bao bọc bằng muôn phúc lành và ân sủng, như chúng ta vừa nghe ngôn sứ Isaia ghi lại trong bài đọc I: "Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang" (Is 61,10).

Trong một thế giới ngày càng gia tốc trên đà tục hóa như hiện nay, ngày lễ khấn dòng với tất cả nghi thức trang trọng và đầy tràn ý nghĩa của nó chẳng khác nào một bài thánh ca tuyệt vời, được cất lên trên khung nền nhạc đời, dường như muốn phá tan nhịp sống phàm tục, để đưa con người đi vào một thế giới thánh thiện của những con người tự nguyện sống đời thánh hiến, để làm phản ánh sự thánh thiện của Chúa trên trần gian.

Trong số những người sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh đến những khuôn mặt nữ giới. Thật vậy, trong tông huấn Gaudete et Exsultate được ban hành ngày 19 tháng 03 năm 2018, về Ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, ở số 12, Đức Thánh Cha đã viết:

 "Tôi xin nhấn mạnh rằng “tài hoa nữ giới” cũng nổi rõ trong những phong cách thánh thiện đậm nét nữ tính, cũng là những điều rất cần có để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trên trần gian này. Ngay cả trong những thời mà người ta có khuynh hướng gạt phụ nữ sang một bên, không nhìn đến, Chúa Thánh Thần vẫn làm nổi bật lên những vị thánh tỏa chiếu hào quang, tạo nên những năng động tinh thần mới mẻ và những cải cách quan trọng trong Hội Thánh".

"Tài hoa nữ giới" mà Đức Thánh Cha nói đến ấy cũng được nhìn thấy trong số các nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn qua suốt dòng lịch sử và đang tiếp tục trong thời đại hôm nay, khi các chị em đã chọn cho mình con đường hoàn thiện theo gương Đức Kitô chịu đóng đinh. Hiến chương của Hội dòng đã khẳng định: "Con đường hoàn thiện phải ngang qua thập giá, không thể nào đạt đến sự thánh thiện nếu không từ bỏ con người cũ, chiến đấu nội tâm và tu luyện" (điều 63,1). Vì thế, thật là chí lý khi có người nói: thánh giá là cái giá của sự thánh thiện.

Sự thánh thiện ấy được các chị em cố gắng thể hiện mỗi ngày qua việc tuân giữ 3 lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Tất cả các hội dòng đều có 3 lời khấn này. Tuy nhiên, đối với các nữ tu Mến Thánh Giá, 3 lời khấn này là những cách thể hiện của linh đạo Mến Thánh Giá. Được hướng dẫn và thấm nhuần tinh thần của linh đạo này, các nữ tu ngày càng trở nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Linh đạo Mến Thánh Giá là một sự đáp trả lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu đối với những ai muốn bước theo Người, như chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay: "Bấy giờ Đức Giêsu nói với các môn đệ: Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24). Đáp lại lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu, hôm nay các nữ tu tuyên khấn lần đầu cũng như tuyên khấn trọn đời đều mở lời bằng câu: "Nhân danh Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Nhờ ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn, con tự nguyện cam kết bước theo sát dấu chân Chúa Kitô trên đường thánh giá, để hiến thân trọn vẹn cho Chúa Cha và phục vụ anh chị em đồng loại".

Khi khấn giữ đức khó nghèo, các chị em thể hiện linh đạo Mến Thánh Giá bằng cách sẵn sàng từ bỏ mọi của cải trần gian để bước theo Chúa Kitô, như lời Người mời gọi đối với chàng thanh niên giàu có muốn tìm kiếm con đường hoàn thiện, để rồi từ đó các chị em đạt đến sự hoàn thiện khi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong sự khó nghèo tột độ trên thánh giá.

Khi khấn giữ đức khiết tịnh, các chị em thể hiện linh đạo Mến Thánh Giá bằng cách từ bỏ mọi thứ tình yêu nhục dục đầy ích kỷ, sẵn sàng đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá, để sống cho một tình yêu siêu nhiên đối với Thiên Chúa và tha nhân, theo mẫu gương tuyệt vời của Chúa Giêsu trên thánh giá. Trong Hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn có ghi: "Thập giá của Đức Kitô biểu lộ tình yêu lớn nhất đối với Chúa Cha và nhân loại. Chị em Mến Thánh Giá đón nhận thập giá mỗi ngày làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô và anh chị em đồng loại" (điều 63,2).

Khi khấn giữ đức vâng phục, các chị em thể hiện linh đạo Mến Thánh Giá bằng cách từ bỏ ý riêng, để chỉ tìm kiếm và thực hiện thánh ý Thiên Chúa, cho dù việc thực thi ý Chúa nhiều lúc tạo ra nhiều đau khổ mất mát, như Đức Kitô đã nêu gương khi Người vâng phục thánh ý Chúa Cha, đến độ phải chịu một cái chết khổ nhục trên thánh giá. Sự vâng phục cũng đòi hỏi một tinh thần hy sinh khổ chế, vì nếu trinh khiết là chết cho nhục dục thi vâng phục là chết cho ý riêng.

Việc bước theo linh đạo Mến Thánh Giá bằng cách tuân giữ ba lời khấn trên đây quả là một điều điên rồ trước mặt thế gian. Con người ngày nay đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa hưởng thụ và tự do cá nhân: tiền bạc trở thành mục tiêu và chỗ dựa chính của cuộc đời, việc thỏa mãn bản năng tính dục trở thành mốt thời thượng, việc đề cao tự do cá nhân quá trớn được coi như một sự giải phóng con người toàn diện. Vì thế những ai bước theo Đức Kitô cách triệt để bằng cách thực thi đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, đến độ sẵn sàng coi thường vàng bạc, xa tránh những đam mê nhục dục và luôn vâng phục ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, sẽ bị thế gian coi là người dại dột.

Thực ra, không phải chỉ trong thời đại hôm nay, mà ngay cả từ thời các Tông đồ việc rao giảng và bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh đã bị dân ngoại coi là dại dột, như lời thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe ở bài đọc II. Tuy nhiên ngài đã khẳng định rằng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi thì Đức Kitô chịu đóng đinh ấy lại là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn khôn hơn cái khôn của con người (x. 1Cr 1,22-25).

Như vậy, bước theo Đức Kitô trong linh đạo Mến Thánh Giá qua việc khấn giữ đức khó nghèo không phải là dại dột, bởi vì Đức Kitô, Đấng nghèo khó nhất trong cái chết của Người trên thập giá, cũng là Đấng làm cho chúng ta được nên giàu có vô tận nhờ sự sung mãn của cuộc sống mới, qua sự phục sinh, như lời thánh Phaolô đã dạy trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: "Anh em đã biết ân điển của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô: Người vốn giàu có, nhưng vì chúng ta, đã trở nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người" (2Cr 8,9).

Các nữ tu cũng không dại khi khấn giữ đức khiết tịnh vì đó là dấu chỉ của kho tàng ở trên trời, như lời sắc lệnh Perfectae Caritatis của Công đồng Vaticanô II đã dạy: "Đức khiết tịnh “vì Nước Trời” (Mt 19,12), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát lòng con người cách đặc biệt (x. 1Cr 7,32-35), để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn; vì thế, đức khiết tịnh là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ" (số 12).

Cuối cùng, khấn giữ đức vâng phục theo gương Chúa Giêsu vâng phục thánh ý Chúa Cha trên thánh giá chắc chắn không phải là điều dại dột, nhưng là một thái độ khôn ngoan tuyệt vời, bởi vì "nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ dâng hiến ý muốn của mình làm của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hiệp với ý muốn cứu độ của Người cách kiên trì và chắc chắn hơn", như Sắc lệnh Perfectae Caritatis đã dạy (số 14).

Tóm lại, đứng trước tình yêu lớn lao của Đức Kitô được thể hiện trên thánh giá, các chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn muốn đáp lại bằng tâm tình yêu mến trọn vẹn đối với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Đó không phải chỉ là một bổn phận, mà còn là đặc sủng, tức một ân huệ đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho các chị em trong Hội dòng, nhờ đó các chị em ngày càng trở nên giống Đức Kitô hơn. Chúng ta hãy hiệp ý với các chị em trong tâm tình tạ ơn sâu đậm vì ân huệ đặc biệt này.


 

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

 Tags: Giảng Lễ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây