Những khía cạnh của đời sống thiêng liêng - 2

Thứ bảy - 01/05/2021 20:25 1.271 0
 

V. Lười biếng và nhút nhát

Lười biếng và nhút nhát là hai trong số những kẻ thù lớn nhất của đời sống thiêng liêng. Chúng trở nên nguy hiểm nhất trong tất cả kẻ thù khi mang mặt nạ “sự thận trọng”. Sự lừa phỉnh này sẽ không quá tai hại nếu thận trọng tự nó không phải là một trong những nhân đức quan trọng nhất của người sống đời sống thiêng liêng. Thật vậy, chính sự thận trọng dạy chúng ta sự khác biệt giữa tính nhút nhát và suy xét khôn ngoan. Nếu mắt bạn đơn sơ… nhưng nếu ánh sáng ở trong bạn là bóng tối…

Sự thận trọng nói cho chúng ta điều Thiên Chúa muốn và không muốn. Làm như thế, sự thận trọng tỏ cho thấy bổn phận tương xứng với những gợi hứng của ân sủng hầu chúng ta có thể tuân theo những chỉ thị khác trong ý muốn của Thiên Chúa.

Lười biếng và nhút nhát đặt sự an nhàn hiện tại của chính chúng ta trước tình thương của Thiên Chúa. Lười biếng và nhút nhát e sợ cái bất định tương lai bởi chúng không đặt niềm tin nào vào Thiên Chúa.

Sự thận trọng cảnh báo chúng ta trước những nỗ lực vô ích: nhưng đối với kẻ hèn nhát, mọi nỗ lực đều vô ích. Sự thận trọng cho thấy nơi nào nỗ lực bị phí phạm và nơi nào thì nỗ lực trở nên bắt buộc.

Lười biếng trốn chạy trước mọi liều lĩnh. Sự thận trọng trốn chạy trước những liều lĩnh vô ích, nhưng lại thôi thúc chúng ta tiếp tục đón nhận sự liều lĩnh mà niềm tin và ân sủng Thiên Chúa đòi hỏi nơi chính mình. Khi Chúa Giêsu nói, Nước Trời sẽ được chiếm lấy bằng bạo lực, Ngài có ý nói, nó chỉ có thể được mua bằng giá của những liều lĩnh nào đó.

Không sớm thì muộn, nếu theo Đức Kitô, chúng ta phải liều lĩnh mọi thứ để đạt được mọi thứ. Chúng ta phải đánh liều với những thứ vô hình và liều lĩnh với tất cả những gì có thể thấy, nếm thử và cảm nhận. Nhưng chúng ta ý thức rằng, điều đó đáng để liều lĩnh, vì không có điều gì bấp bênh hơn thế giới chóng qua này. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi (1Cr 7, 31).

Không có lòng can đảm, không bao giờ chúng ta có thể đạt đến sự đơn sơ thực thụ. Tính nhút nhát tạo nên con người “hai lòng” – chúng ta lưỡng lự giữa thế gian và Thiên Chúa. Trong sự do dự này, bạn không có một niềm tin vững chắc nào – với bạn, niềm tin vẫn chỉ là một quan niệm mơ hồ. Không có gì chắc chắn nơi chúng ta bởi không bao giờ chúng ta tùng phục hoàn toàn thẩm quyền Thiên Chúa vô hình. Sự do dự này giết chết hy vọng. Không bao giờ chúng ta có thể giũ bỏ những nơi nương tựa khả giác mà chúng ta biết chắc một ngày nào đó, chúng sẽ làm chúng ta thất bại. Sự do dự này cũng làm cho lời cầu nguyện đích thực trở nên bất khả thi – hầu như không bao giờ bạn dám cầu xin một điều gì, hoặc nếu có, bạn lại quá chắc chắn về việc được lắng nghe đến nỗi trong chính khi cầu xin, bạn bí mật tìm cách đưa ra một lời đáp trả – chuyển tải bằng sự khôn ngoan thế gian (x. Gc 1, 5-8).

Đâu là lợi ích của việc cầu nguyện nếu chính vào lúc làm công việc này, niềm tin vào Thiên Chúa của chúng ta lại quá ít ỏi đến nỗi vì phải bận rộn vạch ra những phúc đáp cho lời cầu xin của mình?

VI. Ích lợi của sự khốn cùng

Ở ngoài quỹ đạo tình yêu của Đức Kitô, không có đời sống thiêng liêng nào đúng đắn. Chúng ta có một đời sống thiêng liêng chỉ vì Đức Kitô yêu mến chúng ta. Đời sống thiêng liêng bao gồm việc đón nhận quà tặng Thánh Thần và lòng bác ái của Ngài; bởi lẽ trong tình yêu của Ngài, Thánh Tâm Chúa Giêsu đã muốn chúng ta sống nhờ Thần Khí của Ngài – cũng là Thần Khí phát xuất từ Ngôi Lời và từ Chúa Cha cũng như từ Đấng là tình yêu của Đức Giêsu dành cho Chúa Cha.

Nếu biết được tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta lớn lao nhường nào, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi để đến với Ngài trong cơn túng quẫn, yếu đuối hoặc trong sự thảm hại và nhu nhược thiêng liêng của mình. Thật vậy, hiểu được bản chất đích thực tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta, chúng ta sẽ thích đến với Ngài, Đấng nghèo hèn và bơ vơ hơn cả chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy xấu hổ về sự khốn cùng của mình. Sự khốn cùng trở nên ích lợi khi chúng ta không còn gì để tìm kiếm ngoại trừ lòng nhân hậu. Chúng ta có thể vui mừng về sự bơ vơ của mình khi thực sự tin rằng, quyền năng của Đức Kitô được hoàn thiện trong sự yếu đuối đó.

Dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy mỗi người có được một sự hiểu biết thiêng liêng về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình chính là họ cảm kích cảnh túng quẫn của bản thân trong ánh sáng của lòng thương xót vô hạn của Ngài.

Chúng ta phải yêu chính sự nghèo khó riêng lòng mình có như Đức Giêsu yêu nó. Với Ngài, nó quá giá trị đến nỗi Ngài đã chết trên thánh giá để biểu tỏ sự khốn cùng của chúng ta cho Cha Ngài và ban sự giàu có của lòng nhân từ vô hạn của chính Ngài cho chúng ta.

Chúng ta cũng phải yêu sự khốn cùng của người khác như Đức Giêsu yêu nó. Phải thấy họ bằng đôi mắt đầy lòng thương xót của Ngài. Thế nhưng, sẽ không thể động lòng thương xót thật sự trước người khác nếu chúng ta không sẵn lòng chấp nhận những điều đáng tiếc và đón nhận sự tha thứ tội lỗi của chính mình.

Chúng ta sẽ thật sự không biết làm thế nào để có thể tha thứ cho đến khi biết được thứ tha là gì. Vì thế, hãy vui mừng khi chúng ta có thể được tha thứ bởi anh em. Chính sự tha thứ cho nhau làm cho tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta được thể hiện trong đời sống mình, vì khi tha thứ cho nhau, chúng ta đối xử với nhau như Ngài đối xử với chúng ta.

VII. Đức Kitô, nguồn hy vọng

Kitô hữu là người không sống cho mình, Kitô hữu ra khỏi chính mình hoàn toàn nhưng sống trong Đức Kitô – người đó sống trong niềm tin và tình yêu cứu rỗi của Ngài, Đấng yêu thương con người và vì con người, Ngài đã chết. Trên hết mọi sự, người đó sống trong niềm hy vọng vào thế giới mai ngày.

Hy vọng là bí quyết của một đời sống khổ hạnh chân thực. Hy vọng từ chối những ước muốn và phán đoán riêng tư của chính mình, đồng thời loại bỏ thế giới trong hiện trạng của nó, không phải vì thế giới hay chính con người chúng ta xấu xa, nhưng bởi chúng ta không ở trong một điều kiện để sử dụng tốt nhất điều thiện của chính mình hay của thế gian. Tuy nhiên, chúng ta hoan hỷ trong hy vọng, tận hưởng các thọ tạo trong hy vọng. Chúng ta tận hưởng chúng không phải như chúng ở trong chính mình nhưng như chúng trong Đức Kitô – đầy hứa hẹn. Vì sự tốt lành của mọi thọ tạo là bằng chứng sự tốt lành của Thiên Chúa và sự tốt lành của Ngài là một bảo đảm cho lòng trung thành của Ngài với những gì Ngài hứa. Ngài hứa ban cho chúng ta một trời mới đất mới, một đời sống được phục sinh trong Đức Kitô. Mọi sự từ bỏ chính mình nếu không hoàn toàn bị nắm bắt do lời hứa của Ngài sẽ thiếu mất tính Kitô.

Lạy Chúa của con, con thật vô vọng ngoài niềm hy vọng vào thánh giá Chúa. Nhờ sự khiêm hạ, những khổ đau và cái chết của Chúa, Chúa đã giải thoát con khỏi mọi hy vọng hão huyền. Chúa đã tiêu diệt tính hư ảo của cuộc sống hiện tại nơi chính bản thân và đã ban cho con tất cả những gì là vĩnh cửu khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết.

Tại sao con muốn trở nên giàu có khi Ngài đã nên nghèo khó? Tại sao con muốn trở nên nổi tiếng và quyền lực trong mắt người đời khi con cháu của những kẻ tâng bốc các tiên tri giả ném đá những tiên tri thực chối từ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá? Tại sao con phải ôm ấp trong lòng niềm hy vọng vốn đang huỷ hoại đời con – hy vọng vào hạnh phúc trọn vẹn ở đời này – một kiểu hy vọng như thế tất phải vỡ mộng, vô nghĩa và chỉ có thất vọng?

Hy vọng của con ở nơi những gì mắt thường không bao giờ nhìn thấy; vì thế, đừng để con tin vào những phần thưởng hữu hình đời này. Hy vọng của con ở nơi những gì tâm hồn người đời không thể cảm nhận; vì thế, đừng để con tin vào những tình cảm của con tim. Hy vọng của con ở nơi những gì tay con người không bao giờ chạm thấu; vì thế, đừng để con tin vào những gì giữa những ngón tay mà con có thể nắm lấy. Cái chết sẽ nới lỏng sự giữ chặt của con và niềm hy vọng vô hiệu ấy sẽ tan bay.

Hãy để niềm tin của con náu ẩn trong lòng thương xót của Ngài, chứ không phải trong chính con. Hãy để hy vọng của con cư ngụ trong tình yêu của Ngài, chứ không phải ở sức khoẻ, sức mạnh, khả năng hoặc những kế sách của con người.

Nếu con tin tưởng Ngài, mọi sự sẽ trở nên sức mạnh, sức khoẻ và nguồn đỡ nâng cho con, mọi sự sẽ mang con đến tận quê trời. Nếu con không tin vào Ngài, mọi sự sẽ trở nên huỷ diệt đối với con.

VIII. Lòng biết ơn

Mọi tội lỗi là một hình phạt do tội đầu tiên của việc không nhận biết Thiên Chúa, nghĩa là mọi tội đều là hình phạt do sự vô ơn. Vì như thánh Phaolô nói (Rm 1, 21), các dân ngoại, vốn “biết” Thiên Chúa lại không nhận biết Ngài bởi họ không nhận ra hồng ân ơn được nhận biết đó. Họ không biết Ngài bởi sự hiểu biết của họ không làm họ vui thoả với tình yêu của Ngài. Vì nếu không yêu Ngài, chúng ta chứng tỏ rằng, chúng ta không biết Ngài. Ngài là tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu.

Sự hiểu biết Thiên Chúa nơi chúng ta trở nên hoàn hảo nhờ lòng biết ơn: chúng ta biết ơn và vui sướng khi cảm nghiệm chân lý này: Ngài là tình yêu.

Bí tích Thánh Thể – Hy Tế ngợi khen và tạ ơn – là một lò lửa bừng cháy của việc nhận biết Thiên Chúa. Vì trong Hy Tế này, Đức Giêsu – dâng lời tạ ơn lên Cha – trao ban và hiến tế trọn chính mình Ngài cho vinh quang Chúa Cha và cứu chúng ta khỏi muôn vàn tội lỗi. Nếu không “nhận biết” Đức Giêsu trong hy tế của Ngài, làm sao hy tế đó có thể mưu ích cho chúng ta? “Việc nhận biết Thiên Chúa thì quý hơn lễ hy tế” (Hs 6, 6). Chúng ta sẽ không biết Ngài trừ phi chúng ta cùng Ngài tạ ơn và ca tụng Chúa Cha.

Giữa lòng biết ơn và sự vô ơn, không có tính trung lập. Những kẻ không biết ơn thì sớm bắt đầu phàn nàn về mọi thứ. Ai không yêu mến, sẽ ghét bỏ. Trong đời sống thiêng liêng, không có chuyện dửng dưng như thế trước việc yêu hay ghét. Đó là lý do tại sao sự lãnh đạm (vốn dường như là dửng dưng) thì rất đáng ghét. Đó là sự ghét bỏ được trá hình như thể yêu thương.

Sự lãnh đạm mà trong đó linh hồn không “nóng cũng không lạnh” – không rõ yêu hay ghét – một tình trạng mà trong đó, người ta khước từ Thiên Chúa và khước từ ý muốn của Ngài đang khi bên ngoài, vẫn duy trì một sự giả vờ yêu mến Ngài để tránh khỏi những rối rắm và cứu lấy lòng tự trọng tưởng nghĩ đang có nơi mình. Đó là điều mà những ai có thói vô ơn trước những ân huệ của Thiên Chúa sớm đạt tới. Một người vốn thực sự muốn đáp trả lòng nhân lành của Thiên Chúa và hiểu biết tất cả những gì mình đã lãnh nhận không thể là một Kitô hữu hai lòng. Lòng biết ơn đích thực và sự giả hình không thể cùng nhau tồn tại. Chúng hoàn toàn không hợp nhau. Chính lòng biết ơn tự nó làm cho chúng ta chân thành – bằng không, đó chẳng phải là lòng biết ơn thật sự.

Tuy vậy, lòng biết ơn vượt hẳn một thao luyện tinh thần, hơn cả một công thức từ ngữ. Chúng ta không thể hài lòng ghi nhận trong trí những điều Thiên Chúa đã làm cho mình và rồi cám ơn Ngài chiếu lệ vì những ân huệ đã nhận lãnh.

Biết ơn là thừa nhận tình yêu Thiên Chúa trong mọi sự Ngài ban – và Ngài đã ban cho chúng ta mọi sự. Mọi hơi thở chúng ta hưởng nhận là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, mọi khoảnh khắc tồn tại là một ân sủng, vì nó mang theo vô vàn ân sủng từ Ngài. Lòng biết ơn vì thế, không xem điều gì là hiển nhiên, không bao giờ không đáp trả, luôn tỉnh thức trước những kỳ công mới và ngợi khen lòng nhân lành của Thiên Chúa. Vì người biết ơn biết rằng, Thiên Chúa tốt lành, không phải qua tin đồn nhưng qua trải nghiệm. Và đó là điều tạo nên sự độc đáo, khác biệt hoàn toàn.

IX. Sự hư không

Hiểu biết và trải nghiệm sự “hư không” của chính mình nghĩa là gì?

Quả không đủ khi chê ghét những ảo tưởng, lỗi lầm và thiếu sót của bản thân đồng thời xa lánh chúng như thể chúng không có hoặc như thể tôi là một người nào khác không phải là mình. Việc tự triệt tiêu này không chỉ là một ảo giác tồi tệ hơn, nhưng đó là một sự khiêm tốn vờ vịt bằng cách nói “tôi không là gì” thì, dẫu vậy, điều đó có ý nói, “ước gì tôi không phải thế”.

Điều này có thể phát xuất từ một cảm nghiệm thiếu thốn và bất lực nơi bản thân nhưng nó không đem đến cho chúng ta bất cứ nguồn bình an nội tâm nào. Để thật sự biết cái “hư không” của mình, chúng ta còn phải biết yêu mến nó. Và sẽ không thể yêu mến nó trừ phi chúng ta thấy nó tốt lành. Và sẽ không thể thấy nó tốt lành trừ phi chúng ta chấp nhận nó.

Một trải nghiệm siêu tự nhiên về sự ngẫu nhiên của mình chính là lòng khiêm tốn, một lòng khiêm tốn biết yêu mến và quý chuộng hiện trạng đạo đức và sự yếu hèn thiêng liêng của mình trước Thiên Chúa hơn tất cả mọi thứ khác.

Để yêu mến cái “hư không” của mình theo cách này, chúng ta không ruồng rẫy chối nhận những gì thuộc về mình, cái chúng ta có, cái chúng ta là. Chúng ta phải thấy và thừa nhận rằng, tất cả là của chúng ta và tất cả đều tốt lành: tốt trong thực thể tích cực của nó bởi nó đến từ Thiên Chúa; tốt trong sự thiếu hụt của nó bởi sự yếu hèn của chúng ta, thậm chí cả cái khốn cùng luân lý và thiêng liêng của mình lại thu hút lòng nhân từ của Thiên Chúa xuống với chúng ta.

Để yêu mến sự hư không của mình, chúng ta phải yêu mọi thứ trong chúng ta, những thứ mà người kiêu ngạo yêu khi họ yêu chính mình. Nhưng chúng ta phải yêu nó hoàn toàn một cách đúng đắn vì lý do đối nghịch.

Để yêu mến sự hư không của chúng ta, chúng ta phải yêu chính mình.

Thế nhưng, người tự phụ yêu chính mình bởi người đó nghĩ rằng, mình đáng được yêu, được tôn trọng và kính mến vì mình. Người đó nghĩ, họ phải được Thiên Chúa và người khác yêu, họ đáng được tán dương, yêu mến và tôn trọng hơn mọi người khác.

Người khiêm tốn cũng yêu chính mình, ước ao được yêu và trân trọng, nhưng không phải bởi người đó xứng đáng để được yêu và tán dương cho bằng vì tình yêu và danh dự không xứng với người đó.

Người đó tìm được yêu thương bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đó xin được yêu thương và được cứu giúp bởi sự hào phóng nơi những bằng hữu của mình. Biết rằng mình không có gì, người đó cũng biết mình cần mọi thứ và không ngại van xin điều mình cần và nhận nó nơi mình có thể.

Người kiêu căng yêu mến những ảo giác và tự mãn về những gì mình có đang khi người nghèo khó về mặt tinh thần yêu mến chính sự thiếu thốn của mình. Người kiêu căng đòi cho được vinh dự vì đã có được điều mà người khác không có. Người khiêm tốn lại khẩn xin được chia sẻ những gì mà những người khác đã lãnh nhận, người đó cũng ước ao được đầy tràn lòng nhân ái và hay thương xót của Thiên Chúa.

X. Đời sống thiêng liêng trước tiên là một đời sống

Đời sống thiêng liêng trước tiên là một đời sống.

Đời sống thiêng liêng không đơn thuần là một điều gì đó để biết, để học, nhưng là để sống. Như mọi cuộc sống, đời sống thiêng liêng sẽ trở nên yếu nhược và chết đi khi bị bứng khỏi môi trường thích hợp của nó. Ân sủng được ban cùng với bản tính, đồng thời, toàn thể con người chúng ta được thánh hiến bởi sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, đời sống thiêng liêng không phải là một đời sống buộc phải hoàn toàn tách khỏi điều kiện sống của con người để đem vào lãnh địa của các thiên thần. Chúng ta sống như những con người thiêng liêng khi sống như những con người đi tìm Thiên Chúa. Trở nên con người thiêng liêng, chúng ta phải vẫn là người. Và nếu điều này không mấy hiển nhiên trong lãnh vực thần học, thì Mầu Nhiệm Nhập Thể tự nó đã là một bằng chứng phong phú về điều đó. Tại sao Đức Kitô đã làm người nếu không phải là để cứu con người bằng cách hiệp nhất họ với Thiên Chúa cách nhiệm mầu ngang qua Nhân Tính Thánh Thiêng của chính Ngài? Đức Giêsu sống cuộc sống đời thường của con người vào thời Ngài để thánh hóa đời thường của mọi người thuộc mọi thời. Vậy, nếu muốn trở nên thiêng liêng, trước tiên, chúng ta hãy sống đời sống của mình. Đừng sợ những trách nhiệm và những rối rắm không thể tránh khỏi từ công việc do ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hãy ôm lấy thực tại và bằng cách đó, chúng ta thấy chính mình được đắm chìm trong ý muốn trao ban sự sống và khôn ngoan của Thiên Chúa vốn đang bao bọc chúng ta ở khắp mọi nơi.

Trước tiên, hãy đoan chắc, chúng ta biết những gì chúng ta đang làm. Chỉ đức tin mới có thể đem lại ánh sáng để có thể nhìn thấy ý muốn của Thiên Chúa phải được tìm thấy trong cuộc sống thường nhật của mình. Không có ánh sáng này, chúng ta không thể nhìn thấy để đưa ra những quyết định đúng đắn. Không có xác quyết này, chúng ta không thể có niềm tin và bình an siêu nhiên. Chúng ta sẽ trượt ngã liên tục cả khi được chiếu sáng nhất. Một khi đã ở trong bóng đêm thiêng liêng thực sự, chúng ta thậm chí không biết mình đã ngã.

Để đời sống thiêng liêng thật sự sống động, đức tin của chúng ta phải được làm mới lại liên lỉ. Như những viên hoa tiêu trên những chiếc tàu chạy bằng hơi nước không đi được vì sương mù bao phủ phải nhìn vào bóng tối dày đặc phía trước, chúng ta phải lắng nghe âm thanh của những con tàu khác, và ý thức rằng, chúng ta chỉ có thể cập bến nếu luôn biết tỉnh táo. Vậy, đời sống thiêng liêng trước hết là việc phải luôn tỉnh thức. Chúng ta không được đánh mất sự nhạy bén của mình trước những nguồn cảm hứng thiêng liêng. Làm sao chúng ta luôn có khả năng đáp trả những cảnh báo tinh tế nhất đang gióng tiếng trong thâm sâu linh hồn mình, một linh hồn sống động về mặt thiêng liêng như một thiên hướng ẩn tàng.

Suy niệm là một trong những cách thức trong đó, con người thiêng liêng giữ cho mình tỉnh thức. Quả không phải là một nghịch lý, chính trong suy niệm mà hầu hết những người có tham vọng hoàn thiện về mặt đạo đức trở nên ngớ ngẩn và buồn ngủ. Bài suy niệm là một phương pháp rèn luyện nghiêm khắc, cũng là một bài học vốn không thể lãnh hội bằng bạo lực. Nó đòi hỏi can đảm và kiên nhẫn không ngừng. Những ai không sẵn sàng kiên nhẫn thực hành, rốt cuộc sẽ thoả hiệp với nó. Ở đây cũng như ở nơi khác, thoả hiệp chỉ là một tên gọi khác của thất bại.

Suy niệm là suy tư. Vậy mà suy niệm thành công lại vượt trội lý luận hoặc suy tư. Suy niệm cũng vượt trội “những tình cảm”, hơn cả một chuỗi những “hành vi” được chuẩn bị mà một người trải qua.

Trong giờ suy niệm, chúng ta không chỉ nghĩ và nói bằng tâm trí hoặc với môi miệng của mình, nhưng theo một nghĩa nào đó, bằng toàn thể con người mình. Vì thế, cầu nguyện không chỉ là công thức của từ ngữ, hay một chuỗi những khát khao trào dâng trong tâm hồn – đó là việc quy hướng toàn thân, tâm trí và tinh thần về Thiên Chúa trong thinh lặng, chú tâm và thờ phượng. Một buổi suy niệm tốt là một cuộc trở về của toàn thể bản ngã của chúng ta với Thiên Chúa.

Vì thế, theo nghĩa này, một người không thể đi vào suy niệm nếu không biết nâng tâm hồn lên. Bằng việc nâng tâm hồn lên, tôi không có ý nói đến việc gây xáo trộn, nhưng nói đến một sự tách mình ra khỏi lề thói thường ngày, một sự giải phóng tâm hồn khỏi những lắng lo và bận tâm của công việc thường nhật. Lý do tại sao quá ít người dấn thân cách nghiêm túc cho việc tâm nguyện, chính xác, là vì việc nâng tâm hồn lên quả là cần thiết đang khi họ thường không có khả năng nỗ lực đủ để làm điều đó. Có thể họ thiếu quảng đại, cũng có thể họ thiếu chỉ dẫn và kinh nghiệm, và rồi, họ đi lòng vòng quanh nó. Họ gây phiền hà cho bản thân, buông mình cho sự bối rối bởi những nỗ lực bạo động tự tạo ra để hồi tưởng lại, và cuối cùng, kết thúc trong thất vọng. Rốt cuộc, họ thoả hiệp với một chuỗi những công việc không mấy thoả mãn thường ngày vốn giúp họ sống qua ngày, hoặc cách khác, họ thư giãn trong một trạng thái lâng lâng mà họ hy vọng trạng thái đó có thể được biện hộ nhân danh chiêm niệm.

Tất cả các vị linh hướng đều biết đó là một vấn đề nan giải và tinh tế để xác định chính xác đâu là đường ranh giữa sự xao lãng nội tâm và sự khởi đầu chưa rõ ràng cũng như khó nhận ra của việc chiêm niệm thụ động. Nhưng trong thực hành, vào chính lúc này, người ta nói khá đầy đủ về việc chiêm niệm mang tính thụ động nhằm tạo cho kẻ lười biếng cơ hội đòi quyền ưu tiên của việc “cầu nguyện bằng cách không làm việc gì”.

Một chiêm niệm như thế không thể gọi là cầu nguyện, vì trong đó, “không gì được làm” hoặc “không gì xảy ra”, dẫu cho vẫn có thể có một sự cầu nguyện mà trong đó, không gì được biết, không gì được cảm nhận hay suy tư.

Toàn bộ lời cầu nguyện bên trong đích thực, dù đơn sơ đến đâu, vẫn đòi hỏi việc hướng toàn thể bản ngã của chúng ta về Thiên Chúa cho tới khi điều này được thực hiện – hoặc cách chủ động bằng chính nỗ lực của chúng ta hoặc cách thụ động bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần – chúng ta không đi vào “chiêm niệm”, cũng không thể an nhàn giảm nhẹ các nỗ lực của mình để thiết lập việc tiếp xúc với Thiên Chúa.

Nếu tìm cách ngắm nhìn Thiên Chúa mà không hướng bộ mặt toàn thể cái tôi bên trong của mình về Ngài thì cuối cùng, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc chiêm ngắm chính mình và có lẽ, sẽ lao vào vực thẳm tối tăm hiểm nguy vốn là bản tính nhạy cảm của mình. Đó không phải là bóng tối, trong đó, người ta vẫn có thể duy trì sự thụ động cách an toàn.

Ngược lại, nếu quá lệ thuộc vào trí tưởng tượng và những cảm xúc, chúng ta sẽ không quy hướng chính mình về phía Thiên Chúa nhưng sẽ lao vào một cuộc bạo loạn của các hình ảnh và thêu dệt cho mình những kinh nghiệm đạo đức sản xuất tại gia, và điều này cũng thật hiểm nghèo.

Việc “hướng” toàn thể bản ngã của chúng ta về Thiên Chúa chỉ có thể đạt được bằng một lòng tin sâu sắc, chân thành và đơn sơ; một lòng tin trở nên sống động bằng lòng cậy trông với niềm tin tưởng rằng, việc tiếp xúc với Thiên Chúa là điều khả thi và lòng mến khát khao thực hiện ý muốn của Ngài trên hết mọi sự.

Một đôi khi, suy niệm không là gì ngoài cuộc chiến đấu bất thành nhằm quy hướng chính mình về Thiên Chúa hầu tìm kiếm Thánh Nhan Ngài bằng niềm tin. Đối với một người suy niệm hiệu quả, tất cả những gì ngoài tầm kiểm soát vẫn có thể làm cho việc suy niệm trở nên một điều không thể xét về mặt đạo đức. Trong trường hợp đó, chỉ cần có đức tin và ý ngay lành. Một người đã nỗ lực chân thành và thật lòng quy hướng chính mình về Thiên Chúa nhưng dường như không thể cầm lòng cầm trí thì cố gắng đó đã được kể là suy niệm. Điều này muốn nói rằng, Thiên Chúa, theo lòng nhân ái của Ngài, chấp nhận những nỗ lực bất thành của chúng ta thay vì chúng ta suy niệm thực sự. Đôi khi chính cái bất lực nội tâm này lại trở thành dấu chỉ của sự tiến bộ đích thực trong đời sống nội tâm – bởi lẽ, nhờ đó, chúng ta tuỳ thuộc hơn vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa cách trọn vẹn và bình an hơn.

Nếu có thể, nhờ ơn Chúa, chúng ta quy hướng chính mình hoàn toàn về Ngài, đồng thời dẹp bỏ mọi thứ khác để thân thưa với Ngài và thờ phượng Ngài, điều này không có nghĩa là, chúng ta có thể luôn luôn tưởng nghĩ đến Ngài hay cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Cả trí tưởng tượng lẫn cảm nhận của chúng ta đều không cần thiết cho việc quy hướng toàn thể con người của mình về phía Thiên Chúa. Sự tập trung cao độ vào “ý niệm” Thiên Chúa cũng không cần phải ao ước cách đặc biệt.

Với ngôn ngữ loài người, quả thật khó khi nói đến một sự hiện diện của Thiên Chúa rất thực và rất dễ nhận ra (vì hầu như hoàn toàn không thể định nghĩa); ở đó, chúng ta đối diện với Ngài trong lời nguyện cầu vốn nhận biết Ngài là Đấng mà bởi Ngài, chúng ta được nhận biết; ý thức Ngài là Đấng ý thức đến chúng ta; yêu mến Ngài là Đấng yêu mến chúng ta. Hiện diện với chính mình trong toàn vẹn nhân phẩm của mình, chúng ta trình diện Ngài, Đấng vô cùng trong sự Hiện Hữu, Khác Biệt và Cá Vị của Ngài. Đó không phải là một cuộc diện kiến mặt đối mặt, nhưng là một sự hiện diện nào đó của bản ngã trước Bản Ngã, trong đó, với sự chú tâm đầy tôn kính của toàn thể con người mình, chúng ta biết Ngài trong Đấng mà mọi sự được tồn tại. “Con mắt” mở ra trước sự hiện diện của Ngài nằm ở chính trung tâm của lòng khiêm tốn, nơi chính trung tâm của tự do, nơi chính thâm sâu của bản tính thiêng liêng của chúng ta. Suy niệm là việc mở ra con mắt này.

Lm Thomas Merton – Dịch giả: Lm Minh Anh

 

Tác giả bài viết: Lm Minh Anh chuyển dịch

 Tags: Huấn luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây