Tâm tình Mùa Vọng và Giáng Sinh

Chủ nhật - 25/12/2022 22:46 1.394 0

Tâm tình Mùa Vọng và Giáng Sinh

« Sống linh đạo Mến Thánh Giá trong tâm tình Mùa Vọng và Giáng Sinh ». Đó là đề tài mà quý chị em xin tôi nói chuyện. Chúng ta cần xác định ngay ý nghĩa của hai điều này :
Thứ nhất : Mùa Vọng và Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, tức Đức Giêsu Ki-tô, mà Giáo Hội mừng kính trong phụng vụ.
Thứ hai : linh đạo Mến Thánh Giá là do Đức cha Lambert đề ra.

Tâm tình Mùa Vọng

1, Thánh kinh và phụng vụ
Bốn tuần lễ trước Giáng Sinh là thời gian phụng vụ giúp chúng ta sống tâm tình chờ đợi Đấng Cứu Thế. Chờ đợi trong niềm hy vọng vững vàng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến. Chúng ta chờ đợi tựa như đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về ; dù thấp thỏm, bồn chồn, phấp phỏng, nó biết chắc mẹ nó sẽ về.
Và phụng vụ Mùa Vọng nhắc đến hai nhân vật quan trọng trong mầu nhiệm Đấng Cứu Thế nhập thể là Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse.
Ý định nhập thể là của Thiên Chúa. Một sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa là người thực hiện chương trình này. Nhưng Ngài cần tới sự cộng tác tự nguyện của con người. Đức Maria và thánh Giuse đã là hai cộng tác viên tự nguyện.
Đức Maria và thánh Giuse là hai người trẻ đang yêu nhau, với ý định sống chung với nhau thành một gia đình. Nhưng vừa sau khi họ thành hôn với nhau thì Thiên Chúa can thiệp vào ý định riêng của họ. Và Đức Trinh Nữ thụ thai. Ở đây, chúng ta nghĩ rằng, Đức Maria đã kể cho thánh Giuse chuyện sứ thần Gabriel truyền tin. Rồi chính vì đó, thánh Giuse rơi vào khủng hoảng, không biết phải xử lý ra sao : quả thực, ngài yêu thương Đức Mẹ, nhưng nay Đức Mẹ không thuộc về ngài nữa mà thuộc về Thiên Chúa. Theo khả năng phân định của ngài, một người công chính, ngài sẽ rút lui, để Đức Mẹ hoàn toàn tự do theo ý muốn của Thiên Chúa. Ngài « không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo » (Mt 1,19). Sau cùng, sứ thần Chúa can thiệp và thánh Giuse hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa.
Chương trình nhập thể của Thiên Chúa được thực hiện với sự cộng tác tự nguyện của Đức Maria và thánh Giuse.
Đức Maria và thánh Giuse có ý định riêng, có tình yêu riêng đối với nhau. Nhưng các ngài đã bỏ ý riêng để vâng phục ý muốn của Thiên Chúa.
Các nữ tu Mến Thánh Giá sống tâm tình Mùa Vọng là sống nhân đức vâng lời, điều mà trong đời thánh hiến của họ đã được nâng lên thành lời tuyên khấn trong Giáo Hội.
2, Nơi Đức cha Lambert
Vâng lời luôn luôn là vâng lời Thiên Chúa. Một tu sĩ vâng lời bề trên « trong lòng tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa » (Perfectae caritatis, 14). Đức cha Lambert vâng lời Đức Giáo Hoàng và Thánh bộ Truyền bá Đức tin là bề trên chính thức của ngài trong Giáo Hội. Và chúng ta biết là ngài vâng lời cách tuyệt đối, trọn hảo.
Vài mẫu gương :
Đức cha Lambert ước ao được đi truyền giáo như một thừa sai bình thường, nhưng không ngờ Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục. Khi được tin, ngài « cảm thấy rất buồn phiền khi chấp nhận chức Giám mục […]. Nếu được tự quyết, ngài thích ra đi với tư cách nhà truyền giáo bình thường, một nhiệm vụ ngài cho là đã quá cao quý và vinh dự đối với ngài. Nhưng ngài cần phải tuân phục những gì người ta yêu cầu bản thân ngài. » (Brisacier, đoạn 199).
Tuân phục làm giám mục, ngài còn vâng lời Thánh Bộ rời bỏ quê hương, sang tận miền Đông Nam Á. Ngài trình bày lên Tòa Thánh rằng :
« Từ khi Đức Giáo Hoàng chỉ định chúng con làm giám mục, chúng con như những người đang sống được đưa vào cõi chết, trong mục tiêu rao giảng Phúc Âm cho đế quốc Trung Hoa mênh mông. »
Trước khi rời Paris, ngài viết về Thánh Bộ :
« Chúng con đang chuẩn bị lên đường hay đúng hơn là đi lưu đầy vĩnh viễn. »
Tại Marseille, chuẩn bị rời quê hương, ngài viết cho cha Chevreuil rằng :
« Lộ trình mà chúng tôi theo vì danh Chúa thì về mặt tinh thần là điều không thể thực hiện được. »
Trên hành trình sang Đông Nam Á, ngài đã gặp nhiều thử thách có thể làm nản chí, buông xuôi, quay trở về. Nhưng lập trường của ngài là vâng lời chỉ thị của Tòa Thánh, như ngài xác định với Thánh Bộ :
« Chúng con sẽ không hãnh diện gì khác hơn là việc nhắm mắt vâng phục Tòa Thánh và Thánh Bộ. »
Hay với Đức Giáo Hoàng :
« Chúng con sẽ trung thành tuân theo các mệnh lệnh của Đức Thánh Cha và chúng con lấy đó làm niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh cho mình. »
Đặt chân được tới đất Xiêm La ngày 22.08.1662, thì ngày 10.10 (tức chưa đầy 2 tháng sau), ngài viết thư lên Đức Giáo Hoàng xin từ chức giám mục đại diện tông tòa. Ngài sẽ tiếp tục xin từ chức tất cả là 4 lần trong các lá thư gửi về Đức Giáo Hoàng, và 4 lần trong các thư gửi về Thánh Bộ. Tuy nhiên, vì Đức Giáo Hoàng và Thánh Bộ không đồng ý, ngài đã vâng lời giữ chức vụ giám mục đại diện tông tòa cho tới chết.
Đức cha Lambert để lại rất nhiều gương đức vâng lời mà nơi đây, chúng ta không thể kể ra hết được. Tóm lại, Đấng Sáng Lập dòng Mến Thánh Giá đã luôn luôn vâng lời Tòa Thánh.
3, Linh đạo Mến Thánh Giá
Vâng lời là điểm không thể thiếu được trong linh đạo dòng Mến Thánh Giá, vì Đấng Sáng Lập đã dạy khi ngài ban luật dòng :
« Điều 1 : Các chị em thấy mình được gọi vào hội dòng này sẽ tuyên ba lời khấn thông thường là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. »
Muốn sống linh đạo dòng Mến Thánh Giá thì phải gia nhập đời sống thánh hiến. Mà đời sống thánh hiến là tuyên giữ ba lời khấn tu sĩ gồm khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Còn nếu chỉ theo linh đạo Mến Thánh Giá tổng quát thì không cần phải gia nhập đời sống thánh hiến, chỉ tham gia Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá là đủ.
Đức cha Lambert lập dòng và dạy linh đạo dòng Mến Thánh Giá, linh đạo này được cụ thể hóa trong bản luật dòng năm 1670. Bản luật dòng này được các nữ tu Mến Thánh Giá tại giáo phận Tây Đàng Ngoài, tức giáo phận Hà Nội ngày nay, trung thành tuân giữ suốt 125 năm. Năm 1795, Đức cha Longer Gia, giám mục đại diện tông tòa Tây Đàng Ngoài, đã sửa đổi bản luật năm 1670 cho thích hợp với đời sống lúc đó.
Đức cha Longer Gia, năm 1792, sau khi được bổ nhiệm giám mục, đã viết một lá thư gửi các nữ tu Mến Thánh Giá trong giáo phận. Lá thư rất hay, mang tựa đề « Khuyên người nhà mụ », ngài khuyên bảo rằng :
« Hễ bao giờ đấng bề trên dạy sự gì, dù phải sự khó mặc lòng, cũng phải vâng vì chưng vâng ý đấng thay mặt Đức Chúa Lời cũng là vâng lời người. Nhân vì sự ấy các thánh khen phúc vâng lời chịu lụy hơn phúc ở khó khăn sạch sẽ về phần xác, vì chưng kẻ ở khó khăn và sạch sẽ thì dâng của thế gian và xác mình cho Đức Chúa Lời mà thôi, song le kẻ vâng lời chịu lụy, thì dâng trí khôn và lòng mình cho Đức Chúa Lời, ấy là của tế lễ đẹp lòng người nghìn trùng. »
Trong truyền thống riêng của dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, bản luật năm 1983 của Đức Hồng y Trịnh Văn Căn dạy :
« Khấn vâng lời, chị nữ tu thành thật tuân theo những quyết định chính đáng của các Bề Trên chính thức, trong những điều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh hoạt của Dòng, nghĩa là đến việc giữ các Lời Khấn và giữ Luật Dòng. Còn nhân đức vâng lời dạy chị em mau mắn và nhiệt thành làm theo mọi quyết định của Bề Trên, chẳng những tuân phục bằng việc làm, lại phải từ bỏ ý riêng và cách xét đoán chủ quan của mình. »
Sống tâm tình Mùa Vọng bằng linh đạo Mến Thánh Giá là thực hành nhân đức vâng lời. Nhờ biết vâng lời, chúng ta để cho Chúa hành động bằng chúng ta và qua chúng ta, Chúa sẽ đến cứu độ con người. Như Đức Maria và thánh Giuse, Chúa ban ơn riêng cho chúng ta để chúng ta có thể giữ linh đạo Mến Thánh Giá. Nhưng song song đó, Chúa cần sự vâng lời tự nguyện của chúng ta để có thể hành động trong thế gian này.
&

Tâm tình Giáng Sinh
1, Thánh kinh và phụng vụ
Mầu nhiệm Giáng Sinh hay mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa được Giáo Hội mừng kính trọng thể bằng lễ Giáng Sinh, ngày 25 tháng 12 mỗi năm. Sứ điệp Giáng Sinh mà Chúa gửi đến chúng ta là sống khiêm nhường và khó nghèo.
Mầu nhiệm Giáng Sinh quả thực là mầu nhiệm khiêm nhường của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Ki-tô :
« Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. » (Pl 2,6-7).
Giáng Sinh là Con Thiên Chúa xuống trần cách rất khiêm nhường và đã chọn lấy một đời sống khó nghèo. Ngài sẽ sống khó nghèo từ khi sinh ra cho tới khi chết.
Sống tâm tình Giáng Sinh là sống khiêm nhường và khó nghèo.
2, Nơi Đức cha Lambert
Trong tập tiểu sử đầu tiên về Đức cha Lambert, người ta kể về cậu bé Lambert rằng :
« Khi có được một ít tiền trong túi, ngài vui sướng phân phát cho bất kỳ người cùng khốn nào ngài gặp, cho dầu vì vậy ngài không còn gì để vui chơi giải trí. Và nếu còn dư đôi chút, ngài thản nhiên đặt hết vào tay vị gia sư, xin ông ta cứ tiêu dùng tuỳ thích, bởi vì ngài không cần đến nó. » (Brisacier, đoạn 7).
Hồi nhỏ như vậy, lớn lên, ngài cũng không bao giờ tỏ ra là người bận tâm về tiền bạc. Năm 1657, ngài đã sẵn sàng dâng hiến hết tài sản của ngài cho việc truyền giáo. Tại nơi truyền giáo, năm 1669, cha Marini dòng Tên đã tố cáo ngài lo chuyện tiền bạc, lo làm giầu, cho vay lấy lời. Sau đây là trả lời của ngài :
« Các cha dòng Tên phải thấy chúng tôi không làm việc thương mại, không đòi tiền dâng lễ, tiền ban các bí tích và tiền làm lễ an táng, và ngay cả chúng tôi còn cho rất nhiều người nghèo mượn tiền không lấy lời và không đồ bảo đảm. Mặt khác, chúng tôi có chung quanh mình rất đông người, không phải vì muốn khoa trương hoa mỹ, nhưng vì bác ái. Quả thực, chúng tôi cảm thấy quá tàn nhẫn và đau đớn khi không chuộc lại các Ki-tô hữu bị cưỡng bức làm nô lệ lâu ngày cho người ngoại giáo, cho dù chuộc lại với tiền bạc của chúng tôi. Cũng vậy đối với các trẻ em mà cha mẹ chúng cho đi làm mướn nơi các kẻ khác theo thói tục xứ này, chúng tôi đứng ra bảo lãnh chúng mà nhiều em được chúng tôi dạy bảo chữ nghĩa và lòng đạo đức cùng với những sự khác.
Và phải chăng ngôi chủng viện đôi khi cũng đáng phải chi phí tiền bạc vì lợi ích việc truyền giáo ?
Vì chúng tôi bị buộc phải chi phí những khoản tiền lớn, chúng tôi đã nghĩ phải thiết lập những lợi nhuận thường niên bằng số tiền còn lại. Do vậy, chúng tôi đã cho một thương nhân giàu có người Anh vay số tiền là 2.500 đồng. […] [Tiền lãi ở mức tối thiểu và phù hợp theo lượng tính của nhà vua]. [Nhưng] suốt ba năm qua từ khi chúng tôi cho vay với lãi xuất quá nhẹ, chúng tôi không hưởng được một đồng xu tiền lời và ngay cả tiền vốn cũng có vẻ gần như biến mất, do ông thương nhân chết bất ngờ và tài sản ông bị phân tán đi cách này cách khác. »
Thực sự, nếu không do ác ý, chẳng ai có thể cáo tội Đức cha Lambert sống hưởng thụ hay lo tìm tiền của vật chất.
Và đây là điều thứ bốn trong di chúc của Đức cha Lambert :
« Tôi để lại cho Chủng viện đã được thiết lập nhằm lo việc hoán cải dân ngoại tại Paris, nơi khu phố Saint-Germain của Paris, tất cả mọi tài sản thuộc về tôi lúc tôi từ trần, thuộc bất kỳ loại nào, từ tiền cho thuê nông trại, của cải thừa kế, các lợi tức thường niên và bổng lộc của chức vụ, các khoản thu nhập, các công trái, v.v., nói chung, tất cả những gì tính được là tài sản để lập nên một ngân quỹ dùng vào việc thiết lập và duy trì Chủng viện của Giáo phận Tông tòa Đàng Trong và việc chăm sóc các kẻ ngoại đang học đạo, các tín hữu và các chủng sinh được nuôi dạy trong Chủng viện ấy. Vì việc này, tất cả ngân quỹ trên sẽ được sử dụng ngay sau khi việc trao chuyển tiền bạc được thực hiện tại kinh thành Xiêm La để tạo lợi tức cho mục đích ấy. »
3, Linh đạo Mến Thánh Giá
Trong linh đạo Mến Thánh Giá nói chung dành cho mọi tín hữu, Đức cha Lambert không dạy phải sống khó nghèo. Ngài chỉ nói cách tổng quát :
« [Các hội viên] sẽ dạy bảo và sẽ theo con đường nhỏ hẹp của Phúc Âm và tránh xa con đường đời sống rộng rãi. »
Nhưng với các nữ tu, cũng như đức vâng lời, đức khó nghèo là điểm không thể thiếu được trong linh đạo dòng Mến Thánh Giá, vì Đấng Sáng Lập đã dạy khi ngài ban luật dòng :
« Điều 1 : Các chị em thấy mình được gọi vào hội dòng này sẽ tuyên ba lời khấn thông thường là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. »
Mầu nhiệm Giáng Sinh thể hiện ra sự khiêm nhường và khó nghèo của Đức Giêsu Ki-tô. Và lời dạy sau đây của Đấng Sáng Lập nói lên đời sống khiêm nhường và khó nghèo của một nữ tu dòng Mến Thánh Giá :
« Các con không còn thuộc về các con nữa, nhưng thuộc trọn về Chúa Giêsu Ki-tô. Các con đã tự dâng mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu Ki-tô để từ nay chỉ còn chuyên tâm hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa, bằng việc suy niệm và bắt chước cuộc đời đau khổ của Người và bằng việc thực hành những nhiệm vụ của hội dòng các con. » (Thư gửi Bà Anê và Bà Paula).
Suốt dòng lịch sử, dòng Mến Thánh Giá luôn có được hình ảnh một hội dòng nghèo khó và khiêm nhường như phần lớn người dân lam lũ Việt Nam.
Công đồng Kẻ Vĩnh tháng 10 năm 1795 dạy :
« Chính phép nhà chị em lẽ thì phải ở trong nhà liên mà giữ các phép làm gương nhân đức cho nhau về phần linh hồn và làm ăn nuôi nhau phần xác ; nhưng mà khi có nhà nao phải cho đôi ba người đi buôn bán, vì thiếu chẳng đủ ăn trong nhà, thì cũng được đi mười lăm ngày trở lại : ai đi vắng lâu hơn mười lăm ngày, mà chẳng về nhà, khi chẳng có phép đấng bề trên cho vì lẽ cần nào, thì có lỗi nặng. »
Công đồng Kẻ Sặt năm 1900 dạy :
« Trong nhà có sức nuôi bao nhiêu và có thể lo đủ mọi sự cần cho bao nhiêu người, thì hãy nhận bấy nhiêu mà thôi, đừng nhận nhiều người quá, kẻo chị em phải đi dông dài kiếm ăn mà mắc sự cheo leo nhiều đàng. »
« Tòa Công đồng chẳng muốn đòi sự gì trong cách chị em ăn mặc, một dạy phải mặc áo mùi thâm hay là mùi nâu khiêm nhường đơn sơ chẳng pha sự gì điệu dáng phần đời. »
Trong truyền thống riêng của dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, bản luật năm 1983 của Đức Hồng y Trịnh Văn Căn dạy :
« Khấn Nghèo Khó, chị nữ tu từ bỏ quyền sử dụng của cải khi không có phép. Còn nhân đức Nghèo Khó đòi hỏi nhiều hơn, đòi buộc chị nữ tu từ bỏ mọi dính bén của cải trần thế và sẵn sàng sống túng thiếu. Tinh thần Nghèo Khó còn thể hiện qua lao động, chị em Mến Thánh Giá chăm chỉ làm việc để tự nuôi sống, và nâng đỡ Dòng mình, phục vụ người khác. »
Sau cùng, lời dạy của Công đồng Vaticanô II rất đẹp :
« Tự nguyện sống khó nghèo để bước theo Chúa Ki-tô là một dấu chỉ rất được quí trọng đặc biệt trong xã hội ngày nay, vì thế, các tu sĩ hãy chú tâm thực hành và biểu lộ đức khó nghèo bằng những hình thức mới hợp theo hoàn cảnh sống. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự nghèo khó của Chúa Ki-tô, Đấng tuy giàu có, đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta để chúng ta được dư dật nhờ sự nghèo khó của Người (x. 2 Cr 8,9 ; Mt 8,20). » (Perfectae caritatis, 13).

Nhờ sống tâm tình Giáng Sinh bằng việc thực hành đức khó nghèo và khiêm tốn, người nữ tu Mến Thánh Giá sẽ dễ dàng thực thi sứ vụ tông đồ của hội dòng mình, tức đến với người khác trong việc mục vụ hay truyền giáo. Giáng Sinh, vì yêu, Chúa đến với chúng ta. Các chị em Mến Thánh Giá là « vài kẻ được tuyển chọn » mà nhờ đó Chúa Giêsu Ki-tô có thể sinh hạ vào trong đời nhiều người chưa biết Chúa.
 
&
 
Mùa Vọng và Giáng Sinh nhắc lại mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa. Đây là điểm đặc thù của Ki-tô giáo, không gặp được nơi một tôn giáo nào khác. « Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết » (Ga 1,18). « Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa » (Ga 1,11-12). Theo niềm tin Ki-tô giáo, « sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Ki-tô » (Ga 17, 3). Từ đó, chúng ta có thể nói rằng hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Ki-tô phải là mục tiêu tối hậu cho mọi người trên trần gian này hầu đạt tới ơn cứu rỗi đời đời.
Đức cha Lambert đã « cảm nhận một nỗi buồn vô tận khi thấy những người dân đáng thương trong vương quốc Xiêm La rộng lớn này bị mất linh hồn, họ là những người có bản chất thật tốt lành. Ngài đã tha thiết cầu xin Chúa ban cho họ được hiểu biết và yêu mến Chúa ».
Trong linh đạo Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert đặt trọng tâm vào điểm cao của mầu nhiệm Nhập Thể là cái chết của Đức Giêsu Ki-tô trên thánh giá. Và ngài coi các nữ tu Mến Thánh Giá là những « kẻ được tuyển chọn » để Đức Giêsu Ki-tô có thể « tiếp tục cuộc sống lữ thứ và hiến tế của Người cho đến tận thế ». Nghĩa là nhờ các nữ tu « đã chết cho thế gian, nghĩa là cho các giác quan, cho bản tính tự nhiên và cho lý trí con người », Đức Giêsu Ki-tô tiếp tục nhập thể vào trần gian hôm nay.

(Ngày 22/12/2022)
 

Tác giả bài viết: P.Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây