Thư chị Tổng Phụ trách gửi quí chị em dịp Giáng sinh 2020

Thứ năm - 27/05/2021 22:23 216 0

Gửi quý chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

và quý anh chị em Hiệp hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế

nhân dịp Giáng Sinh 2020 và Năm Mới 2021

Kính thưa chị Phó Tổng Phụ trách, quý chị Tổng Cố vấn, quý chị Ban Điều hành, quý Chị Tỉnh dòng Thừa Sai Hoa Kỳ, quý bà cùng quý chị em quốc nội và hải ngoại, và quý anh chị em Hiệp hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế rất quí mến,

Bầu khí Giáng Sinh đang về trên khắp địa cầu đem lại niềm vui cho nhân loại. Giáng Sinh nhắc nhớ lại sự kiện lịch sử Chúa Nhập thể đem ân phúc xuống cho muôn người. Mùa Giáng Sinh lại cận kề Tết Dương Lịch cho mỗi người thêm tuổi mới, thêm những dự định mới cho hành trình hiện tại và tương lai.

Kính chúc quý bà cùng chị em Hội dòng, và anh chị em Hiệp Hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế mùa Giáng Sinh và Năm Mới trong Năm Thánh mừng 350 năm thành lập Hội dòng, được dồi dào ân sủng và niềm hăng say nhiệt thành mới trong đời thánh hiến, với lòng tin yêu sâu sắc hơn để thích nghi với những biến chuyển của thời đại, đồng thời đáp lại lời mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Chúng ta đang trong tháng khởi đầu Năm Thánh Hồng ân Hội dòng, với chương trình gia tăng việc thiêng liêng và canh tân sám hối, cách riêng hiệp thông với quý bà và anh chị em đang gặp thử thách trong tinh thần cũng như đau bệnh thể lý, chúng ta dâng lên Chúa của lễ hy sinh.

Tình yêu và lòng thương xót Chúa muôn đời vẫn trải rộng, vẫn đại đồng, phổ quát, không thiên tư, không giới hạn cho một ai, một dân tộc nào, thời gian nào và không gian nào. Nhưng thử hỏi: tại sao có người tôn sùng Chúa, có người bách hại đạo Chúa? Tại sao có người quá giàu sang, có người quá nghèo khổ? Có người luôn hạnh phúc, có người mãi rủi ro. Tại sao có người luôn mạnh khỏe, có người mãi bệnh tật? Tại sao có nơi an bình, có nơi dịch bệnh, có nơi tranh chấp, và chiến tranh? Có nơi mưa thuận gió hòa, có nơi bão lụt hoài hoài. Tại sao và tại sao?

Có rất nhiều vị ngôn sứ và nhiều vị thánh cùng cảnh ngộ như chúng ta, tiêu biểu như ngôn sứ Khabacuc, Giêrêmia, và chuyện ông Gióp trong Cựu Ước, như Thánh Giuse, Mẹ Maria trong Tân Ước và Đức cha Lambert de La Motte, Đấng Sáng Lập của Hội dòng chúng ta. Các ngài từng gặp và trải nghiệm nhiều nghịch lý và đau khổ trong cuộc sống của mình. Hy vọng khi nhìn lại cách các ngài đã sống, phần nào giúp chúng ta có thêm can đảm, sức mạnh để sống chứng nhân cho Chúa khi gặp bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống hôm nay.

Trước hết, ngôn sứ Khabacuc đã nhiều lần chất vấn Chúa khi chứng kiến cảnh bất công, nghịch lý do vua Nabucodonosor gây ra cho dân Israen, : “Tại sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau”. Tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?” (Kb 1, 3.13). Tuy vậy ông không phản kháng, không phẫn nộ, không ngã lòng. Ông trầm tư chiêm ngắm Chúa, lặng thầm sống nội tâm, tin tưởng vào tình thương của Chúa, trung thành cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa và kiên trì chờ đợi Chúa trả lời (x. Kb. 2,1). Và cuối cùng ông đã nghe tiếng Chúa nói với ông: “Nầy đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính, nhờ đức tin, sẽ được sống” (Kb. 2, 4). Khabacuc đã dâng lên Chúa lời ca khen Chúa theo điệu Ai ca đầy tin tưởng và cảm động:

 “Lạy Đức Chúa, con đã nghe truyền tụng về Ngài

Công trình Ngài, lạy Đức Chúa lòng con kính sợ!

Qua mọi thời xin cho tái diễn kỳ công ấy.

Qua mọi thời, xin làm cho thiên hạ được tường!

… Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa

Hỉ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Đức Chúa là Chúa thượng làm cho tôi mạnh sức,

Cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai,

và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời.” (Kb 3,2- 19).

Tiếp đến, Giêrêmia khi thực thi sứ vụ ngôn sứ, ông gặp nhiều chống đối, loại trừ và bắt bớ đến mức có lần ông “thầy kiện và giận dỗi” với Chúa: “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Tôi sẽ không nghĩ đến Ngài, cũng chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa” (Gr 20,8-9). Tuy vậy, sự mệt mỏi, khổ tâm của ông được an ủi, khích lệ và sưởi ấm bằng ngọn lửa yêu thương của Đấng gọi mời ông làm ngôn sứ cho Chúa. Ông đã thốt lên tận đáy lòng: “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,9b).

Giêrêmia dần nghiệm ra rằng ơn gọi của mình là một hồng ân, cần đáp trả với sự tự do, tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Ông xác tín rằng ông không chiến đấu một mình, có Chúa đồng hành với mình như Chúa đã nói “Đừng nói ngươi còn trẻ và không biết cách ăn nói … Ta ở với ngươi và giải thoát ngươi” (Gr 1,7-8). Giêrêmia đã cảm nghiệm rằng: “Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con…” (Gr 20,11). Qua đó, Giêrêmia như muốn nói với chúng ta hôm nay rằng: thập giá chính là đường đến vinh quang, đó là lựa chọn của người môn đệ của Chúa để chỉ biết sống xin vâng theo thánh ý Chúa mà thôi (x. Lc 9,23).

Còn chuyện ông Gióp gợi lên cho chúng ta đến nghịch lý của người “ở hiền gặp dữ” hoặc “ở lỳ gặp lành”. Tại sao người công chính và vô tội lại phải chịu nhiều đau khổ? Thiên Chúa có phải là Đấng công bằng không? Thật vậy, trải qua đau khổ ông Gióp đã cảm nghiệm được nhiều điều:

–  Thiên Chúa luôn ở bên ông và lắng nghe tiếng than thở của ông, ông không cô độc. Chúa đứng về phía Gióp để bênh vực ông khi các bạn hữu của ông nhân danh sự công chính lên án ông: “Các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta” (G 42, 7-8).

– Trước kia Gióp chỉ biết Chúa qua người khác nói, nhưng bây giờ ông biết Chúa bằng trải nghiệm của chính mình. Ông nói: “điều con đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,6).

–  Gióp cũng thấy rằng là các bạn của ông biết về Chúa theo cách họ đóng khung Chúa trong khuôn khổ chật hẹp của các ý niệm và lý luận của con người. Chúa không luôn luôn cho đáp án để làm con người hài lòng. “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9).

Tóm lại, chuyện của Gióp giúp ta hiểu thêm rằng: “Đau khổ là một huyền nhiệm và chúng ta là ai mà có thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa” (x. G 11,7-10; 15, 8-9; 42,3). Đau khổ là phương thế Chúa dùng để thanh luyện và làm cho chúng ta nên tốt hơn ( x. G 5,17-18;36,15); cũng như thử thách đức độ của người công chính ( x. G 1-2).

Xem ra cuộc đời của ngôn sứ Khabacuc, Giêrêmia, hay ông Gióp phần nào được tái hiện tương ứng nơi một số nhân vật trong Tân Ước. Giống như Khabacuc, Thánh Giuse, người công chính, đứng trước bao nghịch lý của cuộc đời mình vẫn lặng thầm trung thành cầu nguyện, nhẫn nại lắng nghe tiếng Chúa. Thật ý nghĩa, Năm Thánh Hội dòng chúng ta trùng khớp với năm Giáo Hội hoàn vũ kính nhớ đặc biệt Thánh Cả Giuse. Ngài là bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, Giáo phận Qui Nhơn và Hội dòng, xin ngài giúp chúng ta sống đời nội tâm sâu sắc và tin yêu trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống, kiên nhẫn chờ Chúa đáp lời.

Bên cạnh Thánh Giuse, chúng ta có Mẹ Maria. Mẹ đã “lắng nghe và suy niệm trong lòng” khi đứng trước các biến cố: truyền tin, Giáng sinh nơi Bêlem, trốn sang Ai Cập, lạc mất Chúa lúc 12 tuổi, cuộc đời công khai và tử nạn của Chúa Giêsu… Như Giêrêmia xưa kia, trước nghịch cảnh Mẹ cũng bối rối và chất vấn trong lòng, nhưng mẹ vẫn tin yêu son sắt nói lời xin vâng, lòng mẹ luôn nung nấu một lòng yêu mến Chúa và tha nhân “như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”. (Gr 20, 9b)

Sau cùng, một cách nào đó cuộc đời cầu nguyện, khổ chế và tông đồ của Đức cha Lambert de La MotteĐấng Sáng lập Hội dòng Mến Thánh Giá phản chiếu cuộc đời Gióp. Thật vậy, để lo cho công việc truyền giáo, ngài đã bỏ sự nghiệp và công danh, dù ngài “đã nổi tiếng là một quan tòa vô cùng khéo léo và liêm chính[1]. Ngài hiểu rằng sống thánh thì tốt vạn lần sống giàu sang quyền thế.

Để chuẩn bị cho biến cố quan trọng chịu chức linh mục cũng như cho việc khao khát đi truyền giáo, ngài đã tĩnh tâm 30 ngày (25/6- 25/7) và thực hiện cuộc hành hương. Ngày 25/7 ngài bắt đầu cuộc hành hương đi bộ đến nơi được cha linh hướng chỉ định là Rennes, lòng đầy can đảm nhưng tâm trạng chao động buồn sầu.[2] Ngài thầm lặng, khiêm tốn chờ ân sủng Chúa ban, đôi khi cũng mệt mỏi rã rời và từ đó ngài có một cuộc biến đổi thiêng liêng trong tâm hồn hơn là thay đổi dáng vẻ bề ngoài[3]Đức cha Lambert đã thực hành trong suốt hành trình với tinh thần khổ chế/ hy sinh trong nhiều lãnh vực, như chất liệu làm gia tăng lòng mến Chúa khi ngài nguyện ngắm/ kết hợp với Chúa. Có thể nói đó là nguồn mạch trổ sinh nhiều hoa trái cho công việc tông đồ /truyền giáo, cách riêng tạiViệt Nam và Thái Lan có nhiều nữ tu Mến Thánh Giá và nhiều tín hữu theo linh đạo và tiếp nối đặc sủng của ngài để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Kính thưa quý bà và anh chị em, ngày nay chúng ta chứng kiến dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, thiên tai, bạo lực xã hội, tham nhũng nơi nhiều quốc gia; tranh giành quyền lực không chút tôn trọng nhân phẩm con người, bất chấp gây độc hại thực phẩm, đồ dùng vì lợi nhuận; bách hại Kitô giáo cách cuồng tín và vô liêm sỉ xảy ra ở một số nơi, vi phạm luân lý Kitô giáo không chút áy náy lương tâm… Trước hoàn cảnh đó, chúng ta xác tín rằng Lời Chúa vẫn tiếp tục đến với con người qua nhiều cách khác nhau để khuyên dạy và mạc khải tình thương của Chúa. Những mẫu gương điển hình nêu trên đây phần nào giúp chúng ta có thái độ sống trước thực trạng hôm nay:

– Biết đọc những dấu chỉ của thời đại trong cái nhìn đức tin và nhận ra ý Chúa muốn gì.

– Chúng ta không thể hiểu đau khổ và nghịch cảnh đang xảy ra trên nhiều bình diện khác nhau. Tất cả là mầu nhiệm. Do đó chúng ta không bi quan yếm thế nhưng khiêm tốn, trung thành cầu nguyện và kiên nhẫn hy sinh, lắng nghe và tìm ra ý Chúa.

– Xác tín rằng có Chúa và trải nghiệm được Chúa ở bên ta, dù có khó nguy ngập tràn ta sẽ chiến thắng nhờ quyền năng của Chúa và lòng cậy tin của ta.

Quý bà và anh chị em thân mến,

 Hội dòng chúng ta diễm phúc khai mạc và kết thúc Năm thánh đều là ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08.12.2020 – 08.12.2021), như vậy Mẹ đồng hành đặc biệt trong Năm Thánh của Hội dòng. Nói đến Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta liên tưởng đến chị Thánh Bernadette, chị Thánh Bernadette, người đã được Đức Mẹ hiện ra với chị 18 lần, nhưng không lần nào Mẹ nói sẽ ban cho chị hạnh phúc ở đời này, mà chỉ là hạnh phúc Nước Trời mai sau. Thật vậy, trong cuộc đời dương thế, chị Thánh gặp nhiều gian khổ và đau đủ thứ bệnh tật, nhưng không bao giờ chị xin Chúa và Mẹ cho chị khỏi bệnh, chị chỉ xin cho chị sức mạnh để chịu đựng bệnh tật theo thánh ý Chúa ngõ hầu được theo sát Chúa Giêsu trên con đường hiến tế hơn.

Bên cạnh Mẹ Maria, chúng ta còn diễm phúc vì Năm Thánh Hội dòng được diễn ra song hành với năm kính đặc biệt Thánh Giuse của Giáo Hội toàn cầu. Như vậy, Thánh Giuse và Mẹ Maria đồng hành với từng quý bà và chị em chúng ta, giúp chúng ta thêm can đảm và mạnh sức. Điều này nhắc nhớ chúng ta lời kinh cầu nguyện cho Tổng Tu nghị: “Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chúng con, Thánh Giuse quan thầy Dòng Mến Thánh Giá và các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin Cha ban cho tất cả chúng con tinh thần sẵn sàng đón nhận thánh ý Cha, với quyết tâm đổi mới đời sống cá nhân và cộng đoàn, để tôn vinh Cha mãi mãi cùng mưu ích cho Hội Thánh và mọi người. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen”.

Kính chúc quý bà, chị em trong Hội dòng và quý anh chị em Hiệp Hội Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế mùa Giáng Sinh an vui và Năm Mới tràn đầy hồng ân Chúa.

Sr. Maria Võ Thị Tuyết         

Tác giả bài viết: Sr. Maria Võ Thị Tuyết      

 Tags: văn thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây