Nhiều và rất nhiều người nhắc nhẹ Cha : "Cha ơi ! Xin Cha cầu cho con (gia đình con) được ơn bình an".
Và cả Cha nữa, mỗi lần cầu nguyện là cứ mỗi lần xin cho con được ơn bình an.
Ngày xửa ngày xưa, có một nhà vua nọ mở một cuộc thi vẽ tranh về hòa bình và sẽ trao giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ bức tranh đẹp nhất về bình yên. Rất nhiều nghệ sĩ thử tài và trịnh trọng dâng lên tác phẩm của mình.
Nhà vua lần lượt ngắm nhìn tất cả các bức tranh. Nhưng ngài chỉ thực sự thích hai bức tranh, và ngài buộc phải chọn một trong hai.
Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả, in bóng những ngọn núi cao vời vợi. Trên cao là bầu trời xanh với những dải mây trắng mềm mại. Tất cả mọi người đều rất thích và nghĩ rằng đó là bức tranh hoàn hảo về bình an.
Bức tranh thứ hai cũng có núi, nhưng là núi đá lởm chởm và trơ trụi. Phía trên là một bầu trời đang giận dữ đổ mưa như trút cùng sấm vang chớp giật. Từ trên núi đá, một thác nước đổ xuống tạo bọt tung trắng xóa. Thật khó khăn để thấy rằng đây là một bức tranh thanh bình.
Nhưng nhìn kỹ hơn, nhà vua thấy bên cạnh thác nước có một bụi cây nhỏ xíu mọc ra từ khe đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác ào ào trút nước trong giận dữ, chim mẹ đậu trên tổ của mình trong bình yên đến hoàn hảo.
Bạn sẽ chọn bức tranh nào? Nhà vua thì đã chọn bức tranh thứ hai. Bạn biết vì sao không?
Nhà vua giải thích: “Bởi vì… bình yên không có nghĩa là được ở một nơi không có tiếng ồn, rắc rối, hay công việc khó nhọc. Bình yên nghĩa là khi ở giữa tất cả những điều này mà vẫn giữ được sự điềm tĩnh trong lòng. Đấy mới là ý nghĩa thực sự của bình yên”.
Thật vậy, bình an không phải là ở một nơi hoang vắng, thanh tịnh hay ổn định về mọi mặt. Bình an là giữa cái chợ đời ồn ào và náo nhiệt, ta vẫn có được sự bình an. Và, sự bình an tùy dưới ánh nhìn của ai. Dưới cái nhìn của con người thì bình an nghĩa là phải có vợ đẹp, con ngoan, nhà cao cửa rộng còn bình an dưới ánh mắt của những người tin, những Kitô hữu đó chính là có Chúa thật sự trong cuộc đời của mỗi người.
Cảm nghiệm, kinh nghiệm về sự mất bình an ta tìm thấy rõ nét nơi cuộc đời của các môn đệ khi mất Thầy. Khi gặp Chúa Phục Sinh, các môn đệ được hâm nóng lại niềm tin vào Chúa và nhất là tìm được sự bình an.
Cảm nghiệm ấy, kinh nghiệm ấy phải chăng là của những ai tin và theo Chúa.
Được sống giữa những người nghèo về vật chất và cả tinh thần. Ta tưởng chừng như họ đói khổ và bất an. Thế nhưng dường như Chúa ban cho cuộc đời của họ như là một phép lạ. Giữa cuộc đời xem chừng ra thua thiệt ấy, lòng của những người nghèo họ vẫn cảm thấy bình an. Trước hết là ai cũng nghèo như ai trong dân làng của họ. Kèm theo đó là khi biết Chúa và có Chúa trong đời của họ, họ cảm thấy bình an.
Trước những con người có mưu cầu danh lợi, họ càng cảm thấy bất an khi những cái họ cần và họ thích không đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Khi họ đề ra cho mình những tiêu chí này tiêu chí nọ mà không đủ thì họ cảm thấy bất an kể cả ngay trong giấc ngủ.
Nói ra xem chừng là lý thuyết ! Người nào cảm thấy mình đủ là cảm thấy bình an. Cũng như những ai tin Chúa khi tín thác vào lòng thương xót của Chúa thì họ cảm thấy bình an.
Hiện tại và cả tương lai, cuộc đời của nhiều người xem chừng nghèo nhưng vẫn bình an. Trong khi đó những người giàu có và tham vọng thì cứ mãi bất an. Họ càng bất an khi họ càng xa Chúa cũng khi không để Chúa vào trong cuộc đời của họ.
Bình an hay không vẫn là nhận thức và chọn lựa của mỗi người.
Khi ta thấy Chúa là nguồn mạch bình an thật sự thì ta mở cửa lòng của ta để Chúa ngự vào. Khi có Chúa rồi thì cuộc đời này chả là gì cả vì có Chúa là có tất cả.