Giữ Nụ Cười Trên Môi

Thứ ba - 22/02/2022 04:57 1.045 0
 


Người ta thường nói “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nụ cười được coi là “đặc sản” của Thiên Chúa ban cho con người trong việc thể hiện và biểu lộ cảm xúc của chính mình. Nụ cười không chỉ diễn tả niềm hạnh phúc và bình an mà còn phản ánh đời sống hài hòa giữa trời, đất và con người. Điều đó được thể hiện trong triết lý Tam Tài[1] của triết học Trung Hoa. Nở nụ cười trên môi với trời đất để ta tận hưởng vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên. Mỉm cười với người để ta mở tâm hồn mình trước mọi hạng người trong xã hội như một lời chào yêu thương ta dành cho nhau.

 

Có lẽ, nụ cười là dấu hiệu để con người khám phá ra vẻ đẹp hạnh phúc trong tâm hồn. Niềm hạnh phúc được diễn tả qua những cách cười khác nhau chẳng hạn như: cười mỉm chi của đôi lứa mới yêu, cười giòn giã trước những lúc trò truyện với bạn thân, cười khoái chí khi được ai đó khen ngợi, cười hài lòng khi đạt được mục tiêu của cuộc đời, cười tán thành trước một ý kiến ai đó cũng có khi là những nụ cười ẩn giấu trong tâm hồn. Vì thế mà nhà tâm lí học William James nói: “ Chúng ta không cười vì chúng ta hạnh phúc nhưng chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cười”.


Nụ cười không mất vốn mà sinh lời thật nhiều khi chúng ta biết cười đúng cách. Đó là thông điệp sẻ chia và yêu thương mà ta dành cho người đón nhận. Nụ cười của niềm vui đích thực có sức mạnh truyền cảm hứng lạc quan cho người đang sống quanh ta. Nhờ thế mà đời thêm ngọt ngào và đáng sống hơn. Tuy thế, không phải ai cũng có thể dành cho nhau nụ cười chân thành. Người vô cảm khô khan chẳng bao giờ cười, người ích kỉ ít khi trao tặng nụ cười. Hóa ra, nụ cười không làm nghèo người cho nó nhưng làm giàu người nhận nó. Vậy có lẽ gì ta lại không dành tặng những nụ cười tràn đầy nặng lượng cho nhau.


Ai trong đời không gặp cảnh gian nan, thử thách, thất bại. Ta cùng để nụ cười len lỏi vào trong biến cố ấy để thắp lên nghị lực và niềm tin cho tâm hồn. Để rồi “sau cơn mưa trời lại sáng”, cuộc đời được nhóm lên khát vọng hồi sinh. Cũng thế, trong những lúc đau khổ, buồn chán, nụ cười có thể là con dao hai lưỡi. Một đàng, nó giúp ta vơi đi phần nào đó để học cách chấp nhận và vững mạnh bước qua đêm tối. Nhưng cũng có khi, nụ cười lại khắc sâu vào vết thương của tâm hồn và làm cho mối quan hệ trở nên khép kín. Như thế, sử dụng nụ cười đúng cách và đúng lúc “làm cho đời sống kẻ mệt nhọc được bồi dưỡng, nó là ánh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng xuân cho kẻ buồn sầu và là thuốc mầu nhiệm nhất để chữa lành lo âu”.


Có thể nói nụ cười là phương thuốc chữa trị tâm hồn ta trong lúc trắc trở. Nhưng nụ cười trên môi còn là thước đo cho sự tử tế và thành công trong cuộc sống. Một nụ cười của ai đó chỉ nở trong khoảnh khắc nhưng có khi làm cho ta nhớ suốt đời. Với những ai đang mệt nhọc bạn hãy mỉm cười với người đó đi. Vì người nào không còn lấy một nụ cười để tặng kẻ khác người đó cần nhận một nụ cười hơn ai hết. Trong xã giao, phải hoan hỉ giao du với người thì mới mong người hứng thú với mình. Vậy ta chẳng tiếc gì nụ cười tặng nhau mỗi lần gặp nhau.


Trong thế giới tục hóa và chủ nghĩa cá nhân, nụ cười còn là dấu chỉ cho những người trẻ dấn bước trên con đường nên thánh từng ngày. Nếu như những nụ cười công nghiệp, nụ cười giả tạo là những thứ của thế gian được thổi phồng lên với những giá trị nhất thời và chóng qua thì nụ cười của những tâm hồn tìm gặp và tương giao với Thầy Giêsu luôn “vui tươi và đầy hài hước, phản ánh một tinh thần tích cực và tràn trề hy vọng. Ở đó người trẻ được Chúa kéo ra khỏi vỏ bọc để thay đổi cuộc sống, có một tinh thần vui tươi trong Chúa. Như lời thánh Phaolô nói ‘Hãy vui luôn trong Chúa, tôi xin nhắc lại, hãy vui lên’ (Pl 4,4)”[2]. Có khi ngay cả bóng thập giá bao phủ cuộc đời thì người có niềm vui siêu nhiên không bị mất đi mà tồn tại cách mãnh liệt hơn. Nó đem lại cho người trẻ một sự bình an sáng ngời mà người đời không thể hiểu được.[3] Đó cũng là tâm tình mà Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhắn gửi mỗi người chúng ta nên thánh trong nụ cười thánh thiêng “Vui với người thương con; Vui với người ghét con; Vui lúc con hớn hở; Vui lúc lòng con đau khổ tê tái; Vui lúc mọi người theo con; Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi; Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình” (số 539).


Ý thức được nụ cười là tặng phẩm mà Thiên Chúa ưu ái dành cho con người. Một nụ cười tươi nở trên môi là thông điệp hạnh phúc lan tỏa cho đời, một nụ cười trên môi để sẻ chia với những tâm hồn tan nát; một nụ cười tươi nở trên môi là lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh như châm ngôn sống của Mẹ Têrêsa Calcutta: “Mỗi lần bạn mỉm cười với một người thì đó là một hành động của tình yêu, một món quà cho người đó và là một điều tốt đẹp”. Sống trong niềm hy vọng Kitô giáo, người trẻ chúng ta được mời gọi sống trong sự trẻ trung của mình để luôn giữ nụ cười trên môi. Vì đó là điều ta đang sống để trở nên mới mẻ và tràn đầy sức sống như một niềm xác tín “Đức Giêsu đang sống và Người muốn chúng ta cũng sống thực sự”[4] . Ước chi được như vậy.

 

 


[1] Tam Tài (Tam Nguyên): Theo kinh Dịch, ba địa vị trong vũ trụ là : Trời, Đất, Người.

[2] ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate (GE), số 122.

[3] GE,số 125.

[4] ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Chiristus Vivit, số 1.

Tác giả bài viết: JTK

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây