Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm A

Thứ sáu - 13/10/2023 19:52 627 0
 
 
 
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 22,1-14
 
           
 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết.

            
“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

            
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’”.

                       

 
 
ĐƯỢC MỜI TỚI BÀN TIỆC THIÊN CHÚA
 
            
Một cha xứ vùng ngoại ô Berlin nước Đức có kể câu chuyện mình đã cho một bé gái 13 tuổi rước lễ vỡ lòng trong những hoàn cảnh đặc biệt như sau: “Tôi đã để ý em ngay giữa đám học trò lớp giáo lý: em có vóc dáng gầy còm và nước da trắng bệch! Một ngày nọ em đến tìm tôi và nói, đôi mắt rưng rưng: “Lạy Cha, con sẽ không thể rước lễ vỡ lòng như các bạn được” - “Sao vậy con?”, tôi hỏi. “Ba má con không muốn. Vả lại con chưa bao giờ xưng tội” - “Thì con cứ lễ phép xin ba má -tôi an ủi nó- có lẽ rồi ba má cũng cho thôi”. Vài tuần trôi qua. Một hôm em đến tìm tôi, rồi bằng một giọng run run, kể cho tôi nghe những chuyện gì đã xảy tới: “Ba con đã nổi tức lên và la mắng con tơi bời”. Cô bé đáng thương làm cho tôi hết sức xúc động. Tôi dặn em cầu xin Thiên Chúa xếp đặt mọi sự để em có thể rước lễ vỡ lòng. Nhưng ngày trọng đại đã đến mà em vẫn không được phép như lòng mong ước. Hôm sau, các bé gái khác kể lại diễn tiến cuộc lễ xinh đẹp cảm động khiến cô bé đáng thương càng thêm buồn rầu. Vài ngày sau em đến tìm tôi: “Khi nào mẹ con sai con đi mua hàng ngang qua trước nhà thờ, con có thể lợi dụng vài phút để vào xưng tội được chứ! Con sẽ chạy thật nhanh để mẹ con không nhận thấy chuyện gì”. Tới ngày giờ đã hẹn, tôi đợi em bé và em đã xưng tội lần đầu tiên với lòng sốt sắng khôn tả. “Bây giờ -tôi bảo em- con về mau đi để nhà con không biết chuyện gì xảy đến”. Nhưng em đã tha thiết van nài: “Lạy Cha, Cha còn đứng đây, xin Cha cho con được rước lễ”. Tôi không thể từ chối và cô bé đã lãnh lấy Mình Thánh lần đầu tiên trong đời với một lòng sốt sắng tuyệt diệu”. Và cha xứ kết luận: “Tôi đã thấy rất nhiều trẻ rước lễ vỡ lòng; nhưng chưa có em nào làm tôi xúc động như bé gái đó”. Thật khác xa với sự dửng dưng của các thực khách được mời dự tiệc trong dụ ngôn hôm nay.

            
1. Quảng đại đáp lại lời mời của Thiên Chúa.

            
Tin Mừng chẳng bao giờ cho ta những định nghĩa lớn lao trừu tượng về Thiên Chúa, Thiên đàng, Giáo hội… Không! Tin Mừng đúng ra là một cuốn sách lớn đầy hình ảnh. Chứng kiến trên tivi hay mạng internet sự thành công của các đám cưới vương giả, ta thấy hình ảnh Đức Giê-su sử dụng thuở ấy xem ra đâu có lỗi thời… cho dẫu nó có một tính cách “đông phương” rất đậm nét.

           
 Đức Giê-su trình bày cho ta một vị Thiên Chúa “tổ chức đám cưới cho con trai mình”: đây là câu chuyện đẹp nhất trần gian, câu chuyện tình đẹp nhất! Hiển nhiên quý tử ấy là Đức Giê-su. Đức Giê-su “si tình”. Người đã cưới một hôn thê Người yêu say đắm: nhân loại. Hình ảnh đám cưới này như một sợi chỉ bạc chạy suốt Kinh Thánh: Tv 45,7-8; toàn bộ Diễm ca; Is 54,4-8; 61,10; 62,4-5; Gr 2,2;31,3; Ed 16; Hs 1-3; Mt 25,1-13; 9,15; Mc 2,9; Ga 3,29; 2Cr 19,29; 21,2-9; 22,17; Ep 5,25; Kh 20,9; 21,2-9… Vâng, từ đầu đến cuối Mạc khải, các tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại là một “giao ước”, một “hôn lễ”. Điều ấy sẽ thay đổi gì nơi “tôn giáo” của tôi nếu thay vì coi nó những chân lý phải tin hay những huấn lệnh phải giữ, tôi đi đến chỗ thật sự coi nó như một “chuyện tình”?

            
“Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc”. Thiên Chúa mơ tưởng một bàn tiệc vũ trụ cho nhân loại… một bữa tiệc thật “vương giả”… một lễ hội thật tưng bừng! Hãy thử hỏi xem bất cứ đứa bé nào những hoàn cảnh khiến nó sung sướng hạnh phúc nhất. “Đó là khi nhà có nhiều khách dự tiệc!” Bữa ăn lễ là cả một biểu tượng về niềm vui chia sẻ. Ngày nay cũng thế, chính “tiệc cưới” thường quy tụ các thực khách vui vẻ nhiều nhất: thức ăn chọn lọc này, rượu bia hảo hạng này, ca nhạc khiêu vũ này, lễ phục xinh đẹp này… Mời bạn đến dự lễ, bàn tiệc Thiên Chúa quy tụ các thực khách đã sẵn sàng rồi! Nhưng những người này sẽ làm chi?
            
“Họ không chịu đến”. Tội nghiệp nhà vua! Thật đáng thất vọng. Ông lại sai các đầy tớ đi mời phen nữa, lần này với những lời lẽ tha thiết hơn. Như trong dụ ngôn “tá điền sát nhân”, các thái độ từ chối của nhân loại xem ra chẳng làm Thiên Chúa kinh ngạc. Không mệt mỏi, ông nhắc lại lời mời gọi và gởi các đầy tớ khác. Đây không phải là một câu chuyện quá khứ xa xưa. Mời mọc thì thời nào cũng có cả. Và trước hết không phải là vấn đề những người khác. Chính tôi đã được Thiên Chúa gởi cho một “thiệp mời”. Tôi có ý thức rằng mình đang được chờ đợi không? Có ý thức rằng có một chỗ cho tôi trong bàn tiệc không? Lẽ ra tôi phải thật sự để giờ tự vấn mỗi tối về các lời kêu gọi Thiên Chúa không ngừng ngỏ với tôi suốt ngày. Và mỗi Chúa nhật, để giờ tự hỏi những lời mời nào của Thiên Chúa đã bị tôi bỏ quên trong tuần sống.

            
Nhưng như trong “mùa hái nho đẫm máu” Chúa nhật tuần trước, tiệc cưới nay lại bị nhận chìm vào thảm cảnh: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết”. Các “tiệc cưới đẫm máu” cũng là biểu trưng sự từ chối Thiên Chúa. Chúng ta chớ quên rằng Đức Giê-su kể chuyện này chắc hẳn chỉ vài hôm trước cuộc Thương khó… trong tuần lễ cuối cùng. Cái chết của Người đã được quyết định trong bóng tối bởi các thủ lãnh ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng ta biết rõ, không chỉ có những kẻ đương thời với Đức GS mà còn cả chính ta, chính thế giới hiện giờ từ chối lời mời mọc của Thiên Chúa.

            
Lời mô tả thái độ thờ ơ của khách mời mang tính thời sự nóng bỏng. Đức Giê-su vẽ lên hai loại: 1/ những kẻ “lơ là” với thái độ lãnh đạm gần như tự nhiên, thậm chí không có vẻ để ý họ là những kẻ được mời và chỉ nghĩ tới công chuyện của họ… 2/ những kẻ “chống cưỡng” cố ý từ chối lời mời và còn hung dữ hành hạ các đầy tớ…

            
Như thế, Đức Giê-su mô tả rất chính xác tình trạng thế giới hiện thời. Chỉ cần diễn tả lại câu chuyện ngày xưa với các ví dụ của ngày nay thì đủ rõ: “Đi dự lễ làm sao được? Tôi chỉ có Chúa nhật để chơi thể thao thôi… Đây là ngày chúng tôi đi nghỉ… Đây là ngày tôi bận khâu vá… Sau khi đã vui chơi giải trí suốt cả tối Thứ bảy, làm sao có sức đi lễ và học giáo lý Chúa nhật nổi… Và rồi, tôi còn có bài làm bài thi phải ôn lại…”. Ơ thì đúng! Tất cả chúng ta đều bị xã hội tiêu thụ và duy vật chủ nghĩa bao quanh cầm giữ. Và tất cả chúng ta liều mình cho Thiên Chúa chỗ rốt hết, thời gian cặn. Biết bao tiếng nói khác phủ lấp tiếng gọi của Người: “Xin mời đến dự tiệc cưới của Ta!” Chúng ta đếch thèm đếm xỉa!

            
“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”. Lịch sử Đông phương cổ cung cấp cho ta lắm giai thoại kiểu này. Nhưng một lần nữa, phải hiểu rằng mình đang ở trong loại dụ ngôn, nên ta đừng tìm ý nghĩa chặt chẽ cho mọi chi tiết. Tuy nhiên, “thành phố bị thiêu hủy” này làm ta nghĩ tới một biến cố đã gây chấn thương cho người Do-thái lẫn Ki-tô hữu thế kỷ Thứ nhất, và đã nên cơ hội đoạn tuyệt giữa Hội Đường và Nhà Thờ. Khi Mát-thêu viết trình thuật mình. Giê-ru-sa-lem đã bị các đạo quân Rôma của Titô phá hủy năm 70 thật sự. Làm sao một số phận như thế đã có thể xảy đến cho thủ đô tuyệt vời của dân Ít-ra-en? Các biến cố lịch sử được giải thích bằng nhiều cách. Và thời nào cũng vậy, các ngôn sứ đã từng giải thích việc phá hủy những thành phố lớn như một “hình phạt của Thiên Chúa” (x. Is 5,26-29; 7,18; Gr 5,15-17).

            
Vua liền cho đầy tớ đi mời hết thảy những ai gặp trên đường, bất luận sang hèn tốt xấu… Thế là những kẻ người ta không trông mong lại được mời và họ đã chấp nhận. Dân Do-thái, hạng được mời trước hết, vậy là nhường chỗ cho lương dân. Nhưng một lần nữa, phải coi chừng mọi kiểu tự mãn có màu sắc kỳ thị chủng tộc. Vì chính chúng ta cũng có liên can trong việc từ chối. Chúng ta có thể thành thật nói rằng mình luôn “vâng theo” mọi tiếng gọi lặp đi lặp lại của Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật không? Đức Giê-su cảnh giác chúng ta: phòng tiệc sẽ đầy… cho dẫu “quý khách khả kính” đã không thèm đáp lại. Người sẽ lấp đầy phòng tiệc của Người với những kẻ rách rưới, bị khai trừ, tạp nhạp đủ loại. Thánh Lu-ca, trong dụ ngôn song song, đã nói rõ điều ấy: chính “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” chiếm chỗ các khách mời đầu tiên (Lc 14,21). Và Mát-thêu, trong một đoạn khác, cũng bảo ta như vậy: “Hạng thu thuế và lũ gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục” (Mt 21,31).

            
“Vậy hãy ra đi, gặp ai thì mời hết, bất luận tốt xấu…”. Hãy để mình bị chất vấn bởi các lời dị thường này. Chúng ta có trái tim rộng rãi như Thiên Chúa vậy không? Phải chăng chúng ta không luôn luôn bị “tinh hoa chủ nghĩa” cám dỗ? Phải chăng chúng ta không luôn luôn mơ ước một một Giáo hội gồm những con người thanh sạch, năng nổ, có động lực đức tin tốt đẹp? Phải chăng chúng ta chẳng hề phê phán các thực hành của “tôn giáo bình dân”? Còn Thiên Chúa, Người mời hết mọi người. Hổ lốn! Không phân biệt! Thậm chí còn có vẻ ưu đãi những kẻ nghèo hèn, những kẻ bên lề, những kẻ khốn khổ, những kẻ bị bỏ mặc, những kẻ ở ngoại biên, như Đức Thánh Cha Phanxicô hay đề cập.

           
 2. Chuẩn bị đầy đủ để gặp gỡ Người.

            
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì”. Đến đây xảy ra mấy chi tiết xem ra lạ lùng. Đã mời người ta đột xuất ngoài đường và bất phân biệt như vậy, sao lại đòi phải có y phục lễ cưới. Rồi tại sao lại chỉ có một chứ không phải nhiều kẻ thiếu lễ thức này? Thật ra vấn đề cũng đơn giản nếu ta hiểu được phong tục thời đó, một phong tục mà ở đây Mt không nêu rõ vì nghĩ rằng độc giả (tức thời) của ông đều biết (Mt là người ít khi giải thích các phong tục, khác với Mc: so sánh Mt 15,2 với Mc 7,2-3). Đó là ngày xưa, trong xã hội Tây Á (ngày nay cũng có nhiều nơi làm như vậy), vua chúa hay những người giàu, khi mời khách dự tiệc, bao giờ cũng để sẵn nhiều bộ lễ phục giống nhau ngoài cửa phòng tiệc cho thực khách mặc trước khi vào ăn. Thói quen này nhắm hai mục đích: một là để chủ nhân khoe sự giàu có của mình, hai là để tạo bình đẳng giữa các thực khách (chẳng còn mấy ai biết địa vị xã hội của người ngồi cạnh), ngõ hầu họ dễ trò chuyện với nhau, cởi mở với nhau, khiến bữa tiệc thêm thân tình vui vẻ. Con người duy nhất không thèm mặc áo cưới ông vua để sẵn chứng tỏ một sự vô ý thức lẫn khinh thường, vì thế y đáng bị trục xuất. Dẫu có lòng nhân ái mời gọi mọi người xấu tốt, Thiên Chúa không vì thế mà tỏ ra nhu nhược dễ dãi, để con người muốn làm gì thì làm. Tình yêu của Người là một tình yêu nâng cao tâm hồn chúng ta. Biểu tượng y phục thường gặp trong Kinh Thánh, muốn nói ơn cứu rỗi không bao giờ là tự động cả: phải biết “đáp ứng” lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách biến đổi mình… bằng cách “mặc lấy con người mới” (x. Gl 3,27; Ep 4,24; Cl 3,10).

            
Hình phạt nặng nề cũng như các từ khuôn đúc (x. Mt 8,12; 13,42; 24,51; 25,30) mô tả cuộc phán xét… nêu bật tính cách biểu tượng hiển nhiên của “y phục lễ cưới” này. Được vô phòng tiệc cưới một lần rồi thôi đâu có đủ! Việc đã đón nhận Lời Thiên Chúa không khiến ta mãi mãi an toàn! Nhưng ai đã chiếm chỗ các khách mời đầu tiên, cả họ nữa, cũng chẳng được đặc miễn: nếu tỏ ra bất xứng với bàn tiệc của Thiên Chúa, họ sẽ bị loại ra ngoài.
            
Lời cảnh báo này nghiêm trọng biết mấy! Nó tố cáo thái độ tự mãn an toàn quá ư dễ dãi của chúng ta, nhắc nhớ trách nhiệm lớn lao của người tín hữu. Lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn vô biên, nhưng ta không thể coi thường sự thánh thiện của Người được, không thể coi thường lời Người đòi hỏi chúng ta phải nên thánh. Hay nói cách khác, kho ân huệ Thiên Chúa thì sẵn đó, nhưng nhận được hay không và nhiều hay ít là tùy bàn tay, tấm lòng của chúng ta mở hay khép, rộng mở hay hé mở. Khi được linh mục “mời” lên rước lễ với câu: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Thiên Chúa”, chúng ta không chỉ thưa “vâng” nhưng trước đó còn nói: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời…”.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây