Nữ tu với chuyện giàu nghèo

Chủ nhật - 21/01/2024 07:15 263 0
 

NỮ TU VỚI CHUYỆN GIÀU NGHÈO
(Giải Ba)
Trích trong tập Đường lên đỉnh Ôlivêtê ( trang 197)
TUYỂN TẬP GIẢI VĂN THƠ
MỪNG NĂM THÁNH 350 NĂM
DÒNG MẾN THÁNH GIÁ ĐÀNG TRONG - QUI NHƠN
(1671-2021)


Khấn trọn xong, chị đã ngoài ba mươi. Năm đó chị được gửi đi mục vụ tại một thành phố xa lạ. Chuyến đi này cam go và nhiều thử thách. Chị có lo, có sợ nhưng hành trang chị mang theo chính là niềm tin tưởng phó thác. Chị biết Đấng yêu thương chị không để chị một mình. Gia đình Hội dòng sẽ đồng hành cùng chị.

Năm ngày trong tuần chị làm việc với những người tạm gọi là trí thức và có điều kiện. Họ làm việc chăm chỉ, sáng tạo và năng động. Vài người trong số họ cũng “tận tâm” trong việc hưởng thụ cuộc sống mà họ cố gắng tạo ra cho mình. Thế giới của họ có một chút xa hoa và đầy vẻ lịch sự. Họ là những người bạn tốt, đồng nghiệp tốt đối với chị. Hai ngày còn lại trong tuần, chị lặn lội với người nghèo, nghèo cả vật chất, sức khoẻ, tâm lý, tinh thần, học thức, tầng lớp xã hội… và nghèo cả những mối tương quan với người chung quanh. Chị đã từng tưởng chị là người nghèo nhất cho đến khi chị gặp họ, những con người nghèo đến mức không có cả khả năng nói điều muốn nói, nghèo đến độ không có cả giấy tờ tuỳ thân, hay ngay cả quyền công dân của một quốc gia họ cũng không hề có. Họ biết họ nghèo. Cái nghèo khiến họ mặc cảm và xa cách. Sự thờ ơ và bất công của xã hội khiến tâm lý họ bất ổn, nhân cách họ bị tổn thương, lúc nào cũng trong tư thế sẳn sàng bỏ chạy và trốn tránh. Họ khóc không thành lời, kêu không thành tiếng. Họ đi không được, ở cũng không xong bởi không biết đi đâu với thân phận bị chối từ. Họ bị quơ vào một nắm với con số mà xã hội gọi là đồ cặn bã, đồ lười biếng, đồ ăn bám. Có đến gần, có đụng chạm vào cuộc đời của họ mới biết họ đã cố gắng biết bao nhiêu, họ cay đắng nhục nhã như thế nào để mưu sinh, để tồn tại. Chị biết hàng ngày họ ăn những gì, họ mua đồ ở đâu, họ có bao nhiêu công việc phải chạy mỗi giờ để cưu mang những người thân trong bóng tối. Dĩ nhiên, những nơi và những thứ này không tồn tại trong nhãn quan và tâm thức của phần lớn những người giàu. 

Đời trớ trêu lắm, thế giới chung quanh chị có một sự khác biệt giữa những con người và những cách sống, nó tạo ra một vực sâu thẳm thẳm, một vách chắn trùng trùng, một đại dương cách trở giữa những con người với những con người. Ngăn cách này không khác ngăn cách giữa Lazaro và ông phú hộ trong Tin Mừng Luca (Lc16, 19-31). Chính vực thẳm khác biệt đó khiến cho người bên này không thể hiểu nổi chuyện của người bên kia. Người bên này ăn vào rồi ói ra chỉ để có thể tiếp tục ăn cho thoả mãn nhu cầu hưởng thụ. Người bên kia lắm khi gồng mình chịu đựng cơn đói, ăn bất cứ thứ gì họ kiếm được chỉ để tồn tại cho qua được từng ngày. Người bên này bỏ tiền tỷ chỉ để trông có vẻ trẻ hơn, diện mạo dễ nhìn hơn một cách tạm thời và giả tạo. Còn người bên kia quằn quại với bệnh tật, chỉ mong có thể mua được vài viên thuốc giảm đau rẻ tiền. Con chó của người bên này đau bụng cũng xôn xao cả xóm. Mạng sống của người bên kia đang thoi thóp lụi tàn trong im lìm, lặng lẽ, chẳng mấy ai hay.

Vài tháng sống cùng những con người không có gì để giữ, không có thứ để mất, chị đã cảm nghiệm thế nào là mang lấy đau thương của tha nhân trong trái tim nhỏ nhoi đang thổn thức. Chị đã nghĩ đến thế giới của những con người có điều kiện, và chị tin, trong sâu thẳm lương tâm của mỗi con người đều tồn tại một lòng thương cảm, nhưng đôi khi môi trường cuộc sống đã phủ lấp lên lòng thương cảm đó một lớp băng lạnh của sự dửng dưng. Làm thế nào để khơi lại lòng thương cảm đó trong tha nhân? Làm sao để những mảnh đời bất hạnh trong im lặng được lắng nghe? Chị có thể là một trung gian, là cầu nối, là tiếng kêu cho ai đó đang uất nghẹn, là một chút men làm dậy lên đấu bột của tình thương giữa thế giới bất công và hận thù? Chị phải thật sự mang đau khổ của người nghèo vào trong thân phận cuộc đời của chị, thì chị mới có khả năng trở thành trung gian để xoa dịu bớt những tổn thương của tình liên đới trong thế giới đang vụn vỡ vì ngăn cách giàu nghèo. Ngăn cách đó là một đại dương, liệu có thể bắc được một cây cầu?

Chiều nay trước Mình Thánh Chúa, chị nhận ra chị đang sống trong một thành phố xa hoa, “ở nhà lầu, đi xe hơi.” Chị tự hỏi, liệu sự xa hoa đó có làm cho con người chị biến chất? Đời tu nghèo của chị bị tổn thương? Lời khấn nghèo khó của chị bị xúc phạm? Thiên Chúa nghèo của chị bị sỉ nhục? Có biến chất hay không, liệu những thứ xa hoa vật chất kia có thể quyết định tất cả? Nhà và xe cũng chỉ là ở nhờ, đi ké. Thực tế là, chị không nhà, không xe, kể cả một chiếc xe đạp. Chị không có người thân, cũng không thuộc về nơi chị đang ở về mặt pháp lý. Chị cũng chỉ là một kẻ vô gia cư đang sống nhờ vào lòng tốt của người khác. Vậy thực ra chị giàu hay chị nghèo? Nói chị giàu cũng đúng, nói chị nghèo cũng không sai. Chị không có gì đáng giá về vật chất, nhưng chị thật sự giàu hơn chị nghĩ. Dù chỉ là hai bàn tay trắng nhưng chị có trái tim và khả năng của một tu sĩ, sẵn sàng đi đến những đâu Hội dòng muốn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà cuộc sống này cần đến chị, tha nhân cần nơi chị. Chị có cả một kho tàng của niềm tin, một truyền thống Giáo Hội đặt nền cho chị xây nên toà lâu đài của đời sống Kitô hữu, và chị còn có niềm tin của Hội dòng trao cho chị trong sứ vụ này. Chị đang có cả một sự tín nhiệm uỷ thác để kề vai mang lấy khổ đau của tha nhân như của chính bản thân mình. Chị có cả hàng trăm tiền bối đã hy sinh cống hiến đời mình dựng xây Hội dòng của chị, và hiện vẫn đang ngày đêm cầu xin ơn Chúa xuống để đỡ nâng chị và cho di sản của Hội dòng được duy trì và phát triển. Chị có cả một thế hệ tương lai đang nhiệt thành dấn bước và đang mở rộng vòng tay để chị được góp phần. Chị có cả một ngân hàng không gian và thời gian để thi hành trách nhiệm làm sao cho thế giới này trở thành nơi đáng sống hơn, Thiên Chúa được tôn vinh hơn, và con người được đối xử công bằng hơn. Chị thấy mình quá nhỏ bé mong manh, nhưng chị không cho phép bản thân mình sợ hãi hay lùi bước. Chị có quá nhiều những điều cao trọng lớn lao để không còn cho phép mình loay hoay trong buồn tủi cá nhân, trong trách hờn nhỏ nhặt.

Những phút hồi tâm mỗi ngày giúp chị nhận thức về sự giàu nghèo trong đời sống của một nữ tu. Vật chất chị có thể nghèo nhưng lòng nhân chị không được thiếu. Chị có thể không xe, không nhà, nhưng chị phải là một nữ tu nhân đức. Nơi môi trường xa lạ, chị có thể là một kẻ vô gia cư chứ không được để mình vô trách nhiệm. Chị có thể thiếu cơm, thiếu áo nhưng không được để mình thiếu nhận thức bản thân mình là ai. Chị có thể thiếu các loại bạn bè tụ tập vui chơi, nhưng không thể thiếu tình liên đới với tha nhân, nhất là những người đang cần đến chị. Chị có thể vui với người vui, khóc với người khóc nhưng nhất định không vì thế mà giả dối. Chị có thể bị sỉ nhục chứ không được giả bộ, giả hình. Chị có thể học ít, thiếu chuyên môn trong nhiều lĩnh vực, nhưng có một lĩnh vực mà chị bắt buộc mình phải có, đó là đời sống cầu nguyện và gắn bó với Đấng mà chị chọn theo. Chị có thể không có bạc tiền, nhưng không thể không có nhân cách. Chị có thể hát không hay, đàn không giỏi, nhưng chị nhất định phải biết nói, đó chính là nói những lời xoa dịu khổ đau, chữa lành thương tổn và có khả năng hoà giải. Chị không múa đẹp, kịch giỏi, nhưng nhất định chị phải tập cho mình một khả năng thích ứng với mọi gian lao mà sứ vụ cần nơi chị. Có nhiều thứ chị không cần học, nhưng có một thứ nhất định chị phải học cả đời, đó là lòng khiêm tốn. Có nhiều con đường chị không cần phải đi, nhưng có một con đường chị nhất định phải đi, đó là con đường nên thánh. Chị không nhất thiết phải sống vừa lòng tất cả mọi người, nhưng nhất định không được cố tình làm mất lòng một Người. Có nhiều thứ chị không cần khư khư giữ lấy, nhưng nhất định phải giữ lấy một điều, đó là niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Cuối cùng, chị không cần phải giữ luật hay giữ lời khấn, nhưng nhất định chị phải yêu mến và tôn trọng lề luật, sống lề luật và sống lời khấn của chị bằng cả con tim, cả con người và cả cuộc đời của chị.

Chị không giàu có và cũng không được phép để mình nghèo. Giàu điều gì, nghèo điều gì, chị phải tự mình suy nghĩ và chọn lựa. Nếu chị không biết chọn thế nào cho đúng thì mẫu gương hoàn hảo để học chính là Đấng mà chị đang cam kết trọn đời bước theo. Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh có thật sự là đối tượng duy nhất của lòng chị và đời chị hay không, thì cuộc sống của chị sẽ phô bày ra tất cả dù chị có cố ý hay vô tình che giấu nó. Chắc chắn không ai giàu bằng Thiên Chúa của chị và cũng không ai nghèo đủ mọi cái nghèo, đau khổ mọi loại khổ đau như Thiên Chúa của chị trong Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài trong cuộc đời của một con người, từ hơi thở, bước đi, lời nói, hành động, chọn lựa, mục đích, cách sống, và cách chết đều thể hiện rõ cái giàu phải có và cái nghèo mẫu gương cho đời chị. Chị càng gần với Ngài, chị sẽ càng hiểu rõ chị cần nghèo như thế nào và cần giàu những gì. Có Ngài, chị sẽ không thể để mình giàu một cái giàu vô nghĩa, và cũng không cho phép mình nghèo một cái nghèo bởi sự vô tâm.  


 



 

Tác giả bài viết: Nt. Anê Ung Thị Kiều Oanh

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây