Người hành hương của hy vọng
“Người hành hương của hy vọng”
(CHÚA NHẬT V MÙA CHAY Năm B 2012)
Giuse Trương Đình Hiền
Từ Chúa Nhật hôm nay (V MC), bóng thập giá đã thấp thoáng trong khung cảnh Phụng Vụ của Giáo Hội. Màu tím tang chế phủ kín các ảnh tượng trong thánh đường càng tô đậm ý nghĩa của “thương khó”. Cựu ước đã bắt đầu dự báo một “Giao ước Mới” (BĐ 1) và Đức Kitô đã nói tiên tri về cuộc tử nạn của chính mình qua hình tượng “hạt lúa mì mục nát” (TM). Trong khi đó, thư gởi giáo đoàn Do Thái đã minh nhiên xác quyết chấn lý nền tảng nầy : “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (BĐ 2)
Dừng lại để suy niệm đôi điều trong sứ điệp phụng vụ hôm nay đó chính là một cách dấn thân vào “hành trình khổ nạn và phục sinh” của Chúa Kitô trong những ngày đặc biệt nầy.
1. Thiên Chúa của Giao Ước :
Cốt lỏi trong niềm tin “Độc thần” của Do Thái giáo hay Kitô giáo đó chính là một “Thiên Chúa của giao ước” : “Thiên Chúa mãi mãi trung thành với Giao ước yêu thương mà Ngài đã ký với “người tình nhân loại”.
Chính trên nền tảng của chân lý cao cả nầy, mà Dân Chúa, “dân cũ” – Ít-ra-en cũng như “Dân Mới” – Hội Thánh Chúa Kitô, đã mạnh mẽ tiến bước trong niềm hy vọng tuyệt vời.
Trong thời Cựu ước, lời sứ ngôn Giê-rê-mi-a vang lên như tiếng kèn hy vọng, niềm hy vọng chứa chan vào lòng trung tín của Thiên Chúa vượt trên những bất trung phản bội của dân Người : “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới…Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Và “giao ước mới” mà Giêrêmia đã tiên báo đó đã hiện thực trong chính cuộc khổ nạn của Đức Kitô : “Chén nầy là Giao ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20).
Hơn lúc nào hết, hôm nay chân lý nầy cần phải được chúng ta, những người Kitô hữu, tuyên xưng, loan báo và sống hết mình ; bởi lẽ, thế giới đang có quá nhiều lý do để mất đi niềm tin yêu hy vọng, con người có quá nhiều áp lực để ném cuộc sống vào trong những vũng lầy của vô nghĩa, buông xuôi và trác táng : đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố, tội ác gia tăng, bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo, môi trường bị tiêu phá, giới trẻ và thiếu nhi bị đầu độc, nạn phá thai và ly dị lan tràn, bạo lực gia đình gia tăng đến mức báo động, âm mưu đen tối và thủ đoạn trong môi trường chính trị, đàn áp hay lãnh đạm tôn giáo, xúc phạm nhân phẩm và nhân quyền, độc tài cai trị hay bóp nghẹt tự do, dân chủ…
Trước một bức tranh đen tối như thế, chúng ta cùng lắng nghe lời nhắn gởi của Đức giáo hoàng Bênêđictô tại sân bay León (24/03/2012) trong cuộc viếng thăm mục vụ Mêhicô trong những ngày nầy:
Là một người hành hương của hy vọng, tôi nói với họ bằng những lời của Thánh Phaolô: “Nhưng chúng tôi sẽ không để anh em không biết gì, khi nói về những người đang còn mê ngủ, anh em có thể không đau buồn như những người không có hy vọng “(1 Th. 4:13). Sự tự tin vào Thiên Chúa cho ta điều chắc chắn là chúng ta sẽ được gặp Ngài, được đón nhận được ân sủng của Ngài, Niềm hy vọng cho những ai tin vào Chúa được đặt căn bản ở đây. Và, khi nhận thức được điều này, chúng ta cố gắng để biến đổi cơ cấu và các sự kiện hiện tại, những cái không mấy làm chúng ta thỏa mãn và dường như bất động hoặc không thể vượt qua, trong khi cũng giúp những người không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống hay tương lai cho chính họ. Vâng, hy vọng làm thay đổi sự tồn tại thực tế của mỗi người trong thực tại (x. Spe Salvi, 2). Hy vọng chỉ ra một “trời mới và đất mới” (Khải Huyền 21:01), đã được, điều đang làm cho phản xạ của nó trở thành hiển thị. Hơn nữa, khi hy vọng bắt đầu bén rễ trong mỗi con người, hay khi được chia sẻ, nó sẽ lan tỏa như ánh sáng xua tan bóng tối đã làm chúng ta mù loà và điều khiển chúng ta bấy lâu nay.
Và như thế, trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay, cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, với đắng cay và nước mắt, với ốm đau tật nguyền, với thất bại rủi ro và với cả cái chết…chúng ta không có quyền thất vọng. Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa của Giao Ước, qua chính Con Một Giêsu Kitô, Ngài đang có mặt trên mọi nẽo đường và biến cố cuộc đời chúng ta để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”.
2. Niềm hy vọng với quy luật “Hạt lúa mì”
Để thực hiện Giao ước, Thiên Chúa hoàn toàn có nhiều chọn lựa. Tuy nhiên, mạc khải đã cho thấy, Ngài đã chọn con đường của hy sinh, trao ban và tự hiến.
Đích điểm của “giao ước yêu thương” mà Thiên Chúa ký với loài người đó chính là “trao ban Người Con Một” : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và Người Con Một đó lại trả giá cho “giao ước của Cha” bằng chính máu của mình : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Phải chăng, chỉ có con đường “giao ước bằng máu” đó, “lề luật của Thiên Chúa mới được ghi khắc vào trái tim và lòng dạ của con người” (BĐ 1), và cũng chỉ với bằng phương thế đó Con Tthiên Chúa mới có thể kéo tất cả nhân loại cùng đi lên : “Phần tôi, khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (TM). Xét cho cùng, đó lại là qui luật muôn đời của chương trình cứu độ : muốn vào “Đất hứa phải ngang qua sa mạc”, muốn tìm được sự sống phải đánh mất, muốn hoan ca phục sinh phải qua mùa Chay tử nạn, muốn có một mùa lúa tốt xinh phải trở nên “hạt lúa mì mục nát”…Đó chính là “nhân sinh quan của Tin Mừng”, là con đường “biện chứng của niềm tin Kitô giáo” : Làm người đúng nghĩa, hiện hữu đích thực, Kitô hữu đúng nghĩa đó là “phải chết đi mới sống lại”, phải ngang qua đắng cay thập giá mới tiến vào vinh quang phục sinh.
“Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).
Hai ngàn năm qua bài học ‘Hạt Lúa Mì” nầy xem ra vẫn còn mới mãi với thế giới, với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta.
– Vẫn còn mới và cần thiết cho một thế giới đã quá “già nua để thèm hưởng thụ mà không muốn chiến đấu”, đã quá mệt mõi để thà chọn dễ dãi mà yên thân hơn dấn thân nhọc mệt để chiến thắng anh hùng.
– Vẫn còn mới và cần thiết cho một Giáo Hội đã quá biếng lười và ích kỷ để thà ở lại trong vỏ bọc tự mãn kiêu căng, trong pháo đài hủ hóa, hơn là can đảm chấp nhận hy sinh, thua thiệt để làm chứng cho sự thật và công lý.
– Vẫn còn mới và cần thiết cho mỗi người chúng ta khi chỉ muốn dừng lại, thối lui để được mơn trớn vỗ về với cái tôi ươn hèn, mệt mõi, nhỏ nhen và hưởng thụ, thay vì phải tiến lên, đổi đời, lột xác trong chiến đấu cực nhọc để hiện thực hóa những lời dạy của Tin Mừng.
Ngay từ những tháng năm đầu khai sinh Hội Thánh, nếu roi vọt, đòn bọng, tù đầy, nhục hình và cái chết thương đau đã thành công và chiến thắng trong việc bịt miệng các Tông Đồ, ngăn cản các bước chân loan truyền Tin Mừng, thì làm sao có được Hội Thánh hôm nay với cây Thánh Giá được cắm trên mọi nẻo đường thế giới ! Nếu những chàng thanh niên như Anrê Phú Yên, những bà mẹ như Anê lê Thị Thành, những thiếu nữ như Cecilia, Anê, Têrêxa, những linh mục như Gioan Hoan, Anrê Dũng lạc, Maximilien Kolbe…đều khiếp nhược đầu hàng trước đắng cay thập giá tử đạo, trước ngục tù máu đổ đầu rơi… thì làm gì có được “mùa lúa mới hôm nay” với hàng tỷ anh chị em thuộc về gia đình con cái Chúa, với hàng triệu ngôi thánh đường uy nghi đỗ bóng và vang dội những tiếng chuông hy vọng trên khắp phố phường của thế giới hôm nay, với hàng báo nhiêu công trình bác ái xã hội phục vụ con người và đẩy lùi những tệ nạn để mang lại hạnh phúc cho anh em đồng loại !
Từ “hạt lúa mì đầu tiên có tên Giêsu” đã được “gieo trên Đồi Sọ vào chiều Thứ Sáu Vượt Qua”, và được tiếp nối bởi muôn ức triệu chứng nhân ngã xuống trên khắp cánh đồng thế giới, quả thật, mùa xuân ơn cứu độ cứ mãi vươn lên, trăm hoa đua nở, trái chín vàng đồng. Phải chăng đó chính là “qui luật của Thiên Chúa”, một qui luật đã hóa thân nơi chính cuộc sống của “Con Người Giêsu”, của Hội Thánh, của từng thế hệ kitô hữu ; và hôm nay, qui luật ấy đang mời gọi hiện thực hóa nơi chính mỗi người chúng ta trong giữa độ đường Mùa Chay thánh nầy. Nếu có lần nào đã quên đi quy luật đó, thì hôm nay, tuần Chịu Nạn, chúng ta hãy bắt đầu, hãy bắt đầu làm “Người hành hương của hy vọng”