Hiệp hành và “ Ngôn ngữ của trái tim”

Thứ ba - 09/04/2024 21:36 259 0
 
 
Kinh cầu của Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành
(Adsumus Sancte Spiritus):
Lạy Chúa Thánh Thần,
này chúng con đến trước nhan Chúa,
khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.
Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con,
xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con;
xin dạy chúng con lối đường phải đi
và cách bước đi trên lối đường đó.

Chúng con yếu đuối và tội lỗi,
xin đừng để chúng con gây xáo trộn.
Đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm
cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.

Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con
để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu
và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.

Chúng con cầu xin Chúa,
là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời,
trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,
mãi mãi đến muôn đời.
Amen.


 
HIỆP HÀNH VÀ “NGÔN NGỮ CỦA TRÁI TIM”
TU SĨ SỐNG ÂN BAN HIỆP HÀNH

(Cộng đoàn Nhà Mẹ Mến Thánh Giá Qui Nhơn - Tĩnh tâm tháng 4/2024)

Dẫn nhập:

Người Việt Nam chúng ta có câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Nói thì hay vậy, nhưng để “ba cây “Việt Nam” chụm lại” mà cho “thành núi cao” thì không dễ ăn! Cho nên, dư luận xã hội vẫn thường so sánh: Nếu làm việc cá nhân, thì 1 người Việt có thể làm bằng 3 người Nhật; nhưng nếu 3 người Việt Nam cùng làm việc chung với nhau thì hiệu quả thua xa 3 người Nhật Bản cùng chung tay đấu cật; và dĩ nhiên, đây không là chuyện “ngoại lệ” trong sinh hoạt Giáo Hội hoàn vũ nói chung, hay Giáo Hội Việt Nam nói riêng
[1]!
            Trên bình diện “mục vụ vĩ mô” là thế; còn trong lãnh vực mục vụ cấp Giáo phận, giáo hạt, giáo xứ; các cộng đoàn tu trì, các hội đoàn, ban ngành mục vụ… chắc chắn cũng không tránh khỏi những con “virus tự mãn”, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, bè nhóm, phe cánh, một trong những điều cần phải tránh… mà Thượng Hội Đồng thứ XVI về “định hướng Hiệp Hành” (Synodality) đã cảnh báo: “Chữa trị virus tự mãn: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…”
[2].
            Về phương diện con người là thế. Tuy nhiên, chương trình “Hiệp hành” của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đề ra cho toàn Dân Chúa sống và thực hành trong thời đại hôm nay cần phải được Dân Chúa đón nhận và thực thi bằng một tâm thế và thái độ khác, vì các lý do:
– Đây không là một chủ trương, định hướng thần học để mổ xẻ, một “chiến lược tập thể” để đánh giá, luận bàn mà là ân ban, là sự dẫn dắt của chính Chúa Thánh Thần: “là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta có thể bị cám dỗ quên đi rằng chúng ta là những lữ khách và tôi tớ trên con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta. Những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để tổ chức và phối hợp là nhằm phụng sự Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta trên đường. Chúng ta là đất sét trong bàn tay Thợ gốm là Thiên Chúa (x. Is 64,8)”
[3].
– Đây không phải là lúc để “nguyền rủa bóng tối” hay nản lòng với “các vấn đề tiêu cực”… mà là cơ hội để nhận ra ánh sáng và hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần: “Những thách thức, khó khăn và gian khổ mà thế giới và Giáo Hội đang phải đương đầu thì nhiều. Tuy nhiên, nếu chú ý thái quá đến những vấn đề đó, chúng ta sẽ kiệt sức, mất can đảm và bi quan. Nếu chỉ tập trung vào bóng tối, có thể chúng ta sẽ không thấy ánh sáng. Thay vì chỉ chú tâm vào những gì không hay, chúng ta hãy biết nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn”
[4]
– Đây không là một diễn đàn để “tranh luận theo kiểu nghị trường” hay tìm cách “áp đặt ý kiến lên kẻ khác”…mà hậu quả là xé nát sự hiệp nhất; nhưng là biến cố, là con đường để “Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau”
[5]
Tuy nhiên, để có được thái độ đó, tâm thế đó, chúng ta phải cần “đôi mắt trẻ thơ” để biết “ngỡ ngàng” trước ân ban trọng đại: “ân ban hiệp hành”. Trong một thế giới quá già nua vì tự cho mình “biết hết, thấy hết”… để không còn biết ngất ngây trước vẻ đẹp tinh khôi của một cánh hoa đồng nội hay tiếng hót tuyệt vời của chú chim chích chòe, nhiều cộng đoàn Giáo Hội (không loại trừ các cộng đoàn thuộc Dòng Mến Thánh Giá của chúng ta) đôi lúc cũng “già nua trong cách thể hiện” đức tin, thể hiện cách sống đời thánh hiến, nhịp sống cầu nguyện, sống tương quan cộng đoàn, tương quan mục vụ…  mà cứ đinh ninh cho rằng đó là “truyền thống”.
Thật vậy, rất nhiều khi, chúng ta…, chỉ thấy những dịp như “Lễ Vàng Hôn Phối”, “Kim Cương khấn Dòng, “Ngân Khánh linh mục”… là “hồng ân” để không tiếc lời tạ ơn Chúa; hoặc các cộng đoàn, sẵn sàng “mở lễ tạ ơn hoành tráng” nhân dịp “kỷ niệm thành lập”, dịp Khánh thành, cung hiến nhà thờ…, nhưng thử hỏi, mấy ai, mấy cộng đoàn, cảm nhận thực sự, ngỡ ngàng thật sự, ý thức sâu sắc… về “ngày được lãnh bí tích Rửa tội để thuộc về Dân Chúa”, ngày được “Rước lễ lần đầu” để được kết hiệp với Đức Kitô cách trọn hảo, ngày “chịu bí tích Thêm sức” để đón nhận dồi dào ơn Chúa Thánh Thần…? Hỏi thử được mấy người, mấy cộng đoàn long trọng mừng “kỷ niệm ngày khai mạc Công Đồng Vatican II”; hay trong suốt hơn ba năm qua, liệu có một “Thánh lễ tạ ơn nào” được “xin” hay “được cử hành” để tạ ơn Chúa về “ân ban hiệp hành” Chúa dành cho Hội thánh, cho cộng đoàn, cho mỗi người chúng ta!
Thế nhưng, một cách nào đó, trên căn bản đức tin, so với “sự kiện hay ân ban hiệp hành”, thì những cuộc lễ mà đôi khi chúng ta cho là quan trọng, đầu tư tốn tiền tốn của tốn sức.., lại chỉ là “những con sóng phù hoa”, là chuyện phụ! Khẳng định như thế là vì lẽ: “hiệp hành chính là phương cách sống sống và hành động (Modus vivendi et operandi) đặc trưng của Hội thánh, dân Thiên Chúa, vốn biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình khi mọi thành viên của Hội thánh đồng hành cùng nhau, tập họp lại trong đại hội và cùng tham gia tích cực vào sứ vụ phúc âm hóa của Hội thánh”
[6].
Riêng Dòng Mến Thánh Giá chúng ta đây, không biết đã tổ chức học hỏi, đào sâu, áp dụng được bao nhiêu cái “chương trình cao quý và cần thiết” nầy! Trong khi đó, không thiếu những lời kêu gọi, những gợi ý, những tư liệu liên quan đến chuyên đề “hiệp hành”… mà Hội Thánh mẹ hoặc cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi dành riêng cho giới tu sĩ
[7].
Bởi vì, là “phương cách sống và hành động” của Giáo Hội, nên “hiệp hành” không là chuyện thời sự để nổi lên om sòm đình đám rồi im lìm lặng lẽ biến mất (tưng bừng khai trương âm thầm dẹp tiệm…), mà phải không ngừng sinh sôi biến đổi, đâm chồi nẫy lộc, đơm hoa kết trái trong mọi ngõ ngách của nhịp sống đức tin.
Để góp phần cùng mọi thành phần trong Dân Chúa làm cho “hiệp hành” trở nên sống động và hiện thực, xin được chia sẻ một cảm nhận, một xác tín: CHÚNG TA CÙNG MỞ LÒNG ĐÓN NHẬN “HIỆP HÀNH” NHƯ MỘT ÂN BAN QUÝ GIÁ, MỘT “ÂN PHÚC”, như được ghi rõ trong “Tài Liệu chuẩn bị”: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba” (ĐGH Phanxicô). Hành trình nầy, theo ý hướng canh tân Hội thánh được Công Đồng Vaticanô II khởi xướng, chính là một ân phúc mà cũng là một nhiệm vụ…
[8].

I. HIỆP HÀNH: ÂN BAN PHỤC SINH (Trên nẻo Emmau).

Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ (Lc 24,15).

1. Các môn đệ và thảm kịch Thập Giá:

Ngay từ giây phút khởi đầu “thảm kịch thập giá”, cộng đoàn Tông Đồ “tá hỏa tam tinh” bỏ Thầy chạy trốn. Tin Mừng Maccô tường thuật: Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết (Mc 14,50). Và kể từ đó, “Nhóm Mười Một”, và cả “Nhóm Bảy Mươi Hai”, “tan đàn xẻ nghé”; nếu còn một chút tiếc nuối tựu lại ở Giêrusalem thì cũng “co ro đóng cửa cài then trong phòng cách sợ sệt, lo lắng” (Ga 20,19); để sau đó, kẻ thì về biển hồ Tibêriat ở Galilê tìm lại tấm lưới chiếc ghe của ngày nào (Ga 21, 1-3); kẻ thì về Emmau tìm chút bình yên để chuẩn bị sinh kế mới (Lc 24,13-14)…

2. Các môn đệ và ân ban phục sinh:

            Chính trong tình trạng não nề thất vọng và hoàn toàn “lao đao mất hướng” đó, Đức Kitô phục sinh đã thể hiện một loạt động tác mà chúng ta có thể gọi đó là “ân ban hiệp hành” dành cho các môn sinh, được thánh sử Luca tường thuật khá chi tiết: đến gần và cùng đi với họ (24,15), giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh (24, 27), ở lại và đồng bàn với họ (24, 29-30), cử hành Thánh lễ ngay nơi quán trọ (24, 30), ban bình an (24, 36), cùng ăn uống (24, 43), mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (24, 45), sai đi rao giảng và làm chứng (24, 47-48), hứa ban Thánh Thần (24, 49)…
            Vâng, “ân ban hiệp hành” nầy cũng chính là “ân ban phục sinh”; nếu không có ân ban nầy Kitô giáo chắc chắn sẽ không hiện hữu trên trần gian.

3. Ân ban hiệp hành trên nẻo sống hôm nay:

            Giáo Hội muôn nơi muôn thuở, cộng đoàn chúng ta, mỗi thành phần Dân Chúa hôm nay đều cần “ân ban hiệp hành mang chiều kích phục sinh” nầy. Có thể chúng ta cũng đang mỏi mệt, chới với, mất hướng trên bình diện cộng đoàn hay cá nhân, đời tu hay đời thường, gia đình hay giáo xứ, giới trẻ hay giới già…. Vì thế, cần biết bao “ân ban hiệp hành”, ân ban được “Chúa đến và cùng đi”, được Chúa ban bình an, trao ban Thánh Thần và Lời Chúa, được cùng nhau tham dự Thánh lễ, …
Vâng, hiệp hành không là một “ý tưởng mơ hồ, viễn vông” mà là một ân ban để sống sự hiện diện đích thực của Chúa Phục sinh trên mọi nẻo đường cuộc sống; hay theo ngôn ngữ của Vademecum, đó là để “khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta…”
[9].
Khi nhắc đến “ân ban hiệp hành” nầy tôi chợt tới hai cái chết tự tử đau thương của hai thanh niên thiếu nữ Công Giáo giáo xứ Đồng Tre (Giáo phận Qui hơn) cách đây không lâu: cô Hiền, một giáo lý viên, ca trưởng của ca đoàn Đồng Tre và em Nam một thanh niên trong một gia đình Công Giáo nghèo. Cả hai vì mang bệnh hiểm nghèo, đau đớn hành hạ thể xác lẫn tâm hồn…; và cả hai đã tìm cái chết bằng treo cổ tự tử! Nếu quả thật, hai người bạn trẻ nầy xác tín mạnh mẽ vào “ân ban hiệp hành”, vào “hồng ân có Chúa đang đồng hành”, hay tìm được một “người bạn đồng hành nào đó”…, thì tôi nghĩ rằng, hai bạn đã có thể vượt qua. Bởi vì không kẻ nào đặt niềm tin và bám chặt vào một “Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit) mà lại bị Ngài bỏ lại giữa cô đơn và thất vọng, giữa khổ sầu và tăm tối!
[10]. Chính nhờ niềm tin đó mà bao nhiêu người, như chân phước người Hòa Lan, Liguyna (1380-1433), đã anh hùng chịu đựng suốt 38 nằm liệt giường trong mù lòa nhức buốt, hay chị Veronica bị phung cùi mù mắt, cụt tay… mà vẫn vui tươi đón nhận thánh ý Chúa[11]
Ước gì từ hôm nay, mỗi phút giây cuộc đời, trong mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống..,  tôi đều xác tín và cảm nhận: Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với tôi (Lc 24,15).

II. HIỆP HÀNH TRONG “BÀN TIỆC LY CHIỀU THỨ NĂM” – ÂN BAN THÁNH THỂ: 

“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16).

1. Thánh Thể và chiều kích hiệp hành:

Chúng ta biết, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã minh nhiên sống và xác tín chiều kích “hiệp hành” qua việc cùng nhau cử hành Thánh Thể. Đây chính là “giáo lý nền tảng” đã được Thánh Ignatio thành Antiokia chú trọng mà Ủy Ban Thần Học Quốc tế trong tác phẩm “Tính Hiệp Hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh” đã nêu bật: “Cộng đoàn Hội thánh được thiết lập và rõ ràng nhất trong cộng đoàn Thánh thể, do Giám mục chủ tọa, nơi nuôi dưỡng niềm xác tín và hy vọng rằng vào cuối lịch sử, Thiên Chúa sẽ quy tụ trong Vương quốc của Người tất cả các cộng đoàn hiện đang sống và cử hành trong đức tin.”
[12].

2. Sống ân ban hiệp hành qua mầu nhiệm Thánh Thể:

            Vì chúng ta được thường xuyên cử hành Thánh lễ nên phần nào mang tâm lý “quen quá hóa thường”, “gần chùa kêu Bụt bằng anh”…; không còn đón nhận Thánh Thể như một ân ban cao trọng; hay như cách diễn tả và cảm nhận của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể, đó là “quà tặng trỗi vượt”: “Hội thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ…”
[13].
            Quý chị cứ nghĩ xem: có tổ chức nào, có tôn giáo nào, (Phật, Hồi, Ấn, Khổng, Lão, Cao Đài, Thần đạo…), kể cả các hệ phái Kitô Tin Lành…, có được cử hành Thánh lễ như chúng ta! Và cũng có thể nói được rằng: việc cộng đoàn họp nhau cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể chính là sự thể hiện tính hiệp hành rõ nét nhất, cụ thể nhất và đầy đủ nhất. Thật vậy, làm sao tìm được một sinh hoạt, một cử hành mà Dân Chúa thường xuyên họp mặt đông đảo, đầy đủ mọi thành phần, với các nhiệm vụ khác nhau nhưng đều hòa hợp để tạo nên một bản hòa tấu hay “một dàn hợp xướng, một thực tại hài hòa”
[14] tuyệt vời nhất để Tạ ơn Thiên Chúa. Nếu linh mục chủ tế, độc viên sách Thánh, ca đoàn, ban giúp lễ, người cắm hoa, chức việc xướng kinh, người điều khiển âm thanh ánh sáng…; cả ông từ kéo chuông, người mở cửa đóng cửa nhà thờ, các bà các chị quét dọn nhà thờ….; vâng, nếu tất cả mọi người đều trân trọng giá trị tuyệt vời của “ân ban Thánh Thể” và làm trọn hảo vai trò của mình thì chúng ta sẽ có một “Thánh lễ mang chiều kích hiệp hành tuyệt vời”!
            Cũng đừng quên, khi Giuđa Iscariot lìa bỏ “Bàn Tiệc Thánh Thể” để ra đi một mình, đánh mất sự “hiệp hành với anh em” trong “mái ấm tiệc ly”, cũng là lúc “bóng tối sụp xuống” trên lối bước của ông; và bóng tối đó đã dẫn đưa ông tới cái chết thất vọng! Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối (Ga 13,30).
            Ước gì từ hôm nay, Thánh lễ không còn là chuyện cá nhân; và việc tôi dâng lễ, dự lễ không là việc riêng cá nhân tôi mà là một hành vi “hiệp hành với chính Đức Kitô và Nhiệm Thể Ngài”, như cách diễn tả khác của Thánh Phaolô Tông đồ: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16).
          Hiến Chương của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn năm 2011 đã dành riêng các số: 36 triệt 1; 54 triệt 3 và 56 triệt 1 để nhấn mạnh vai trò của “Bí tích Thánh Thể”, việc “tham dự Thánh lễ” và ‘Tôn thờ Thánh Thể” trong nhịp sống cầu nguyện cũng như trung tâm của đời sống cộng đoàn
[15].

III. HIỆP HÀNH: ÂN BAN RỬA TỘI (Thuộc về Hội Thánh): 

Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (Cv 2,42).

1. Khi “viên ngọc quý” bị xem thường:

Trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay, ở ngoài đời, ai cũng mong ước được làm trong một công ty, xí nghiệp lớn, có lương cao…; nhất là công ty ngoại quốc. Trong khi đó, với một số người, được kết nạp vào Đảng Cọng Sản đó là một vinh dự lớn lao và là con đường tiến thân chắc chắn nhất. Tôi nghe, có người giáo dân lên khoe cha sở với một niềm tự hào: con của con mới được kết nạp vào đảng! Trong khi đó, không biết được bao nhiêu người chúng ta tự hào và hãnh diện vì mình là Kitô hữu, là người Công Giáo; thậm chí, cũng không phải là không có người, sẵn sàng giấu cái lý lịch “Công Giáo” của mình để khỏi bị phiền phức hay để tìm kiếm một lợi lộc gì đó!

2. Thuộc về Hội thánh: một ân ban cao quý:

            Nêu lên các sự kiện có vẻ “oái ăm” trên là để chúng ta hôm nay cùng ý thức lại, xác tín lại một ân ban cao trọng mang chiều kích hiệp hành đó là “ân ban được thuộc về Hội thánh” qua nhiệm tích Rửa Tội; được thuộc về một tổ chức, một đoàn dân, một hàng ngũ… mà không một tổ chức, công ty, xí nghiệp, đảng phái nào ở trần gian nầy sánh bằng, như xác tín của Thánh Tông Đồ Phêrô: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2, 9-10).
          Riêng với chị em Mến Thánh Giá, chúng ta được thuộc về một “đại gia đình đích thực bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, được quy tụ nhân danh Chúa Giêsu Kitô Tử nạn Phục Sinh” (HC số 36, triệt 1) mà điểm quy chiếu và phương thế thực hiện chính là Thánh Thể và Mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Đức Kitô: “Chị em phải đặt bí tích Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn và cùng nhau sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô: thông phần vào cuộc khổ nạn của Người, đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh qua việc thực thi đức ái huynh đệ” (HC, số 36,triệt 2).  
            Phải chăng, đó cũng chính là sự biểu hiện rõ nét chiều kích hiệp hành của Hội Thánh, như cách cắt nghĩa của Thánh Gioan Kim Khẩu mà Ủy Ban Thần học Quốc tế đã ghi lại: “Chẳng hạn, thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng Hội thánh là “từ đồng nghĩa với việc ‘cùng nhau tiên bước’ (synodus). Ngài giải thích rằng Hội thánh thực sự là một cộng đoàn được triệu tập để tạ ơn và vinh danh Chúa giống như một dàn hợp xướng, một thực tại hài hòa nối kết mọi thứ lại với nhau, vì nhờ những liên hệ hỗ tương và có trật tự, những người tham gia hòa chung trong đức ái và sự đồng thuận”
[16].

3. Sống ân ban hiệp hành bằng “nhân đức Giáo Hội”:

            Nếu mọi thành phần Dân Chúa, mọi thành viên của Hội dòng, đều trân trọng cái “ân ban được thuộc về Hội thánh”, được thuộc về một “đại gia đình tình thương” này thì làm gì có chuyện chia rẽ nội bộ, bất hợp tác, bề trên bề dưới kết án, nói xấu lẫn nhau, không tha thiết với công việc chung, mạnh ai nấy làm theo ý riêng, gây gương mù gương xấu vì lỗi đức công bằng, xem thường Giáo luật… Vì thật ra, sống “ân ban được thuộc về Giáo Hội” không chỉ dừng lại ở chỗ tự hào vì phẩm giá cao cả hay bảo vệ phẩm giá đó cách an toàn, mà cò hơn thế nữa, phải trở thành một “nhân đức”, một lối “ứng xử đức tin thường xuyên và nhuần nhuyễn”. Vâng, phải trở nên một “con người Giáo hội”, phải sở hữu một “nhân đức Giáo hội”!
            Ước gì trong ánh sáng của “ân ban hiệp hành” nầy, mọi người chúng ta cùng trở về với cách “hiệp hành” tuyệt hảo của anh chị em Kitô hữu thuở ban đầu như sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42).

IV. HIỆP HÀNH: ÂN BAN ĐƯỢC SAI ĐI (Sứ vụ truyền giáo): 

“Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21,3).

1. Nhóm Mười hai và con thuyền Phêrô:

Vào thời điểm Chúa phục sinh, Tin Mừng Gioan có thuật chuyện một nhóm Tông đồ cùng với Phêrô lên thuyền đi đánh cá. Mới nghe qua, cứ tưởng đó chỉ là một hoạt động bình thường của “xóm làng chài Tibêriat”! Nhưng khi đọc kỹ, câu chuyện nầy, nhất là mệnh đề nầy “Chúng tôi cùng đi với anh”, lại cưu mang nhiều ý nghĩa thâm thúy liên quan đến câu chuyện “hiệp hành”, như cách thuyết minh của Tài liệu chuẩn bị: “Quả thực, việc chúng ta “cùng nhau gieo bước hành trình” là điều thể hiện và chứng tỏ rõ nhất bản chất của Hội thánh như là dân Chúa lữ hành và truyền giáo” (TLCB số 1).
            Được “đi chung với nhau”, nhất là “đi chung trên con thuyền của thánh Phêrô”, hay “đi chung với “Nhóm Mười Hai” và có Đức Kitô ở giữa không là “chuyện đơn giản” mà là một ân ban cao trọng của Chúa ban cùng với sự nỗ lực và đáp trả của con người. Chúng ta đừng quên chàng thanh niên giàu có, đạo đức… đã “sụ mặt xuống buồn rầu bỏ đi” vì không đáp ứng được “đề nghị của Chúa Giêsu” (Mc 10,17-22). Không phải chúng ta “chọn đi theo Chúa”; nhưng chính Ngài chọn gọi chúng ta: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15,16).

2. Các Tông đồ hiệp hành ra khơi:

            Hình ảnh các tông đồ đi chung trên con thuyền Phêrô (Hiệp thông), mỗi người chia sẻ các công việc, các thao tác đánh cá (Tham gia) và với mục tiêu “ra khơi buông lưới” (Sứ vụ), quả thật đã diễn tả khá đầy đủ nội hàm và ý nghĩa của “Hiệp hành”, như cách cắt nghĩa của Vademecum: “Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng là những trụ cột quan trọng của một Hội thánh hiệp hành. Không có thứ bậc giữa chúng. Thay vào đó, mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Giữa ba chiều kích này tồn tại một mối tương quan năng động, cần phải được hiểu rõ mối tương quan này cùng với cả ba chiều kích của nó”
[17].

3. Truyền giáo và ơn gọi thánh hiến:

3.1. Căn tính đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo:

“Chiều hướng truyền giáo này được thực hiện đặc biệt trong đời thánh hiến. Quả thế, đừng kể những đoàn sủng riêng của các tu hội dấn thân cho sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại - ad gentes - hoặc hoạt động tông đồ, người ta có thể nói rằng chiều hướng truyền giáo nằm ngay trong lòng mọi hình thức tận hiến. Trong mức độ người tận hiến sống một cuộc đời hoàn toàn hướng về Chúa Cha (x. Lc 2,49 ; Ga 4,34), chịu Đức Kitô chiếm hữu (x. Lc 24,49; Cv 1,8 ; 2,4), họ cộng tác hữu hiệu vào sứ mạng của Chúa Giê-su (x. Ga 20,21), góp phần sâu sắc đặc biệt vào việc canh tân thế giới”
[18].
          Sứ vụ truyền giáo cũng được Hội Dòng Mến Thánh Giá chọn lựa như “bản chất cốt yếu” của mình: “Dòng Mến Thánh Giá gồm những chị em được thánh hiến để sống giao ước tình yêu với Thiên Chúa, vừa chiêm niệm vừa hoạt động… và hướng về sứ mạng truyền giáo cho lương dân” (HC, Chương I Căn tính, Điều 2 Bản chất, tr.25-26). (x. HIẾN CHƯƠNG Chương VI, Đời sống Tông đồ).
3.2. Đời sống thánh hiến: dấu chỉ sống động cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới:

“Những người tận hiến sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa, nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người toàn thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ có, bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở thành một dấu chỉ trung thực về Đức Kitô trong thế giới. Lối sống của họ phải phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ thường im hơi lặng tiếng”
[19].

3.3. Chiều kích “cánh chung” của đời thánh hiến là lời rao giảng thuyết phục cho một thế giới tục hoá:

“Bởi vì ngày nay, các mối ưu tư hoạt động tông đồ ngày càng có vẻ cấp bách hơn và sự dấn thân vào các công việc trần thế ngày càng thu hút hơn, nên cần đặc biệt lưu ý về bản chất cánh chung của đời thánh hiến… Với cái nhìn gắn chặt vào những thực tại của Chúa, người tận hiến nhắc nhở rằng “trên đời này, chúng ta không có đô thành bền vững” (Dt 13,14), bởi vì “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20). Điều cần thiết duy nhất là tìm kiếm “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” …”
[20].

4. Truyền giáo và ơn gọi của nữ tu Mến Thánh Giá:

4.1. Hồng ân thánh hiến gắn liền với sứ vụ của Đức Kitô và được thực hiện qua đời sống phù hợp với mầu nhiệm Thập Giá là chọn lựa của đấng sáng lập (HC điều 67).

4.2. Thực hành truyền giáo:
- Phục vụ dân thánh Chúa trong chính cộng đoàn và trong môi trường sống” (HC Điều 68).
- Hiệp thông với Giáo Hội địa phương (HC Điều 69).
- Hiêp thông với Hội Dòng và các cộng đoàn khác (HC Điều 70)
- Sáng tạo và trung thành trong thích ứng (HC Điều 71).
- Truyền giáo và định hướng tnh thần: Kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, hiệp thông với Giáo Hội, chia sẻ cảm thông với mọi người và noi gương Mẹ Maria (HC Điều 72).
- Cụ thể với 4 nhiệm vụ: Giáo dục, Bệnh nhân, Trẻ em, Nữ giới (HC Điều 73).

5. Ân ban hiệp hành và sứ vụ truyền giáo hôm nay:

            Ngày hôm nay, với trào lưu “tục hóa”, với làn sóng “chủ nghĩa cá nhân” và “hưởng thụ”, với lối sống tự do buông thả…, rất nhiều Kitô hữu không còn muốn “cùng lên con thuyền của Thánh Phêrô”; và nếu có “lỡ lên”, thì cũng sống và hành xử cách ích kỷ, vô trách nhiệm; và không tha thiết gì đến chuyện “chèo ra chỗ nước sâu để buông lưới bắt cá”.
Chính vì tâm thức đó, lối sống và hành xử đức tin đó mà “con thuyền Giáo Hội” cứ mãi chông chênh; nếu có tiến đi thì cũng chậm chạp, mệt mỏi. Đâu đâu cũng diễn ra tình trạng thiếu hụt ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến; các ơn gọi phục vụ cộng đoàn: Hội đồng mục vụ, ban chức việc, giáo lý viên, ca đoàn, các hội đoàn… tất cả đều lưa thưa èo ọt! Hầu hết, thấy đó chỉ là những công việc và trách nhiệm dành cho “nghề tay trái”; hay là dịch vụ “thứ yếu” sẽ “bố thí” cho Giáo Hội, cho cộng đoàn sau khi đã hoàn thành chuyện cá nhân, gia đình, công ăn việc làm, học hành thi cử…
Chính vì thế, toàn Dân Chúa tha thiết cầu nguyện để Hội thánh, để mọi thành phần trong Giáo Hội, đón nhận dồi dào “ân ban hiệp hành”, ân ban được “đi chung trên con thuyền của thánh Phêrô”. Vì chưng “hiệp hành là con đường qua đó Hội thánh có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới, như nắm men làm cho nước Thiên Chúa mau đến”
[21].

 
~~~000~~~


Kết: Cần “ngôn ngữ của trái tim”:

          Khi nói đến chuyện “ân ban”, tôi chợt nhớ có một chứng từ khá ấn tượng về một bà già nhà quê đã cảm nhận hết mình về “ân ban được làm con Chúa”…
Có một Giám mục trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm một bà lão. Người ta nói  bà là tấm gương cầu nguyện sốt sắng cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám mục hỏi: “Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất? - Thưa Đức Cha, con không biết đọc – bà cụ trả lời. Nghe thế vị Giám mục hỏi: “Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà”? Thấy vị Giám mục muốn biết bí quyết của mình, bà thật thà thưa: “Thưa Đức Cha, con chỉ biết tràng hạt  thôi: kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Tin kính. Mỗi ngày con khởi sự đọc tới 10 lần, nhưng thường thì con không đọc xong.
- Tại sao thế? – Bà cụ thưa: “Tại vì khi bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con... con không hiểu tại sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi Ngài là Cha. Điều đó làm con bật khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được”. …
[22].
          Chúng ta đã biết bao lần đọc kinh Lạy Cha nhưng có được lần nào cảm nhận cái hồng ân “được gọi Chúa là Cha”, được làm con cái Chúa cách sống động và chân tình như bà cụ giáo dân nhà quê chưa? Chắc là chưa. Ngày hôm nay, hình như có quá nhiều người không còn cảm nhận, ý thức sự cao cả, vĩ đại của “ân ban Thánh Tẩy”, “ân ban được làm con Chúa”, “ân ban được thuộc về Hội Thánh” !
Rồi một câu chuyện khác… Có một lần tôi đưa Mình Thánh Chúa cho một cụ già bỏ đạo đã lâu mới được hợp thức hóa; vừa rước lễ xong, ông cụ xít xoa với một vẻ cảm động đầy tôn kính đã thốt lên “tui thương Chúa quá”! Đấy. Một người lâu lâu mới được rước Chúa Giêsu Thánh Thể đã cảm nhận “ân ban Thánh Thể” cách trọn hảo và trọn tình, gần gũi và thân thương đến thế! Còn chúng ta, giáo lý về Thánh Thể thì rất rành, ngày nào cũng được dâng lễ, rước lễ…, nhưng hỏi mấy ai có được tâm tình sốt mến trước “ân ban vĩ đại nầy”, “ân ban Thánh Thể”.
Cách đây mấy năm, tôi có về một giáo điểm sát biển thuộc giáo xứ Thác Đá Hạ để tham dự Thánh lễ An táng một bà cố của một nữ tu thuộc tu hội Thừa Sai Tình thương (Xuân Lộc). Được biết, ông bà cố đều đã nhập tịch Mỹ, là công dân Mỹ cùng với cả gia đình. Tuy nhiên, vì muốn trở lại để truyền giáo cho bà con vùng biển quê hương Hoài Hải, toàn là lương dân hoặc đã bỏ đạo, nên đã quyết tâm bỏ lại mọi tiện nghi nơi “thiên đàng Mỹ quốc”, để về “cắm dùi” nơi một vùng heo hút giữa đám lương dân… Quả thật, ông bà cố nầy đã tha thiết làm sao với “ân ban truyền giáo”, “ân ban được làm tông đồ, chèo ra chỗ nước sâu để buông lưới bắt cá”… Trong Giáo Hội hôm nay không biết có được bao nhiêu người tha thiết với cái “ân ban truyền giáo” nầy!
Và câu chuyện sau cùng lại là tâm sự của một nữ tu khi cảm nhận được thế nào là bước đi “hiệp hành với Đức Kitô chịu đóng đinh khi chứng kiến phút giây cầu nguyện của một người chị em đang trong cơn bệnh nan y: “Không ai rõ hơn Hồng những đau khổ đang len lỏi trong thân xác của Hồng từng ngày. Lúc này chắc hẳn Hồng dựa mình vào Chúa nhiều hơn, xin Người giúp sức cho mình để có thể kết hiệp mật thiết với Chúa, dễ dàng chấp nhận khổ đau bệnh tật. Quan trọng là Hồng đã biết dâng lên Chúa những đau khổ và chấp nhận đau khổ như món quà quý, để Hồng ngày càng ý thức về sự mỏng dòn của thân xác mình… Chúng tôi cùng nhau đọc câu tâm niệm: “Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”. Tôi thấy mặt Hồng dịu đi nhiều và đầy niềm tin để tiếp tục sống với những đau khổ của kiếp người…”
[23]. Khi chia sẻ những tâm tình nầy, chắc chắn người nữ tu tác giả đã thật sự cảm nghiệm cái “ân ban có Chúa đồng hành”, ân ban được làm “bạn hữu với Chúa”… Nếu mọi người Kitô hữu, đặc biệt, những người sống bậc vợ chồng, mọi tu sĩ, mọi linh mục… đều sống trọn hảo cái ân ban nầy thì làm gì có chuyện thắt cổ tự tử, đổ vỡ hôn nhân, thất bại đời tu, linh mục hồi tục…
Quả thật, tất cả những câu chuyện trên đều là những chứng từ về những cuộc sống thấm nhuần ân ban hiệp hành: ân ban được được làm con Chúa, được thuộc về Giáo Hội như bà cụ nhà quê khi đọc kinh Lạy Cha dang dở, ân ban yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể của một cụ ông mới trở lại đạo, ân ban được truyền giáo như ông bà cố của một nữ tu ở Hoài Hải, như chị nữ tu Hồng đón nhận Chúa Kitô bị đóng đinh trong thân xác bệnh hoạn…
Và như thế, ân ban hiệp hành mãi mãi cần thiết cho cuộc đời Kitô hữu, cho Giáo Hội, cho các cộng đoàn tu trì; một sự cần thiết mà chị Têrêxa Lê Thị Kim đã thâm thúy gọi tên là sống “ngôn ngữ của trái tim” qua một giây phút “hiệp hành tuyệt vời” của cộng đoàn khi xúm xít giúp nhau ngăn bị ong chích: “Vâng, trên mọi nẻo đường đi lối về của cuộc sống đời thường nơi mỗi một con người, cũng như nơi người thánh hiến, cần lắm “ngôn ngữ của trái tim”. Cần lắm “bàn tay trao áo mưa”… và cần lắm bờ vai chung chia, đôi chân kiên vững chia sớt phần nào những “mũi ong chích găm chặt vào da thịt” khi bầy ong đang tua tủa “vây đốt” chị em mình… Cần lắm những đêm trường chăm sóc chị em khi đau bệnh… và cũng cần lắm sự trân quý nhân vị, sự sống, ơn gọi của chị em, cùng với gia sản của Đấng sáng lập, tinh thần Hội Dòng để cùng nhau tiến tới…”
[24].
          Vâng, sống “ân ban hiệp hành”, đơn giản, đó chính là mỗi ngày sống tâm tình và thái độ “cần”: cần Chúa và cần dành cho nhau “ngôn ngữ của trái tim” !

Giuse Trương Đình Hiền.
 

[1] Bằng chứng cụ thể là, đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng Giáo Hội Việt Nam, cho đến mãi hôm nay, chưa có một Bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mang chiều kích “đại diện chính thức cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam”, mà chỉ có các bản dịch của cá nhân hoặc nhóm nầy nhóm nọ; mặc dù Giáo Hội Việt Nam có dư đội ngủ chuyên viên Kinh Thánh, Thần học, Giáo luật, Phụng vụ, văn chương, ngôn ngữ… với học vị bằng cấp mang đẳng cấp quốc tế !
[2] CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH (VADEMECUM FOR THE SYNODE ON SYNODALITY), tiểu mục 2: Các nguyên tắc của một Tiến trình hiệp hành (Sau đây sẽ dùng VADEMECUM).
[3] Sđd.
[4] Sđd.
[5] Sđd.
[6] TLCB, sđd, số 10, tr.13. (x. UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), Tính Hiệp Hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch, nxb Đồng Nai 2021, số 6, tr. 14).
[7] Sau đây là một số các tư liệu, bài viết về “Hiệp hành” liên quan đến tu sĩ:
- Thư hướng dẫn những người sống đời thánh hiến tham gia thượng hội đồng giám mục về tính hiệp hành, Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm Chuyển ngữ từ: Synod.va (17/01/2022), website https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-huong-dan-nhung-nguoi-song-doi-thanh-hien-tham-gia-thuong-hoi-dong-ve-tinh-hiep-hanh-44453.
- Giá trị của hiệp hành trong đời thánh hiến, Nữ tu Ngọc Lan, FMM, website https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/gia-tri-cua-loi-song-hiep-hanh-trong-doi-thanh-hien-46545.
- Nét đẹp của tu sĩ hiêp hành, Lm. Giuse Phạm Văn Bình, OFM, website https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/net-dep-cua-tu-si-hiep-hanh-46506.
- Tính hiệp hành trong đời sống nữ tu theo linh đạo mến Thánh Giá, nt. Lucie Nguyễn Thị Thanh Lan, MTGQN, website https://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/tinh-hiep-hanh-trong-doi-song-cua-nguoi-nu-tu-theo-linh-dao-men-thanh-gia-5562.html.
- Hiệp hành trong sự đa dạng, nt. Anna Hiền Linh, MTGQN, website https://gpquinhon.org/q/dong-mtg-qui-nhon/hiep-hanh-trong-su-da-dang-5367.html.
[8] TLCB, sđd, số 1, tr. 2.
[9] VADEMECUM, 1.3: Mục đích của Thượng đồng nầy nhắm đến. Các mục tiêu của tiến trình hiệp hành.
[10] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô đang sống), số 125: Nếu như Người đang sống, thì quả thật Người có thể hiện diện trong cuộc đời của con, ở mọi lúc, để ban ánh sáng chan hòa trên cuộc sống con. Như vậy chúng ta sẽ không bao giờ còn cô đơn và bị bỏ rơi nữa. Ngay cả khi mọi người bỏ đi, Người sẽ vẫn ở đó, như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người lấp đầy mọi sự bằng sự hiện diện vô hình của Người, và bất cứ nơi nào con đến, Người sẽ chờ đợi con ở đó. Bởi vì không những Người đã đến, mà còn đang đến và sẽ tiếp tục đến mỗi ngày để mời con tiến bước đến một chân trời luôn mới mẻ.
[11] LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHỊ VERONICA PHONG CÙI:
Lạy Chúa, Chúa đến đòi con tất cả,
Và con đã tận hiến cho Chúa toàn thân.
Hôm xưa con mê đọc sách, nhưng giờ này con đã mù loà.
Con thích chạy nhảy trong khu rừng hoang vắng,
Nhưng hiện nay hai chân con đã thành bất toại!
Con thích đi hái những bông hoa dại dưới nắng trời xuân,
Nhưng ngày nay hai bàn tay ấy không còn nữa!
Là phụ nữ, con ưa nhìn mái tóc mây mượt mà óng ả,
Nhìn những ngón tay mềm mại xinh đẹp,
Nhìn tấm thân liễu đào kiều diễm.
Nhưng giờ này trên đầu con không còn một sợi tóc,
Những ngón tay mịn mà của tuổi giai nhân ngày xưa,
Hôm nay chỉ là những thanh gỗ nhỏ khô cứng!
Lạy Chúa, xin nhìn đến thân con hồi nào mỹ lệ,
Hôm nay đã tàn tệ, nhưng con không dám trách than:
Con tạ ơn Chúa, và ngàn đời con sẽ hát lời ca ngợi.
Và giả như con có chết đêm nay đi nữa,
Con tin chắc đời mình đã được sung mãn dồi dào.
Là vì sống bằng tình yêu, con được quá những gì lòng con ước nguyện.
Lạy Cha chí nhân,
Với đứa con Veronica, Cha đã quá nhân từ hiền hậu.
Quỳ hôm nay, con cầu cho những ai phong cùi trong thể xác,
Nhưng nhất là những ai "phong cùi" trong tâm linh nội diện:
Vì họ có thể đổ xô, gục ngã, tàn phế, tiêu tan:
Chính những lớp người này con càng thành tâm yêu mến,
Và trong âm thầm con nguyện hiến đời mình cho họ,
Bởi vì họ với con là anh chị em một nhà!
Lạy Chúa của lòng con yêu mến thiết tha,
Con dâng lên Chúa tấm thân phong cùi thể xác này,
Để cho họ không còn phải nếm phiền muộn, đắng cay,
Không còn phải lạnh lẽo và khổ đau chua xót,
Vì chứng phong cùi ghê gớm xâu xé tâm linh họ!
Lạy Cha chí nhân,
Con vẫn là đứa con gái bé bỏng thân tình,
Xin cầm tay dẫn con đi, như người mẹ dẫn đứa con thơ dại;
Xin xiết chặt con vào trái tim Cha đang rộng mở,
Như người Cha ấp ủ đứa con nhỏ bé hồi nào!
Xin cho con chìm sâu trong đáy huyệt lòng Cha,
Ở mãi trong đó với những người con yêu thương trìu mến,
Vì ở đó là hạnh phúc thiên đàng trường sinh vĩnh cửu!
Cảm ơn Cha.
[12] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), sđd, số 25, tr. 29-30.
[13] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp về Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia), số 11.
[14] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), sđd, số 3, tr. 11
[15] HIẾN CHƯƠNG HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN, Năm 2011, Chương III Đời sống cộng đoàn, tr. 47; Chương IV Đời sống cầu nguyện, tr. 56-57.
[16] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, sđd, số 3, tr. 11.
[17] VADEMECUM, 1.4
[18] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn ‘Đời sống thánh hiến” (Vita Consecrata), số 25.
[19] Sđd.
[20] Sđd, số 26.
[21] Sđd.
[22] LM. GIUSE ĐINH LẬP LIỄM, suy niệm 7: Chúa dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, website http://www.gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-tu-05102022-thu-tu-tuan-27-thuong-nien-chua-giesu-day-loi-cau-nguyen.html
[23] BAN VĂN HÓA HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN, Đường lên đỉnh Ôlivêtê, Tủ sách Nước Mặn 2021, bài “Ánh Sao đêm” của Anê Lê Thị Minh Hà, tr. 89-92.
[24] Sđd, bài Lưu sống ngôn ngữ trái tim: “Làm sao đây”? của Maria Têrêxa Lê Thị Kim, tr. 188-192.

 
 

Tác giả bài viết: Lm Giuse Trương Đình Hiền

 Tags: Tài liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây