Ngày thứ Tám- Suy niệm chủ đề tuần cửu nhật Suy Tôn Thánh Giá, Năm 2024

Chủ nhật - 08/09/2024 05:46 203 0
 

Ngày thứ Tám-
 Suy niệm chủ đề tuần cửu nhật Suy Tôn Thánh Giá, Năm  2024

 “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 20-21).

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu chết khổ hình trên cây thánh giá và đã sống lại vinh quang để cứu độ chúng con. Chúa còn ở lại với chúng con rất gần gũi trong Bí Tích Thánh Thể, chúng con chúc tụng, thờ lạy, cảm tạ Chúa. Xin Chúa đón nhận tâm tình thờ kính và yêu mến, khát khao thuộc về Chúa mà chúng con muốn dành cho Chúa trong giờ phút này.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi đời sống và hoạt động của Giáo hội. Sự hiện diện của Chúa có thể được chứng tỏ qua đời sống đạo đức, bác ái, yêu thương, hy sinh quên mình nhằm xây dựng một thế giới huynh đệ, hạnh phúc của mọi thành phần dân Chúa trên khắp thế giới. Xin cho mỗi chúng con biết nhận ra Người đang sống giữa cuộc sống này để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho Người ngang qua sứ vụ của mỗi chúng con.
Xin cho những con người đang sống trong sự ích kỷ, kiêu căng, muốn đứng trên đầu trên cổ người khác được ơn soi sáng để cảnh tỉnh lương tâm và sớm được phục hồi trong đức ái...Xin vì lòng thương xót Chúa mở lối cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết hướng lòng mình về sự sống vĩnh cửu, biết vì con người mà lo cho dân nước được bình an, thịnh vượng; cách riêng cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng như nhiều nơi trên thế giới sớm kết thúc để người dân không phải chịu cảnh tang thương chết chóc…
Xin Thánh Thần Chúa đổi mới bộ mặt địa cầu, canh tân lòng trí chúng con để mỗi người biết góp phần nhỏ bé của mình trong cuộc sống, nhờ đó con người luôn được sống trong niềm vui và hy vọng dù vẫn còn đó những khó khăn thử thách… Xin Chúa biến đổi chúng con thành những con người mới trong ơn thánh của niềm vui vui và sự bình an mà Chúa đã chào chúc cho Các Tông đồ sau khi Phục Sinh “Bình an cho anh em!”


Suy Niệm:

Tiếp nối những lời trăn trối của Chúa Giêsu trên Thập Giá là lời của Đấng Phục Sinh. Khi Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các môn đệ, Ngài cho các ông xem những vết thương của Ngài, những dấu đinh nơi thân thể Ngài là dấu tích của tội lỗi mà con người đã gây nên cho Chúa, trong đó có cả các môn đệ của Ngài. Thế nhưng, khi Chúa hiện ra với các môn đệ, Chúa không hỏi các ông về quá khứ tội lỗi. Lời đầu tiên là lời chúc bình an, là lời loan báo ơn tha thứ. “Bình an cho anh em!”. Nếu chúng ta không tin vào Đấng Phục sinh thì những đau khổ của chúng ta không có lối thoát, niềm tin và việc đi theo Chúa Giêsu trở nên điên dại, hão huyền. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại, Thập Giá mang một ý nghĩa mới, nó không còn là dấu hiệu của khổ đau và tủi nhục nhưng là dấu hiệu của tình yêu, lòng thương xót, thứ tha và là dấu hiệu của niềm hy vọng.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đấng Phục Sinh đến gặp các môn đệ của Người. Người gặp họ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng kín: đang ở trong nỗi sợ hãi, chứ chưa được thông dự vào sự sống mới của Đấng phục sinh. Trong bối cảnh ấy, Đức Kitô Phục sinh đến ban bình an và đưa các môn đệ ra khỏi tình trạng bế tắc của sự sợ hãi, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa”. Các ông vui mừng vì đã được chạm vào thân thể của Đấng phục sinh. Niềm vui nối tiếp niềm vui, vui vì được thấy Chúa và vui hơn nữa khi được Ngài trao ban bình an. Khi trao bình an cho các Tông đồ, Đấng phục sinh đồng thời trao sứ mạng loan truyền và thực thi lòng Chúa xót thương, ban ơn tha tội và ban bình an của Chúa cho nhân loại.

Đấng Phục sinh làm gì trước việc nhút nhát thiếu lòng tin này của các môn đệ, cách riêng là Tôma? Ngài quay trở lại, và đứng tại cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, Ngài lặp lại lời chào: “Bình an cho các con!” (Ga 20:19, 26). Ngài lặp đi lặp lại. Ngài động viên, khích lệ các ông và giúp các ông hiểu rằng, Chúa không bao giờ mệt mỏi, luôn kiên trì nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã.

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta tiến bước một cách ngập ngừng, không vững chắc trong đức tin, giống như một em bé chập chững đi được vài bước lại ngã; bước thêm vài bước nữa rồi lại ngã, nhưng mỗi lần đứa bé ngã, người cha đều nâng bé dậy và giúp nó đứng vững trên đôi chân. Bàn tay Cha luôn nâng chúng ta đứng dậy và giúp mỗi người có thể đứng trên đôi chân mình là lòng thương xót: Chúa biết rằng không có lòng thương xót thì chúng ta sẽ ngã sóng soài trên mặt đất, và để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng đỡ dậy để đứng vững trên đôi chân của mình.

Thánh Giá quả là đau khổ, buồn phiền, khó chấp nhận nhưng nếu mỗi người có chút tình yêu dành cho Chúa Giêsu như bà Maria Madalena, như ông Tôma, Phêrô và  Gioan…có lẽ mình sẽ bớt sợ hãi hay phẫn uất với thánh giá.
Nhìn ngắm, đụng chạm vào vết thương trên thân thể Chúa Phục Sinh, Chúa Giêsu muốn chúng ta những nữ tu Mến Thánh Gía sống xứng đáng với ơn gọi cao quý mà Chúa đã chọn gọi. Nỗ lực sống tích cực mầu nhiệm Thập Giá trong đời, chúng ta sẽ là nguồn an ủi cho dân Chúa đang phải đối đầu với khổ đau vì chiến tranh khiến cuộc sống thêm khó khăn, đời sống bấp bênh vì không có việc làm hay trong những khổ đau tất yếu của đời người.

Theo tinh thần của Đức Cha Lambert de la Motte, để sống tương quan tình yêu đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, lối đi duy nhất của người nữ tu Mến Thánh Giá là phải đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Mỗi ngày tích cực sống giá trị của Tin Mừng cách triệt để, thực hiện vai trò trung gian chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống.

Được mời gọi nhìn ngắm, đụng chạm vào vết thương, các dấu đinh trên thân thể Chúa Phục Sinh chúng ta được nhắc nhở về những thất bại, đau khổ, mệt mỏi, bệnh tật, chết chóc trong đời tất yếu phải có dù người đó ở địa vị, bậc sống nào. Mỗi người dù ở đâu, mang màu da, sắc áo nào đều có Thánh Gía của riêng mình.

Khi cho thánh Tôma xem những vết đinh nơi thân thể của mình sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu muốn mỗi người hãy sẵn sàng mang lấy thánh giá đời mình trong tin yêu hy vọng. Vì, nếu chúng ta mang thánh giá trong bực dọc, phàn nàn …nó sẽ trở nên nặng nề, thất vọng. Không có con đường nào khác để đến Thiêng đàng nếu không đi đường Thánh Giá. Nếu muốn được hưởng trọn niềm vui Phục Sinh không thể lẫn tránh, chạy trốn đau khổ, bỏ ngang con đường Canvê loang máu. “Đau khổ không những giúp con can đảm, nhẫn nại, nhưng còn có giá trị cứu chuộc rất lớn lao, nếu con hiệp với sự thương khó Chúa Giêsu”.( ĐHV. 706)

Sống mầu nhiệm Thập Giá trong đời mình, người nữ tu mến Thánh Giá cùng với Đức Giêsu tiếp tục hoàn thành sứ mạng cứu độ của Người trên trần gian. Sống mầu nhiệm Thập Giá trong đời mình, người nữ tu mến Thánh Giá giới thiệu cho con người mọi thời về niềm hy vọng được hưởng hạnh phúc đích thực nơi mà Đức Giêsu đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chị em chúng con vừa suy niệm, chiêm ngắm bài học thiêng liêng mà Chúa dạy chúng con từ cuộc thương khó của Chúa. Những vết thương vẫn còn im đậm trên thân thể Chúa dù Chúa đã vinh quang Phục Sinh. Nhìn ngắm dấu vết đau thương của Chúa, chúng con học được nhiều bài học từ tình yêu tự hiến của Chúa và biết phải làm gì trước  những đau khổ, trái ý, hiểu lầm…hằng ngày.
Lạy Chúa Giêsu, con đường Thập Gía luôn chật hẹp và bị mọi người chối từ. Xin ban cho chúng con Ân sủng để kiên trung bước theo trên con đường Chúa đã đi. Chúng con hiểu rằng: “tôi tớ không trọng hơn chủ”, xin cho chúng con dám bước theo Chúa từng ngày để dù khi bị cám dỗ buông bỏ thánh giá, chối từ, phẩn uất trước đau khổ, thử thách, biết nhìn lên ánh mắt yêu thương của Chúa mà tiếp tục bước đi. Xin cho chúng con tình yêu và sức mạnh để khi những cảm giác nỗi loạn, tìm cách trốn chạy khi thánh giá xuất hiện, chúng con được Chúa cho nhìn thấy dấu đinh nơi thân thể phục sinh của Chúa mà quảng đại, can đảm đưa vai vác lấy cùng bước đi trong tin yêu, tín thác. Xin Ngài luôn hiện diện và đồng hành bên con trong mọi giây phút sống, và xin cho con cảm nghiệm ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa, để cuộc đời con là một chuỗi ngày từ bỏ mình và  phục vụ, hy sinh không toan tính thiệt hơn để xây dựng cộng đoàn con đang sống trở thành cộng đoàn của lòng thương xót. Amen

Thực hành: Tôi đã sống tinh thần tu trì thế nào? Tôi đã để cho tinh thần thế tục chiếm lấy qua những cử chỉ lời nói thiếu nhân bản, thiếu tinh thần tu đức? Tôi có quyết tâm nào cho những ngày tiếp nối ?


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây