(Kính nhớ hương hồn Bà Maria Monique Nguyễn Thị Hường)
Thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi người chúng ta là thời thơ ấu. Tuổi thơ trong gia đình chúng ta luôn luôn là màu hồng, mẹ chúng ta luôn đóng một vai trò chính yếu và quan trọng của tuổi thơ chúng ta, mẹ vừa là mẹ vừa là thầy đúng như chúng ta thường hát : “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”
Tuổi thơ mình muốn nói ở đây là tuổi thơ của những ngày chập chững vào đời tu. Hồi ấy bắt đầu vào đệ tử 11 tuổi học Đệ Thất (lớp 6). Tuổi vẫn còn ngố ngố, khờ khờ, nhất là như mình xuất thân từ gốc rạ Gò Xoài Gia Hựu đến thành phố Qui Nhơn nên mọi sự đều “mắt chữ O miệng chữ A”. Nếu tại gia đình, mẹ mình dệt nên tuổi thơ của mình thì những bước chân đầu tiên của đời tu, người mẹ tuổi thơ của mình là Bà Monique. Từ cách đi lên đi xuống thang lầu, cách cầm muỗng nĩa như thế nào, mở cái vòi nước ra sao …vv và vv… Cao hơn nữa là cách đọc kinh, tinh thần cầu nguyện, làm sổ thiêng liêng là “tiền thân” cho cách soạn bài gẫm sau này. Tất cả những gì phải có và phải làm trong đời sống tu trì được bắt đầu từ sự ngu ngơ của mình với tấm lòng “Mẹ Hiền” của Bà.
Chiều chiều sau tan học là lớp Đệ Thất cầm cái kéo thật là bự đi theo Bà để cắt cỏ phía trước trường Trinh Vương ngày xưa, quét rác các hàng ổi chung quanh nhà hay là quét lớp. Đó là các công tác mà lớp Đệ Thất mình thích nhất, bởi vì quét rác thì ít, mà hái ổi bỏ vào thùng rác thì nhiều, cắt cỏ nhưng chia phiên ra để vào ăn cơm cháy đã được giấu dưới mấy bao bố dưới chân thang lầu, còn quét lớp thì làm biếng đọc kinh nên cứ đợi đánh chuông đọc kinh chiều thì mới xách chổi đi quét, mà “niềm vui” trong công tác này là lượm mót bánh kẹo học trò nó bỏ quên rồi chia nhau ăn. Khi Bà biết được thì tên nào cũng sợ xanh mặt chắc chắn là bị ăn cơm quỳ, nhưng không, Bà chỉ nhẹ nhàng bảo: “mình đi tu thì muốn làm gì cũng phải xin phép. Đó gọi là từ bỏ ý riêng, hơn nữa có biết sợ vi trùng không vậy? Ổi bỏ trong thùng rác, cơm cháy thì giấu dưới mấy bao bố, còn bánh kẹo rủi các bạn học có bệnh truyền nhiễm thì sao?" Ôi Bà ôi! lúc đó đói bụng lắm nên ý niệm vi trùng nó không thể thắng được cái bụng đang sôi “ột ột” đâu Bà ơi!
Đến khi lên lớp đệ ngũ (lớp 8), đệ tử dời về Gò Thị và vẫn còn ở với Bà nhưng bớt ngố ngố rồi. Học hành thì mình thuộc vào dòng dõi “đầu óc ngu si tứ chi phát triển” nhưng mà những chuyện khác thì “thông minh đột xuất” lắm. Lớp mình tên nào cũng có sẵn cái bót đánh răng, cái lượt hay cái kẹp tóc. Lâu lâu đói bụng thì lên xin phép Bà đi mua đôi dép, cái kẹp, cái bót đánh răng hay cái lược, nhưng thật ra là kẹp cái đó trong túi rồi chạy ra chợ mua 2 đồng kẹo ú, được 20 viên. Bà bán kẹo ú quen mặt mình rồi, thỉnh thoảng lại thêm cho 2 viên nữa, có lẽ vì thấy cái mặt lấm la lấm lét của mình nên thương tình chăng? Mình nhớ đó là thứ kẹo có bột trắng trắng gọi là bột áo, thoa ở phía ngoài, nên ăn xong dính đầy hai bên mép, nó ngọt ngọt và giòn giòn. Ở cái chợ chồm hổm Gò Thị thời đó với tình trạng tài chánh của tụi mình thì xứng kèn xứng trống quá rồi còn gì. Mà này, chỉ mua kẹo ú rồi chạy về chia nhau ăn thôi, chứ không có đi ngang đi dọc đâu đó nhé! Bây giờ nghĩ lại có lẽ cái cảm giác của tụi mình lúc đó và cho đến bây giờ, viên kẹo ú ấy có giá trị và ngon hơn cả chocolate hay kẹo ngoại quốc bây giờ đó, vì đó là kẹo “cứu đói”, kẹo của ký ức tuổi thơ, của tháng ngày má đỏ.
Bà ơi! Bây giờ nếu Bà đọc được những giòng này chắc Bà chỉ mỉm cười hom hem và đơn sơ nói: “Hồi đó qua hổng biết mà Chúa biết”
Rồi chúng mình cũng lớn theo thời gian, chúng mình càng lớn thì Bà càng già cho đến ngày Bà vào nhà Hưu dưỡng, thỉnh thoảng gặp Bà chúng mình muốn gửi Bà một chút gì đó cho Bà bồi dưỡng, thì Bà luôn nói: “Chị Bề trên cộng đoàn rầy, không cho ăn ngọt đâu.” Rồi chị em mình tranh nhau mua chổi lau bụi của Bà, vì đó là niềm vui của Bà, mua cửa trước rồi đem ra cửa sau trả lại. Cho đến những ngày cuối cùng của Bà, lúc Bà không còn nhận ra ai … Với những vết bầm sau lưng, chúng mình đều hiểu rằng: cũng đến lúc mình sẽ xa Bà, một cây đa cây đề của Hội Dòng, một trang sách rất quan trọng trong cuộc đời của chúng mình.
Bà quý mến,
Rồi những tháng ngày nào, những kỷ niệm nào cũng qua đi như đóa phù dung trước gió. Những đám cỏ xanh trước trường Trinh Vương thuở nào, mấy hàng ổi non, mấy cái bao bố “che chắn” cho miếng cơm cháy, những buổi chiều cố tình kéo dài thời gian quét lớp để trốn đọc kinh ngày xưa ấy, đã biến thành chuyện cổ tích; nhưng những lời Bà dạy dỗ chúng con: “Ăn một miếng cơm lạt trước khi gắp thức ăn, nghe chuông buổi sáng là phải mở mắt cám ơn Chúa liền, lượm một cộng rác nhỏ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn”. Những điều Bà dạy đó, không thần học, không triết học, không tâm lý học, nhưng sâu thẳm từ tâm hồn đạo đức, lòng nhân hậu và bao dung của Bà. “Những lời dạy của Bà ngày xưa khi chúng con chập chửng bước vào đời tu đã ăn sâu vào dòng máu chúng con Bà ạ! Bà có biết không, Bà là một giáo sư Thần học của chúng con, một giáo sư không giáo án, không phấn trắng bảng đen, nhưng cả cuộc sống âm thầm khiêm tốn của Bà là một cuốn sách mà chúng con không bao giờ quên Bà ạ!
Những lời dạy thật đơn sơ bình thường ấy, không có gì có thể làm lu mờ trong cuộc đời chúng con, vẫn là một dấu ấn rất đậm nét trong tâm hồn chúng con, tuy bây giờ đã là U80, U70 rồi. Những tâm tình đó và gương sáng của Bà luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dâng hiến của chúng con ngay từ giây phút đầu tiên bước chân vào nhà dòng. Bà mãi mãi là huyền thoại, là ký ức tuyệt vời của TUỔI THƠ CHÚNG CON. BÀ ƠI!