Một chút về đau khổ
Lm. Anmai, CSsR
2022-02-12T08:25:28-05:00
2022-02-12T08:25:28-05:00
https://hoidongmtgquinhon.org/duc-tin/mot-chut-ve-dau-kho-1014.html
https://img1.kienthucvui.vn/uploads/2020/08/02/anh-nam-dau-kho-co-don_030516448.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Một chút về đau khổ
Đau khổ không phải là cùng đích, nhưng chỉ là phương tiện mà thôi. Vì thế, để đạt được lý tưởng, mục đích, con người phải trải qua vất vả, đau khổ. Nhờ vậy mà con người mới phát triển nhiều thứ, thăng tiến mọi mặt.
Cũng vậy, Chúa Giêsu nói về đau khổ và phải trải qua đau khổ thì mới vinh quang. Ngài dạy phải đi xuyên qua đau khổ, chứ không nói đau khổ là cùng đích. Ngài nói: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất không mục nát ra thì cứ trơ trơ một mình, nhưng nếu mục nát ra nó sẽ sinh ra nhiều hạt” (Ga 12,24).
Theo quan điểm Do thái-Kitô giáo, đau khổ và sự ác mà nó diễn tả không nằm trong chương trình khởi thủy của Tạo hoá: nói cách khác, nó không phát xuất từ Thiên Chúa. Vì vậy, khác với những tôn giáo khác, Kitô giáo không có một vị thần ác là nguyên nhân của đau khổ. Đau khổ và sự ác mà nó diễn tả nằm trong thân phận con người, nhưng đồng thời bộc lộ mầu nhiệm về một điều mà Thiên Chúa không mong muốn, không ưa thích, và chỉ đơn giản là sự mong đợi ơn cứu độ.
Thiên Chúa không ác độc đến độ chủ tâm gây ra đau khổ cho con người.
Người ta phân tích nguyên nhân đau khổ loài người và thấy được như sau:
- 85% đau khổ là do loài người làm khổ người.
- 5% là do thiên tai như mưa, gió, lụt lội.
- 10% là do ngẫu nhiên.
Nếu mọi người biết yêu thương và hành xử với nhau bằng tấm lòng, đầy tình nghĩa đậm đà, thắm thiết, thì 85% đau khổ sẽ không còn, chỉ còn 15% do thiên tai và ngẫu nhiên.
Còn 15% kia khi, con người biết yêu thương, biết san sẻ, yên ủi, nâng đỡ nhau thì đau khổ coi như không đáng kể.
Nhiều khi chính mình gây cho mình những đau khổ mà không mấy khi để ý đến. Mọi sự đều ở trong khuôn khổ, con người cũng phải ở trong luật lệ khi dùng những của cải vật chất, nếu không nó sẽ quay lại tác hại cho chính con người mình.
Ví dụ minh họa Một bà mẹ nấu cháo cho con ăn. Người con đòi ăn cho kỳ được. Người mẹ dỗ dành, can ngăn nhưng đứa con nhất quyết không chịu, và chạy đến nồi chào, thò tay vào nồi, mà nước còn đang sôi.
Con người đã quá nhiều lần không vâng lời Thiên Chúa, quá nóng nảy và vội vàng, bướng bỉnh và cố chấp, nên phải gánh chịu những thương tích cùng đau khổ do mình gây ra, trở thành bệnh hoạn, yếu nhược. Vì thế còn có người còn than trách Chúa đã để cho mình phải gặp nhiều cảnh éo le, oan nghiệt như vậy.
Một người đi mua xe hơi, người bán dặn kỹ lưỡng rằng: Đừng chở nặng quá 5 tấn và đừng chạy quá 80km/giờ. Người mua tỏ ra khó chịu, vì bỏ tiền ra mua mà không được như ý. Thế rồi anh ta không làm theo chỉ dẫn. Anh đã bị tai nạn, bị thương tích đầy mình.
Vậy nguyên nhân tại đâu, do Chúa hay do mình, do nhà sản xuất hay do người bán?
Những loại đau khổ Đau khổ vật chất. Là những cảm giác mà tác nhân của nó có thể từ phía bên ngoài, có khi từ phía bên trong.
Đau khổ tinh thần. Là những cảm thức do các biểu tượng tinh thần, nội tại, chủ quan trong ta như ý tưởng, phán đoán, suy luận, quan niệm…
Đau đớn trong thân xác và đau khổ trong tinh thần luôn có tương quan chặt chẽ với nhau. Bởi thân xác và tinh thần là một. Nên đau đớn có thể đưa đến đau khổ và ngược lại, đau khổ có thể đưa đến đau đớn.
Là người, ai cũng đều gặp phải, và trải qua những đau khổ lớn nhỏ trong đời.
Con người ta ở đời dù lớn, dù nhỏ, thế nào cũng phải chịu đau đớn hay đau khổ. Bởi con người luôn phải trải qua cái định mệnh khắt khe là sinh, lão, bệnh, tử.
Đứng trước đau khổ, con người có những thái độ để dón nhận.
Thái độ tiêu cực được biểu lộ bằng việc tránh né, chạy trốn, phủ nhận. Hãy luôn nhớ rằng,đau khổ như hình với bóng luôn đi theo con người.
Con người dù khéo léo tinh vi che đây đến đâu cũng không thể thoát khỏi đau khổ. Cách tốt nhất là hãy đi xuyên qua nó.
Nếu muốn thoát khỏi nghèo đói, cách duy nhất là hãy đi xuyên qua nó, siêng năng làm việc, tiết kiệm để lấy của nuôi thân và phòng thân.
Nếu muốn thoát khỏi cảnh dốt nát, cách tốt nhất là đi xuyên qua nó, siêng năng cần mẫn học hành, nghiên cứu…
Thánh Têrêsa nói: “Các khổ giá trên đời, nếu kéo lê thì thấy nặng, nếu ẵm lên thì thấy nhẹ”.
Khi đón nhận với thái độ tích cực thì cảm nhận rằng tình yêu làm cho đau khổ mất hết vẻ man rợ của nó. Tình yêu cũng làm cho đau khổ thành nguồn an ủi và sức mạnh. Thánh Têrêsa Avila nói: “Tôi ước ao được chịu đau khổ, hay chết đi”.
Thánh Maria Madalena de Pazzi còn đi xa hơn nữa: “Tôi ước ao được sống mãi sống hoài, để chịu đau khổ”.
Người sống thiếu tình yêu thì mọi sự đều trở nên nặng nề, và càng nặng thêm theo thời gian. Nhờ tình yêu mà mọi sự trở nên nhẹ nhàng, mạnh mẽ, can đảm để trườn mình qua mọi đau khổ của cuộc đời.
Thái độ tích cực là chấp nhận đau khổ. Bởi không còn chọn lựa nào khác, vì thế, tốt nhất là hãy bắt đầu bằng cách chấp nhận nó. Đừng chống đối, nóng giận. Thái độ không chấp nhận ấy có thể đưa ta đến chỗ ăn không ngon, ngủ không yên, rồi trở nên bệnh hoạn, yếu nhược, bi quan, yếm thế, thất vọng, buông xuôi, tuyệt vọng. Đừng vì thế mà đánh mất cuộc đời một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy.
Hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói: “Ta đến để cho gian được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thái độ tích cực là biết lợi dụng đau khổ. Ai cũng biết cái định luật của đau khổ. Nó chẳng nương tha cho ai cả. Khôn khoan thì đừng chống lại chúng. Nhưng hãy lợi dụng chúng để đạt được mục đích lớn lao của kiếp người là biết tương kế tựu kế, để thay thế đau khổ bằng hạnh phúc, là dùng chính nó để giúp ta tạo ra hạnh phúc.
Dù dù sự dữ và đau khổ đã xảy ra thì Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của nó. Ngài cho phép nó xảy ra vì ích lợi của các linh hồn. Tội lỗi gây ra đau khổ nhưng Chúa sẽ hoán đổi nó thành điều lành. Điều đó chứng tỏ Ngài vẫn luôn yêu thương chăm sóc chúng ta. Cách mà chúng ta tiếp nhận và hoá giải đau khổ sẽ giúp ta hưởng được những điều lành đó. Đau khổ mà loài người phải chịu không là gì cả nếu đem ra so sánh với phần thưởng nước Trời là phần thưởng đời đời vô cùng vô tận.
Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR