Đức cha Lambert de la Motte giúp Giáo Hội lấy lại quyền điều hành công cuộc loan báo Tin Mừng

Thứ hai - 12/08/2024 01:40 282 0


Đức cha Lambert de la Motte giúp Giáo Hội lấy lại quyền điều hành công cuộc loan báo Tin Mừng

Trong buổi bế mạc Khóa Bồi dưỡng 2024 của Hội Dòng Mến Thánh Giá tổ chức tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng giáo phận Sài Gòn vào thứ Sáu 09.08.2024, linh mục Jefferies Foale, CP (Congregation of the Passion: Dòng Khổ Nạn Chúa Giêsu) đã có một bài chia sẻ rất đặc biệt về Đức cha Lambert de la Motte.

Ngài đã trình bày về Đấng sáng lập Hội Dòng Mến Thánh Giá này như một “Đại bàng thần bí” và là đấng tiên phong giúp Giáo Hội lấy lại quyền điều hành công cuộc loan báo Tin Mừng. 

1. Đức cha Lambert de la Motte: Đại bàng thần bí

Linh mục Jefferies Foale, 91 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một trang trại tên là Lisieux ở Úc. Nhà ngài được dâng hiến cho Thánh Têrêxa thành Lisieux - Đấng mà cha mẹ của Jefferies Foale đã rất yêu mến. Nơi sinh của Đức cha Pierre Lambert de la Motte cũng là Lisieux, vùng Normandie, nước Pháp.

Lm Jefferies đã dày công tìm hiểu về Việt Nam và Đức cha Lambert dela Motte. Ngài chia sẻ: Đức cha Lambert là vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của VN, là cha của hàng giáo sĩ VN và là Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá.
 

 

Đời sống thiêng liêng thâm sâu của Đức cha ngày càng được nhiều người nhận biết. Đức cha được mô tả như là “Đại bàng thần bí” vùng Normandy thế kỷ XVII.

Khi tôn phong sự thánh thiện của Đức cha Lambert là đồng thời cũng tôn vinh những nền tảng tinh thần ngài đã thiết lập cho Giáo hội tại VN. Ngài đã giúp Giáo Hội VN đi trên con đường thánh thiện, tự lực và hăng hái loan báo Tin Mừng.

2. Đức cha Lambert de la Motte và Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin

Lm Jefferies đã chọn chia sẻ về vai trò của Đức cha Lambert de la Motte đối với Giáo Hội hoàn vũ trong tư cách là một vị Đại diện Tông tòa đầu tiên trên toàn Châu Á.

Đức cha là người tiên phong trong cuộc đấu tranh của Giáo Hội hoàn vũ nhằm lấy lại quyền kiểm soát các Giáo hội địa phương trong các xứ thuộc địa từ lâu đã rơi vào tay vua Công giáo Bồ Đào Nha (BĐN).

 

 

Theo lịch sử, vào thế kỷ XV, các Đức Thánh Cha (ĐTC) đã trao cho vua Công giáo BĐN toàn quyền điều khiển trên các vùng đất mới được khám phá hoặc sẽ được khám phá ở phía Đông. Điều đó bao gồm toàn quyền điều khiển đối với VN. Vì vậy, vua BĐN, cũng kiểm soát Giáo hội ở Châu Á. Đó là một chế độ bảo trợ, được gọi là Padroado. Theo chế độ này, nhiều nhân vật tuyệt vời và thánh thiện từ các dòng tu đến và phục vụ rất hiệu quả, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên đã đạt được những thành tựu to lớn:

- Thánh Phanxicô Xaviê đã có thể thành lập các cộng đoàn Kitô giáo từ Ấn Độ cho đến tận Nhật Bản.

 - Cha Mateo Ricci đã đi vào vào trung tâm của Đế chế và nền văn hóa Trung Quốc bằng sự khôn ngoan và đức tin của mình. Cha và những tu sĩ Dòng Tên khác đã kết hợp các phong tục và nghi lễ thờ kính tổ tiên của Trung Quốc vào phụng tự Kitô giáo.

- Ở VN, tu sĩ Dòng Tên Alexander de Rhodes, trong một thời gian rất ngắn, đã đưa nhiều người VN đến với đức tin. Ngài để lại một nhóm giáo lý viên tận tụy và được đào tạo bài bản. Có lẽ món quà lớn nhất của ngài là cuốn sách giáo lý đầu tiên được viết bằng tiếng Việt, mang lại đức tin và đóng góp nhiều cho ngôn ngữ VN.
 

Nhưng cũng có điều đáng tiếc là, các nhà truyền giáo cần nguồn lực cho nhiệm vụ, nên buộc phải tham gia vào thương mại. Chẳng mấy chốc, một số người trở nên giàu có và đánh mất tiếng gọi thiêng liêng của mình. Rôma đã thấy điều này và bắt đầu hối hận khi trao toàn bộ Giáo hội ở Châu Á cho nhà vua BĐN.

Năm 1622, ĐTC thành lập Thánh Bộ Truyền bá Đức tin (TBĐT), chịu trách nhiệm về tất cả các tổ chức truyền giáo của Giáo hội trên toàn thế giới. Mục đích lâu dài là để truyền bá đức tin khắp mọi nơi và để Giáo hội Hoàn vũ lấy lại quyền điều hành mọi công cuộc truyền giáo mà BĐN đang nắm giữ. Năm 1627, Trường Giáo hoàng Truyền giáo được thành lập để đào tạo các nhà truyền giáo.

Thánh Bộ TBĐT đã hướng đến mục tiêu giải thoát các phái bộ truyền giáo thuộc địa khỏi sự kiểm soát chính trị. Chế độ bảo trợ phải bị xóa bỏ. Nhưng mọi thứ diễn ra chậm chạp. Sự can thiệp đầu tiên của Thánh Bộ TBĐT vào Châu Á trong năm 1645 không phải là về việc bổ nhiệm giám mục, mà liên quan đến tranh chấp về Nghi lễ Trung Hoa.

Cuối cùng vào năm 1658, Thánh Bộ TBĐT đã kiểm soát Giáo hội thuộc địa. Các giám mục được bổ nhiệm được phái đến bất cứ nơi nào ở miền Đông. Ba vị này là Pierre Lambert de La Motte, François Pallu và Ignace Cotolendi. Không có bất kỳ hồ sơ liên lạc nào giữa Rôma và vua BĐN về sự tiếp quản này. Rôma chỉ đơn giản là tiến hành.

Năm 1659, Thánh Bộ TBĐT đã chuẩn bị những chỉ dẫn trở thành kim chỉ nam cho công cuộc truyền giáo, đó là Huấn thị Rôma. Huấn thị này đặt ra các nguyên tắc để quản trị cách thức các giám mục mới tiến hành công việc và đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về cơ cấu tổ chức của Giáo hội.

Huấn thị này tương đối có tầm nhìn xa và đi trước thời đại, thách thức các nhà truyền giáo đạt đến một tiêu chuẩn cao. Những vị này phải tránh các hoạt động thế tục, tránh xa chính trị, không được tham gia vào hệ thống thuộc địa, tôn trọng sâu sắc các nền văn hóa bản địa, phải xây dựng các Giáo hội địa phương tự trị liên kết với Tòa thánh, phải thành lập hàng giáo sĩ bản xứ tại địa phương.

3. Đức cha Lambert de la Motte nỗ lực giúp Giáo Hội lấy lại quyền điều hành công cuộc loan báo Tin Mừng

Đức cha Lambert de la Motte đã nỗ lực cách anh hùng để thực hiện những chỉ dẫn này. Không có con tàu nào đưa Lambert de la Motte đến nơi truyền giáo của ngài, và ngài phải tránh người BĐN, những người sẽ trục xuất ngài trở lại Châu Âu nếu họ bắt được ngài. Vì vậy, ngài đã bắt đầu cuộc hành trình đường bộ đáng kinh ngạc kéo dài 2 năm từ Châu Âu.

Ngài đến Ayuthaya - thủ đô của Xiêm - vào năm 1662. Lãnh thổ của ngài - với tư cách là Giám mục - bao gồm Xiêm La (Thái Lan), Campuchia và Đàng Trong (vào thời điểm đó là một vương quốc bao phủ nửa phía nam của VN).

Căn cứ chính của đế chế BĐN là Goa ở Ấn Độ. Tòa giám mục Goa đang bỏ trống, không có giám mục cho đến năm 1670. Lãnh thổ của Đức cha Lambert nằm trong ranh giới của Goa, nhưng không có sự tham gia, hỗ trợ hoặc giám sát của các nhà truyền giáo - chủ yếu là các tu sĩ Dòng Tên - đã có mặt ở đó. Cha William Lesley của Thánh bộ đã báo trước cho Đức cha Lambert về thái độ của họ.
 

 

Rôma đã không ngờ Đức cha Lambert phải chịu thách đố quá lớn, và cái giá ngài phải trả quá nặng nề. Ngài giống như một con cừu bị ném cho bầy sói, tự lo liệu cho mình trong một môi trường thù địch.

Ngài bắt đầu nhiệm vụ thiết lập các cơ cấu tổ chức của Giáo hội như: chủng viện, giáo sĩ bản địa, tổ chức mục vụ và cộng đoàn nữ tu. Mỗi ngày, ngài phải đối mặt với sự phản đối gay gắt, âm mưu và bạo lực. Và có nỗi đau lòng khi không được tin tưởng.

Ngay cả các bạn trong nhóm của ngài ở quê nhà cũng không chấp nhận sự thật đúng đắn và sự khôn ngoan chưa bao giờ bị đánh mất từ ngòi bút của ngài. Thay vào đó, họ tin vào lời dối trá của những kẻ thù nghịch ngài. Lịch sử của công cuộc truyền giáo đó không được viết ở nơi nó diễn ra mà được viết ở Pháp, và ở Pháp thì cái tên Pierre Lambert de la Motte đã bị xóa khỏi câu chuyện. Chỉ trong thời đại của chúng ta, nghiên cứu kỹ lưỡng mới phát hiện ra không chỉ những thành tựu mà còn cả sự thánh thiện của ngài.

Một nơi mà Đức cha Lambert và các báo cáo của ngài được tin tưởng là Thánh bộ TBĐT ở Rôma. Nhưng họ không phải là những người viết sách lịch sử.

Đức cha Lambert đã phải chịu đựng rất nhiều. Ngài đã chứng minh rằng kế hoạch có thể thành công. Từ khởi đầu này của ngài, từng chút một, Thánh bộ TBĐT đã có thể thiết lập phẩm trật của Giáo hội tại các vùng lãnh thổ thuộc địa và các quốc gia khác trên khắp thế giới, để liên kết chặt chẽ họ với Giáo hội hoàn vũ, để thiết lập một cơ cấu tổ chức có thể cử vô số nhà truyền giáo đi khắp thế giới, có thể phối hợp và hỗ trợ cho các nhà truyền giáo trong những thế kỷ tiếp theo.

Nếu Đức cha Lambert chùn bước, khuất phục trước áp lực, thì sẽ không có chủng viện, không có giáo sĩ bản xứ lãnh đạo và xây dựng Giáo hội địa phương, không có Dòng Mến Thánh Giá - một cộng đoàn của tình yêu và phục vụ khiêm hạ. Sức mạnh của Giáo hội hoàn vũ hiện nay nằm ở các vùng đất truyền giáo - nơi đức tin vẫn còn sống động và phát triển mạnh mẽ. Nhưng nếu không có thành công của cuộc thử nghiệm do Đức cha Lambert dẫn đầu, nó có thể chỉ là cái bóng mờ mà thôi.

Lm Jefferies đúc kết:

“Khi tác phẩm của bà Françoise Fauconnet-Buzelin về Giám mục Lambert lần đầu tiên đến tay tôi cách đây 10 năm, tôi khá hứng thú. Tôi vẫn nhớ một chút tiếng Pháp nên tôi bắt đầu xem qua các trang sách, và không bao lâu sau tôi bị cuốn hút bởi ngài, đặc biệt là tôi có mối liên hệ với ngài với tư cách là một tu sĩ Dòng Thương Khó.

“Khi thấy ngài hân hoan đương đầu với những đau khổ, tôi đã được nhắc nhớ rằng: tôi là thành viên của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu Kitô. Trước Công đồng Vatican, tên của chúng tôi bao gồm cả Thánh giá và Thương Khó của Chúa Giêsu, nhưng sau Công đồng chúng tôi chỉ giữ lại chữ Thương khó. Thực sự hai từ này đều biểu thị cùng một thực tại, là trung tâm của đức tin Kitô giáo.
“Gia sản tinh thần - mà tôi được huấn luyện và được trao tặng - chính là từ Thánh Phaolô Thánh giá, người đã sinh ra tại Ý, hơn 20 năm sau khi Đức cha Pierre qua đời. Gia sản tinh thần của Dòng Thương Khó có nhiều điểm chung với đặc sủng thiêng liêng của Đức cha Lambert. Thật là tệ vì tôi thường khá bận rộn, và việc dịch cuốn sách này chỉ là thú vui nho nhỏ tôi làm khi rảnh rỗi. Cuối cùng phải mất gần 10 năm tôi mới xuất bản được cuốn sách này.”


 

Tác giả bài viết: Tóc Ngắn (TGPSG)

Nguồn tin: https://tgpsaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây