Không có nguồn tham khảo nào về bà Vênônica hoặc tấm khăn che của bà trong bốn sách Phúc âm. Tuy nhiên, truyền thống nói về một câu chuyện khác.
Theo truyền thống, bà Vêrônica là một phụ nữ (hình như đến từ Giêrusalem), khi nhìn thấy Chúa Giêsu vác thập giá trên đường thương khó [via Dolorosa], đã động lòng trắc ẩn và đưa cho Ngài tấm khăn che mặt để lau máu và mồ hôi trên trán. Khi Chúa Giêsu trả lại tấm khăn, hình ảnh khuôn mặt của Chúa đã được in trên tấm khăn cách kỳ diệu. Sau này thánh tích được biết đến cách rộng rãi với tên gọi “Tấm khăn của Vêrônica”, dường như đó là một hình thức chơi chữ. Các nguồn phát xuất câu chuyện trên đều bằng tiếng Hy Lạp (dưới cái tên là Berenikē hoặc Beronike, nghĩa là "cô ấy mang lại chiến thắng"), từ Veronica đã được Latinh hóa có thể dịch là "hình ảnh thật", biểu tượng đích thực của Chúa Kitô. Trớ trêu thay, một số hình ảnh hiện có lại khẳng định đây là thánh tích thực sự ban đầu.
Vấn đề là không hề tìm thấy cái tên Veronica (hay Beronike gốc Hy Lạp) trong Kinh thánh. Tấm khăn che mặt của bà cũng vậy. Tất cả nguồn gốc về câu chuyện này đều phát xuất từ truyền thống Kitô giáo nằm ngoài Kinh thánh, mà người ta thường gán cái tên này cho người phụ nữ vô danh bị băng huyết đã 12 năm, cho đến khi người này chạm vào vạt áo của Chúa Kitô và được chữa lành cách kỳ diệu. Đoạn này được tìm thấy trong Phúc âm Nhất lãm (x. Mc 5, 25–34; Mt 9, 20–22; và Lc 8, 43–48). Mặc dù truyền thuyết về tấm khăn che của bà Vêrônica không dựa trên Kinh thánh, nhưng câu chuyện về một người qua đường đã tỏ lòng nhân ái với Chúa Giêsu trên đường lên đồi Canvê có lẽ đã dựa trên một số thực tế, được truyền khẩu, được thu lượm trong Phúc âm ngụy thư của Nicôđêmô, được đề cập trong cuốn Lịch sử Giáo hội nổi tiếng (được viết đâu đó giữa những năm 312 và 324 bởi Eusebius ở Caesarea) và sau đó được phát triển qua hàng thế kỷ trong các bản văn ngụy thư khác.
Theo Phúc âm Nhất lãm, Eusebius cho chúng ta biết rằng, tại Xêxarê Philíp, có một người phụ nữ được Chúa Kitô chữa lành bệnh băng huyết. Sách ngụy thư Công vụ Tông đồ của Philát (có từ thế kỷ 4 hoặc 5) xác định người phụ nữ này có tên là Vêrônica. Truyền thống sau này (theo hầu hết các sử gia, được soạn thảo vào thế kỷ 11) quả quyết rằng Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ được chữa lành như đã mô tả trong các sách Phúc âm một tấm vải kỳ diệu, mà bà đã dùng để chữa bệnh cho hoàng đế Tiberius. Tấm vải này sau đó được xem như tấm khăn thực sự. Một số truyền thống khác cho rằng bà đã kết hôn với Giakêu, người thu thuế được mô tả trong Phúc âm Luca (19,1-10). Cuối cùng mắt xích giữa tấm vải này với cuộc khổ nạn xuất hiện tương đối muộn, khoảng năm 1380, trong các bài suy niệm phổ biến về cuộc đời của Chúa Kitô. Trước đó, tấm vải không hề có liên quan gì đến cuộc khổ nạn dưới bất cứ hình thức nào.
Không có gì ngạc nhiên, bà Vêrônica là thánh bổn mạng của các nhiếp ảnh gia và công nhân giặt ủi.