Văn hoá chụp giật

Thứ năm - 26/05/2022 20:46 750 0
 
 
VĂN HÓA CHỤP GIẬT
 

Đang lưu thông, cứ hễ đến trước đường ray xe lửa mà nghe tiếng chuông báo hiệu thì dĩ nhiên cho xe chạy chậm lại và dừng ngay trước hàng rào chắn. Lần nào cũng thế, cứ chờ một lát thì chả ai bảo ai, làn xe chiều ngược lại cứ dần dần đông xe. Hễ có một người chạy qua làn đó thì người khác cứ lao vào.

Chuyện hài rằng thì là chả phải hướng bên này người ta đi vào làn xe ngược lại nhưng phía bên kia đoàn tàu cũng thế. Người ta tràn sang cả bên phần đường mà xe mình không được phép đi vào.

Chuyện buồn cười là sau khi đoàn tàu khuất bóng thì cũng là lúc mà giao thông hỗn độn chưa từng có. Dĩ nhiên là khi hai bên đều giành phần đường của mình thì làm sao có thể di chuyển được. Thế là người ta lại phải cố gắng từng chút một để trả lại phần đường mà họ đã cố tình đi sai.

Câu chuyện thiếu văn hóa khi tham gia giao thông khi gặp các đường ray xe lửa cũng chỉ là câu chuyện “giọt nước tràn ly” của chuyện giao thông. Đường Sài Gòn đã hẹp nay lại hẹp hơn vì ai ai cũng chen lấn và giành phần hơn cho mình để rồi bài toán giao thông là bài toán không có hồi đáp khi con người không đủ ý thức nhường nhịn nhau.

Anh bạn từ Gò Vấp sang nhà đi công việc, Anh đến trễ hơn giờ hẹn. Đơn giản là chưa đến 6 giờ sáng mà khu nhà anh ở bên Gò Vấp người tham gia giao thông như kín mịt. Anh bảo rằng Gò Vấp coi như chịu thua trước tình trạng kẹt xe và tắt đường.

Thật ra mà nói lòng đường hẹp hay lòng người hẹp. Lòng đường hẹp đã đành nhưng điều tiếc nuối thay là lòng người cũng quá hẹp. Giả như lòng đường hẹp thì mỗi người nhường nhịn nhau một tí và làn đường bên phần ai thì phần người đó đi thì tưởng nghĩ giao thông chỉ chậm lại một chút thôi chứ không có tình trạng có khi đôi bên đứng nhìn mặt nhau không di chuyển được.

Nghĩ về điều này ta thấy rằng lòng người ngày hôm nay không chỉ hẹp với nhau ở ngoài đường mà hẹp từ trong chính mái nhà của họ.

Gia đình nào cũng có vấn đề, cũng có khó khăn và đó là điều dĩ nhiên. Thế nhưng rồi mỗi người trong gia đinh biết nhường nhịn nhau, biết chia sẻ cho nhau thì tưởng nghĩ cũng chả có gì là phức tạp. Chuyện quan trọng là trong gia đình mỗi thành biên có biết dẹp bớt cái tôi của mình, bớt đi cái ích kỷ của mình thì mọi chuyện khó cũng thành dễ thôi.

Buồn và tiếc thay là ngày hôm nay văn hóa sống, văn hóa hành xử với nhau xem chừng ra đang ở mức báo động.

Có một điều trông thấy mà đau đớn lòng đó là có một tập thể được gọi là tốt, là mẫu mực để rồi những ai ưu tú lắm mới được chọn vào đó. Thế nhưng rồi đến mộc lúc nào đó những người trước đây xem chừng ra ưu tú và nhận nhiều bằng khen giấy thưởng ấy lại là những người tham ô hay ăn cắp của đồng loại.

Thật là đau đớn khi nhìn thấy xã hội đang phát triển một thứ văn hóa gọi là văn hóa chen lấn, ich kỷ và chỉ biết lo cho bản thân mình. Xã hội sẽ đi về đâu khi con người sống cùng, sống chung và sống với nhau nhưng luôn ích kỷ cũng như chỉ biết phần mình.

Nhìn dòng người lấn qua làn xe bên kia một cách vui vẻ lòng tôi lại cảm thấy chạnh lòng khi nhìn về xã hội và con người trong tương lai vì cha mẹ của những đứa trẻ hơn thua, tranh giành, ích kỷ cũng sẽ đào luyện ra những con người chỉ biết nghĩ đến cái ích cho riêng mình.



 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây