NHỮNG KHÍA CẠNH CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
I. Chỉ trong sa mạc, bạn mới gặp được Thiên Chúa
Không tai họa nào trong đời sống thiêng liêng lớn hơn tai họa bị nhấn chìm trong tính vô thực, nghĩa là trong cái không có thực, phi thực tế; bởi lẽ, cuộc sống mỗi người được duy trì và được nuôi dưỡng bên trong bởi những mối tương quan sống của chúng ta với những thực tại bên ngoài và bên trên chính mình. Khi đời sống được nuôi bằng cái vô thực, nó phải ngắc ngoải vì đói; vì thế, nó phải chết. Không sự khốn cùng nào lớn hơn bằng việc nhầm lẫn cái chết vô bổ này với “cái chết” thực, đầy hy sinh và mang lại hoa trái mà nhờ đó, chúng ta bước vào cuộc sống.
Cái chết mà nhờ đó, chúng ta bước vào đời sống mới không phải là sự chạy trốn thực tại nhưng là một quà tặng toàn vẹn của chính mình vốn bao gồm việc dấn thân hoàn toàn vào thực tại. Cái chết này khởi đầu bằng việc từ bỏ những thực tại hão huyền mà tạo vật đạt được khi chúng chỉ được nhìn thấy trong tương quan với những mối bận tâm lo cho chính mình nơi chúng ta.
Trước khi có thể thấy những vật tạo thành (đặc biệt vật chất) là vô thực, chúng ta phải thấy rõ ràng chúng là thực.
Vì tính “vô thực” của vật chất chỉ liên quan đến thực tại lớn hơn của những gì thuộc tinh thần.
Chúng ta bắt đầu việc từ bỏ của mình đối với các thọ tạo bằng cách lùi xa và nhìn chúng tự chính bản chất của chúng. Bằng cách đó, chúng ta nhìn xuyên suốt thực tại, thực tế, và sự thật của chúng vốn không thể khám phá cho đến khi chúng ta gạt chúng ra khỏi chính mình và lùi lại để chúng được nhìn theo luật gần xa. Chúng ta không thể nhìn xem sự vật theo luật gần xa khi chúng ta cứ khư khư ghì chặt chúng. Từ bỏ chúng, chúng ta mới bắt đầu hiểu rõ giá trị của chúng như chúng thực sự. Chỉ khi đó, chúng ta mới bắt đầu thấy Thiên Chúa trong chúng. Không đợi cho tới khi tìm thấy Ngài trong chúng, chúng ta mới có thể khởi hành trên con đường chiêm niệm tăm tối mà ở mút cùng của nó, chúng ta sẽ có thể thấy chúng trong Ngài.
Các Đan Phụ Sa Mạc tin rằng, chốn hoang dã được tạo nên có giá trị tột bật trong cái nhìn của Thiên Chúa một cách chính xác, bởi nó không có giá trị nào đối với con người. Vùng đất hoang là vùng đất mà con người không bao giờ có thể lãng phí bởi nó không mang lại cho nó một thứ gì cả. Không gì hấp dẫn họ, không có gì để họ khai thác. Sa mạc là nơi mà trong đó, dân được chọn đã lang thang bốn mươi năm chỉ được chăm sóc bởi một mình Thiên Chúa. Họ có thể đến Đất Hứa trong vòng vài tháng nếu trực tiếp đi đến đó. Kế hoạch của Thiên Chúa lại khác, họ phải học biết cách yêu mến Ngài trong hoang mạc và phải luôn nhìn lại thời gian trong sa mạc như là thời gian điền viên của đời họ với một mình Ngài.
Sa mạc được tạo thành một cách đơn sơ để trở nên chính nó, không phải để được con người chuyển đổi thành một cái gì khác. Núi non và biển khơi cũng vậy. Vì thế, sa mạc là nơi định cư hợp lý cho những ai không tìm kiếm điều gì ngoại trừ chính mình – nghĩa là một thọ tạo đơn độc, nghèo khó và không phụ thuộc vào ai ngoài một mình Thiên Chúa, nghĩa là không có một công trình nào đứng giữa chính nó và Đấng Tạo Thành nó.
Ít nhất đây là lý thuyết. Nhưng một yếu tố khác có liên quan. Trước tiên, sa mạc là quê hương của sự điên rồ. Thứ hai, đó cũng là nơi ẩn náu của ác quỷ, vốn bị quăng vào “vùng hoang mạc thượng Ai Cập” để “đi lang thang trong những nơi khô cằn”. Cơn khát làm con người hoá điên, và chính ác quỷ cũng điên cuồng vì khát khao cái ưu tú bị đánh mất của nó – bị đánh mất bởi ác quỷ đã tự giam mình trong chính nó và loại trừ mọi thứ khác.
Vì thế, người đi lang thang trong sa mạc để trở nên chính mình phải cẩn trọng rằng, mình sẽ không hoá điên và trở nên đầy tớ của tên ác quỷ vốn ở đó trong một thiên đường cằn cỗi của sự trống rỗng và cuồng bạo.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào sa mạc hôm nay. Chúng là gì? Là nơi chôn rau cắt rốn của một sự sáng tạo kinh khủng và mới lạ, là nơi thử nghiệm của sức mạnh, qua đó con người không tạo ta những gì Thiên Chúa đã chúc lành. Ngày nay, vào thế kỷ của những thành tựu công nghệ lớn lao nhất của con người, thì rốt cuộc, hoang mạc đã đi vào trong chính nó. Con người không còn cần Thiên Chúa và nó có thể sống trong sa mạc nhờ vào những nguồn sống riêng của mình. Ở đó, con người có thể xây dựng cho mình những thành phố vô cùng to lớn, những tử cấm thành được bảo vệ của những thử nghiệm và sự đồi bại. Những khu phố lấp lánh toả chiếu suốt đêm trong sa mạc không còn là những hình ảnh Thành Của Thiên Chúa xuống từ trời để chiếu sáng thế gian bằng một nhãn quan hoà bình. Thậm chí chúng cũng không là phiên bản của tháp Baben vĩ đại đã từng mọc lên trong sa mạc Senaar, nơi con người “có thể làm cho tên tuổi mình lẫy lừng, thậm chí vươn lên tới trời” (St 11, 4). Chúng là nụ cười rạng rỡ và đê hèn của tên ác quỷ trên bề mặt của hoang mạc, những thành phố của sự bí mật, nơi mỗi người truy sát anh em mình; những thành phố mà nhờ những huyết mạch của nó, tiền bạc lưu chuyển như máu nhân tạo, và cuối cùng, từ lòng dạ của nó, công cụ huỷ diệt ghê gớm nhất sẽ được tạo ra.
Chúng ta có thể xem thấy sự lớn lên của những thành phố này mà không làm một điều gì đó để thanh tẩy chính tâm hồn mình sao? Khi con người, đồng tiền và những cổ máy của nó đi vào sa mạc và cư ngụ ở đó; khi con người không chiến đấu với tên ác quỷ như Đức Kitô đã làm nhưng tin vào lời hứa về quyền lực và sự giàu sang của nó, cũng như thờ phượng sự khôn ngoan siêu nhân của nó, thì chính sa mạc tự nó di chuyển khắp nơi. Vậy thì bất cứ nơi đâu cũng phải là sa mạc, nơi đâu cũng là chốn cô tịch, trong đó, con người phải thực hành thống hối, chống lại kẻ thù và thanh luyện chính tâm hồn mình trong ân sủng của Thiên Chúa.
Sa mạc là ngôi nhà của thất vọng. Và giờ đây, thất vọng có mặt khắp nơi. Đừng nghĩ rằng, thinh lặng nội tâm của chúng ta bao hàm một sự chấp nhận thất bại. Chúng ta không thể thoát khỏi bất cứ điều gì bằng cách ngấm ngầm chấp nhận chịu thua. Thất vọng là một vực thẳm không đáy. Đừng nghĩ đến việc đóng kín nó lại bằng cách chấp nhận nó và tìm cách quên đi việc mình đã chấp nhận.
Vậy thì đây là sa mạc của chúng ta: sống đối mặt thất vọng, nhưng không chấp nhận nó. Đạp nó xuống bên dưới niềm hy vọng vào thánh giá. Không ngừng nghỉ tiến hành chiến đấu chống lại thất vọng. Cuộc chiến đó là hoang mạc của chúng ta. Nếu quả cảm chiến đấu, chúng ta sẽ thấy rằng, Đức Kitô đứng về phe chúng ta. Nếu không thể đối mặt với nó, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài.
II. Tính khí và cảm xúc
Tính khí mỗi người không tiền định người này nên thánh hay người kia bị đày xuống địa ngục. Tất cả các tính khí đều có vai trò như là nguyên liệu cho sự huỷ diệt hay cứu rỗi. Chúng ta phải học để thấy rằng, tính khí của chúng ta là một quà tặng đến từ Thiên Chúa, một tài năng mà nhờ đó, chúng ta phải sinh lợi cho đến khi Ngài đến, không thành vấn đề quà tặng đó nghèo nàn hay gay go. Nếu tận dụng điều mình có, nếu biết làm cho nó phục vụ tốt những ước muốn của mình, chúng ta có thể làm tốt hơn người khác vốn chỉ phục vụ tính khí mình thay vì buộc nó phục vụ mình.
Thánh Tôma nói, (I-II, Q.34, a.4) một người tốt khi người ấy tìm thấy niềm vui trong điều tốt; người ấy xấu khi tìm thấy niềm vui trong điều xấu. Người ấy đức hạnh khi tìm thấy hạnh phúc trong đời sống đức hạnh; người ấy tội lỗi khi tìm thấy vui thú trong đời sống tội lỗi. Vì thế, những thứ chúng ta yêu quý nói cho chúng ta biết chúng ta là ai.
Vì thế, người ta biết một người nhờ kết cục này. Người ta cũng biết người ấy nhờ sự khởi đầu của anh ta. Và nếu muốn biết một người vào bất kỳ một thời khắc quy định nào đó, hãy xem họ đã rời xa điểm khởi đầu và đến gần cái kết cục của mình là bao nhiêu. Bởi đó, một người phạm tội mặc dù tự ý, nhưng không yêu tội, người ấy vẫn không là người tội lỗi đúng nghĩa.
Người thành tâm xuất phát từ Thiên Chúa sẽ quay trở về với Ngài. Khởi đầu với quà tặng được hiện hữu và những khả năng Thiên Chúa trao ban, người đó đạt đến tuổi lý luận và bắt đầu chọn lựa. Phong cách chọn lựa của người ấy chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì đã xảy ra với anh ta trong tuổi ấu thơ và bởi tính khí mà với nó anh được sinh ra.
Nó sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những hành động của những người chung quanh, bởi những sự kiện của thế giới mà trong đó người đó sống, bởi tính cách của xã hội. Tuy nhiên, tự cơ bản, nó vẫn tự do.
Nhưng sự tự do của con người lại không hành động trong một chân không luân lý. Cũng không cần thiết để nó tạo ra một chân không như thế hầu bảo đảm tự do của các hành động nơi chúng ta. Sự ép buộc từ bên ngoài, những khuynh hướng của khí chất mạnh mẽ và những đam mê từ bên trong không làm gì để tác động đến bản chất tự do của chúng ta. Chúng chỉ xác định hành động của chúng bằng cách áp đặt một số giới hạn trên tự do. Chúng cho tự do một tính cách đặc biệt riêng của nó.
Xét về tính khí, một người đàn ông nóng nảy có thể có khuynh hướng nổi nóng hơn người khác. Nhưng bao lâu giữ được ôn hoà, người đó vẫn thoát khỏi tính nóng nảy. Xu hướng nổi nóng của người đó chỉ là một sự thúc ép cá tính vốn có thể hóa lành hay dữ tùy theo những khát vọng của anh. Nếu ước ao điều xấu, tính khí của người đó trở thành một vũ khí xấu chống lại những người khác và thậm chí chống lại chính linh hồn mình. Nếu ước ao điều tốt, tính khí của người đó có thể trở thành công cụ được kiểm soát để chống lại sự dữ vốn ở trong chính mình và giúp người khác vượt qua những cản trở họ gặp trên đường đời. Người đó vẫn tự do để ao ước điều lành hay điều dữ.
Quả là ngớ ngẩn khi cho rằng, một đôi khi, vì xen vào lý trí, nên cảm xúc không có chỗ đứng trong đời sống thiêng liêng. Kitô giáo không thuộc phái Khắc Kỷ, thánh giá không thánh hiến chúng ta bằng cách triệt tiêu tình cảm con người, sự dứt bỏ không phải là không xúc cảm. Rất nhiều người sống khổ hạnh nhưng họ không thể trở nên những vị thánh lớn, chính xác, bởi vì những quy luật và những thực hành khổ chế của họ chỉ làm chết đi nhân tính thay vì để nó tự do phát triển một cách phong phú với tất cả khả năng của nó dưới tác động của ân sủng.
Thánh là một con người hoàn hảo, vị thánh đó là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Theo cách thức cá nhân của riêng mình, vị thánh đó tái tạo một điều gì đó quân bình, toàn thiện và trật tự mà chúng ta tìm thấy trong Nhân Tính của Đức Giêsu. Linh hồn của Đức Giêsu, cách thần thiêng, nên một với Ngôi Lời của Thiên Chúa tận hưởng đồng thời mà không xung đột với Thánh Nhan Tinh Tuyền của Ngài và cả những cảm xúc của con người cách chung, cách riêng hoặc thân thiết nhất – những tình cảm, hối tiếc và đau khổ, hạnh phúc, niềm vui, hay đau đớn; phẫn nộ và phân vân; lo lắng, sợ sệt và sợ hãi; an ủi và bình an.
Nếu không có những tình cảm nhân loại, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa với tư cách là con người như được dự định để mến yêu Ngài. Nếu không cảm xúc, chúng ta không thể được Thiên Chúa yêu thương theo cách Ngài muốn yêu thương chúng ta – bằng Trái Tim của Con Người, Đức Giêsu, Đấng vốn là Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, và là Đấng Kitô được xức dầu.
Vì thế, đời sống khổ hạnh phải được khởi đầu và được thực hành với sự tôn trọng tối thượng tính khí, tính cách, cảm xúc và tất cả những gì làm nên con người chúng ta. Đây cũng là những yếu tố toàn vẹn trong nhân tính và vì thế, cả trong sự thánh thiện – bởi vì người thánh là người mà tình yêu Thiên Chúa đã phát triển trọn vẹn thành một con người theo hình ảnh Đấng Tạo Thành mình.
Việc kiểm soát cảm xúc bằng cách từ bỏ chính mình có khuynh hướng giúp cho việc trưởng thành và hoàn thiện hoá lòng nhân ái của chúng ta. Kỷ luật khổ chế không loại trừ tính nhạy cảm của chúng ta: vì nếu như thế, nó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nếu thực sự từ bỏ chính mình, đôi lúc, sự hy sinh lấy khỏi chúng ta cả những thứ chúng ta thực sự cần đến. Vì thế chúng ta sẽ cảm thấy cần chúng.
Chúng ta phải trải qua cam go, nhưng cuộc tấn công của sự hành xác trên giác quan, trên sự nhạy cảm, trí tưởng tượng, sự phán đoán và ý chí lại được nhắm đến để phong phú hoá và thanh luyện tất cả những điều này. Năm giác quan của chúng ta sẽ đờ đẫn bởi lạc thú vô độ nhưng lòng thống hối lại làm chúng sắc bén, trả cho chúng sự sinh động tự nhiên, và nhiều hơn thế. Lòng thống hối tẩy sạch con mắt lương tâm và lý trí, giúp chúng ta suy nghĩ trong sáng và phán đoán đúng đắn, đồng thời gia tăng sức mạnh cho hoạt động của ý chí. Lòng thống hối còn làm tươi mới phẩm tính của tình cảm do việc thiếu từ bỏ chính mình và thiếu kỷ luật bản thân vốn giải thích tính tầm thường của nghệ thuật sùng đạo, bài viết đạo đức, lời cầu nguyện sốt sắng đến thế và quá nhiều người ngoan đạo đến ngần ấy.
Một vài người xa lánh những cảm xúc hời hợt này bằng một thứ tuyệt vọng anh hùng và rồi, họ trẩy đi tìm Thiên Chúa trong một sa mạc, nơi mà những tình cảm không thể tìm thấy điều gì khả dĩ có thể nâng đỡ chúng. Nhưng cũng có thể đây là một sai lầm. Vì nếu những cảm xúc thực sự chết trong sa mạc, nhân tính chúng ta cũng sẽ chết với chúng. Như Chúa Giêsu hoặc thánh Gioan, từ sa mạc, chúng ta phải trở lại với những khả năng cảm xúc đã được mở rộng, được đào sâu, được củng cố, được cảnh báo hầu chống lại những mời mọc sai lầm, những cám dỗ mà bề ngoài, xem ra thật cao cả, thanh tao và tinh khiết.
III. Con người, một thực thể thống nhất
Đời sống thiêng liêng không phải là đời sống lý trí. Nó không được suy nghĩ cách đơn độc. Dĩ nhiên, nó cũng không phải là đời sống của cảm xúc, cảm nhận -“cảm nhận” và trải nghiệm những thứ thuộc về tinh thần và những thứ thuộc về Thiên Chúa.
Đời sống thiêng liêng cũng không loại trừ suy nghĩ và cảm nhận. Nó cần cả hai. Nó không chỉ là đời sống được tập trung ở “đỉnh cao” của linh hồn, một đời sống mà từ đó tâm trí, óc tưởng tượng và thể xác bị loại trừ. Nếu quả như thế, ít người có thể sống đời sống đó. Và nếu đó là đời sống thiêng liêng, nó sẽ không mảy may là một đời sống thật sự. Nếu sống, người ta phải sống toàn vẹn, thể xác, linh hồn, tâm trí, con tim và tinh thần. Mọi thứ phải được nâng lên và biến đổi trong tình yêu cùng với niềm tin bởi sự tác động của Thiên Chúa.
Thật vô ích khi cố suy gẫm chỉ bằng cách “suy tư” – tồi tệ hơn khi suy gẫm bằng việc đọc kinh hoặc nhại lại vô số lời kinh nhàm chán.
Một đời sống hoàn toàn thiên về lý trí có nguy cơ mang tính huỷ diệt nếu nó dẫn chúng ta đến chỗ thay thế đời sống bằng ý tưởng và hành động bằng khái niệm. Đối với con người, hành động đúng đắn không hoàn toàn thiên về lý trí bởi lẽ, con người không phải là một lý trí tách rời khỏi thân xác. Vận mệnh của chúng ta chính là sống những gì chúng ta nghĩ, vì trừ phi chúng ta sống, chúng ta mới biết nó; bên cạnh đó, còn có nhiều điều thậm chí chúng ta không biết. Chỉ bằng cách làm cho vốn hiểu biết trở thành một phần của chính mình ngang qua hành động, chúng ta mới có thể đi vào thực tại vốn được biểu thị bởi những khái niệm.
Việc sống như một con vật có lý trí không có nghĩa là suy nghĩ như người và sống như vật. Chúng ta vừa phải suy tư, vừa phải sống với tư cách người. Ảo tưởng cố sống hai phần trừu tượng (hợp lý tính và thú tính) cách biệt nhau của chính hữu thể chúng ta, thật ra đó là hiện hữu như hai thực tại cụ thể khác biệt. Chúng ta là một, thể xác và linh hồn. Khi không còn sống như một thực thể thống nhất, chúng ta sẽ chết.
Sống không phải là suy tư vì suy tư được hình thành và hướng dẫn bởi những thực tại khách quan bên ngoài. Sống là thích ứng không ngừng ý nghĩ với đời sống, đời sống với ý nghĩ theo cách mà chúng ta luôn luôn lớn lên, luôn luôn trải nghiệm những điều mới mẻ trong những gì ngày càng cũ kỹ, đồng thời trải nghiệm những gì cũ kỹ trong những cái mới mẻ. Có như thế, cuộc sống sẽ luôn tươi mới.
IV. Niềm vui chiến thắng chính mình
Lối nói “tự chinh phục” nhiều lúc nghe có vẻ chói tai, bởi lẽ rất thường khi, có thể nó không mang ý nghĩa chinh phục chính mình nhưng là một cuộc chinh phục bởi chính mình. Một chiến thắng chúng ta giành được bởi sức mạnh của chính mình. Chiến thắng điều gì? Chính xác là chiến thắng những gì không phải là chính chúng ta.
Tự chinh phục thực ra là chinh phục chính bản thân, không phải bởi tự sức mình, nhưng bởi Thánh Thần. Tự chinh phục là tự trao phó thực sự, tự đầu hàng.
Vậy mà, trước khi trao phó chính bản thân, chúng ta phải trở nên chính mình. Bởi không ai có thể từ bỏ cái mình không có.
Chính xác hơn – chúng ta phải đủ tự chủ để đặt ý riêng của mình vào tay Đức Kitô – để Ngài có thể chế ngự những gì chúng ta không thể đạt được bằng những nỗ lực riêng mình.
Để chinh phục chính mình, chúng ta phải có một niềm tin, một niềm hy vọng chiến thắng nào đó. Và để giữ cho niềm hy vọng đó sống động chúng ta thường phải cảm nếm sự chiến thắng. Chúng ta phải biết chiến thắng là gì và thích nó hơn thất bại.
Chẳng hy vọng gì đối với một người chiến đấu nhằm đạt được một nhân đức nào đó về mặt lý thuyết – một phẩm tính mà người ấy không trải nghiệm. Hiệu quả là người ấy sẽ không bao giờ thích nhân đức đó hơn một tính xấu đối nghịch, không thành vấn đề người ấy khinh miệt tính xấu đó làm sao.
Mọi người đều có một ước muốn tự bản năng để làm điều lành và lánh điều dữ. Nhưng ước muốn đó sẽ héo hon bao lâu chúng ta không kinh nghiệm được điều tốt là gì.
Lòng khát khao nhân đức sẽ chao đảo nơi nhiều người thiện chí do sự nhờm tởm mà tự bản năng, họ cảm nhận bao nhân đức lệch lạc nơi những người được cho là thánh thiện. Người tội lỗi có một cái nhìn nhạy bén với những nhân đức lệch lạc và họ có một quan niệm khắt khe về nhân đức phải như thế nào nơi một người tốt. Nếu ở một người được cho là tốt, họ chỉ thấy một “nhân đức” mà hiệu quả ít thiết yếu và ít thú vị hơn những tính xấu của chính họ, họ sẽ kết luận rằng, nhân đức đó không có ý nghĩa gì và họ sẽ bám vào điều mình đang có dù họ ghét nó.
Nhưng nếu chúng ta không có nhân đức nào thì sao? Làm sao có thể cảm nghiệm nó? Ân sủng của Thiên Chúa, qua Đức Kitô, Chúa chúng ta, tạo ra trong chúng ta lòng khao khát nhân đức vốn là một cảm nghiệm có trước nhân đức đó. Ngài làm cho chúng ta có khả năng “ước ao” nhân đức đó trước khi thủ đắc nó hoàn toàn.
Ân sủng, vốn là đức ái, bao gồm trong nó những nhân đức theo một cách thức tiềm tàng và ẩn giấu như lá và cành của một cây sồi bị che giấu trong trái sồi nhỏ bé. Trở thành một quả sồi là cảm nếm trước việc trở thành một cây sồi. Ân sủng thường mang theo mình toàn bộ nhân đức Kitô giáo trong hạt giống của chúng.
Những ân sủng đích thực sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thực tại hoá những khả năng ẩn tàng này, đồng thời giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa của chúng: Đức Kitô đang hoạt động trong chúng ta.
Niềm vui trước một việc lành là một điều gì đó đáng nhớ – không phải để nuôi dưỡng tính tự mãn nhưng để nhắc nhở chúng ta rằng, những hành động nhân đức đó không chỉ khả thi và có giá trị, nhưng chúng có thể trở nên dễ dàng, phấn khởi và hiệu quả hơn những hành động xấu xa vốn chống lại và cản trở chúng.
Đừng để một sự khiêm tốn lệch lạc nào đó cướp khỏi chúng ta niềm vui chiến thắng vốn thuộc về mình và lại thật cần thiết cho đời sống thiêng liêng của mỗi người, đặc biệt lúc khởi đầu.
Quả cũng đúng, nếu về sau chúng ta vẫn có thể bị bỏ mặc cho những lỗi lầm mà chúng ta không thể vượt qua – ấy là để chúng ta có lòng khiêm tốn nhằm chiến đấu chống lại một đối thủ dường như không thể đánh bại và không ấp ủ một tự mãn chiến thắng nào. Bởi lẽ, chúng ta có thể bị đòi hỏi từ bỏ ngay cả niềm vui khi làm điều lành để bảo đảm rằng, khi làm những điều ấy, chúng ta nhắm đến một cái gì đó lớn hơn cả niềm vui đó. Nhưng để có thể từ bỏ niềm vui ấy, trước tiên, chúng ta phải đạt được nó. Ngay từ đầu, niềm vui của việc chiến thắng chính mình thật là cấp thiết. Đừng sợ ước muốn có được nó.
Lm Thomas Merton – Dịch giả: Lm Minh Anh
Tác giả bài viết: Lm Minh Anh chuyển dịch
Nguồn tin: http://nguoitinhuu.org
Ý kiến bạn đọc