Người mà ta khó tha thứ nhất đôi khi lại là chính mình
Chuyện về một người làm vườn, trên con đường đi tìm hạnh phúc đã trồng nên một “khu vườn thanh thản”. Vườn thanh thản thơm ngát nhiều bông hoa. Một trong số đó có tên là “tha thứ”.
Người làm vườn vô cùng yêu quý loài hoa này và hào phóng đến nỗi hễ ai mang tới cho ông một vết thương lòng, ông sẽ tặng lại họ một nhành hoa “tha thứ”. Do đó những vị khách ghé ngang, dù có ném vào khu vườn thanh thản bao nhiêu giận dữ, ghen tức, châm chọc, ác ý… thì khi ra về cũng đều phảng phất hương thơm. Người làm vườn rất đỗi mừng vui.
Tuy nhiên, bao nhiêu năm trôi qua, người làm vườn vẫn chưa tìm được hạnh phúc. Dù đã loay hoay trao người bao nhiêu nhành “tha thứ”, khu vườn thanh thản dường như vẫn còn thiếu gì đó. Thì ra, người làm vườn đã quên giữ lại một nhành hoa dành tặng chính mình, và vì thế, ông không học được cách tha thứ cho bản thân…
Có bao giờ bạn thấy mình đồng cảm với người làm vườn trong câu chuyện trên? Mặc cho bạn nỗ lực sống tốt hơn từng ngày, nhưng không hiểu sao khu vườn trong tâm hồn vẫn chưa thật sự thanh thản, bình yên? Có lẽ mỗi chúng ta đều cần phải học thêm một bài học nữa về sự tha thứ – học cách tha thứ cho chính mình.
Trong cuộc sống, nếu có ai đó làm điều gì sai với bạn, thông thường bạn cần một lời xin lỗi và sau đó sẽ quyết định có tha thứ cho họ hay không. Nhưng nếu người làm sai là bạn thì sao? Phải làm gì khi bạn đã tạo cho người khác những vết thương lòng không cách nào xóa mờ? Làm gì khi giữa cơn nóng giận, bạn đã thốt ra những lời thương tổn đối phương? Câu trả lời có lẽ sẽ khó hơn rất nhiều.
Có thể bạn không tin rằng mình xứng đáng được tha thứ hoặc có thể bạn tin nhưng lại không biết cách nào tự bỏ qua cho bản thân. Dù thế nào đi nữa, cảm giác tội lỗi này không hề dễ chịu.
Vậy làm sao để tha thứ cho bản thân ngay cả khi bạn cảm thấy mình không thể?
Thật ra, điều đầu tiên bạn cần làm là hãy đánh giá cao cảm giác của mình lúc này. Nên nhớ, không phải ai cũng đủ khả năng tự nhận thức và đủ lòng trắc ẩn để thừa nhận họ đã làm sai điều gì đó. Hãy công nhận với bản thân rằng bạn chính là kiểu người có thể nhận ra sai lầm của mình và nói: “Tôi đã làm điều ấy. Tôi chịu trách nhiệm”. Vâng, bạn đã làm sai điều gì đó, nhưng về cốt lõi, bạn là một người tốt.
Có thể bạn đã đọc rất nhiều bài viết về chủ đề tha thứ cho người khác. Thật ra nguyên tắc tự tha thứ cho chính mình cũng tương tự như vậy. Bạn cần bỏ đi lối tư duy phán xét và trách cứ, từ đó mới có thể bắt đầu quá trình tự chữa lành nội tâm.
Chắc hẳn bạn cũng từng nghe nhiều lời khuyên tương tự, nhưng thật sự là vậy, để con tim tìm được sự thanh thản, bạn cần học cách buông bỏ những gì đã qua. “Buông bỏ” không có nghĩa là bạn giả vờ như sự việc chưa bao giờ xảy ra hay tự “lừa mình dối người” rằng mọi việc vẫn ổn. Tha thứ không phải là một lời bào chữa, cũng không phải là bạn không được quyền có cảm xúc nữa. Tha thứ nghĩa là bạn biết chấp nhận những gì đã xảy ra và tìm cách tiến về phía trước.
Là một nhà trị liệu tâm lý hôn nhân và gia đình, tiến sĩ Andrea Brandt từng tư vấn cho nhiều bệnh nhân về kỹ năng tự tha thứ. Cô nhận thấy có một số người tin rằng họ đã làm ra điều gì đó mà không cách nào bỏ qua cho chính mình được. Tuy nhiên theo tiến sĩ, dù là người đã làm ra những điều “không thể tha thứ” hay là người làm ra những điều “dễ tha thứ hơn” đều có một điểm chung: chúng ta đều là con người. Con người có ai lại không mắc sai lầm? Mà đã là sai lầm thì sẽ có sai lầm nhỏ và sai lầm lớn. Nhưng tất cả đều được tạo ra từ cùng một lý do: chúng ta là những sinh vật không hoàn hảo và do đó, không phân biệt là bạn hay tôi, tất cả chúng ta đều đáng được tha thứ.
Tại thời điểm đó, chúng ta đã làm tốt nhất bằng những phương pháp chúng ta biết được. Chỉ là có đôi khi, những phương pháp ấy lại không hữu ích lắm. Có thể trong gia đình, cha mẹ không phải là những hình mẫu chuẩn mực để chúng ta noi theo từ nhỏ. Có thể những nhận thức và đánh giá của chúng ta còn nhiều thiếu sót hoặc những niềm tin và quan niệm mà chúng ta gửi gắm lại là sai lầm. Lúc này, bạn hãy ngồi yên trong giây lát và tự nói với chính mình: “Tôi đã làm những gì tôi đã làm, bởi vì tôi là một con người và con người thì không hoàn hảo.”
Tiếp theo, hãy cố gắng vẽ ra bức tranh toàn cảnh về những gì bạn cần buông bỏ. Hay nói cách khác, bạn cần chấp nhận sự việc đã qua, hiểu được làm thế nào và tại sao điều ấy lại xảy ra, bình tâm ngẫm lại tất cả những gì phát sinh từ đó – những gì không thể cứu chữa được nữa và những gì còn có thể vãng hồi.
Để tha thứ cho bản thân, bạn cần thừa nhận những việc mình đã làm và hậu quả mà chúng gây ra. Rồi sau đó, hãy suy nghĩ rộng lượng hơn một chút, chấp nhận rằng bạn không thể làm gì để thay đổi quá khứ.
Hãy hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong cuộc sống mà khiến bạn hành xử như thế. Nhu cầu bạn đang cố gắng đáp ứng lúc ấy là gì? Có phải những bài học mà cha mẹ đã dạy bạn, những kinh nghiệm bạn đúc kết được hay những niềm tin và nhận thức hạn chế đã dẫn bạn đến khoảnh khắc sai lầm ấy?
Đây không phải là bào chữa hay biện minh cho những gì bạn đã làm, mà chỉ đơn giản là xác định lý do tại sao sự việc ấy lại xảy ra. Một khi bạn hiểu được lý do tại sao bạn hành động như thế, nhiều khả năng bạn sẽ tìm ra những phương pháp mang tính xây dựng hơn để đáp ứng các nhu cầu tương tự trong tương lai.
Tiếp tục, hãy lùi lại một bước và quan sát hệ quả của những việc bạn đã làm, không chỉ những gì bạn gây ra cho người khác hoặc cho bản thân mà còn cả những bài học kinh nghiệm rút ra từ đó.
Nếu bạn cho rằng mình đã không học được bất cứ điều gì, điều đó cho thấy bạn vẫn chưa thật sự xem xét sự việc và cảm xúc của mình một cách kỹ lưỡng. Hãy dành một chút thời gian suy nghĩ lại những gì đã xảy ra. Bạn học được gì về bản thân và người khác từ sự việc đó? Bài học này đã khiến bạn trở thành một người tốt hơn như thế nào? Kinh nghiệm ấy giúp bạn cải thiện cuộc sống ra sao?
Hãy tuyên bố với bản thân một lời đơn giản: “Tôi tha thứ cho chính mình.” Bạn cũng có thể nói: “Hôm nay, tôi tha thứ những lỗi lầm của bản thân và cho phép mình tiến về phía trước.” hoặc “Quá khứ đã ở sau lưng, tôi không thể thay đổi nó. Dù vậy, hôm nay tôi vẫn có quyền làm chủ cuộc sống của mình.”
Sau khi “nhất trí” với bản thân, bạn có thể tìm cách nói chuyện lại với người mà bạn đã làm tổn thương, rằng bạn hiểu những gì bạn gây ra cho họ và thật lòng xin lỗi, để người ấy cũng có cơ hội được tha thứ cho bạn. Nếu được, bạn cũng có thể chuộc lỗi, tìm cách bù đắp những điều tốt đẹp hơn cho người đó; còn nếu không thể, vậy thì từ đây bạn hãy mang những điều tốt lành đến với người khác. Cho bản thân và thế giới thấy rằng, bạn đã thật sự thay đổi từ sai lầm của chính mình.
Cuối cùng, hãy cam kết với bản thân rằng bạn sẽ trở thành một người tốt hơn và cao thượng hơn. Hãy lấy bài học mà bạn rút ra được trong quá khứ để hành xử đúng đắn hơn trong tương lai. Mỗi khi hành động hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có thể làm gì để đảm bảo mình không lặp lại sai lầm tương tự?”. Việc này đòi hỏi một nỗ lực thật sự, bạn sẽ phải để tâm đến cảm xúc của người khác và cảm xúc của bản thân trong từng suy nghĩ.
Sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp xảy đến nếu bạn cứ mãi giam cầm chính mình trong những dằn vặt suy tư. Dù bạn có tự trách móc bản thân bao nhiêu đi nữa, điều ấy cũng chẳng giúp được gì cho ai. Chỉ có bạn đang tự hủy hoại chính mình mà thôi.
Hãy để “khu vườn thanh thản” tràn ngập hương sắc của loài hoa “tha thứ”. Tha thứ cho người, tha thứ cho mình và tha thứ cho nhau. Muôn vạn sự việc trên đời này, có gì là không thể tha thứ? Có gì lại không thể bỏ qua? Tin rằng mỗi “người làm vườn” chúng ta cuối cùng đều sẽ tìm được hạnh phúc.