An lòng với việc thiếu sự công nhận

Thứ hai - 20/01/2025 22:28 16 0


An lòng với việc thiếu sự công nhận

 

Phần lớn những gì mang lại sự sống và nuôi dưỡng chúng ta trong đời đâu phải đến từ những người giàu có và nổi tiếng, những người vô cùng thành đạt, những người ghi danh sử sách.
 

Không có mấy điều khiến chúng ta khao khát cho bằng sự thể hiện bản thân và sự công nhận. Chúng ta có nhu cầu không thể kìm nén muốn thể hiện bản thân, muốn được người khác biết đến, công nhận, thông hiểu, nhìn nhận chúng ta là độc nhất vô nhị, có thiên tư và quan trọng. Một tâm hồn không được biết đến, không được cảm kích trong sâu thẳm cõi lòng, một tâm hồn thiếu thể hiện và thiếu công nhận đầy đủ ý nghĩa, thì có chiều hướng dằn vặt, nản lòng và cay đắng. Và sự thật là, thể hiện bản thân là việc khó, thể hiện trọn vẹn bản thân lại càng là việc bất khả thi.

Đến tận cùng, với hầu hết chúng ta, cho dù sống ở đâu hay đã thành tựu được những gì, thì cuộc sống của chúng ta vẫn luôn bé hơn nhu cầu và ước mơ của chúng ta. Trong những lúc mơ mộng hão huyền, mỗi chúng ta đều muốn trở thành nhà văn lừng danh, vũ công kiều diễm, vận động viên, ngôi sao điện ảnh được ái mộ, cô gái được lên bìa tạp chí, học giả trứ danh, người đoạt giải Nobel, cái tên tuổi quốc tế, nhưng đến tận cùng, hầu hết chúng ta vẫn là người vô danh, sống giữa những người vô danh khác.

Và như thế, cuộc sống chúng ta có vẻ quá nhỏ với chúng ta. Chúng ta cảm thấy bản thân thật phi thường mà luôn mãi bị giam trong sự tầm thường, kể cả khi trong chúng ta có điều gì đó vẫn đang tìm cách thể hiện, vẫn đang đi tìm để được công nhận, kể cả khi có vẻ như điều gì đó quý báu trong chúng ta đang sống và chết đi một cách vô ích. Sự thật, khi nhìn từ góc nhìn của thế giới này, thì phần nhiều những gì quý báu, độc nhất vô nhị và phong phú, có vẻ đều đang sống và chết đi vô ích. Chỉ có một số hiếm người được thỏa lòng về chuyện thể hiện bản thân và được công nhận.

Trong chuyện này có phần nào tinh thần tử vì đạo. Triết gia Ai-len Iris Murdoch (1919-1999) đã nói: “Nghệ thuật có những người tử vì đạo cho nó, và trong số họ không ít người vẫn kiên quyết giữ thinh lặng”. Thiếu sự thể hiện bản thân, dù là do tự chọn hay bị hoàn cảnh áp đặt, chính là một cái chết thực sự, nhưng như mọi cái chết, chúng ta có thể hiểu và cảm kích nó theo những cách khác nhau.

Nếu buồn bã đón nhận nó như một bi kịch, thì sẽ dẫn đến tâm trạng cay đắng và tan vỡ. Tuy nhiên, nếu hiểu và cảm kích nó trong đức tin như lời mời trở thành một tế bào ẩn mình trong Thân thể Chúa Kitô và gia đình nhân loại, ẩn danh cung cấp sự nuôi dưỡng và sức mạnh cho toàn bộ thân thể, thì nó có thể dẫn đến sự nghỉ ngơi, tri ân và một ý thức về tầm quan trọng sẽ chặt phăng những gốc rễ của nản lòng, thất vọng, trầm cảm và  cay đắng.

Tôi nói vậy vì phần lớn những gì mang lại sự sống và nuôi dưỡng chúng ta trong đời đâu phải đến từ những người giàu có và nổi tiếng, những người vô cùng thành đạt, những người ghi danh sử sách. Như tác giả George Eliot đưa ra, chúng ta không cần làm những việc vĩ đại để lại dấu ấn trong lịch sử nhân loại, vì “sự thiện đang lớn lên của thế giới phụ thuộc một phần vào những hành động không có ý nghĩa lịch sử, và những điều không mấy ghê gớm với bạn và tôi, phân nửa là do những người sống cuộc đời thành tín và ẩn mình và an nghỉ ở những phần mộ không ai thăm viếng”.

Một câu rất hay. Lịch sử ủng hộ điều này. Ví dụ như Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu sống suốt đời vô danh trong tu viện nhỏ ẩn mình ở vùng quê nước Pháp, khi ngài chết năm 24 tuổi, có lẽ chẳng có hơn trăm người quen biết ngài. Theo cách chúng ta đánh giá trong thế giới này, thì ngài ít thành công, chẳng có thành tựu nào nổi bật hay cống hiến nào rõ rệt. Thánh Thánh Têrêxa vào tu viện khi 15 tuổi, sống ẩn dật ở đây cho đến khi qua đời, làm những việc vặt ở bếp, ở phòng giặt, ngoài vườn. Vật hữu hình duy nhất mà thánh nữ để lại là quyển nhật ký riêng với nhiều lỗi chính tả, kể lại câu chuyện gia đình mình, thời thơ ấu, và những gì đã trải qua trong những tháng cuối đời được chăm sóc giảm nhẹ trước khi qua đời.

Nhưng những gì ngài để lại là những gì bây giờ đã làm cho ngài thành nhân vật nổi tiếng thế giới, cả trong và ngoài thế giới đức tin. Nhật ký riêng của ngài, Câu chuyện của một Tâm hồn đã chạm đến hàng triệu cuộc đời, dù viết sai chính tả được các nữ tu chỉnh lại sau khi ngài qua đời.

Điều làm cho quyển nhật ký nhỏ của thánh nữ có sức mạnh độc nhất vô nhị chính là là câu chuyện ngài kể lại cuộc sống riêng tư của ngài trong bao nhiêu năm tháng đó, khi ngài ẩn mình và vô danh, khi ngài là đứa trẻ hay một nữ tu. Những gì thánh nữ ghi lại trong câu chuyện về linh hồn mình là khi ngài hoàn toàn ý thức được sự độc nhất vô nhị và quý báu của mình, thánh nữ sẵn lòng trao hết trong đức tin, vì ngài tin thiên tư và tài năng của mình là làm việc thầm lặng (và mạnh mẽ) bên trong thân thể mầu nhiệm (nhưng có thực và hữu cơ), Thân thể Chúa Kitô và nhân loại. Thánh nữ hiểu bản thân mình là một tế bào trong một cơ thể sống, trao đi những gì quý báu và độc nhất vô nhị trong mình vì sự tốt đẹp của thế giới.

Sự vô danh cho chúng ta lời mời gọi này. Người ta không thể có tác phẩm nghệ thuật nào vĩ đại hơn thế để trao cho thế giới.

Chúa Giêsu cũng nói như vậy. Ngài bảo chúng ta hãy làm việc lành trong bí mật, đừng để tay trái (cùng hàng xóm và thế giới) biết việc tay phải làm.


Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser,

Nguồn tin: https://giaophanlongxuyen.org

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây