Những nốt nhạc dừng

Thứ ba - 19/11/2024 00:04 13 0

NHỮNG NỐT NHẠC DỪNG

Chúng ta đang sống trong một xã hội đang trên đà phát triển không ngừng về mọi mặt, nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng cao. Ngày nay quan niệm ăn no mặc ấm hầu như ít khi được con người nhắc đến nhưng thay vào đó là ăn ngon mặc đẹp và ăn mặc sao cho có “đẳng cấp”. Đời sống vật chất là thế, đời sống tinh thần cũng không nằm ngoài quy luật. Trong thế giới của sự hưởng thụ thì âm nhạc là một nhân tố không thể thiếu. Đây là một bộ môn đóng góp rất lớn cho đời sống tinh thần của con người. Vì âm nhạc là một khía cạnh không thể thiếu trong nền văn minh nhân loại từ xa xưa đến nay và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, đạo đức và văn hoá của xã hội. Nhưng để con người có thể thưởng thức được những giai điệu du dương thì cần có người cưu mang và tạo ra nó.

Trong những năm gần đây, ngành sáng tác âm nhạc là một trong những ngành được các bạn trẻ quan tâm và được xem là hợp gu thời thượng. Đây đó xuất hiện nhiều nhạc sĩ đạo cũng như đời với đủ loại dòng nhạc tuỳ theo sở trường và cảm nhận của mỗi người. Nhưng dù loại nào, dòng nhạc nào thì cũng cần có người viết để tạo nên bài hát giúp con người thưởng thức những giai điệu của cuộc sống. Một bản nhạc được xem là hay và hoàn chỉnh thì bản nhạc đó cần có những nốt trầm, nốt bổng; có nhịp nghỉ, nhịp dừng, những cú đảo phách; có nốt tạo âm thanh, nốt lặng im…Vì tất cả những nốt nhạc trong một bản nhạc đều có giá trị, cho dù vang lên hay dừng lại thì mỗi nốt nhạc đều được tác giả trao cho một nhiệm vụ tại một thời điểm nhất định trong một dòng nhạc, để giúp người nghe cảm nhận và thưởng thức sự phong phú của âm nhạc, hay nói cách khác là thời gian của nốt nhạc đó.

Nếu giá trị thời gian của những nốt nhạc được đo bằng thời gian của nhạc lý thì tuổi đời của con người cũng được Đấng Tạo hoá sắp xếp theo quỹ đạo của kiếp nhân sinh. Và hành trình phục vụ của người tu sĩ có lẽ cũng không đi ngoài vòng quay của kiếp nhân sinh ấy. Tu sĩ có những lúc cũng đã từng “vang bóng một thời”, trẻ trung hăng say phục vụ bôn ba đây đó khắp nơi, tên tuổi xem ra nổi như cồn... Nhưng đến lúc người tu sĩ cũng phải “xếp cánh” dừng chân, chấp nhận giới hạn vì tuổi tác, sức khoẻ không còn cho phép. Thế là bắt đầu ngẫm nghĩ về cuộc đời khi xế chiều.
 
Đôi khi chúng ta thường nghĩ và tưởng tượng rằng khi mình về già, vô nhà Hưu dưỡng là chấm hết, ngoài những giờ giấc thiêng liêng nơi nhà nguyện ra chắc chỉ quanh quẩn nơi hành lang hay bên những chiếc ghế đá cũ kỹ đã trải qua bao đời, chiều chiều ngồi tựa đầu nhìn ra cổng, không người thăm, không người nhỏ to trò chuyện, không đi đâu được, không biết gì về thế giới bên ngoài, …không và rất nhiều cái không. Chính những cái không đó làm cho ta có một chút cảm giác sợ đến tuổi già phải về Nhà hưu. Một cách vô tình chúng ta vẽ ra trong bộ nhớ mình những khung cảnh “thời về hưu” chẳng mấy sáng sủa.

Nếu nhìn một cách khách quan là thế đấy, nhưng không! Nghỉ hưu chưa phải là già, chưa phải là chấm hết hành trình phục vụ mà chỉ là một điểm dừng để chúng ta nghỉ ngơi sau một hành trình dài bôn ba phục vụ khắp nơi. Chính vì thế không một tu sĩ nào về hưu là vô dụng nhưng đó chỉ là những nốt nhạc dừng trong một bản nhạc mà người nghệ sĩ tài ba là chính Chúa, Ngài đã tạo thành một bản hoà âm thật vĩ đại trong buổi trình diễn của Ngài. Là nữ tu Mến Thánh Giá, với sứ mạng trung gian chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống, đối tượng nhắm tới là Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh nên cho dù chúng ta về hưu hay đau bệnh chúng ta vẫn đẹp, vẫn vui vẫn nhiệt thành và đầy năng động. Người nữ tu Mến Thánh Giá đẹp trong đau khổ, bệnh tật, thất bại, đẹp trong sứ vụ và đẹp trong cộng đoàn được sai đến, ngay cả khi cộng đoàn đó đối với mình chẳng mấy “ngon lành” nhưng vẫn đẹp, đẹp bất cứ lúc nào, đẹp trong mọi hoàn cảnh. Chức vụ có thể hết, công việc có thể ngừng, tuổi tác có thể già, sắc đẹp có thể tàn phai, danh tiếng trổi trang rồi cũng sẽ lu mờ…nhưng sứ mạng chuyển cầu của người nữ tu Mến Thánh Giá không bao giờ kết thúc. Nay bạn mai tôi ai rồi cũng phải trải qua cánh cửa nhà hưu, ai cũng phải đến ngày nhìn sự bất lực của mình trên chiếc xe lăn, mỗi người mỗi kiểu chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của người khác ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng không thể nhấc cánh tay làm được…Nói đến đây tôi chợt nhớ đến bài thơ “Thời gian” của tác giả Văn Cao, trong thơ ông viết:
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước…


Bài thơ tuy ngắn ngủi nhưng mang một giá trị nhân sinh sâu sắc gợi cho ta nhiều suy gẫm về con người và cuộc sống, về cái hữu hạn và vô hạn. “Thời gian” của tác giả Văn Cao đem đến cho chúng ta một ý nghĩa lớn lao về quy luật của thời gian. Thời gian dẫu vẫn trôi “qua kẽ tay” nhưng những điều đẹp đẽ vẫn còn sống mãi, vẫn “còn xanh”.

Vâng! Vẫn còn đó những điều đẹp và rất đẹp cho dù những ngày tháng chúng ta sống bên nhau có làm cho nhau đau khổ hay phiền toái, nhưng một thoáng nhìn lại trên chiếc xe lăn với tâm trí không còn minh mẫn, chân không còn bước được nửa bước, tai nghe tiếng được tiếng mất, đôi mắt nhìn một thành hai… lúc này chỉ còn lại duy nhất là nụ cười hồn nhiên với những lời tâm sự vu vơ chẳng ăn nhập vào đâu cả. Như một tất yếu, sự hiện hữu của thời gian trong cuộc đời mỗi người là hữu hạn, bởi thời gian ấy so với cái “vô thủy vô chung” của vũ trụ thì hư ảo, mong manh, ngắn ngủi vô cùng! Chính vì thế không phải vô tình mà các thi nhân bao đời cũng đã từng ngậm ngùi xót xa với một cảm nhận đầy chua chát trước ngưỡng cửa của thời gian và thân phận con người. Trong số đó có Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc ông đã từng thốt lên: 
“Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”


Phận người thật mong manh, chóng vánh, phù du nên chúng ta cần tỉnh thức và cố gắng sống một cách tốt nhất, yêu thương tha thứ và dâng tặng những thứ tốt nhất cho nhau bằng những lời nói tích cực, những nghĩa cử chân thành để đến khi ta ra đi để lại những kỷ niệm đẹp nhất cho những người ta đã từng sống và gặp gỡ. Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng người tu sĩ, đặc biệt là người nữ tu Mến Thánh Giá không thể mất và mãi mãi “còn xanh”, đó là niềm tin, tình yêu và lòng trung tín với Đấng Chịu Đóng Đinh bằng chính những khổ chế, hy sinh từng ngày.                    

Bước sang tháng 11, Phụng vụ Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho những người đã khuất, cách riêng là ông bà tổ tiên và những người thân đã ra đi trước chúng ta. Đây cũng là dịp để mỗi người cùng nhau dừng lại để suy gẫm về cuộc đời mình, về giá trị sự sống, về thời gian Chúa đã thương ban, và nhất là về sự chết. Chúng ta thường ví thời gian là vàng, là bạc nhưng có bao giờ ta tự hỏi thời gian là gì không? Cuộc đời mỗi người chúng ta có hai mốc thời gian cố định mà ai cũng phải trải qua đó là ngày ta sinh ra và ngày ta từ giã cõi trần ra đi mãi mãi. Chúng ta không thể tự do chọn lựa hai ngày này nhưng có quyền làm những gì đang diễn ra trong khoảng thời gian đó. Có người mười năm, hai mươi năm, năm mươi năm, sáu mươi năm hay nhiều hơn thế. Nhưng dù dài hay ngắn chúng ta cũng không thể nào thoát qua khỏi quy luật của tạo hoá.

Những chiếc lá xanh rồi cũng tàn tạ theo thời gian. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Có chăng, cái còn lại trong cuộc đời này là tình yêu và lòng bác ái. Thời gian qua mau nhưng chúng ta cần sống chậm. Chậm để nhìn lại, chậm để tránh vội đưa ra những lời phê bình chỉ trích, chậm để phân biệt đúng sai, chậm để bàn hỏi trước khi đưa ra quyết định, chậm để lắng nghe và kiềm hãm những cơn tức giận, chậm để nhận ra Chúa nơi tha nhân… Khi chúng ta ý thức được giá trị của thời gian chúng ta sẽ thấy được bổn phận, trách nhiệm, niềm vui, niềm hạnh phúc và cuộc sống sẽ đầy ý nghĩa hơn. Vì hạnh phúc không phân biệt tuổi tác, công việc hay địa vị nhưng hạnh phúc sẽ đến với những ai nhận ra giá trị của việc mình làm. Và những nốt nhạc dừng không lạc lõng trong dòng nhạc nhưng là bước chuyển tiếp quan trọng để bắt đầu cho một giai điệu mới đầy sức sống và phong phú hơn.
                            
             

Tác giả bài viết: Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây