Chức năng nhân học của tin đồn

Thứ ba - 10/01/2023 19:18 2.126 0
 


Chức năng nhân học của tin đồn
 

Ronald Rolheiser, 2023-01-02


Trong tiểu thuyết Oscar và Lucinda, tác giả Peter Carey cho chúng ta hình ảnh sống động về ngồi lê đôi mách. Bối cảnh là một thị trấn nhỏ với tin đồn về vị linh mục và một cô gái trẻ. Tác giả mô tả: “Linh mục quản xứ Woolahra đưa cô đi mua sắm và xã giao, luôn thấy việc mua sắm là hoạt động thân thiết nhất, sẵn sàng nhận áp lực khi thấy chuyện này đã thành tai tiếng ra trò, những tiếng xầm xì, những lời cường điệu cứ văng vẳng qua các bức tường nhà. Họ tưởng tượng ông trả tiền cho áo quần sang trọng của cô. Khi họ nghe chuyện không phải vậy, biết là cô có tiền, nhiều tiền đủ để tmua khuy măng-sét mã não cho linh mục, thì những lời đàm tiếu vẫn không lắng xuống, mà cứ còn mãi, cho đến khi nó không còn ém được nữa và bắt đầu bung ra, dù vẫn theo kiểu sôi sục, theo kiểu tiếng xì xèo của máy sưởi hay tiếng gầm gừ cứ nghẽn lại nơi họng một chú chó nhỏ”.

Một hình ảnh thật sinh động! Đàm tiếu như tiếng xì xèo của máy sưởi hay tiếng gầm gừ cứ nghẽn lại nơi họng một con chó nhỏ, thế mà nó lại quan trọng. Chúng ta hình thành cộng đồng chung quanh nó. Làm sao lại thế?

Cứ hình dung chúng ta đi ăn tối với một nhóm đồng nghiệp. Dù giữa chúng ta không có gì thù địch rõ ràng, nhưng vẫn có sự khác biệt và căng thẳng rõ ràng. Bạn không tự nhiên mà quyết định đi ăn tối cùng nhau, đúng ra, bạn đều bị hoàn cảnh đẩy đưa và cố tận dụng tối đa hoàn cảnh đó.

Chúng ta đi ăn tối với nhau, và mọi chuyện khá thoải mái. Có sự hòa hợp, có câu đùa, cười nói bên bàn ăn. Làm sao chúng ta có thể thân thiết với nhau như vậy bất chấp những khác biệt? Bằng cách nói về ai đó khác. Hầu hết thời gian, chúng ta nói về người khác, về những lỗi lầm, lập dị và thiếu sót của người đó mà chúng ta đều nhất trí. Có thể nói, chúng ta nói về những căm phẫn chung. Cuối cùng, chúng ta có thời gian hòa hợp với nhau vì chúng ta nói về người khác, về chuyện khác, với những khác biệt còn lớn hơn khác biệt giữa chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta sợ phải rời bàn vì chúng ta vốn đã nghi ngại họ sẽ nói về mình! Nỗi sợ đó có căn cứ.

Cho đến khi đạt được một mức độ chín chắn nào đó, chúng ta chủ yếu tạo cộng đồng bằng cách đẩy ai đó ra chịu tội, và chúng ta vượt qua những khác biệt và căng thẳng trong nhóm của mình bằng cách tập trung vào ai đó hay chuyện gì đó mà chúng ta có cùng sự ghẻ lạnh, căm phẫn, nhạo báng, giận dữ hay ghen tị. Đó chính là chức năng nhân học của đàm tiếu, một chức năng rất quan trọng. Chúng ta vượt qua những khác biệt và căng thẳng của mình bằng cách đem ai đó hay việc gì đó ra chịu tội thay. Chính vì thế mà chúng ta dễ dàng tạo lập cộng đồng đối đầu với thứ gì đó hơn là xoay quanh thứ gì đó, và cũng chính vì thế mà chúng ta thấy dễ định hình bản thân theo thứ mà ta chống lại hơn là thứ mà ta hướng đến.

Các nền văn hóa cổ biết như thế và đã thiết kế những nghi thức nhất định để loại bỏ căng thẳng trong cộng đồng bằng cách dùng con dê gánh tội, dùng một kẻ giơ đầu chịu báng. Ví dụ vào thời Chúa Giêsu, cộng đồng Do Thái có một nghi thức như thế này: Vào một thời điểm ấn định đều đặn, cộng đồng sẽ lấy một con dê và trang trí cho nó bằng những thứ tượng trưng cho những căng thẳng và chia rẽ trong cộng đồng. Một trong những thứ đó là tấm vải màu tím quấn quanh mình dê để tượng trưng cho bản thân họ, và một vòng gai đội trên đầu để con dê cảm nhận được nỗi đau từ những căng thẳng của họ. (Hãy để ý Chúa Giêsu cũng được quấn vải như thế khi Philatô đưa ngài ra trước dân chúng, trước khi đem đi đóng đinh. Ecce homo… Này là con dê gánh tội của các người!) Rồi sau đó, con dê bị đuổi vào hoang địa. Nó rời cộng đồng và đem theo tội lỗi cũng như căng thẳng của họ đi.

Chúa Giêsu là con dê gánh tội chúng ta. Ngài cất đi tội lỗi và chia rẽ của chúng ta, không phải bằng cách bị đuổi khỏi cộng đồng. Ngài cất đi tội lỗi của chúng ta bằng cách nhận lấy, mang lấy và biến đổi nó để không lấy oán báo oán. Có thể hình dung cách Chúa Giêsu lấy đi tội lỗi chúng ta cũng như máy lọc nước, máy giữ lại những ô uế và trả lại cho chúng ta thứ nước tinh khiết.

Khi nói Chúa Giêsu chịu chết vì tội chúng ta, thì chúng ta cần hiểu như sau: Ngài đã nhận lấy hận thù và trả lại tình yêu, nhận lấy nguyền rủa và trả lại phúc lành, nhận lấy cay đắng và trả lại tử tế, nhận lấy ghen tị và trả lại tuyên dương, nhận lấy sát nhân và trả lại tha thứ. Khi hấp thụ tội lỗi, những khác biệt, và sự ghen tị của chúng ta, Ngài làm cho chúng ta điều mà chúng ta cũng làm theo một cách kém chín chắn và kém hiệu quả khi đóng đinh nhau bằng đàm tiếu.

Và đó chính là lời mời của Chúa Giêsu cho chúng ta. Là người trưởng thành, chúng ta được mời gọi hãy bước lên và làm như Chúa Giêsu đã làm, nhận lấy những khác biệt và ghen tị quanh mình, giữ lấy chúng và biến đổi chúng, để đừng lấy oán báo oán. Như thế, chúng ta sẽ không cần những con dê gánh tội nữa, và tiếng rì rầm của đàm tiếu sẽ ngưng, tiếng gầm gừ nơi họng con chó nhỏ trong chúng ta cuối cùng sẽ im bặt.

 

Tác giả bài viết: J.B. Thái Hòa dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây