Đời sống cầu nguyện của Ápraham thay đổi thế nào khi ông gặp được Thiên Chúa
Philip Kosloski
Sách Giáo lý giải thích đời sống cầu nguyện của Ápraham đã thay đổi như thế nào theo thời gian, bằng cách suy tư việc ông lớn lên trong đức tin vào Thiên Chúa.
Ápraham thường được gọi là “Tổ phụ của Đức tin”, vì toàn bộ cuộc đời của ông xoay quanh mối quan hệ giao ước mà ông lập với Thiên Chúa.
Đức tin mà ông sở hữu lớn lên theo thời gian và ngày càng sâu sắc hơn qua đời sống cầu nguyện của chính ông, đức tin này đã thay đổi kể từ khi ông gặp Chúa.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nêu bật Ápraham trong phần cầu nguyện, nhấn mạnh đời sống cầu nguyện của ông đã phát triển như thế nào theo thời gian:
“Ngay khi Thiên Chúa kêu gọi, “ông Ápraham ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12,4): trái tim ông hoàn toàn “suy phục Lời Chúa”; ông vâng lời. Sự lắng nghe của trái tim quyết định tuân theo Thiên Chúa là điều cốt yếu của việc cầu nguyện, các lời nói chỉ quy về đó. Nhưng việc cầu nguyện của ông Ápraham được diễn tả trước tiên bằng hành động: là con người thinh lặng, ông đã dựng một bàn thờ để kính Chúa ở mỗi chặng dừng chân. Chỉ mãi sau này, lần đầu tiên ông mới cầu nguyện bằng lời: đó là một lời than thở kín đáo, nhắc Thiên Chúa nhớ đến các lời hứa của Ngài, mà xem ra như không được thực hiện.10 Như vậy, ngay từ đầu đã xuất hiện một trong những khía cạnh của tấn bi kịch cầu nguyện: đó là thử thách đức tin vào sự trung tín của Thiên Chúa” (GLCG 2570).
“Vì tin vào Thiên Chúa, đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài,tổ phụ Ápraham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Lòng hiếu khách đặc biệt của tổ phụ tại Mambrê mở đường cho Thiên Chúa loan báo về Người Con đích thực của lời hứa. Từ lúc đó, khi được Thiên Chúa bộc lộ cho biết ý định của Ngài, trái tim của tổ phụ Ápraham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn” (GLCG 2571).
“Trong cuộc thanh luyện cuối cùng về đức tin, Thiên Chúa đã đòi ông Ápraham, người “đã nhận được lời hứa” (Dt 11,17), phải sát tế đứa con mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông Ápraham vẫn vững tin: “Lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu” (St 22,8), vì nghĩ rằng “Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11,19). Như vậy, vị tổ phụ của những người tin đã nên giống Chúa Cha, Đấng chẳng tha chính Con Một của Ngài, nhưng đã trao nộp Người vì hết thảy chúng ta. Nhờ cầu nguyện con người được phục hồi tình trạng “giống như Thiên Chúa” và được tham dự vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, là quyền năng cứu độ muôn người” (GLCG 2572)
Ápraham cho chúng ta thấy càng cầu nguyện nhiều bao nhiêu, chúng ta càng bước vào trong mối tương quan giao ước với Thiên Chúa nhiều hơn bấy nhiêu và mối tương quan đó làm cho niềm tin cậy của chúng ta vào Chúa ngày càng sâu sắc hơn.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng
Nguồn tin: https://www.hoangcatholic.com
Ý kiến bạn đọc