Giỗ Đấng Sáng Lập dòng - Đức cha Lambert de la Motte, Ngày 15.06.2024
Lời mở đầu:
Kính thưa cộng đoàn,
Giờ này, chúng ta được mời gọi qui tụ về đây để tưởng niệm Đức cha Lambert de la Motte - Đấng Sáng Lập dòng MTG nhân dịp Giỗ của ngài.“Nhìn về một lịch sử phong phú của đặc sủng, khởi đầu là tác động của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi trong Thánh Linh một số người đi theo sát gót Đức Kitô, để chuyển dịch Tin mừng ra một lối sống đặc thù, để đọc các dấu chỉ thời đại với cặp mắt đức tin, để đáp ứng với những nhu cầu của Giáo hội một cách sáng tạo.... Đây không phải là chuyện khảo cổ hoặc luyến tiếc dĩ vãng, nhưng là đi lại con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi”.[1] Nhớ về Đức cha Lambert de la Motte người đã chuyển giao ơn đặc sủng cho Dòng Mến Thánh Giá, linh đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh để hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại.
Chắc hẳn, trong tâm hồn mỗi chúng ta vẫn còn dư âm của niềm vui về sự kiện: Thánh lễ tạ ơn và Phiên khai mạc cuộc điều tra án phong chân phước và phong thánh cho Tôi tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de la Motte vào ngày 13/01/2024, tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, Giáo phận Phan Thiết. Và, Hội dòng chúng ta hân hoan tạ ơn kỷ niệm 100 năm hoàn thành Ngôi Nhà tổ Gò Thị và thành lập Thanh Tuyển Viện vào ngày đầu tháng 5 vừa qua. Nhắc lại những sự kiện vui để chúng ta cùng,
Nhìn về quá khứ để tri ân Đấng Sáng Lập, quý bậc tiền nhân theo dòng thời gian, quý bề trên và chị em toàn Hội dòng trong hiện tại đã cùng nhau ghánh vác cuộc đời, ghánh vác trọng trách điều hành linh hoạt Hội dòng, linh hoạt Cộng đoàn, hăng say nhiệt tình nơi sứ vụ, trong mỗi công việc mà thánh ý Thiên Chúa trao cho mỗi người trong suốt dòng lịch sử.
Nhìn lại quá khứ để nhớ ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, ân thân nhân của chúng ta đã kiên vững sống đức tin và nhiệt thành truyền lại cho chúng ta, các ngài đã gieo trồng ơn gọi thánh hiến và quảng đại dâng chúng ta cho Thiên Chúa nơi Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn thân yêu này.
Nhìn về quá khứ để tri ân quý đức cha, quý cha linh hướng, quý cha giáo, quý ân nhân xa gần về những đóng góp của quý ngài để xây dựng cơ sở vật chất và vun trồng con người của từng chị em trong Hội dòng.
Nhìn về quá khứ để tri ân về những thành quả đã đạt được mà quý bà cao niên, quý chị em đã cống hiến cho Hội dòng mà hiện tại đang phải tiếp tục chịu đóng đinh vì những đau đớn của tuổi tác, hay mang bệnh nan y…
Nhìn về quá khứ, để tiếp tục sống tâm tình biết ơn và hoàn thành những dở dang cũng như thực hiện kế hoạch mà Thiên Chúa muốn chúng ta tiếp tục thực hiện trong hiện tại. Bởi vì, “Các con không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết lên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các con những điều trọng đại hơn nữa”[2]
Vậy, Trước di ảnh Đức Cha Lambert, chúng ta cùng mặc niệm để bày tỏ hiếu kính, tri ân đối với ngài đặc biệt trong ngày giỗ hôm nay. Chúng ta cũng không quên tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công gầy dựng gia sản tinh thần và vật chất mà chúng ta đang được thừa hưởng.
Để bắt đầu chương trình – Kính mời cộng đoàn đứng.
- XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN : Hát
- MỘT PHÚT MẶC NIỆM,
Chúng ta tưởng nhớ công ơn Đấng Sáng Lập, ( thinh lặng )
Kính nhớ công ơn quý bậc tiền nhân của Hội dòng là các nhà thừa sai, quý đức cha, quý cha linh hướng, những người đã từng cộng tác với Hội dòng trong mọi lãnh vực… ( thinh lặng)
Nhớ về quý chị em của Hội dòng suốt dòng lịch sử . Nhớ về quý bà quý chị mà nhiều người trong chúng ta biết rất rõ, là bề trên là Giám sư, là chị giáo, chị phục trách cộng đoàn… mới về với Chúa trong thời gian gần đây - đây là quý bà, quý chị đã dày công xây dựng Hội dòng trong thời Cải Tổ - Xây dựng và phát triển. ( thinh lặng)
Nhớ về Ông Bà, Cha Mẹ những người thân yêu trong gia đình từng chị em đã an nghỉ trong Chúa,( thinh lặng)
Đây trầm hương của lòng thảo hiếu, tri ân chúng con kính về Đức Cha Lambert, quý vị chủ chăn, quý bậc tiên nhân, thân nhân, ân nhân,
( Cộng đoàn tùy nghi niệm hương)
(Kính mời CĐ ngồi)
Tính thực nghiệm thiêng liêng được thể hiện cách rõ ràng trước nhất nơi chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Cha Pierre Lambert được Thiên Chúa phú bẩm sự nhạy bén với những gì thuộc về Chúa, cái mà ngài gọi là trực giác thiêng liêng[3]. Chính trực giác này đã thôi thúc ngài, nuôi dưỡng tình yêu và khát khao trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Trực giác thiêng liêng này đã hình thành nên thái độ nội tâm của Đức Cha: ngài nghe được lời mời gọi khẩn thiết trong nội tâm, ngài cảm nhận những điều thật đẹp khi ý muốn của mình nên một với ý muốn của Thiên Chúa. Đức Cha Lambert đã viết cho cha Halle linh hướng của ngài rằng “Điều kỳ diệu nhất con thấy được là: ý muốn của con người trở nên đồng hình đồng dạng, đồng khuôn mẫu và đồng bản tính với ý muốn của Thiên Chúa, và trong sự đồng hóa ấy, linh hồn vẫn thường xuyên có những tâm tình trân trọng cao nhất và những thái độ thờ lạy sâu thẳm nhất đối với Thiên Chúa uy linh cao cả” [4]. Đức Cha còn bộc bạch cùng cha linh hướng về niềm xác tín này và nỗi khao khát chia sẻ cho mọi người: ‘Không có cách nào làm cho mọi người tỉnh ngộ được sao? Chẳng lẽ không tạo được đủ uy tín để thuyết phục họ tin rằng: khoa học sâu sắc nhất và thú vui chân thật nhất là hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô bằng một tình yêu thực nghiệm sao?[5] . Đây cũng là tinh thần mà ngài đã học theo gương thánh Phaolô:“Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Điều này đã tạo nên cá tính nơi Ngài một con người khắc khổ, nghiêm túc, không khoan nhượng, vừa thu hút bởi tính táo bạo, lòng can đảm, khiêm nhường và sức thuyết phục lạ lùng tỏa ra từ con người của ngài[6].
- ĐỌC LỜI CHÚA (1Cr 2, 1-5)
Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.
- CHÂN DUNG TINH THẦN CỦA ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE
Tưởng niệm Đấng Sáng Lập dòng Mến Thánh Giá, tưởng nhớ một con người không màng đến công danh, sự nghiệp, dấn thân vào đời sống tu trì: khổ chế và hy sinh. Tưởng nhớ vị Thừa sai đã không ngần ngại dù nhiều khó khăn, trắc trở; can trường trước gian khổ, sẵng lòng chịu vu khống, sỉ nhục để ra đi gieo vãi hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo vùng Á Đông. Tưởng nhớ vị Giám mục thánh thiện, có công đặt nền móng cho việc đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam. Tưởng nhớ vị Cha chung kính yêu của Dòng Mến Thánh Giá, người đã cưu mang và sinh hạ chị em Mến Thánh Giá trong tình yêu Đấng Chịu Đóng Đinh.
Con người cương nghị và nhiệt thành
Dung mạo của Đức Cha Phêrô-Maria Lambert là một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Theo nhận định của Đức Cha Bernard Jacqueline, Đức Cha Lambert có sự khôn ngoan của vị thẩm phán và tính giản dị của bác nông dân, lòng nhiệt thành của nhà tiên tri và vẻ uy nghi của Đấng kế vị các Thánh Tông đồ. Khoa luật và nghề trạng sư đã tôi luyện cho ngài có biệt tài lý luận tinh vi và sắc bén, Ngài có sức thuyết phục phi thường, khiến cho những ai tiếp xúc với ngài đều bị thu hút.
Tinh thần phục vụ
Đức Cha Lambert ý niệm người tông đồ phải có đời sống vượt trổi phi thường để tạo uy tín và gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo, và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Ngài viết: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức ái phi thường của các thừa tác viên” (Ts & Bt tr. 51).
Đức Cha Lambert thể hiện lòng nhiệt thành đối với việc cứu rỗi các linh hồn và phục vụ hạnh phúc tha nhân bằng việc:
- Rao giảng PhúcÂm cho lương dân và hy sinh cầu nguyện cho họ được ơn trở lại với Chúa (Ts 22; Ltk III, 1);
- Quan tâm tới việc rửa tội cho trẻ em lâm cơn nguy tử (Ts 12d; Ltk III, 4);
- Giáo dục nhân bản và văn hóa cho giới trẻ (Ts 9; Ltk III, 2);
- Săn sóc bệnh nhân và giúp đỡ người nghèo (Ts 3-4; Ltk III, 3);
- Cứu vớt những phụ nữ trụy lạc (Ts 3- 4, Ltk III, 5).
Trung thành với tâm nguyện của Đức Cha Lambert, và kế thừa truyền thống tốt đẹp của tiền nhân chúng ta cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa, tạ ơn Người đã cho chúng ta được sống ơn gọi đặc biệt này và được tham gia vào sứ mạng cứu thế bằng những công việc tầm thường giữa đời thường với tình yêu lớn dành cho Chúa Kitô và ơn cứu độ con người. Mỗi người sẽ là cánh tay nối dài của Đức Kitô bằng cách để Người sử dụng chúng ta theo cách Người muốn qua sứ mạng mà Hội dòng trao phó.
Nhạc: Ghi ơn Đức cha Lambert – Tigon
( Thinh lặng giây lát )
- LỜI NGUYỆN CHUNG :
Trong tâm tình hiếu kính tri ân, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những ước nguyện chân thành, để nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cha thánh Giuse sự phù trợ của Đức Cha Lambert, xin cho mỗi người trung thành sống ơn gọi riêng của mình trong sứ mạng chung của Hội dòng, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
-
- Lạy Cha rất nhân từ, chúng con cảm tạ Cha đã dùng ánh sáng Thánh Linh hướng dẫn Đức Cha Lambert, đặt nền móng đầu tiên cho Hàng Giáo sĩ Việt Nam, đời sống tu đức cho nữ tu tại Á Châu để cộng tác vào công cuộc rao giảng Tin mừng. Vì bao hy sinh khó nhọc và công phúc của ngài, Xin Cha thương chúc lành cho tiến trình phong thánh cho ngài được diễn tiến cách thuận lợi. Để ngài sớm được công nhận là mẫu gương thánh thiện, nhờ đó giúp chúng con và các tín hữu luôn hân hoan kiên trì bước theo Đức Kitô trên đường thập giá, nhiệt tâm nối tiếp cuộc đời hy sinh phục vụ của người, để thắp sáng niềm tin, làm lan tỏa tình yêu giữa trần gian hôm nay. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
- Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Đức Cha Lambert là mẫu gương về chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Xin cho chúng con biết liên kết hoạt động tông đồ đa dạng với đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích trầm lặng, sống đời khổ chế hy sinh, khiêm tốn, hiền hòa, vui nhận những khó nhọc, khó khăn tất nhiên của ngày sống để hiệp thông với Chúa Kitô, hầu làm sáng tỏ quyền năng và lòng thương xót của Người nơi trần gian. – Xin Chúa nhậm lời chúng con.
- “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chúng con cầu xin Chúa cho các Đức Giám mục, các linh mục linh hướng, quý chị em trong Hội dòng, ông bà, cha mẹ và cho hết mọi thân nhân, ân nhân đã giúp đỡ chúng con trong ơn gọi, trong sứ vụ được muôn ơn lành hồn xác; còn những ai đã qua đời được hưởng kiến tôn nhan Chúa- Xin Chúa nhậm lời chúng con.
- “Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con ” Xin Chúa cho chị em chúng con luôn trung thành sống Linh đạo và Đặc Sủng của Hội Dòng, theo gương sống thánh thiện của đức Cha Lambert để đời sống của chị em chúng con trở nên lời rao giảng về ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, cùng góp phần mình làm cho Giáo Hội và Xã hội được thăng tiến trong mọi lãnh vực - Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúng con ngợi khen Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện trên cuộc đời đức cha Lambert, trên Hội dòng suốt dòng lịch sử và trên mỗi chúng con trong hiện tại. Xin Chúa chúc lành cho Giáo hội Hoàn cầu, Giáo Hội Việt Nam, Giáo Phận Qui Nhơn, cùng các Giáo phận chị em Mến Thánh Gía Qui Nhơn chúng con đang hiện.... Cách riêng xin Chúa gìn giữ Hội dòng trong bình an cùng quý bà cao niên, quý chị đang đau bệnh, các chị em đang gặp khó khăn trong việc phân định ơn gọi....Xin Chúa ban muôn phúc lành trên tất cả để mọi người nhận biết Chúa là nguồn mạch tình thương và kế hoạch tốt đẹp Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người. Amen
KẾT THÚC: Hát bài tạ ơn
-------------------
[1]( x. Tông thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi cho tu sĩ trong Năm Đời Sống Thánh Hiến 2015 )
[2](x. Tông huấn “Đời sống thánh hiến của Đức Giáo hoàng GIOAN PHAOLÔ II, ban hành - Ngày 25/03/1996, số 110.
[3]Đức Cha Pierre Lambert, Thư gởi cha Halle (ngày 15.03.1661), trong Di cảo, tr. 108 – 109.
[4,5,6]]Françoise Fauconnet – Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), NXb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 37.