Thờ ngẫu tượng

Thứ tư - 07/12/2022 21:58 1.455 0
 

THỜ NGẪU TƯỢNG
         
Sáng sớm, sau lời chào ngày mới với Cha anh đang phục vụ tận miền Bắc xa xôi. Anh chào xong và gửi cho dòng tin nhắn : “Chúng ta ngày càng chứng minh cho người ta biết rằng, không có Chúa. Một tôn giáo vô thần. Đúng hơn là một tôn giáo đã giết chết thần của mình và thay bằng đủ các ngẫu tượng”

         
Đọc xong dòng tin nhắn này tôi ngẩn ngơ. Những lời của Cha anh xem chừng ra đúng và như là lời mà Anh đang nhắc nhở cho chính bản thân tôi.

         
Thật vậy, ngẫu tượng trong đời sống của ta không thiếu.

Ngẫu tượng là hình tượng, đồ vật, quyền lực, tiền bạc, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, nhà nước, hoặc những thần linh hay ma quỷ... được sùng bái tôn thờ thay vì Thiên Chúa.

“Thánh Kinh luôn nhắc nhở phải từ bỏ các ngẫu tượng... vì các ngẫu tượng là hão huyền nên ai thờ ngẫu tượng sẽ trở thành hão huyền” (GLHTCG 2112; x. Tv 115,4-5). Chúa Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24b).
Như thế, ta thấy thờ ngẫu tượng là tội nghịch Điều Răn thứ nhất - thờ phượng chỉ một Thiên Chúa - “là khước từ quyền chủ tể duy nhất của Thiên Chúa” (GLHTCG 2113).

Và rồi chính Thánh Gioan cảnh báo mỗi chúng ta hãy xa tránh ngẫu tượng, vì có thể các Kitô hữu không muốn làm vậy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần!” (1 Ga 5, 21). Chúng ta nên phân biệt những kiểu thờ ngẫu tượng. Với tôi, tôi hiểu thờ ngẫu tượng là đặt một thụ tạo vào chỗ mà chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng. Điều này xảy ra khi chúng ta dùng hình ảnh trong khi cầu nguyện, nhưng không dính líu tới ảnh tượng.

Chúng ta không thể nào quên được chuyện trong sa mạc dân chúng tìm các ngẫu tượng. Sa mạc là một nơi, trong đó thống trị sự tạm bợ và bất an – trong sa mạc không có gì hết – trong đó thiếu nước, thiếu thực phẩm và thiếu nơi trú ngụ. Sa mạc là hình ảnh của cuộc sống con người, mà điều kiện là không chắc chắn và không có các bảo đảm không thể vi phạm. Sự bất an này làm nảy sinh ra nơi con người các âu lo đầu tiên, mà Chúa Giêsu nhắc tới trong Tin Mừng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?” (Mt 6,31). Chúng là các lo lắng đầu tiên. Và sa mạc khơi dậy các âu lo đó.

Trong sa mạc ấy xảy ra điều gì đó khơi dậy việc tôn thờ ngẫu tượng: “Ông Môshê lâu quá không xuống núi” (Xh 32,1). Ông đã ở trên đó 40 ngày, và dân chúng mất kiên nhẫn. Thiếu điểm tham chiếu, là ông Môshê: vị lãnh đạo, thủ lãnh; thiếu sự hướng dẫn trấn an, và điều này trở thành không chịu nổi. Khi đó dân chúng xin một vị thần hữu hình – đây là cái bẫy dân chúng rơi vào để có thể tự nhận diện và định hướng.

Họ nói với ông Aharon: “Hãy làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi”. "Hãy làm cho chúng tôi một thủ lãnh, một người hướng dẫn”. Để trốn chạy sự bấp bênh – sự bấp bênh là sa mạc - bản tính con người kiếm tìm một tôn giáo “tự làm lấy”: nếu Thiên Chúa không tự cho trông thấy, chúng ta hãy làm cho mình một vị thần phù hợp. Trước ngẫu tượng người ta không liều khả thể của một tiếng gọi khiến ra khỏi các an ninh của mình, bởi vì các ngẫu tượng “có miệng nhưng không nói” (Tv 115,5).

Và chúng ta hiểu rằng thần tượng là một cớ để đặt để chính mình vào trung tâm thực tại, trong việc thờ lậy công trình tay mình làm ra 

Hẳn ta còn nhớ Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta : “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3, 5). Thờ ngẫu tượng là vậy, nghĩa là các vật mà con người ham muốn đã chiếm vị trí sùng kính trong tâm hồn thay vì Thiên Chúa. Chúng ta không nghĩ điều này chỉ xảy ra nếu con người tham lam bắt đầu sùng bái vật chất là tiền bạc, của cải,… Việc sùng bái như vậy thực sự là thờ phượng ngẫu tượng. Bản chất tham lam của con người có thể sùng bái bất cứ thứ gì: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20, 17). Khi bạn làm vậy là bạn tôn thờ ngẫu tượng.

Thánh Kinh đã dạy chúng ta rằng thờ các tà thần là thờ ngẫu tượng: “Các ngươi không được hướng về các tà thần, không được đúc tượng thần mà thờ. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19, 4).

Thư gửi Philip, thánh Phaolô đã lên án một số người ở đây: Thiên Chúa của họ là cái bụng, tiền bạc và danh vọng. Ai cũng biết, qua lời khấn ta phải từ bỏ : đam mê, tiền của, dục vọng, ý riêng,… để theo sát gót Đức Kitô hơn, nhưng trong thực tế, lắm khi thấy rằng vươn lên quá khó, mình bị chông chênh nên tìm cách bám víu vào cái gì đó làm chỗ dựa, rút cục, chính“cái gì đó” đã trở thành ngẫu tượng. Đó có thể là một chức vị, không đạt được ta buồn ra mặt.

Trầm trọng nhất, đó là khi người ta tôn vinh cái tôi ích kỷ làm thần tượng, mọi con người, mọi sự vật, sự kiện, được ta đánh giá không phải theo tiêu chuẩn chân lý, nhưng theo lăng kính của riêng mình.

Thật thế, tôi rất sợ cho bản thân tôi khi tôi đặt tôi làm cái rốn của vũ trụ, khi tôi chạy theo tiền bạc, danh vọng cũng như chức tước ở cuộc đời này. Ngày mỗi ngày, qua tất cả những biến cố của cuộc đời, đâu đó tôi thấy được những cái gọi là bệnh hình thức, cách sống ảo để tôi tự nhắc nhớ cho chính bản thân tôi. Ranh giới giữa thờ Thiên Chúa và thờ ngẫu tượng thật mong manh. Tâm tình của Cha anh gửi thật là tâm tình đáng quý để tôi suy niệm cũng như cân chỉnh cuộc đời của mình.

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây