Tình yêu của Đấng Phục Sinh

Thứ sáu - 29/04/2022 20:45 687 0
 

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM C : GA 21,1-19

 
            Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Họ đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
            Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Họ trả lời: “Thưa không”. Người bảo họ: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì họ không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
            Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được 153 con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
            Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con thương mến Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” 

 
 
TÌNH YÊU CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
           

    Ở miền Bắc nước ta, có một nhà tù nổi tiếng, mang tên Hỏa Lò. Trong chiến tranh trước đây, các phi công Mỹ bị bắn rơi thường được giam ở đó, và họ gọi nó là khách sạn Hilton Hà Nội. Ngày áp lễ Giáng Sinh năm 1971, vì muốn làm quà Noel cho đám tù binh, viên quản trại đã phân phát cho họ vài cuốn Kinh Thánh. Tuy nhiên, ông bảo họ phải gom những cuốn ấy để trả lại vào đêm Giáng Sinh. Thế là đám phi công Mỹ quyết định dùng thời gian trước mắt sao cho thực sự có ích. Họ lấy cọng dây thép làm bút, nước hòa với gạch vụn làm mực, và viết lên giấy vệ sinh vài đoạn then chốt trong Kinh Thánh để dùng cầu nguyện về sau. Trong số các đoạn Kinh Thánh chép lại đó, có dụ ngôn mục tử tìm chiên lạc (Mt 18,12-14) và thánh vịnh Chúa chiên lành (Tv 23): “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì… Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn…. ”  Đám tù binh tự ví mình như bầy chiên đi trong tăm tối mà vẫn không sợ hãi, vì biết Chúa luôn ở với họ. Niềm tin đã giúp cho họ hiểu rằng dù hiện tại ra sao, họ vẫn sống dưới con mắt và trong tình thương của Chúa; dẫu tương lai thế nào, thì sự sống đích thực vẫn sẽ được vị Mục tử ban cho họ. Người luôn đứng bên bờ nỗi khổ của họ vì Người đã phục sinh.
            1. Tỏ mình và ban bữa ăn
            Quả thế, mầu nhiệm Phục sinh phải được sống giữa lòng đời bình thường, như ta thấy ngay trong phần mở đầu bài Tin Mừng đang suy niệm. Các chứng nhân đầu tiên chẳng phải là những siêu nhân. Họ tiếp tục hoạt động nghề nghiệp của họ. Họ ra đi đánh cá trên hồ. Họ là 7 người đã biết Đức Giê-su. Nhưng Đức Giê-su chẳng còn “ở với” họ nữa.
            Đánh cá ban đêm là một phương pháp thông thường. Chi tiết tả thực, lịch sử. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy trong đó một ý nghĩa biểu tượng: trong tối tăm, trong đêm đen, các môn đệ đã thực sự toi công, mất giờ. Chúng ta cũng thường như thế trong các lo lắng gia đình, nghề nghiệp, xã hội, giáo hội.
            Bảy người ở trên “biển động”, bao trùm bóng đêm… Đối với dân Do-thái, biển đáng sợ vì là nơi trú ẩn của những mãnh lực thù nghịch với con người. Còn Đức Giê-su thì ở trên “đất bằng” trong ánh sáng của buổi bình minh: “Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển”… Nét tương phản là cố ý, để cho thấy Đức Giê-su từ nay ở bờ bên kia! Người đợi chúng ta sau chuyến “vượt biển” Người vừa hoàn tất. Người đứng đó, trên bờ của vĩnh cửu… Nhưng các môn đệ chẳng nhận ra Người! Cũng luôn như thế đối với chúng ta hôm nay.
            Sau khi hỏi thăm, Đức Giê-su biết ngay đêm tối thất vọng và hỗn loạn của họ. Người chia sẻ nỗi nhọc mệt của họ, đưa ra sáng kiến “giúp đỡ” họ… ngay chính giữa lòng các lo lắng của họ. Người môn đệ dấu yêu, qua cử chỉ ấy, nhận ra ngay Thầy mình. Ông báo cho Phê-rô, và tay bốc đồng này vội nhảy xuống nước. Như như nơi quang cảnh ngôi mộ tại Giê-ru-sa-lem, Gio-an đã vượt trước Phê-rô. Nhờ “mến yêu”, ông có trực giác bén nhạy. Nhận biết một người, đấy bao giờ cũng là chuyện tình yêu!
            Đức tin cũng được liên kết với tình yêu. Đức Giê-su đã không tỏ mình “vẫn sống” cho các kẻ thù. Người đâu có thiết tha với việc đè bẹp, tỏ hiện rực rỡ. Người chẳng muốn thống trị, chiếm hữu, toàn thắng! Nếu bạn tìm Người với tình yêu, Người sẽ tỏ mình cho bạn… trong sự tế nhị của một cuộc gặp gỡ thân tình. Vậy hãy tìm dung nhan Người, sự hiện diện của Người đi!
             “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo họ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Một chi tiết khá lạ thường, vì thế đầy ý nghĩa biểu tượng. Chính Đức Giê-su đã chuẩn bị cho họ một “bữa ăn”. Và không phải là bữa ăn họ chờ đợi, do cố gắng riêng mình mà có. Đây là một bữa ăn chuẩn bị sẵn rồi! Họ chỉ được mời tham dự, bổ túc bằng sản phẩm họ vừa đánh bắt… mà Đức Giê-su kể ra đã ban cho. Tựu trung, chính Người nuôi sống họ. Ta biết tầm quan trọng của các “bữa ăn” xung quanh cuộc Vượt qua: chiều thứ Năm thánh, Đức Giê-su đã “phục vụ” các bạn hữu của mình. Giờ đây Người tiếp tục khoản đãi. Hôm nay cũng vậy, việc bẻ bánh và chia sẻ bánh, đối với các Ki-tô hữu, là một dấu chỉ đặc biệt cho thấy sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Vâng, Đức Giê-su đúng là ở bờ bên kia, nơi Người chờ đợi chúng ta, để chia sẻ cho chúng ta một sự sống mới, trong một mối thông hiệp được bữa ăn Thánh thể biểu tượng.                                                  
                “Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa”. Nhận xét đơn giản này dìm chúng ta vào trong “mầu nhiệm”. Cuộc Phục sinh đã đặt Đức Giê-su, bạn hữu và đồng hành hôm qua của họ, ông Giê-su làng Na-da-rét, trong một trạng thái khác hẳn… Cũng một nhân vật, tuy nhiên lại không phải… Người đã trở thành “O Kurios, Đức Chúa!” Và ở đây, từ này mang nghĩa mạnh nhất. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật! Người đang mời môn đệ dùng một bữa ăn vừa thật sự, vừa thần bí cùng một lúc.
            Hãy nhớ lại diễn từ dài của Đức Giê-su về Bánh Sự Sống vốn lấp đầy chương 6 của thánh Gio-an, sau việc hóa “năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” ra nhiều, cũng trên bờ hồ Ti-bê-ri-a này đây. Vâng, Đức Giê-su giờ “đứng ở bờ bên kia”, trên một đất khác, và ban cho môn đệ “một của ăn từ trời”. Bánh Thiên Chúa ban, là bánh từ trời xuống, đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6, 33). “Tôi là bánh hằng sống… Thịt tôi là của ăn thật… Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời…” (Ga 6, 51. 55. 58).
            Cũng hãy nhớ lại vào thời Gio-an viết trình thuật này, các Ki-tô hữu đã luôn tượng trưng Đức Giê-su bằng hình ảnh “con cá”. Thật thế, từ “cá” (“iktus” trong Hy-ngữ) bao gồm các mẫu tự đầu của năm từ định nghĩa Đức Giê-su: Ìesous (Giê-su) Kristos (Ki-tô) Théou (Thiên Chúa) Uios          (Con) Sôtèr (Cứu Thế)

2. Tha thứ và trao sứ mệnh
            “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô…”. Cuộc đối thoại này vang dội trên bờ hồ ba lần. Đức Giê-su biến ngư phủ thành chủ chăn. Người chuyển qua Phê-rô các quyền riêng của mình, quyền thủ lãnh Giáo Hội. Nhưng chớ quên rằng Mục tử duy nhất là Người: “Tôi chính là Mục tử nhân lành, vì đàn chiên mà hy sinh mạng sống” (Ga 10,1-19). Bây giờ ra đi, chẳng còn hiện diện “bằng xương bằng thịt”, nên Đức Giê-su giao cho Phê-rô trách nhiệm tiếp tục sứ mệnh của Người trong thế giới và trong lịch sử. Nhưng đàn chiên vẫn là của Đức Giê-su: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy!”
            Đau khổ của Phê-rô, ở câu hỏi thứ ba, nêu bật ám chỉ ba phen chối thầy. Đức Giê-su hết sức tế nhị. Người chẳng nói với Phê-rô về tội ông! Người chỉ đòi hỏi ông tuyên xưng tình yêu ba lần! Câu hỏi này, Đức Giê-su cũng đặt ra cho bạn hôm nay. Trong thinh lặng, bạn nghe câu hỏi. Trả lời thế nào? Bạn không thể lẩn trốn trong câu trả lời của những kẻ khác. Chính bạn bị chất vấn, có liên can…
            Vậy là tội nhân lớn lao nhất, kẻ đã chối Đức Giê-su ngày Người bị xử án và chịu đau khổ (một tội khủng khiếp!) được hoàn toàn đưa vào lại trong mối quan hệ thân tình và yêu thương… Chính cho tội nhân ấy mà Đức Giê-su trao phó trách nhiệm nặng nề nhất lịch sử! Tình yêu! Tình yêu sẽ phải là quy tắc hành động của ông. Quyền bính trong Giáo Hội, thừa tác vụ trong Giáo Hội, là một phục vụ, là một tình yêu: phải phục vụ-yêu mến anh em mình (Mc 9,35; Ga 13,4-16)… nhưng cũng phải phục vụ-yêu mến Đức Giê-su trong cùng một chuyển động… Đây là một trong những gốc rễ thần bí của đời độc thân thánh hiến.            
                Nhưng Phê-rô sẽ phải chứng minh tình yêu đối với Thầy và đối với anh em bằng một hành động quyết liệt là chịu khổ nạn… như chính Thầy. Lời tiên tri của Đức Giê-su mô tả trước hình khổ mà ông sẽ phải chịu. Một ngày nào đó, Phê-rô sẽ phải dang tay ra, cho người ta cột đòn ngang thập giá vào để vác (vì cây cột đứng đã chôn sẵn tại nơi hành hình). Lý hình sẽ lấy dây buộc vào lưng ông lôi đến nơi xử tử (truyền thuyết của Giáo Hội cho thấy lời tiên này của Đức Giê-su đã ứng nghiệm: Phê-rô sẽ bị đóng đinh thập giá tại Rô-ma dưới thời Néron khoảng giữa năm 64-67, nhưng… ngược đầu xuống đất). Chịu khổ hình như thế, ông chẳng phải là hạ nhục Thiên Chúa nhưng càng tôn vinh Người hơn, vì trở nên giống như Thầy mình.



 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây