Viết tiếp chuyện cái chuông...

Thứ hai - 26/12/2022 19:13 569 0
 

VIẾT TIẾP CHUYỆN CÁI CHUÔNG ...
 

           
Vừa qua, khi nhìn thấy cái chuông có khắc tên (chắc là của ân nhân), tôi có chia sẻ tâm tình về sự cho đi. Dưới nhãn quan của Tin Mừng và nhất là sự giáo huấn của Chúa Giêsu mà có lẽ người Kitô hữu đều biết : “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh chống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh”.  (Mt 6, 1-4)

           
Rất rõ ràng và không cần chú giải thêm.

           
Thực tế cuộc sống, ta lại thấy có những người sống khác với Tin Mừng, khác với Lời Chúa dạy.

           
Bản thân tôi khi cầm viết, tôi cẩn trọng và nhất là không bao giờ muốn viết ra điều gì đó để gây tranh luận và nhất là tổn thương cho người khác. Tôi chỉ viết cảm nhận khi nhìn thấy cuộc đời để đó như là lời nhắc nhở bản thân tôi cũng như những ai cần đọc và cân chỉnh cuộc sống. Tôi luôn xác định rằng không bao giờ viết để gây tranh luận hay kết án ai đó vì tôi tôn trọng tự do cũng như suy nghĩ và quyền của mỗi người.

           
Với tâm tình chia sẻ chuyện cái chuông được khắc tên, một người ở miền cao phản ứng có vẻ mạnh. Cô ta nói rõ ràng quan điểm của cô rằng khi cho đi thì khắc tên vào vật dụng nào đó như chuông hay ghế thì cũng là chuyện bình thường.

           
Vâng ! Chuyện khắc tên của mình vào chuông, ghế, bàn thờ và cả nhà thờ là chuyện bình thường. Thế nhưng tất cả những điều đó chỉ dừng lại ở cái nhìn cũng như cách sống của thế gian. Tiếc thay trong thế giới mà sống ảo đang lên ngôi cũng như diễn suất đang phát triển thì ta thấy người ta càng mạnh dạn khoe mẽ cho người khác biết việc mình làm. Từ chuyện ăn uống, du lịch ... đi đâu họ cũng có thể khoe và nhất là mỗi khi làm việc thiện hay cho đi một điều gì đó.

           
Tôi đọc đâu đó 1 câu chuyện như thế này : Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ lớn nơi thành thị. Một hôm nó đi lang thang trong nhà thờ để kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn như nó. Thế là hai con chuột liền làm quen với nhau và hỏi thăm chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong ngôi nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ!”. Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn và nói: “Vậy thì bồ hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị người ta quấy rầy!” Chuột thứ nhất ngạc nhiên hỏi: “Có một chỗ ở như thế thật ư? Vậy bạn hãy cho tớ biết đó là chỗ nào vậy? “. Chuột thứ hai liền đáp: “Đó là cái chuông ở trên tháp chuông của nhà thờ. Trên tháp chuông chả thấy ai trèo lên trên đó quấy rầy tôi cả!”.

           
Giật cả mình khi vừa qua thấy hình 1 người bệnh phong ngồi cạnh thùng mì gói và bao gạo được đưa lên trang mạng.

           
Giật cả mình khi nhìn thấy những tấm hình trao quà cho ai đó bị khuyết tật.

           
Và nhiều hình ảnh giật mình khác khi nhìn thấy trên các trang mạng.

           
Dĩ nhiên khi nhìn thấy thì tôi luôn tôn trọng quyền của chủ những bức ảnh đó. Họ có lý do của họ và tôi không xét đoán. Thế nhưng với cảm nhận cá nhân giả như mình nghèo để rồi nhận một chút quà như thế để rồi đưa nguyên cái hình của mình lên mạng mình nghĩ sao ? Có người sẽ biện luận ngay là đưa lên để cho nhiều người biết và họ giúp hay báo cáo việc đã làm. Thật ra báo cáo thì đủ thứ cách để báo cáo như gửi trong group mà mình cần chia sẻ hay trong inbox hay email.

           
Vừa mới đây, nhìn thấy bức tượng Lòng Chúa Thương Xót đặt ở một nhà thờ kia mà tôi mỉm cười. Trị giá bức tượng ấy chắc có lẽ tầm 5 triệu là hết mức. Thế nhưng rồi kèm theo bức tượng là miếng mica với dòng chữ gia đình ... kính dâng.

           
Chắc chắn khi tôi nói điều này sẽ có người tranh luận và đưa ra lý lẽ rằng họ dâng thì họ có quyền ghi tên trên bức tượng. Khi nghe tranh luận, tôi sẽ không cho rằng việc họ đưa tên họ lên như thế không sai. Có điều sẽ tốt hơn và đẹp hơn nếu không để gì trên tượng. Chắc có lẽ Chúa biết lòng của người dâng và sẽ trả công bội hậu với sự hy sinh chia sẻ của họ. Ghi cái bảng tên gia đình mình kính dâng lên với mục đích gì ? Có lẽ như Chúa nói : Họ đã được thưởng công rồi.

           
Khi chia sẻ bức hình cái chuông có ghi tên trên đó, một người thân quen chia sẻ : “Cách đây mấy năm, gia đình con có dâng cho xứ quê con 4 tỷ đồng để làm nhà thờ. Cha xứ bảo có để tên hay không thì gia đình con xin phép không ghi tên gì cả”.

           
Cũng từ một người quen biết, gia đình Anh cho đi rất nhiều và Anh luôn âm thầm lặng lẽ. Anh chia sẻ với tôi : “Dù con tặng nguyên cái nhà thờ nhưng ngay cả lễ khánh thành con cũng không đi dự. Con không muốn ai biết. Con chỉ xin cho con cái đĩa sau khi khánh thành thôi”.

           
Chuyện cái chuông, cũng dính dự đến Anh. Anh nói rằng Anh được đề nghị khắc tên trên chuông (dĩ nhiên là anh dâng cúng nhiều) nhưng con xin phép từ chối khắc tên mình trên đó.

           
Cũng lạ ! Có quá nhiều người cho đi nhưng họ xin phép được ẩn danh và khuyến mãi thêm một câu cực kỳ dễ thương : Chúa biết !

           
Khi nghĩ về chuyện khắc tên ghi tuổi, tôi lại nhớ lại Thánh Vịnh :

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. (Tv 49, 12)

Thật thế, có ai ăn đời ở kiếp ở cái cõi nhân sinh này đâu. Cuối cùng ai ai cũng phải chết và chuyện quan trọng là mình có tên trên sổ bộ các thánh hay không mà thôi như lời gia đình của người trao 4 tỷ cho xứ quê hương.

Khi nhìn thấy đâu đó chuyện khắc tên để tuổi, tôi lại càng trân quý cũng như càng biết ơn (dẫu đã biết ơn) những ai đồng hành, chia sẻ cho tôi từ vật chất đến tinh thần trong cuộc đời dâng hiến. Tôi lại càng tạ ơn Chúa vì Chúa đã gửi đến cho tôi những người giúp tôi đều là những người lặng lẽ. Khi nhận, tôi thường nói con sẽ gửi hình ảnh cho (cô, chú, anh, chị ...) nhưng đều nhận được câu trả lời : Khỏi Cha ơi ! Thế nhưng phép lịch sự cũng như để minh chứng thì tôi đều gửi lại cho những người đã trao gửi.

Điều mà tôi sợ nhất đó là vì mục đích xem chừng ra tốt như xây dựng Nhà Thờ, làm tháp chuông, làm ghế hay bàn thờ nhưng không khéo sẽ lệch đường. Ngay cả ân nhân, có khi họ không nghĩ đến chuyện khắc tên nhưng muốn lấy lòng của họ thì chủ đầu tư lại nghĩ ra cái chuyện khắc tên. Tôi rất sợ vì lý do nào đó mà dính vào cái chuyện mại thánh. Khi đó người nghèo sẽ càng mặc cảm vốn dĩ đã mặc cảm khi đến nhà thờ còn người giàu có thì có lẽ vui vẻ vì đi đâu cũng khoe ... tượng đó, ghế đó, bàn thờ đó là của tôi dân cúng.

Vậy đó, cuộc sống mà ! 9 người 10 ý. Hơn nhau là tôn trọng tự do suy nghĩ cũng như cách sống của nhau mà thôi. Tôi luôn tôn trọng suy nghĩ và việc làm ghi tên khắc chữ. Với tôi, chỉ tiếc cho những ai muốn ghi tên khắc chữ nơi những gì mình trao tặng. Giá như họ âm thầm và kín đáo thì có lẽ sự trao tặng của họ tuyệt vời hơn và đúng như lời Chúa dạy.

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây