Canh thức đêm Thứ Năm Tuần Thánh

Thứ bảy - 01/04/2023 08:54 555 0


CANH THỨC ĐÊM THỨ NĂM TUẦN THÁNH

“Thánh Thể là ánh sáng và nguồn sống cho con người”
   
Hát kính Thánh Thể : “Ta là Bánh hằng sống” (Kim Long)

Lời cầu nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin Chúa đang hiện diện thực sự trong Nhà Chầu trước mặt chúng con đây. Chúng con vừa long trọng cử hành lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa với các Tông đồ, trong đó Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để trối lại cho chúng con Mình và Máu thánh Chúa làm lương thực cho chúng con trong cuộc lữ hành trần thế. Giờ đây, chúng con muốn ở lại đây canh thức với Chúa, không phải để an ủi Chúa, để chia sẻ với Chúa về những khổ đau Chúa trải qua trên đường khổ nạn. Chúng con ở đây để tôn thờ, yêu mến, chúc tụng và tạ ơn Chúa vì Chúa đang sống trong vinh quang của Chúa Cha và hiện diện ở đây để chia sẻ với chúng con đang khi chiến đấu với nhiều thảm họa vây quanh: vì những phương tiện công nghệ dần làm con người xa Chúa, xa nhau bởi lối sống dửng dưng thiếu yêu thương bác ái để rồi thế giới vẫn còn nặc mùi khói súng, nhiều người vẫn sống trong lầm than đói khổ, nhiều gia đình phải ly tán, trẻ em không được đến trường... Giây phút tràn ngập yêu thương của giờ này, xin cho chúng con và mọi người Kitô hữu cảm nhận sâu xa tình thương của Chúa để mỗi người luôn theo gương Chúa sống yêu thương anh chị em mình, đặc biệt cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn vì dân vì nước mà phục vụ cho sự phát triển toàn diện của các dân tộc. Xin cho đời sống chúng con trở thành lời chứng mạnh mẻ, xác thực về sự hiện diện đầy yêu thương, quyền năng của lòng thương xót Chúa đang thực hiện trên cuộc đời mỗi người. 

Tin Mừng theo thánh Gioan : Ga 6,51-58

Suy niệm :

Chúa Giêsu là Ngôi Lời hiện hữu từ muôn thuở, Đấng sáng tạo và ban sự sống. Sự sống này là ánh sáng đích thật chiếu soi mọi người. Và Ngôi Lời đã làm người dương thế, để chúng ta có thể chiêm ngắm và chạm đến hầu đón nhận sự sống viên mãn vốn có ở nơi Người. Chúa Giêsu thông ban cho chúng ta sự sống ấy nhờ thịt và máu Người, như Người đã từng nhấn mạnh trong bài diễn từ về bánh trường sinh.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu là Hy tế. Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hy sinh lớn lao nhất là hiến dâng mạng sống. Mọi sự đều biểu lộ tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu được hoàn tất bằng cái chết và nơi cái chết tự nguyện trên thập giá.
Giáo Hội luôn coi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một hy tế. Hy tế ấy khác với hy tế Cựu Ước, vì hoàn toàn là hy tế tình yêu, là sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, mà là chính bản thân mình (x. Dt 9,11-14).

Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể; Người đọc lời truyền phép, làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người (x. 1Cr 11,23); Người trao ban cho Giáo Hội như bảo chứng tình yêu vô biên. Đó là hy tế Giao Ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và Dân Người, được ký kết bằng máu Chiên Vượt Qua của chúng ta, là chính Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đồng thời thiết lập chức linh mục khi truyền cho nhóm 12 : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1 Cr 11,25). Nhờ các giám mục kế vị các tông đồ và các linh mục là những cộng sự viên của các ngài, Giáo Hội có thể cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể mọi ngày cho đến tận thế.

(Thinh lặng trong giây lát)

Hát: Quỳ bên cung thánh

Từ sau bữa Tiệc Ly, Hội thánh đã tin vào sự hiện diện đích thực của Mình và Máu thánh Chúa Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, trong hình bánh rượu. Như Hội thánh dạy, chắc chắn Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng cách riêng là dưới hình bánh rượu.
Bài giảng tại Capharnaum, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, làm nổi bật tính hiện thực của những lời Chúa Giêsu nói khi Người tỏ cho chúng ta biết Người là Bánh hằng sống từ trời xuống (c. 51) ; vậy chúng ta phải ăn mình và uống máu Người. (c. 53) để có được sự sống mà Bánh sự sống ban tặng (c. 48). Tính hiện thực những lời lẽ của Chúa Giêsu khiến nhiều người Do thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” (c. 52). Và trước việc Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh đến sự thật của các lời Người khẳng định : “Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (c. 55), nhiều môn đệ cảm thấy chướng tai đến nỗi đã lìa bỏ Người (c. 66). Ở cuối bài diễn từ, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ có muốn rút lui không. Câu trả lời của thánh Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”(c. 68). Tiếc thay, xưa cũng như nay, có nhiều người không tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bánh Thánh Thể (c. 64). Làm thế nào để có nhiều người quí trọng và vui hưởng việc Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta ? Làm sao để người tín hữu năng đến thờ phượng Người trong thinh lặng trước Nhà Tạm hay long trọng tung hô Người trong ngày lễ kính Mình Máu thánh Chúa như đêm thứ năm tuần thánh hôm nay ?

(Thinh lặng trong giây lát ) 

Hát : Bỏ Ngài con biết theo ai ? 

Thánh Thể là một hy tế : hy tế cứu chuộc và đồng thời là hy tế của Giao Ước mới. Trong bữa  Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ ơn bằng Mình và Máu Người, nhờ đó Hy tế thập giá được kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để lại cho Hội thánh Người việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Người (x. SC 47).

Trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu là lễ vật Chúa Cha ban tặng cho chúng ta để được hiến tế, hầu thanh tẩy và giao hòa chúng ta với Người. Hy tế của Chúa Kitô và hy tế tạ ơn trong thánh lễ chỉ là một vì cùng có một lễ vật là Chúa Giêsu, chỉ khác về cách dâng hiến. Hy tế của Chúa Kitô cũng là hy tế của các chi thể của Thân mình Người. Cuộc sống của các tín hữu, mọi công việc, đau khổ, lời ca ngợi, kinh nguyện của họ được kết hợp với Chúa Kitô và lễ dâng toàn hiến của Người và nhờ đó có được một giá trị mới.

Thánh Kinh còn trình bày Thánh Thể là lương thực bổ sức cho người tín hữu trên đường dương thế, như bánh manna xưa Chúa đã ban xuống cho dân It-ra-en để nuôi dưỡng họ trong cuộc hành trình trong sa mạc bốn mươi năm trường. “Ai ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi”, lời nói đó của Chúa Giêsu cho người kitô hữu thấy nhu cầu khẩn thiết phải nuôi dưỡng mình bằng chính Chúa, là bánh từ trời xuống. Việc tham dự bàn tiệc thánh này xây dựng chúng ta thành nhiệm thể Chúa Kitô. Vì thế Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội.
(Thinh lặng giây lát)

Hát : “Dự Tiệc thánh”

Thánh Thể là trường dạy ta yêu thương tha nhân. Nhờ đó, chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa Thánh Thể và Ánh sáng, “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối” (1Ga 2,9).
Dâng hy tế của Chúa Kitô cách đích thực có nghĩa là tiếp nối hy tế này bằng một cuộc sống hiến dâng cho kẻ khác. Cũng như Chúa Kitô đã hiến mình làm hy tế dưới hình bánh rượu, chúng ta cũng phải hiến thân cho anh chị em đồng loại, qua việc phục vụ khiêm hạ trong tình huynh đệ, tuỳ theo nhu cầu hơn là công trạng của họ, bằng cách trao tặng cho họ những gì cần thiết nhất để sống cho xứng với phẩm giá con người. 
(Thinh lặng )

 
Lời cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể
  1. Lạy Cha rất nhân lành, chúng con tin, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần qua lời truyền phép bánh và rượu trở thành mình và máu Con Cha, làm lương thực bổ dưỡng cho chúng con là những lữ khách mỏi mệt trên đường dương thế. Chúng con tin Chúa Giêsu vẫn tiếp nối cuộc Nhập thể của Người trong bí tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng nhân loại chúng con là những người đang đói khát ánh sáng và chân lý, tình yêu và ơn tha thứ, ân sủng và ơn cứu độ. Mình Máu thánh Chúa dưỡng nuôi chúng con từng ngày, nhưng đón rước Chúa mà không để Chúa trở nên máu thịt mình, để tâm tư của Chúa thấm nhập vào lời nói, cử chỉ, hành vi của chúng con thì sẽ trỏ nên án phạt theo lời thánh Phao lô đã nói: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.” (1Cr 11,27-30). Xin cho chúng con biết đón nhận Thịt Máu Chúa với tâm hồn xứng đáng và sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban mỗi ngày.
  2. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa hiện diện thực sự trong bánh và rượu được thánh hiến, nhờ đó Chúa kéo dài sự hiện diện cứu độ và ban tặng cho đoàn chiên Chúa lương thực dồi dào và nước trường sinh. Chúng con tin, dưới hình bánh rượu, được hiến dâng làm hy tế và ban sự sống cho thế gian, cho những người luôn tìm kiếm Nước Trời. Bí tích Thánh Thể là nguồn sống chứ không phải là sự chết. Nếu chúng con lãnh nhận Bí tích này một cách xứng đáng, thì chúng con có thể tuyên bố rằng Chén Sự Sống mang đến ơn cứu độ đời đời cho những người công chính, cho những ai biết đến gần để đón  nhận lòng thương xót của Thiên Chúa bằng đức tin và lòng đạo đức. Và mọi người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa khi chúng con yêu thương nhau. Xin Chúa giúp chúng con biết bỏ đi những gì gây xáo trộn, mất đoàn kết, rạn nứt mối hiệp thông yêu thương trong gia đình, cộng đoàn ... để cuộc sống chung của chúng con trở nên chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa nơi trần thế này.
  3. Lạy Chúa Giêsu, trong nhà Tiệc Ly, khi cầm lấy bánh và rượu trong tay, đọc lời chúc tụng Chúa Cha và trao ban cho nhân loại chính Thịt Múa Chúa, Chúa ban tặng cho hết mọi người qua mọi thế hệ tương lai sự sống, ánh sáng cứu độ. Chúng con cám ơn Chúa về ân huệ lớn lao này, xin Chúa tiếp tục ban ơn đức tin, lòng yêu Chúa và thúc đẩy chúng con dấn thân rao loan tình yêu cứu độ của Chúa trong thế giới này nhờ quyền năng và sức mạnh nơi lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa, giữa một thế giới bị vây bủa đầy bóng tối của xã hội bị tục hóa ; một nền văn hóa hưởng thụ và ích kỷ; nền văn hóa đưa con người đến sự chết vì thiếu vắng tình yêu thương, hiến thân và lòng quảng đại. Xin Chúa cho chúng con biết mang Chúa vào cuộc sống của chúng con, trong mọi sinh hoạt đời thường cũng như tôn giáo, để biểu lộ và làm chứng về một Thiên Chúa, Đấng làm chủ và là Chúa mọi loài và cũng là một Thiên Chúa yêu thương. Amen
( Thinh lặng – kết thúc)
 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây