Chúa Nhật 27 Thường Niên năm A

Thứ sáu - 06/10/2023 20:12 566 0
 
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 21,33-43
            
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây : Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước ; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta’. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”  Họ đáp : “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.

            
Đức Giê-su bảo họ : “Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao? Bởi đó tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.
                         

                         

 
VƯỜN NHO CỦA CHÚA
            
Bên nước Soudan (Bắc Phi), có một bộ lạc tên A-giăng-ti sống theo tôn giáo tự nhiên. Họ thờ vong linh ông bà với nhiều nghi lễ đặc sắc. Nhưng chỗ nhất trong niềm tin của họ, dân A-giăng-ti dành cho Thần Tối Cao, Đấng đã tạo thành mọi sự. Các thành phần trong bộ lạc thường cầu nguyện với Thần Tối Cao đó bằng lời kinh sau đây: “Mặt trời chiếu sáng và tỏa nắng ấm xuống trái đất. Mặt trăng mọc ban đêm êm đềm và rạng rỡ. Mưa đổ xuống nhưng rồi mặt trời lại ló ra. Đôi mắt Thiên Chúa canh chừng tất cả mọi biến cố này, không gì có thể trốn thoát được. Dầu con đang ở trong nhà hay ngâm mình ngoài sông, hoặc đang ngồi nghỉ dưới bóng cây rừng, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trên con. Con tưởng có thể lấn át người cô thế, mồ côi, nghèo hèn, hay tưởng có thể gạt gẫm dân làng, tham lam của cải kẻ khác, vì nghĩ rằng không ai nhìn thấy được. Nhưng con lầm. Hãy nghĩ lại đi. Con đang hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Người sẽ bắt con phải trả, phải trả, phải trả. Không phải hôm nay, nhưng ngày mai, ngày mai, ngày mai”. Dù chẳng biết Kinh Thánh, nhưng lời kinh của bộ lạc hoang sơ đã này phản ảnh phần nào niềm tin và giáo huấn chất chứa trong dụ ngôn Tin Mừng ta đang đọc.




            1. “Vị gia chủ” tôn trọng các tá điền
            
Nhờ quen thuộc Kinh Thánh, mọi thính giả của Đức Giê-su hiểu ngay gia chủ yêu mến vườn nho trong dụ ngôn hôm nay là ai: Thiên Chúa (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; 19,10…). Người đã chẳng tiếc công săn sóc vườn nho: “lật đất… nhặt đá… chọn giống tốt… rào giậu bảo vệ… khoét bồn đạp nho…xây một ngọn tháp canh giữ”. “Bài ca của Bạn Yêu về vườn nho của mình” trong I-sa-i-a hiện diện nơi tâm trí Đức Giê-su và các thính giả. Nhưng ở đây, Đức Giê-su thêm một nét chấm phá riêng vào truyền thống Kinh Thánh : không chỉ có chuyện “vườn nho” nhưng còn có vấn đề “tá điền vườn nho” và “chuyến đi xa” của ông chủ. Xin nhớ kỹ điều đó. Đức Giê-su quả quyết qua đoạn Tin Mừng này rằng Thiên Chúa tin tưởng giao trách nhiệm cho con người. Việc ông chủ đi xa nhấn mạnh rõ ràng Thiên Chúa muốn chúng ta tự do và có trách nhiệm: “Hãy bá chủ mặt đất” (St 1,28). Thông điệp của Đức Gio-an Phao-lô II về lao động đã nhắc ta nhớ phẩm giá bao la ấy của con người. Đôi lúc chúng ta phàn nàn Thiên Chúa “vắng mặt”. Đức Giê-su, rất hiện đại trong chuyện này, gợi ý rằng sự “kín đáo” ấy của Thiên Chúa là có chủ đích: Người xem chúng ta như những đứa con trưởng thành lớn tuổi, nên đã giao phó cho vườn nho “của Người”, vũ trụ của Người. Phàm nhân là quản lý của công trình Thiên Chúa! Tôi quản lý một phần “cơ nghiệp” đó; nó đã được Người đã trao phó cho tôi nhưng vẫn tiếp tục thuộc về Người. Người đã cho tôi thuê một phần của cải Người, một mảnh Vương quốc Người. Người đã ban cho tôi nhiều trách nhiệm. Những trách nhiệm nào? Tôi phải làm gì, sinh lợi cái gì đây? Tôi phải trả lẽ trước mặt Người về những gì, về những ai vậy?

            
Vì sẽ có ngày Chủ sẽ cho “thu hoa lợi”, hoa lợi của ông. Thế mà chúng ta vẫn tưởng mình là chủ các hoa lợi đó. Như thế, Thiên Chúa “vắng mặt” đâu phải vì Người không can thiệp! Việc kín đáo đi xa của Người chẳng phải là do dửng dưng hay do trung lập, như thể phàm nhân có thể làm bất cứ chuyện gì… và nắm lấy “chủ quyền” như trong cám dỗ của A-đam thời nguyên thủy (x. St 3,5). Không, Thiên Chúa đâu có trung lập, nhu nhược, để phàm nhân mặc sức: Người yêu ta đến độ đòi ta tính sổ. Người đối xử với ta như kẻ có “trách nhiệm” thực sự: sẽ có một ngày “thu hoạch vườn nho”.

            
“Thời điểm hái nho” đó là một giây phút quyết định: “trước” thì quá sớm, vì chưa đủ chín!... nhưng “sau” thì quá trễ, vì sẽ hư thối không cứu vãn được. Trong cuộc đời chúng ta cũng thế, có những thời điểm không được để hụt chuyện thu hoạch. Trong lúc này, Thiên Chúa chờ đợi gì nơi tôi? Cái gì có thể làm hôm nay chứ không thể hôm qua và sẽ không thể ngày mai trong chương trình của Chúa, mà tôi có một phần trách nhiệm? Tôi bị cám dỗ để cho hư thối những gì?




            2. Các “tá điền” tự coi mình là gia chủ.
            
Nhưng mùa hái nho đó, theo dụ ngôn, là mùa hái nho đẫm máu! Biểu trưng thái độ từ chối Thiên Chúa. Thái độ ấy còn tiếp tục mãi đến hôm nay. Thiên Chúa nên một kẻ quấy rầy dễ ghét khi kêu gọi chúng ta trả lại hoa quả “của Người”. Vâng, hết thảy chúng ta đều bị cám dỗ bất cần Thiên Chúa, muốn quản lý vườn nho Người vì lợi ích riêng tư. Trong cuộc sống tôi, đâu là những hoa trái của Thiên Chúa bị tôi từ chối trả lại cho Người? Đâu là những đòi hỏi, kêu gọi của Người bị tôi miễn cưỡng chấp nhận?

           
 Nhưng dẫu các tá điền từ chối và đối nghịch, gia chủ vẫn liên tiếp gởi tới các sứ giả của mình. “Lạy Chúa, Chúa đã gia tăng các giao ước với họ, và đã dùng các ngôn sứ đào tạo họ trong niềm hy vọng ơn cứu rỗi…” Ôi! Thiên Chúa kiên nhẫn và thương xót biết chừng nào! Đây đúng là toàn bộ lịch sử It-ra-en được Đức Giê-su tóm tắt. Và cũng là lịch sử của chúng ta nữa.

            
“Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng : Chúng sẽ nể con ta”. Như trong hầu hết mọi dụ ngôn, câu chuyện kiểu phàm nhân bị vỡ tan tành, vì xảy ra điều không thể tin được: có “người cha” nào trên hành tinh nhân loại này lại hành động như thế? Không! Chẳng ai lại nảy ra ý kiến sai con (x. Mt 21,37; Mc 12,6; Lc 20,13) đến với những kẻ đã giết chết “khối” tôi tớ của mình rồi. Nhưng đây đâu còn là câu chuyện của con người nữa. Thiên Chúa là tay “đại liều”! Người triệt để chơi trò “được ăn cả ngã về không”. Người “liều mạng” đứa con của mình, hoa quả của tình âu yếm Ba Ngôi… để cố gắng làm cho nhân loại mang hoa quả. Vì Thiên Chúa đã yêu ta đến độ ban cho ta Con Một Người, ai sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu xuất phát từ Người được? Lạy Chúa, xin cảm tạ ơn Ngài.

            
Nhưng xin lưu ý: tội các tá điền không phải là đã chẳng làm cho vườn nho sinh quả… nhưng là đã muốn chiếm lấy hoa quả không thuộc về họ, theo kiểu biểu tượng của dụ ngôn. Đây chính là tội của chủ nghĩa duy vật vô thần: quản lý trái đất chỉ vì lợi ích cho con người (đúng ra cho một số người) thôi. Chẳng để ý rằng đó là sở hữu và hồng ân của Thiên Chúa, chẳng để ý đến “chương trình” của Thiên Chúa như hạnh phúc chung quyết của mình, sự thiện tuyệt đối của mình, ý nghĩa tối hậu của cuộc sống mình… thì nó sẽ tìm “trong chính mình” hạnh phúc ấy, sự thiện ấy, ý nghĩa ấy. Và đó là một ảo tưởng. Tất cả triết thuyết hiện đại đều chứng minh cho thấy việc “giết chết” Thiên Chúa trong tâm tưởng và xã hội cũng là cái chết của con người: không Thiên Chúa, hiển nhiên và rõ ràng là cái chết chiến thắng mãi, sự dữ chiến thắng mãi, và “phi lý vô nghĩa” sẽ là tiếng nói cuối cùng (Jean-Paul Sartre).

           
 “Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho, và giết đi”. Đây quả là một vụ “xử tử đúng lễ nghi”, được tiến hành theo quy định, một tội ác có ý thức và suy tính trước, được hoàn tất theo trật tự các cuộc xử tử hình (x. Lv 24,14-16): người ta bắt đầu bằng cách “lôi” kẻ bị “trục xuất” ra bên ngoài vườn nho (x. Cv 7,58; Lc 4,29). Đức Giê-su, Tê-pha-nô sẽ bị xử “ngoài thành” như thế. Nhưng lưu ý, chớ đọc các trang này với một thái độ bài Do-thái cách ý thức hoặc vô thức, mà chất lên đầu dân Do-thái tội chối bỏ Đức Giê-su và Thiên Chúa như vậy. Chúng ta cũng chẳng vô tội đâu!

            
Vấn đề “chối bỏ Thiên Chúa” luôn luôn có tính chất thời sự. Vấn đề này được đặt ra cho tôi. Và không thể trả lời một cách lý thuyết. Chính cuộc sống tôi đáp trả lời hay chối từ. Đón nhận hay từ chối Đức Giê-su… nghe Tin Mừng hay làm như nó đã chẳng hề hiện hữu… sống theo tình yêu tuyệt đối hay theo lòng thù ghét… trả hoa quả cho Thiên Chúa hay giữ lại cho mình đâu có như nhau được!


            3. Tái lập tình thế.
            
“Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? Họ đáp: Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho chủ”. Đây đúng là một cuộc Phán xét… một cảnh cáo dưới hình thức răn đe. Không phải để “dọa dẫm” nhưng để lôi kéo người ta hoán cải nếu có thể được: phải chi họ nắm lấy cơ may cuối cùng… phải chi cả sau khi đã từ chối và giết chết các tôi tớ, cuối cùng họ đón tiếp Người Con!

            
Thông qua dụ ngôn, chúng ta khám phá ra ý thức Đức Giê-su đã có về vai trò mình. Người ý thức mình là “Con”, khi hoàn toàn tách mình khỏi loạt các ngôn sứ đến trước. Người ý thức mình đang đi tới cái chết, vì trung thành với “sứ mệnh”: được Thiên Chúa sai. Người cũng ý thức rằng công trình của mình không thể thất bại: dẫu người con chết, vườn nho rốt cục cũng sẽ đem lại hoa quả cho Thiên Chúa.

            
Nhưng tại sao con Thiên Chúa đã bị giết chết? Tại sao toàn thể Ít-ra-en chính thức đã loại trừ Người? Đây là câu hỏi nhức nhối mà các Ki-tô hữu tiên khởi đã phải tự đặt. Chính trong Kinh Thánh, thành thử trong đức tin, mà họ đã tìm ra chìa khóa cho bí ẩn kép ấy. Thánh vịnh 118 đã loan báo: tảng đá đáng thương dị hình, bị thợ nề loại bỏ bởi cho rằng vô ích, chỉ đáng ném vào hố rác… thì trong kế hoạch của Thiên Chúa, đã trở thành khối đá tốt xinh quan trọng, khối đá mà người ta đặt ở chỗ chủ yếu nhất của công trình, chỗ nối hai bức vách, ở đỉnh một khung vòm! Đá góc hay đá đỉnh! Tất cả sự vững chắc của tòa nhà tùy thuộc vào khối đá ấy. Đức Giê-su đã dám quả quyết mình là yếu tố chủ chốt trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa vậy.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây