Pascal Deloche I Godong
Ý nghĩa của một trong những truyền thống phụng vụ lâu đời nhất có từ thế kỷ thứ 4
Trước khi cử hành thánh lễ, linh mục tiến đến bàn thờ và hôn lên bàn thờ. Đối với một số người thực hành này có vẻ khá kỳ cục, vì bàn thờ là vật liệu bằng đá hoặc gỗ và dường như không đòi hỏi bất kỳ sự tôn kính cụ thể nào.
Nhưng ý nghĩa đằng sau phong tục cổ xưa này là gì?
Từ nghìn năm trước, trong nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới, người ta thường hôn các vật thiêng. Thực hành này phát xuất từ nền văn hóa mà nụ hôn được xem như một dấu chỉ của sự kính trọng hoặc được sử dụng như một hình thức chào hỏi, và được áp dụng cách tự nhiên đối với các đồ vật tượng trưng cho yếu tố thiêng liêng.
Ở một số nền văn hóa nhất định, truyền thống hôn bàn ăn trong những dịp đặc biệt cũng được phát triển.
Khi các Kitô hữu phát triển phụng vụ, đã điều chỉnh các truyền thống văn hóa của họ và mang lại cho chúng một ý nghĩa mới. Hôn bàn thờ là một trong những truyền thống như vậy, và cử chỉ này nhanh chóng được đưa vào hành động của linh mục trong Thánh lễ.
Hy tế Thánh lễ
Bàn thờ có tầm quan trọng cơ bản vì nó liên kết với Hy tế Thánh của Thánh lễ khi được cử hành. Bàn thờ được dùng cho mục đích này, và Giám mục thánh hiến nó khi được thiết đặt trong một nhà thờ.
Nghi thức thánh hiến có phần nhắc nhớ đến Bí tích Rửa tội của tân tòng, vì Giám mục dùng dầu thánh để làm phép bàn thờ và sau các lời nguyện khăn trắng được phủ trên bàn thờ.
Về mặt biểu tượng, người ta thường nói rằng bàn thờ tượng trưng cho Chúa Giêsu Kitô, "viên đá góc" của Giáo hội (xem Eph 2,20). Trong lịch sử phụng vụ, đôi khi linh mục hôn bàn thờ trước khi ban phép lành cho mọi người, tượng trưng cho việc phép lành đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ linh mục.
Ngoài ra, theo thời gian, các thánh tích của các thánh được đặt nơi bàn thờ, nên khi linh mục hôn bàn thờ ngài cũng hôn các thánh tích.
Nếu bàn thờ là vật dụng vật chất, được dùng cho một mục đích cụ thể, việc hôn bàn thờ là thừa nhận vai trò đặc biệt và mối tương quan của nó với hy tế thiêng liêng của Chúa Giêsu Kitô.