Anh Phải Sống

Thứ bảy - 23/09/2023 05:25 922 0

 

Một buổi chiều mùa hạ, cơn mưa lớn dần, lớn dần, trên bờ đê Yên Phú, gần sông Nhị Hà, người ta thấy đôi vợ chồng nghèo đang trầm tư suy nghĩ xem họ có nên xuống giòng sông nước đang chảy xiết, mang theo những khúc gỗ gợi thèm cho người muốn vớt nó không! Độ này năm trước vợ chồng anh chị Thức và Lạc đã vớt những khúc gỗ tương tự, nhờ chúng mà họ đã trả được món nợ lớn và còn dư để lo cơm gạo trong năm qua.

Lần này, anh Thức không muốn Lạc - vợ mình xuống vớt củi với anh, e rằng nếu nước cuốn trôi cả hai, thì vợ yêu không còn nữa và không ai chăm lo ba đứa con thơ, đứa lớn nhất mới 5 tuổi, Thức tìm mọi cách để thuyết phục vợ về nhà lo cho ba đứa nhỏ. Để Thức yên tâm, Lạc cũng trở về nhà, lo cho con ngủ. Tình thương đáp lại tình thương, Lạc lo sợ chồng xuống sông một mình giữa cảnh mưa gió nguy hiểm, Lạc vội vã trở lại bờ đê, tìm mãi mới thấy Thức đang ở trên chiếc thuyền nhỏ, chống chọi với gió mạnh. Lạc cương quyết xuống thuyền với Thức, mặc dù Thức tìm cách để Lạc đừng xuống, nhưng tình yêu mạnh hơn sự chết, cuối cùng Thức bằng lòng cho Lạc xuống thuyền để trợ giúp anh, vừa chống mưa gió vừa vớt củi để bán cứu cảnh đói khổ túng bấn của gia đình vợ chồng anh.
Một chiếc thuyền nhỏ giờ đây đã đầy gỗ, củi và nước, vợ chồng họ chèo chống không nổi nữa rồi, thuyền lật úp và họ đã chới với trong giòng nước cuốn dữ dội, Thức cố cõng Lạc để bơi vào bờ, nguyện sống chết có nhau. Một lúc sau, Lạc thấy sức chồng yếu dần, yếu dần, biết chồng mình đã đuối sức, Lạc tự buông mình ra để chồng mình có thể cầm cự với chút sức còn lại. Lạc hy sinh, buông mình xuống đáy sông, nhưng tinh thần nàng rất sáng suốt và cương quyết, cao thượng với tư tưởng: “Anh yêu, anh phải sống” … Chiều đó, trời ảm đạm làm sao! Bốn cha con Thức ra bờ đê nhìn xuống đáy sông, đưa tiễn người vợ yêu, anh đau khổ nói thầm trong trái tim: Lẽ ra “Em phải sống”. Còn ba đứa con thơ không hiểu gì, nhưng với thời gian, tình thương và lòng hiếu thảo với cha mẹ chúng sẽ thấm thía ý nghĩa của “người nhường mạng sống cho người mình yêu”.
(Lược lại truyện ngắn “Anh Phải Sống”. Tác giả Nhất Linh và Khải Hưng. NXB: An Nam, 1934).
 
****

Câu chuyện trên đã làm cho nhiều độc giả xúc động, thương cảm trước tình yêu chân thành son sắt thủy chung của Thức và Lạc, dám sống chết cho nhau. Nó gợi lại cho tôi một câu chuyện đã xảy ra từ hơn hai ngàn năm trước; một câu chuyện tình ngang qua con đường thập tự đã nên tấm gương tuyệt vời về một tình yêu cao đẹp là dám chết cho người mình yêu. Vâng, người ấy chính là Đức Kitô,  một tình yêu đích thật cho loài người.

Đáng lẽ Đức Kitô – “Anh phải sống”, nhưng anh lại phải chết, để bạn và tôi được sống. Anh là hoàng tử, là Con Một, được Cha gọi là “Con dấu ái”. Anh thuộc dòng dõi trâm anh, quý phái. Nhưng Anh tự nguyện sống kiếp người thấp hèn, khó nghèo, nghèo đến không chỗ gối đầu “Con cáo có hang, chim trời có tổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Lc 9, 58).

Anh đã chết vì tự nguyện và vâng phục để chương trình cứu nhân độ thế của Cha được vẹn toàn. Anh có chết đi thì nhân loại mới được cứu sống và sống dồi dào. Nhân loại từ đầu khởi nguyên thật hạnh phúc, vì sống ở vườn Địa Đàng, được Cha thương ban mọi thứ gọi là hạnh phúc. Nhưng khi sự dữ lan vào Địa Đàng, con người ngã vào chước cám dỗ, quên lãng Lời Cha, phạm tội bất tuân. Vất vả lầm than theo kiếp người kể từ đấy; con người phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới có chén cơm manh áo để sống còn. Con người càng ngày càng sinh ra nhiều tội ác. Tình Cha không nỡ để con mình chết trong vũng tội, trong bóng tối của tử thần, của ma quỷ.

Cha đã cứu loài người bằng cách nào? Nếu Lạc nói với Thức: “Anh phải sống” thì Cha nói với Adam và Eva: “Con phải sống”. Để thực hiện lời ấy, Cha sai Con Một yêu dấu của mình xuống trần và phải chịu chết! Một cái chết đau thương để tình thương được lan tỏa; một cái chết ô nhục trên thập tự để sự sống vinh quang được khởi đầu. Một Thiên Chúa đã lấy máu của mình rửa sạch tội lỗi nhân loại. Phúc cho ai hiểu được ý nghĩa thâm sâu của cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn thể lý và tinh thần: nhạo báng, bôi nhọ, khiêu khích, khinh khi, đòn vọt, giáo mác, búa đinh… Nhưng huyền nhiệm thay, giờ Anh chết, cả trời đất tối sầm, núi non rung chuyển, màn trong đền thờ xé ra làm đôi. Thật lạ lùng quá sức tưởng tượng của con người, Anh chết chưa đủ ba ngày Anh sống lại. Sau khi sống lại, Anh hiện ra nhiều lần, nhiều nơi, nhất là với các môn sinh của Anh, để củng cố niềm tin và truyền Thần Khí cho họ, để họ tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Vâng, Anh đã chết để nói với bạn, với tôi: “Em phải sống”. Anh đã chấp nhận cái chết kinh khủng: bất công về đủ mọi mặt: hình sự, chính trị, xã hội và tôn giáo thời bấy giờ… để cho bạn cho tôi được sống và sống dồi dào, sống mạnh mẽ, lạc quan, tin yêu và nhiệt huyết làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn là “hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình” (Têrêsa Calcutta).

 
****

Sự sống quý giá chừng nào, bởi Anh đã chết thay cho muôn người. Trong thinh lặng của tâm hồn bạn và tôi, có lần nghe Anh hỏi: Sao bạn và tôi có lúc không vui? Trong khi, biết bao người đã phải giã từ cuộc đời khi tuổi còn thanh xuân cách bất ngờ, trong nuối tiếc của bao người. Từ cuối tháng 2 năm 2022 đến nay có hàng chục ngàn thanh niên, thanh nữ phải chết vì chiến tranh giữa Nga và Ukraina. Trong 2 tuần đầu của tháng 9/2023, bao nạn nhân, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, địa vị, chết vì động đất ở Maroc, hàng trăm người chết vì lụt lội ở Trung Quốc, chết vì vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, chết vì ngộ độc thức ăn - bánh mì ở Hội An, còn bao cái chết đột ngột thương tâm khác nữa… Còn anh, còn chị và tôi, giờ của chúng ta khi nào sẽ đến… không ai trả lời được câu hỏi này. Chúng ta phải làm gì để sống đúng ý nghĩa hồng ân đã lãnh nhận. Vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16); “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Biết thế, nhưng đời cũng có lúc trầm buồn, tôi nghe tiếng Anh nói bên tôi: Anh đã chết, em phải sống, con cái của chúng ta không phải là ba đứa con như anh chị Lạc Thức, mà là cả nhân loại đang cần cánh tay nối dài xoa dịu vết thương đau, đôi chân để cùng đi, cần ánh mắt cảm thông, cần nụ cười sưởi ấm tâm hồn của em. Em phải sống dù biển đời nghiệt ngã như giòng nước gào thét trên sông trong ngày lũ. Có Anh cùng chèo lái con thuyền của mỗi người con của Cha. Anh luôn hiện diện và đưa bờ vai cho bạn và tôi tựa vào để vượt qua mọi khó khăn.

Bên cánh cửa hiên nhà tiếng Anh hằng thủ thỉ: “Em biết không, ngày sống của em là tình thương Anh tặng. Đầu Anh ướt đẫm sương đêm cho em ngon giấc. Thân mình Anh ngàn dấu roi ngang dọc để em được chữa lành… Qua vũ trụ thiên nhiên, khí ô xy em thở, nước em uống, cơm em ăn, sách em học… đó không phải là lộc của Tình Thương sao.
Người ta trồng cây, ai cũng mong hoa trái. Chủ sẽ vui biết bao khi thấy cây ra hoa thơm, kết trái ngọt. Càng thích hơn khi thấy nó óng ánh trong giọt sương mai, vươn mình trong ánh mặt trời, lay nhẹ trong làn gió mát, ẩn hiện dưới ánh trăng thanh. Cũng thế, Cha mình, Đấng Tạo Hóa, dựng nên muôn vật, muôn loài và con người, Ngài hạnh phúc dường bao khi thấy chúng mình lạc quan, vui sống bình yên.

 
****

Từng ngày, từng ngày… đối diện với cuộc sống, với con người khắp năm châu qua tin tức buồn vui: có người nỗ lực phấn đấu, có người chán nản, thất vọng buông xuôi, tự vẫn; Có người từ tâm, xả kỷ, chia sẻ tình thương cho người nghèo, có kẻ tham lam, lọc lừa, mưu mô ác hại, tham nhũng; Có người sống công chính theo tiếng lương tâm, có người buông tuồng, mất nết, sống vô kỷ luật, vô luân lý; Có người dư của xài phí, mua bán nhân phẩm, có người nghèo khổ, bữa đói, bữa no; Có người vô tội phải chết vì bệnh tật, vì chiến tranh, vì thiên tai hay nhân tai. Ôi! đời này vàng thau lẫn lộn.  
  • Cha ơi, con không muốn Con Một của Cha, Anh của chúng con sẽ chết một lần nữa, Anh phải sống Cha ạ.
  • Chết một lần nữa là sao?
  • Là vì tội lỗi của nhân loại.
  • Con đã làm gì để cứu vãn tình thế?
  • Một mình con như hạt muối giữa đại dương!
  • Con nghĩ sai rồi? Đâu phải mình con, nhưng còn biết bao người âm thầm hy sinh cho chính nghĩa. Hơn nữa, ơn Ta có đủ cho các con. Ta chỉ cần thiện chí. Ta cần tình yêu chứ không muốn hy lễ. Con không nhớ sao, cuộc mặc cả của Abraham với Ta về sự trừng phạt thành Xô-đôm? Điều kiện của Ta là nếu tìm được 50 người lành thì Ta tha cho cả thành, nhưng lời cầu xin tha thiết, thật lòng của Abraham… cuối cùng  chỉ còn 10  người, thành cũng được tha, đó là Lòng Thương Xót của Ta (x. St 18, 16-33).
  • Như vậy con phải làm gì, thưa Cha.
  • Con nên nhớ, muốn thế giới biến đổi, con phải biến đổi trước. Con tránh tội và dịp tội hết sức có thể. Con hãy chu toàn bổn phận hằng ngày dù nhỏ bé, tầm thường nhưng hãy làm với ý hướng phi thường thì Cha sẽ cứu cả thế giới. Con hãy nhớ: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn” (Lc 16,10).
Ngoài ra, trong mọi nơi, mọi lúc, con hãy vui vẻ, hy sinh, hiệp thông với Ba Ngôi và hướng tới các linh hồn, nhất là, mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con tất cả vì Cha, với Cha và trong Cha, bởi lẽ con sống, là sống cho Cha, và có chết, là chết cho Cha. Vậy nên chúng con hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Cha cả (x. Rm 14,8).
  • Vâng, Lời Cha dạy con cũng đã từng nghe, nhưng có lúc con hăng hái thi hành, có lúc con ơ hờ lạnh nhạt làm sao!
  • Thế con hãy chấp nhận sự mỏng manh của phận người và thánh hóa nó. Con luôn bắt đầu lại mỗi ngày như Têrêsa vậy. Ơn Cha có đủ cho con.
  •  Con hiểu rồi, Cha luôn thương xót, không bắt tội con, luôn kiên nhẫn chờ đợi con. Và Cha đã từng nói: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (TV 26,10). Con tạ ơn Cha, này hồn con reo vui trong Đấng Cứu độ con.
*****

Tiếng chuông nhà thờ đổ, tôi bật tỉnh dậy, ngỡ ngàng và nuối tiếc, tôi vừa thấy Chúa hiện ra và nói chuyện với tôi rõ ràng mà, nhưng không, đó chỉ là giấc mơ. Sáng nay trong Thánh Lễ nhìn lên Thánh giá, tôi thầm nguyện rằng, con sẽ không cộng tác với tội nhân để không đóng đinh Chúa thêm lần nữa, con muốn nói: “Anh phải sống”. 
Trời đổ mưa lớn, mới đó mà sân đã đầy ắp nước, ao cá trước nhà đục xám và gió mạnh làm nước lăng tăng, tôi chợt nhớ đến vợ chồng Lạc -Thức, họ đã lội ngược giòng, tay Thức bồng xốc vợ mình,  anh gắng hết sức còn lại để bơi vào bờ… Tôi thầm phục vòng tay Lạc buông khỏi bờ vai Thức, để anh còn đủ sức bơi vào bờ, nếu không cả hai sẽ chết mất, tư tưởng hy sinh sáng ngời của nàng: anh phải sống, lũ con đang chờ anh… Tôi trở về thực tại, cầu nguyện với Chúa, xin cho con can đảm dám buông bỏ những gì không cần thiết làm nặng cuộc đời con và nặng lòng Chúa. Cho con không sợ giòng nước sâu của đau khổ, của bệnh tật. Giòng nước cuồn cuộn của giòng sông ôm trọn thân xác nàng Lạc và đưa xác ấy về chốn nào vô định, nhưng danh thơm nàng còn lưu truyền theo thời gian. Giòng nước sâu, chảy cuồn cuộn ví như tham sân si bao phủ cuộc đời con Chúa ơi! Đời con như hạt lúa mì gieo vào lòng đất phải chết đi, phải thối đi, nhưng rồi sẽ trổ sinh bông hạt như Thầy Chí Thánh đã qua tử nạn đến phục sinh. Vâng, Thầy Giêsu phải sống trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm trong sứ vụ đem tình Chúa, đem “Tin mừng” đến cho muôn dân của con.
                                                  

 

Tác giả bài viết:         Sr. Vũ Tuyết ( MTG QN)

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây