“Người sống cứu người chết”

Thứ bảy - 27/11/2021 04:34 555 0
 

   
Một kiếp người cũng thế qúa mong manh cớ chi ta không sống thật đẹp mỗi giây phút của hiện tại để dẫu có mỏng manh như chiếc lá ta vẫn hạnh phúc, bình an bằng tất cả lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và Đấng Sinh thành nên mình!
   
Tạm biệt mùa hè với cái nắng gay gắt dai dẳng và cơn mưa chợt đến chợt đi để chào đón trời nhiều mây nhưng không mang cơn mưa phiền phức. Cái màu xám đen của mây cho bầu trời gần như thấp xuống mang lại sự mát mẻ, dễ chịu; dẫn cơn gió thổi lành lạnh đem theo cả những chiếc lá rơi rụng làm cho tâm hồn đan xen nhiều cảm xúc!

 

“...Con vừa quét sạch một gốc cây, Quay trở lại đã thấy đầy lá rụng. Con hỏi : nếu như gió đừng rung động. Thì lá kia hẳn còn ở trên cành. Một kiếp người cũng thế: quá mong manh, Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa! Tạ ơn thầy đã cho con bài học nhỏ, Mà thâm sâu như một triết lý khôn cùng."1

Lá vàng rơi khắp nơi! Lá rơi về đâu ? Nó rơi về nguồn cội.
   
Nguồn cội của vạn vật, của con người ở nơi đâu?
   
Thiên Chúa tạo dựng trời đất và muôn vật  (St 1, 1-25) ; Sau đó,“ Thiên Chúa lấy bù đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống”, Người tạo dựng con người theo hình ảnh Người cho làm chủ muôn vật Người đã dựng nên (St 1, 26 ; 2, 7-23).
   
Được dựng nên từ bùn đất cho thấy tính chất yếu hèn, mỏng dòn của thân phận con người. Nhưng Thiên Chúa lại tạo nên con người và ban cho con người giống hình ảnh của Người được chia sẻ sự sống Trường Sinh. Thiên Chúa tặng con người món quà tuyệt vời là sự sống siêu nhiên và nhiều đặc ân: trí khôn minh mẫn, ý chí hướng thiện, không phải đau khổ và không phải chết.
  
Con người không được sinh ra từ đất mà được hình thành trong dạ mẹ và từ lòng mẹ được sinh ra."Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi” ( Giê-re-mi-a 1,5a)

     
 

Như vậy, có lý để mình được suy nghĩ “ đất” biểu trưng cho lòng mẹ. Khi con người “ra đi”được  trở về đất là trở về với lòng mẹ, nơi khai thiên lập địa từ thuở ban đầu. Đất chính là nguồn cội, mọi sự sống - cái chết đều bắt nguồn từ đó. Lời cầu nguyện mà Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa cho con cái mình trước khi thân xác được đưa xuống huyệt mộ, cũng là lời nhắc nhở về điều này:“Thiên Chúa toàn năng đã muốn gọi người anh (chị) em chúng ta ra khỏi đời này về với Chúa; vậy, chúng ta xin gởi thân xác người anh (chị) em này cho lòng đất để thân xác ấy trở về nơi mình phát xuất ra  Chúa Kitô là Đấng đầu tiên  từ cõi chết sống lại,Người sẽ tái tạo thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân thể sáng láng của Người.Vậy chúng ta xin phó dâng người anh (chị) em chúng ta cho Chúa để Chúa đón nhận và đưa vào chốn bình an của Ngài và cho thân xác người anh (chị) em này được sống lại trong ngày sau hết. 2
 
Trở về lòng đất mẹ, về với cát bụi là điều tất yếu của đời người,

 Riêng đối với người Ki-tô hữu, mọi người đều tin rằng qua cuộc lữ hành trần gian, họ sẽ có một nơi ở vĩnh viễn, Chúa đã dọn trước cho mỗi người  “Vì, Lạy, Chúa, đối với các tín hữu,sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.3
  
 Sự sống, sự chết của người Kitô hữu như một sự thay đổi chứ không mất đi.  Người tín hữu luôn xác tín mạnh mẽ và có một lý chứng chắc chắn về đời sống vĩnh cửu sau khi chết dựa vào mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, đặc biệt là lời giảng dạy của Đức Giê-su về đời sống của con người sau khi chết. Đến ngày tận thế, mọi xác chết đều được Thiên Chúa dùng quyền phép của Ngài mà cho sống lại để cùng chịu phán xét .“Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn ; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra : đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách”. ( Kh 20,12)
 

Làm sao để tâm hồn mình sẵn sàng khi CON NGƯỜI đến ?

Làm sao đời mình luôn thanh thản bình an?

Làm sao những người thân yêu đã “ra đi” được thư thái, an nghỉ chờ ngày đoàn tụ cùng Đức Kitô và các thánh nhân của Người trên quê hương Vĩnh cửu?

Làm sao tổ tiên ông bà và bản thân mỗi người được có tên vào Sổ Trường Sinh ?
   
Những người sống theo đường lối Chúa, chọn lựa sống theo thánh ý Chúa, thực thi các thánh chỉ của Người sẽ vào cõi trường sinh. Bởi “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa”!  là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành  ý muốn  của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21) )

 Nghĩ đến phận mình, nhớ về ông bà tổ tiên, suy về nguồn cội càng thấm thía câu chuyện “Hãy Làm Điều Gì Đó Trước Khi Quá Muộn Màng” mà sách viết trong tâm hồn đã ghi :
 
Một người đàn ông dừng lại ở cửa tiệm bán hoa để đặt hoa tặng mẹ của mình. Mẹ của ông ở xa cách đây hơn 200 dặm và ông sẽ nhờ cửa tiệm giao hoa đến tận tay cho bà. Khi ông bước ra khỏi xe, ông đột nhiên chú ý đến một cô gái trẻ đang khóc thút thít bên lề đường. Ông hỏi cô gái có sao không, cô trả lời, “Cháu muốn mua hoa hồng tặng mẹ. Nhưng cháu chỉ có 75 cent, hoa hồng thì đến 2 dollar.
   
Người đàn ông mỉm cười và nói, “Đi với chú. Chú sẽ mua cho cháu một bông hồng.” Ông mua cho cô bé hoa hồng như đã hứa và đặt hoa giao đến tận nhà mẹ mình. Khi họ rời khỏi, ông ngỏ ý chở cô bé về nhà. Cô bé đồng ý để ông chở đến chỗ mẹ của mình. Cô chỉ cho ông đến một nơi vắng vẻ phải đến, khi dừng xe lại người đàn ông mới nhận ra đó là một nghĩa trang. Và cô gái đã đặt bông hoa ấy lên một ngôi mộ sạch sẽ.

   
Người đàn ông trở về cửa tiệm hoa, hủy gói giao hoa và ông ta đã mua hẳn một bó hoa to, lái xe thẳng đến nhà của mẹ mình, ngôi nhà cách nơi đấy hơn hai trăm dặm đường đi.  Nhưng - cuộc gặp gỡ cô gái đã cho ông hiểu rằng, nếu hôm nay ông không đến, có khi ngày mai ông sẽ chẳng còn cơ hội để đến nữa.


 
       Đất thánh của chị em Dòng MTG QN 

Câu chuyện ý nghĩa làm cho bản thân bị đánh động, với thiện chí muốn cộng tác với ơn Chúa trong quyết tâm xa tránh những thói xấu, loại trừ kiểu sống dững dưng, vô cảm của “ văn hóa sự chết” đang lan tràn trong cuộc sống nơi gia đình, cộng đoàn, công sở và ở khắp nơi trên thế giới .
   
Tháng 11 sắp qua đi, nhưng  Mẹ Giáo Hội luôn mời gọi, nhắc nhớ con cái mình về “ nguồn cội” của mỗi người trước nhất là Thiên Chúa, thứ đến là “ ông bà tổ tiên” những người đã góp phần làm nên bao điều vĩ đại cho con người và vũ trụ thật xinh đẹp mà mỗi người đang thừa hưởng. Hiện tại các ngài không hiện diện nhưng công trình, công đức của các Ngài không hề bị quên lãng “những người này là người nhân đức, phúc của họ, phúc khôn  cùng. Nơi dòng giống họ phúc ấm bền lâu, cơ nghiệp của họ truyền lại hết con đến cháu.Trong Giao ước của họ dòng giống họ sẽ đứng vững;và nhờ họ, con cháu họ (sẽ trung kiên)” ( Hc 44, 11-15)

Làm sao để “văn hóa tình thương” được triển nở trong mọi ngỏ ngách của cuộc sống này?

Phải chăng , hãy luôn làm điều gì đó thật đẹp cho nhau, cho những người thân yêu, những người sống quanh mình trước khi quá muộn ?
   
Dù xa ngàn dặm hãy dành thời gian thăm viếng khi cha mẹ cao niên, dù bận rộn với trăm công ngàn việc cũng đừng quên một lời thăm hỏi, động viên, sẻ chia với mẹ yếu, cha già. Dù nghèo khổ, thiếu thốn hãy dành cho cha, mẹ chút quà mọn của tình con hiếu kính, dù thời gian gấp rút vẫn dành cho đấng sinh thành một nghĩa cử của tình yêu bởi vì: “..nếu như gió đừng rung động,thì lá kia hẳn còn ở trên cành. Một kiếp người cũng thế: quá mong manh, một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa!” “ lòng Hiếu Kính” : không chỉ mang đến nghĩa trang một bó hồng để tặng mẹ, biếu cha , thêm một vài nén hương trong ngày “tảo mộ”.

Nhưng …

Hãy thầm thỉ, nói chuyện với người đã khuất bạn sẽ được thỏa lòng, và kêu tên các vị trong lời kinh nguyện, trong thánh lễ mỗi ngày, cùng kêu cầu các thánh trên trời, rồi nhớ đến những người thân yêu, nhớ đến công ơn, nhớ đến những việc tốt lành các Ngài đã thực hiện trên dương gian : “Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là Maria, Phê-rô …  xin nhớ đến các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con” 4  lòng mình sẽ ngập tràn niềm vui và sự an ủi bạn ạ!  
 
Tôi tin những người đã khuất vẫn luôn ở thật gần chúng ta, đó là sự hiệp thông, một sự hiệp thông tuyệt vời của mầu nhiệm các thánh thông công. “Người sống cứu người chết: Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình" (x. 2 Mcb 12,46).5

 


Một sự thông hiệp không chỉ giữa bản thân với Đấng Tạo Hóa, với người thân yêu và mọi thành phần dân Chúa - Con người sẽ không lẻ loi cô đơn trên con đường mùa thu se lạnh của trần gian mịt mù tăm tối. Bởi không ai đi một mình, nhưng luôn đi cùng với hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu,… người khác nữa, cùng mang trong mình dòng máu của Đức Giê-su Kitô, cùng liên kết nhau trong cùng một niềm Tin - Cậy - Mến. Con đường mỗi người đang đi dẫu có lá vàng héo úa, rơi rụng là sự chết,vẫn còn lòng cậy trông và hy vọng…

… nếu không có mùa đông buốt giá của chờ đợi trong thanh luyện sẽ chẳng có   mùa xuân Vĩnh Cửu ngập tràn sắc hoa và ấm áp  tình yêu Cứu Độ mà đức Ki-tô Đấng đã chiến thắng sự chết mang lại cho những ai tin vào Ngài.


 

                                 
                                         Nghĩa trang của các thai nhi 
                                                     
1.       Trích trong “ Bài học quét lá” của  Diệu Nhân
2.      ( X. Nghi thức an táng- lời nguyện trước khi hạ huyêt)
3.       ( X. Kinh Tiền tụng I cầu cho kẻ qua đời ,SL Roma )
4.      ( X. Kinh tạ ơn II)
5.      ( x. GLHTCG  số 1032)

 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê ( MTG/ QN )

 Tags: phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây