Nơi ấy, Đức tin vẫn sống!
Nt. Anna Đỗ Thị Khuyên
2024-09-10T02:56:32-04:00
2024-09-10T02:56:32-04:00
https://hoidongmtgquinhon.org/doi-tu/noi-ay-duc-tin-van-song-3367.html
https://3.bp.blogspot.com/-OKYxv-Nuor0/UWvsTy9gQeI/AAAAAAAABDs/buInFQrhrJ4/s1600/528394_473176089417398_78954713_n.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
NƠI ẤY, ĐỨC TIN VẪN SỐNG!
- Chú Ba Khải ơi, vùng này xa thật xa nhà chú, mà sao chú biết ở đây có người Công giáo để dẫn các Sơ đến vậy?
- Sơ biết không, con đóng vai người đi mua bò đó.
- Là sao hả chú?
- Thì vầy nè, con thường chạy xe rong ruổi vào các thôn xóm… Con quan sát và nếu thấy đâu đó có một dấu hiệu về đạo của mình là con tìm cách tiếp cận người dân vùng đó, rồi lân la hỏi chuyện… Sơ thấy nấm mộ có cây Thánh Giá ở đàng kia không?
- Dạ thấy!
- Sơ biết không, tuần trước con chạy xe ngang qua thôn này, thấy ngôi mộ có cây Thánh Giá, con nghi khu vực này có người Công giáo, con lập tức dừng xe giả bộ hỏi mua bò, rồi dần dần con hỏi thăm về ngôi mộ đó: “Ngôi mộ đó của ai? Họ theo đạo Công giáo hả? Con cháu của họ còn sinh sống ở đây không?”... Nhờ đó mà con biết ngôi mộ đó là của ông chồng cụ bà này, và biết bà có đạo nên dẫn các Sơ đến đây nè…
Đó là mẩu đối thoại giữa chú Ba Khải (ông biện giáo họ Trung Yên, giáo xứ Đại Bình) với một cô tập sinh, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại ngôi nhà nhỏ bé của một cụ bà thuộc vùng đất Tam Quan.
Cụ bà ấy đã ngoài 90 tuổi nhưng trí óc vẫn còn khá minh mẫn. Bà nói với chúng tôi: “Mấy cô mấy chú biết không, tui bỏ đạo lâu lắm rồi, bây giờ trước khi chết muốn trở lại lắm nhưng con cháu nó không cho, tụi nó sợ. Chỉ có tui và ông nhà tui đã được rửa tội chứ tụi nhỏ thì không. Giữ đạo ở vùng này khó lắm, chỉ có mình theo Công giáo, đi lễ đã xa xôi mà chính quyền còn gây khó khăn nên bỏ luôn”…
Nhận thấy lòng khát khao của bà, những lần viếng thăm mục vụ sau đó, chị em chúng tôi đã gặp gỡ thuyết phục các con cháu bà. Lúc đầu cũng khó khăn lắm nhưng với lời cầu nguyện, Chúa đã biến đổi mọi sự, họ đã đồng ý cho bà được trở lại. Chúng tôi đã mời Cha sở để giúp bà lãnh nhận Bí tích hòa giải và Thánh Thể, và còn lập được cho bà một bàn thờ Chúa nho nhỏ trong phòng để bà đọc kinh hằng ngày. Lúc làm xong bàn thờ Chúa, tôi thấy mắt bà sáng lên một niềm vui diệu kỳ. Ôi, đức tin vẫn sống!
Có rong ruỗi trên miền truyền giáo nơi này, tôi mới thấy được câu chuyện của bà đâu chỉ có một. Biết bao hoàn cảnh sống đức tin giống như bà: Khi thời cuộc thay đổi, đa số người Công giáo di cư đi nơi khác, số tín hữu ở lại thật ít ỏi, ngọn đèn đức tin trong họ như dần lịm tắt vì xung quanh chẳng ai có đạo như mình, nhà thờ lại xa xôi… Con cháu có được rửa tội đi chăng nữa thì lớn lên lại phải kết duyên với người khác đạo, vì đâu ra người có đạo mà kết duyên… Có cụ khi trở lại với Chúa, thì bị con cháu hắt hủi, bắt dọn ra ở một chòi nhỏ giữa vườn, vì chúng sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp của chúng. Đau lòng lắm, xót xa lắm cho các tín hữu nơi mảnh đất này!
Có ai ngờ dải đất Bắc Bình Định ấy (Tam Quan, Gia Hựu, Đồng Quả, Hoài Hương, An Lão, An Chỉ…) từng được xem là “trưởng nữ” của Giáo phận Đàng Trong, theo dòng thời gian, lại trở nên điêu tàn! Số tín hữu chỉ còn là một con số quá khiêm tốn, họ sống rải rác, nhà nọ cách nhà kia chừng 7- 8 km. Tuy nhiên, nơi đây có một sự liên đới đức tin huyền nhiệm: Họ nâng đỡ đức tin cho nhau, các gia đình trẻ liên lạc với nhau để tập hát, và để cùng nhau phục vụ mỗi khi có “Thánh lễ tại gia” ở một gia đình nào đó trong những họ đạo lẻ này. Nơi ấy, các cha mẹ trẻ khuyến khích kêu gọi nhau đưa con đến nhà thờ học giáo lý, dù nhà thờ xa thật xa. Nơi ấy, vẫn có những cụ ông lặng lẽ với chiếc xe đạp vượt qua chặng đường khoảng 20km hoặc đi xe bus để đến dự lễ mỗi Chúa Nhật. Nơi ấy, đức tin vẫn sống! Một đức tin không câu nệ, không hoành tráng về mặt hình thức, nhưng âm thầm lặng lẽ và kiên vững giữa dòng đời.
Những chuyến thăm mục vụ truyền giáo, những dịp ghé thăm di tích còn sót lại của Nhà thờ Gia Hựu, nền đất An Chỉ và nền đất ngôi nhà của chị em Mến Thánh Giá Thác Đá Hạ… tôi như được lần theo dấu vết lịch sử để thấy được một thời đức tin sống động của Giáo phận Đàng Trong. Đến những nơi này, tôi như thấy được bóng dáng Cha tôi (Đức Cha Lambert) và bóng dáng của các chị tôi (chị em Mến Thánh Giá) vẫn đang rong ruổi trên các thôn làng để lễ đẹn, để bán thuốc rong, để đưa Mình Thánh Chúa cho các “tù nhân đức tin” và để tìm kiếm các linh hồn… Từng bước tìm hiểu vùng đất ấy, tôi như thấy được “cảnh tiền nhân và các chị tôi bị bắt, bị thiêu sống trong nhà thờ” sống động trong tâm trí tôi. Và cũng nhờ đi mục vụ nơi này, tôi thấy được những hạt giống đức tin nhỏ bé, khiêm tốn trong “số còn sót lại” vẫn đang lặng lẽ vươn lên, kiên cường tỏa sáng giữa xã hội nhiều thách đố hôm nay.
Thật vậy, đâu đó trong miền đất Bắc Bình Định vẫn còn lưu vết tích của các nhà thừa sai, của tiền nhân, của các chị tôi. Những khó khăn thử thách mà các ngài phải gánh chịu, và nhất là những giọt máu đức tin của các ngài đã và đang âm thầm trổ sinh hoa trái. Cụ thể, trong vùng truyền giáo này, vẫn có những tâm hồn nhiệt thành và thao thức với việc truyền giáo như chú Ba Khải hay các anh chị em Mến Thánh Giá tại thế. Họ đã chung lòng đồng hành với chị em tôi mỗi khi đi dự lễ ở các họ lẻ, họ đã cùng chị em tôi lo tang lễ và cầu lễ cho các tín hữu vùng sâu vùng xa… Có họ đồng hành, chị em tôi thêm an tâm đi sớm về khuya trong công việc mục vụ.
Dù thời đại có thiên biến vạn hóa với biết bao nhiêu kỹ thuật tối tân để phục vụ mọi nhu cầu, thì con người vẫn không thôi khắc khoải tìm về chính nguồn cội của mình là Thiên Chúa. Nhân bài viết này, tôi xin bày tỏ lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc đến chú Ba Khải, người tông đồ truyền giáo nhiệt thành của vùng đất Bắc Bình Định và các anh chị em Mến Thánh Giá tại thế, đã chung lòng cùng chị em tôi đưa các linh hồn trở về với Chúa, giúp đỡ họ hòa nhập với niềm tin sống động của Giáo hội địa phương mình.
Cầu mong cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn vẫn luôn khởi sắc, và nhiều người đáp lại lời mời gọi truyền giáo bằng nhiều cách thiết thực trong đời sống và hoàn cảnh riêng của mỗi ngườì.
( Trích tập sách “ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH ÔLIVÊTÊ”, Trang 193 )
Tác giả bài viết: Nt. Anna Đỗ Thị Khuyên