Thung lũng tình yêu

Thứ hai - 24/01/2022 08:17 223 0
 

THUNG LŨNG TÌNH YÊU


Đặt chân đến Trại Phong Qui Hòa vào một buổi sáng trong khí trời se lạnh của sắc xuân đang tràn về. Bước đến hành lang nhà An Dưỡng lòng tôi như khựng lại bởi ngoài kia người người đang chuẩn bị đón tết với những bàn tay và đôi chân thoăn thoắt đi lại mua sắm, nói cười, tính sổ nợ nần cuối năm…chỉ riêng nơi đây, một bầu không khí tĩnh lặng đến lạ thường. Qui Hòa tọa lạc dưới thung lũng chân núi Ghềnh Ráng, được bao bọc xung quanh là núi và biển, một không gian rất tĩnh mịch, lặng lẽ, dịu dàng và có một chút bí mật. Lặng lẽ vì những ông bà anh chị em nơi đây ngày ngày phải âm thầm chống chọi với cơn đau nhức và sự ăn dần ăn mòn của chứng bệnh quái ác đeo bám. Dịu dàng khi mỗi đêm trăng sáng, virút nhẹ nhàng lẫn quanh để gặm nhấm như một cơn gió thoảng nhưng thật sự đau và nhức. Bí mật vì nếu mỗi người chúng ta không đặt chân đến thì chúng ta không thể nào nhìn thấy, cảm nhận và hiểu thấu được những cơn đau mà họ phải gánh chịu từng ngày, từng giờ trong suốt bao năm qua. Tĩnh mịch vì nơi này ít người qua lại ngoài các nhân viên y tế và những người phục vụ.

Bước đến gần, tiếp xúc với những người đôi tay chỉ còn hai ngón nhưng cũng không trọn vẹn, đôi chân cũng chỉ còn một phần hai, gương mặt trầy trụa… hầu như tất cả những người sống nơi nhà An Dưỡng này cơ thể đã bị hao hụt đi bởi vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Phải chăng họ là những người bất hạnh? Không! Tôi thiết nghĩ họ là những anh hùng vĩ đại nhất đang ở chiến trường ngày đêm phải chiến đấu không những với kẻ địch là trực khuẩn Hansen mà còn chiến đấu tinh thần với những áp lực từ người thân, gia đình, xã hội...Đây là những anh hùng đã gánh lấy những phần thua thiệt nhất để mỗi chúng ta được trọn vẹn nơi thân thể mình. Nếu mỗi người chúng ta cảm nhận được điều này thì chắc có lẽ những ông bà anh chị em chúng ta nơi đây không còn cô đơn, thất vọng. Và Nhà thơ Lê Sáng đã diễn tả được nỗi đau ấy qua những dòng thơ làm cho người đọc hiểu, cảm thông và gần gũi hơn khi nhắc đến thế giới của người cùi, một thế giới mà từ lâu đã bị mọi người xa lánh, sợ hãi, đẩy ra bên lề xã hội:

Ai đã từng nghe! Về thế giới “Làng Phong”
Một căn bệnh lây truyền qua niêm mạc
Họ bị cách ly đến một vùng xa khác
Nơi thưa dân, chịu cuộc sống phế nhân

Thể xác đọa đày đời phân biệt cách ngăn
Khao khát sống họ vẫn còn sinh nở
Những đứa trẻ tạo ra giữa núi rừng đầy gió
Như cây thông, rừng cọ phủ xanh
..............................................
Tên gọi “Làng cùi, Làng hủi, Làng Phong”
Gắn với máu thịt biết bao giờ xa được
Cận cảnh chân tay rụng rời từng khớp
Họ thấy quen! Bởi vì họ giống nhau
(Bệnh Phong - Lê Sáng)

 
Hơn ai hết, chính các nữ tu Phan Sinh là người đã hy sinh cả cuộc đời mình để chăm sóc cho các anh chị em nơi đây. Trước sự hy sinh cao cả đó, mỗi người chúng ta tuy không trực tiếp nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng ta hãy cùng nhau quan tâm, chia sẻ bằng cả tình thương và lòng nhiệt thành để không gian nơi đây thực sự trở thành một “thung lũng tình yêu” đầy ắp tình Chúa và tình người.


 



 

 
 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây