Giao Mùa

Thứ năm - 21/11/2024 19:30 11 0
 

 GIAO MÙA

Những ngày cuối mùa phụng vụ lòng mình thấy xôn xao, bao cảm xúc hòa lẫn: tâm hồn như được đánh thức, tâm trí gợi nhớ về ngày qua, lòng như nuối tiếc, lương tâm như được thúc bách trở về, ý chí mong sao đáp trả ân tình.

Đánh thức:

Cuối Năm phụng vụ cũng là tháng kính nhớ các đẳng, là tháng mưa bão nhiều ở các quốc gia, nhất là ở Việt Nam đất nước tôi. Thiên tai cuốn nhiều tài sản và người đi không kịp giã từ. Hai năm trở lại đây, chiến tranh cướp đi quá nhiều sinh mạng vô tội. Nhìn vào nghĩa trang, “nhà an bình”… nơi tạm dừng chân của những người “đã ra đi”; thân xác nghỉ tạm ở đó, còn linh hồn thì đến trình diện Chúa, để được phẩm vấn cách riêng, rồi cánh chung. Kết quả cuộc thẩm vấn đó tốt hay xấu; thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục tùy theo cuộc sống lành dữ của mỗi người nơi dương thế này.

Tháng các đẳng được chuyển giao từ mùa thường niên sang mùa vọng, khai mở năm phụng vụ mới, như đánh thức tâm trí tôi: thời gian một năm nữa sắp kết thúc, và tôi đang bước dần đến nghĩa trang/ “nhà an bình” hơn, trạm dừng cuối của tôi. Tôi khẩn nguyện “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (TV 90, 12). Cùng lúc, thời điểm này cũng nhắc bảo tôi, tôi phải làm gì cho tháng ngày giao thoa này, có chương trình gì, quyết tâm làm gì để đáp ứng “rượu mới-bầu da mới” như lời khuyên của các đấng bậc “Cần phải có đối thoại liên tục giữa thực tại và ý tưởng để tránh cho ý tưởng không xa rời thực tại”
[1]. Và tôi cần có thái độ chờ mong nào để mang lại niềm hy vọng chan chứa, với việc làm cụ thể khi mừng kỷ niệm Chúa đến trong “Mùa giáng sinh” năm nay và trong ngày Cánh chung. Ngài đã nhắc tôi ngày ấy “có người được mang đi, có người bị bỏ lại” (x. LC 17, 26-37). Và, “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13, 26-27). Tôi thưa với Chúa: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (TV 90, 17).

Gợi nhớ

Tình Chúa và tình người cho tim tôi reo vui, cho ký ức ghi nhiều dấu ấn đẹp, cho tâm hồn tươi trẻ dẫu khổ đau. Vậy mà, biết bao lần tôi hứa sống tốt với Ngài rồi lại quên, chứng nào tật ấy. Thế nhưng, Ngài vẫn tha thứ cho tôi, nhẹ nhàng khuyên bảo “con về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8, 11b).“Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18). Ngài cũng đề nghị tôi hãy có tinh thần thứ tha và xin anh chị em tha lỗi cho mình, tha thứ không những bảy lần mà đến ‘bảy mươi lần bảy’(Mt 18,22). Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để cho con người có thời gian hối cải “Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt” (Mt 13, 30a). Nhưng dù thương tôi, quảng đại với tôi, không phải để tôi tự do muốn làm gì thì làm! Ngài nghiêm túc sửa dạy tôi, và khuyên tôi phải sống chứng nhân, không làm gương xấu gây cớ cho tha nhân sa ngã, nếu làm cớ vấp phạm cho họ thì tôi phải chịu hình phạt, như cột cối đá ném xuống biển, hoặc chặt tay, chặt chân, móc mắt… các hình phạt nói lên tính cách nghiêm trọng của người gây ảnh hưởng xấu (x. Mc 9, 42-7).

Nói tắt, vì lợi ích cho con người, nên Chúa nhân từ - thương xót, và để thanh luyện- uốn nắn con người. Ngài rất mực công minh - nghiêm túc. Ngài cho con người được tự do nhưng tự do trong sự thật và bác ái.

Nuối tiếc

Nuối tiếc mà xót xa cay đắng điều gì đã mất hay đã lỗi phạm, và bực tức vì sao mình để mất /để sai lỗi, rồi chán nản thất vọng. Đó là nuối tiếc cách tiêu cực, đưa con người đến mặc cảm tự ti. Còn nuối tiếc mà hối lỗi, nhận mình yếu đuối, trách mình sao không cố gắng để duy trì và phát huy điều tốt đẹp, rồi quyết chí sẽ bắt đầu lại và làm tốt hơn điều đã đánh mất/lỡ lầm. Đó là sự nuối tiếc tích cực của lòng sám hối, ăn năn cách trọn và quyết tâm bắt đầu lại để sống đẹp ý Chúa hơn. Câu chuyện chị Thánh Têrêexa Hài Đồng lúc còn tuổi thơ, minh họa cho sự nuối tiếc đáng khen ngợi. Thư gửi chị Pauline - chị của Têrêxa - đề ngày 21-5-1876 kể lại:
“Nó là một đứa bé rất hay xúc động. Hễ nó làm điều gì lỗi, thì ai cũng biết . Hôm qua nó vô ý đánh rách một tí giấy dán tường, thế mà trông nó đến thảm hại, nó nhất định thú tội với Ba. bốn giờ sau, Ba con mới về, chẳng ai còn nhớ chuyện ấy nữa, thế mà nó lon ton chạy lại bảo Marie : “Chị mách Ba là em làm rách giấy đi”. Thế là nó đứng ngay người như tội nhân chờ án quyết, nhưng nó bấm bụng là nếu thú tội thì thế nào cũng được tha”.

Con nhớ một lần, con đang chơi đu vui thích lắm, cha đi qua gọi con rằng: - Công chúa cha ơi, lại hôn cha nào. Không hiểu sao hôm ấy con không muốn lại, con đứng yên đây và thưa hỗn xược : - Cha lại đây kia. Cha đã xử rất phải: Không lại. Chị Marie cũng đang chơi ở đấy, mắng con : - Em không ngoan, thưa cha hỗn thế à? Lập tức, con xuống khỏi đu, nhận mình phải mắng là quá phải. Rồi có tiếng khóc ăn năn tội ầm ĩ cả nhà. Con lên ngay trên gác. Lần này không dám mỗi bước lại mỗi mẹ ơi nữa ; con chỉ để trí nghĩ đến tìm được cha mà làm hòa với cha. Con đã làm hòa được ngay. Một khi con thấy mình đã làm mất lòng cha mẹ, con không thể để thế lâu được. Sự biết nhận lỗi, đối với con chỉ là việc trong giây phút.

Têrêxa nhắc lại, chính mẹ đã kể rõ tính ấy trong truyện sau đây : Có một sáng, mẹ muốn hôn Têrêsa rồi mới xuống gác. Xem như nó còn ngủ mệt, mẹ không dám làm nó thức dậy; song chị Marie nó nói : - Mẹ ơi, con chắc em giả cách ngủ đấy ! Mẹ liền cúi hôn mặt nó, nó kéo ngay chăn lên trùm kín cả mặt rồi nói lụng bụng: "Chẳng cần ai thăm nom con hết!". Me đã không bằng lòng cử chỉ ấy và cũng làm nó hiểu thế. Hai phút qua, đã nghe thấy tiếng khóc, và nhanh không ngờ quay lại mẹ thấy nó đã đứng ỏ bên, nó dậy một mình và đi chân không xuống gác, lụng thụng trong chiếc áo ngủ dài hơn người. Nước mắt đầy mặt, nó lăn vào lòng mẹ van lơn? "Mẹ ơi, lạy mẹ, con láo quá, mẹ tha cho con nhé. Mẹ tha ngay, mẹ lại ôm con bé ngoan vào lòng, ôm chặt và ôm mãi. (Một Tâm Hồn, tr 21-22)
[2].
 
Ước gì đời tôi, đối với Thiên Chúa, với tha nhân, tôi cũng sống tâm tình đơn sơ, chân thành, luôn biết điều sai trái, hối tiếc và xin lỗi làm hòa với Chúa và tha nhân.

Thúc bách trở về.

Thỉnh thoảng, nhất là những ngày giao mùa, tâm trí tôi thường hiện lên nhiều câu hỏi. Tại sao ngươi xin các hồng ân rồi ngươi phung phí các ơn Ta ban, như người con thứ xin chia gia tài rồi đi ăn chơi? Tại sao cứ nghe lời phỉnh gạt để theo những ước muốn bất chính mà không can đảm đứng lên, vượt ra khỏi chính mình, dù nhiều lần Ta đã can thiệp chữa lành ngươi, như đã chữa một phụ nữ còng lưng ngày sa - bát? (x.Lc 13, 10-17); Mắt tâm linh ngươi chưa sáng ra như người mù thành Giêricô, phải chăng vì ngươi chưa có đức tin và thiện chí đủ để cầu xin “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!”. Mặc dù những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn (x.Lc 18, 35-43 ), anh mù này đã bất chấp mọi ngăn trở để đến với Ta, còn ngươi có khao khát và bằng mọi giá đi tìm ánh sáng thiêng liêng soi dẫn đường chân lý? Hoặc, ngươi mong ước được gặp Ta, mà vì bị đám đông trong ‘truyền thông/internet’ hấp dẫn, cuốn hút nên ngươi không thấy được Ta, và ngươi lại cũng không có sáng kiến - như Giakêu để trèo lên cây sung- của đời sống nội tâm/cầu nguyện, nên Ta đã không đến ngự trong tâm hồn ngươi như Ta đã đến thăm nhà Giakêu. Dù vậy, Ta vẫn âm thầm tìm kiếm ngươi và vui mừng dường bao khi gặp thấy ngươi, như Ta đã nói trong dụ ngôn “Con chiên bị lạc” (Lc 15, 4-7); “Đồng bạc bị đánh mất” (Lc 15,8-10). Hẳn ngươi còn nhớ, người cha mong chờ đứa con thứ, đòi chia gia tài, đi phương xa, sống phóng đãng, phung phí tài sản (x. Lc 15, 11-31). Tội nghiệp thay! không gì mỏi mòn bằng khi chờ đợi người mình yêu thương, chưa hiểu mình! Người cha nhìn xa xăm, thấy bóng dáng ai cũng tưởng con mình, nhưng phải từng ngày, từng giờ chờ đợi và ngóng trông. Đến khi con về niềm vui dâng lên khôn tả, không còn nhớ nó đã xúc phạm nặng đến mình, tình cha bao la khiến ông chạy đến, ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để, mặc lại cho nó áo mới danh dự ngày trước, thết đãi cho nó bữa tiệc giao hòa, mời cả làng chia vui rượu mừng, thịt bê hoan hỷ, vì con ông đã chết nay sống lại. Chưa hết, người cha lại quay sang người anh cả để vỗ về, năn nỉ giải thích cho anh hiểu, chứ không ghét bỏ anh, dù anh mang tội nặng chẳng kém gì em. Tội ganh tị với em, làm anh tự hạ mình là người tôi tớ, và đánh mất đặc ân là con của cha. Kết cục, tình yêu của người cha đã làm cho các con của ông được phục sinh trong ơn cứu độ của Đức Kitô.

Tôi tự hỏi, tôi là người con thứ hay con cả, hay cả hai? Tôi có làm cuộc trở về để hưởng Tình Cha, để được hưởng ơn cứu độ của Chúa dành cho tôi ?

Đáp trả ân tình

Có lẽ, hai yếu tố cần có để con người đáp trả ân tình, đó là biết mình được yêu thương, được nhận lãnh, và khao khát sống lòng biết ơn.

Làm sao tôi đáp lại nếu tôi không ý thức tôi đã lãnh nhận. Làm sao tôi yêu thương đáp trả nếu tôi không biết người đã yêu thương tôi là ai và đã thương tôi như thế nào. Đúng là, “vô trì bất mộ”. Cụ thể, người ta hít thở không khí từ bé đến lớn, mấy khi biết ơn Chủ nhân đã cung cấp không khí cho mình. Đến biến cố dịch Covid-19, họ mới nhận ra không khi quá cần và quá đắt để chống lại con virus Corona bé tí ti ăn mòn lá phổi của con người. Một bệnh nhân nghèo vào bệnh viện cấp cứu, được các bác sĩ giảm bớt tiền khi phải thở bằng bình oxy nhân tạo, ông đã cám động nhiều và ca tụng lòng bác ái thi ân. Còn nhân loại đã thở oxy miễn phí bao nhiêu năm rồi, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Mấy ai đã cảm tạ Chúa Trời đã ban cho mình oxy để thở. Vâng, oxy mới chỉ là một điển hình trong muôn vàn ân huệ mà Chúa đã ban cho con người, như trí tuệ, sự hiểu biết, muôn loài vật, thực vật, động vật và mọi thứ…. Đây là điều con người cần phải biết – biết ơn. Mỗi người có lịch sử riêng của mình, những hồng ân theo giòng thời gian cuộc đời. Đó là biết Chúa thương ban ơn, và biết mình đã lãnh nhận ơn gì, vào thời điểm nào, nơi nào, hoàn cảnh may mắn nào mình có được hay tình trạng bi đát nào mình được vượt qua! Đó là ký ức đẹp nhất của con người nói chung, và Kitô hữu cũng như người thánh hiến cách đặc biệt. Bỡi lẽ nếu không có ơn ban từ Đấng Vô Hình quyền năng thì mình đã hư mất, hay không còn sống bình an. Người với người còn bảo nhau: “Ơn ai một chút chớ quên, phiền ai một chút để bên cạnh lòng”, huống chi với Đấng Tạo Hóa, tạo dựng con người và cho con người sự sống. Quên ơn Ngài là con người quên mất cội nguồn, sống vô ơn, làm sao được hạnh phúc!

Lời nguyện con dâng
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã cho thời gian qua các mùa thay đổi: xuân -hạ -thu-đông; Hay mùa vọng/giáng sinh - màu chay/phục sinh-mùa thường niên. Và các tháng kinh nhớ Trái Tim Chúa Giêsu, tháng Đức Mẹ, tháng Thánh Giuse, tháng Các Đẳng… Mỗi mùa, mỗi tháng với ý nghĩa đặc trưng nhưng cùng có điểm chung, nhắc nhở chúng con: “ CÁC MÙA CHÚA ĐỔ HÔNG ÂN, NGÀI GIEO MÀU MỠ NGẬP TRÀN LỐI ĐI”
[3], CON XIN SỐNG TRỌN TÌNH CON THẢO HIỀN.
Xin Chúa tiếp tục đánh thức con khi con ngủ mê trong ý riêng, thành kiến hay chủ quan. Nhắc con nhớ lại những hồng ân, dấu ấn bao kỷ niệm ân tình Chúa ban trong lịch sử đời con, cũng như cho gia đình và người thân của con. Cho con biết nuối tiếc vì đã không ý thức đủ để có lúc con đã sống hờ hững, lãnh đạm, đưa con xa tình Ngài. Nay con muốn yêu Chúa hết lòng - hết sức - hết trí khôn, xin Chúa dùng sức mạnh tình yêu Chúa lôi kéo con, thúc bách lương tâm con, để con trở về, bắt đầu lại từng ngày từng giờ, để con đi trong linh đạo, thực thi sứ mạng mà con đã kết giao với Chúa. Con muốn thưa Chúa như tâm tình của thánh Augustinô “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (TT 1,I,1
)[4]. Con tin, đáp trả ân tình Chúa đã thương con là cộng tác với Chúa để đem hạnh phúc cho chính con, cho muôn người, vì “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng khi cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”[5]. Vâng lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
                                                        
 

[1] Bộ các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ. “Đời thánh hiến và những thách đốTừ sau Công đồng Vaticanô II : Bản Định Hướng”. Học viện Đa Minh. Tháng 05 năm 2018.
[3] Thánh vịnh 65, 12.
[4] Nguồn, https://dongten.net/noi-khac-khoai-cua-thanh-au-tinh-trong-tac-pham-tu-thuat/
[5] Thánh Augustine, Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923. Nguồn: https://ducmelentroi.net/de-cuu-chuoc-con-nguoi-thien-chua-can-den-su-cong-tac-cua-con-nguoi/

Tác giả bài viết:               Sr. Maria Vũ Tuyết

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây