Chủ đề sống Mùa Chay 2024

Chủ nhật - 04/02/2024 20:08 766 0
 
 
 

CHỦ ĐỀ MÙA CHAY 2024

HOÁN CẢI BẰNG TINH THẦN THAM GIA,
HIỆP THÔNG TRONG YÊU THƯƠNG

Lời mở đầu:

Kính thưa Cộng đoàn! Hành trình Mùa chay Thánh năm 2024 được bắt đầu từ thứ tư LỄ TRO ngày 14/02/2024 và Dân Chúa long trọng tiến vào Mùa Chay với một giai đoạn phụng vụ quan trọng, để sửa soạn tâm hồn sống lại những biến cố đặc biệt của Chúa Giêsu trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, chị em trong Hội dòng chúng ta cũng chung nhịp sống với Giáo hội hoàn vũ đang hướng tới xây dựng một Giáo hội Hiệp hành, cùng nhau tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt và đời sống của Giáo hội trong đức ái, chan hòa tình yêu thương. Hành trình đi vào sa mạc 40 ngày chay tịnh là hành trình hoán cải trong những nỗ lực và tâm thế mới mẻ, vượt qua con người yếu đuối mỏng giòn và vươn tới thái độ sống chan hòa yêu thương theo gương Thầy Chí Thánh.

Trong tâm tình đó, chúng ta tích cực “HOÁN CẢI BẰNG TINH THẦN THAM GIA, HIỆP THÔNG TRONG YÊU THƯƠNG”

Tuần 1: Yêu thương, hiệp thông, tham gia để sống vui trong cộng đoàn.

Lời Chúa:“Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu sa tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên thần đến hầu hạ Người” (Mc 1,12-13)

Suy niệm: Thiên Chúa đã cho dân Israel chứng kiến bao nhiêu kỳ công, nhằm chứng tỏ tình thương đặc biệt Người dành cho họ: từ khi vượt qua Biển Đỏ, cung cấp thức ăn nước uống, những cảnh huy hoàng trên núi Sinai. Thế mà dân Israel vẫn chưa tin tưởng vào Chúa đủ, lẩm bẩm than trách khi đối diện với khó khăn, thử thách. Vì thế không có ai trong số những người ra khỏi Ai cập được đặt chân vào Đất hứa.

Mỗi người chúng ta nhìn lại đời mình, đặc biệt hồi tưởng lại hành trình tuyển chọn và thánh hiến của Chúa trong ơn gọi cá nhân, tiến bước qua nhiều giai đoạn và đến nay tôi đang ở giai đoạn nào, tôi đã làm gì cho Chúa và cho tha nhân? Mức độ mến Chúa và yêu tha nhân của tôi tới đâu? Trong tinh thần THAM GIA-HIỆP THÔNG, tôi đã làm được gì để kiến tạo cộng đoàn tôi trở thành mái nhà truyền cho nhau hơi ấm, niềm vui và bình an, để giúp Cộng đoàn và Hội dòng của tôi ngày càng thăng tiến về mọi phương diện.
 
Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Chúa ra lệnh cho các thiên thần Người săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường”(YLS)
  • Noi gương Chúa, mỗi người thể hiện tinh thần hiệp thông, yêu thương, quan tâm nhau bằng những lời nói, hành động bác ái trong Cộng đoàn.

Tuần 2: Yêu thương, hiệp thông, tham gia để biến đổi chính mình.

Lời Chúa: Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (Mc 9,2-3)

Suy niệm:

Sau khi cho các môn đệ biết về việc Người sắp lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại, Đức Giê-su muốn củng cố lòng tin của các ông đang bị giao động, bằng cách đưa 3 môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi cao. Tại đây, Người biến hình trước mặt các ông, rồi có lời Chúa Cha xác nhận Người là Con yêu dấu. Có Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo về cuộc khổ nạn Người sắp trải qua. Như vậy, việc biến hình cho thấy cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là do thánh ý Chúa Cha và nhằm khích lệ tinh thần của các môn đệ, giúp các ông vững tin khi phải chứng kiến cuộc khổ nạn của Người sau này.

Mỗi người chúng ta hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong mùa Chay thánh, đây là cơ hội thuận tiện để được ơn biến đổi nên giống Chúa Giêsu. Phải năng suy gẫm Lời Chúa, quyết tâm đi theo con đường Chúa đã đi “Con đường thập giá”, con đường có khi dẫn chúng ta đến sự thua thiệt, mất mát, đau khổ, thách đố, kể cả sự chết…Là chấp nhận cuộc biến đổi chính mình để biết sống cuộc sống khiêm hạ, ẩn khuất, xóa mình đi, thực hành những hy sinh thầm lặng, quảng đại chia sẻ cho người khác.

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Con xin đón nhận Lời Ngài, Lời phát xuất từ tình yêu Chúa Cha, con xin sống với Lời Ngài, Lời soi dẫn bởi ánh sáng Ngôi Ba”(YLS)
  • Tập quan tâm giúp đỡ chị em trong cộng đoàn cách vô điều kiện.

Tuần 3: Yêu thương, hiệp thông, tham gia thể hiện tinh thần sống khó nghèo.

Lời Chúa: Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà cha ta thành nơi buôn bán. (Ga 2, 16)

Suy niệm:

Lời tiên báo của Chúa Giêsu cho chính Thân Mình Mầu Nhiệm Người cũng ứng nghiệm như chính đền thờ hữu hình Giêrusalem vậy. Chúa Giêsu không nói suông, khi Người nỗi giận trước việc thờ phượng của Người Do Thái, niềm tin và sự tôn thờ Thiên Chúa nơi họ thật là giả trá, hời hợt, chỉ là bên ngoài mà thôi. Điều nầy cho thấy, sự bất xứng trong việc thờ phượng Thiên Chúa ở những nơi thiếu thành tâm, thiện chí, chỉ cầu hình thức bên ngoài, như những lễ hội rình rang, tốn công sức và thời gian, tiền bạc nhưng thực chất, nội tâm con người trống vắng Thiên Chúa.

Là nữ tu Mến Thánh Giá, mỗi người chúng ta hãy ý thức mình là đền thờ của Chúa, cần tự thanh tẩy tâm hồn khỏi lối sống thực dụng, hưởng thụ, ham mê tìm kiếm của cải vật chất để đặt mình vào sự hạn chế, tùy thuộc vào bề trên và Hội dòng trong việc định đoạt và sử dụng của cải cách thanh thoát; giữ mình khỏi những ảnh hưởng của quyền lực và danh tiếng để khiêm hạ chấp nhận phần việc nhỏ bé và âm thầm được giao phó; tránh khỏi những bận tâm lo tích trữ của cải để tự nguyện sống tinh thần từ bỏ và tiết chế, phân biệt điều cần thiết thực sự với điều ước muốn; kéo mình ra khỏi những đòi hỏi của nền văn hóa thấm đẫm chủ nghĩa tiêu thụ để xây dựng lối sống mang hương vị Tin mừng.

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Xin cho con yêu mến Giáo Hội là Mẹ của con, xin cho con yêu mến thân thể của Chúa Kitô”(YLS)
  • Siêng năng yêu thích tham dự Thánh lễ và kết hiệp mật thiết với Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày.

Tuần 4
: Yêu thương, hiệp thông, tham gia để làm chứng cho lòng Chúa thương xót.

Lời Chúa: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 15b)

Suy niệm:

Chúa Giêsu là hiện thân  tình yêu thương của Thiên Chúa, nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài tỏ rõ cho con người biết lòng Chúa Cha yêu thương con người cách trọn vẹn và niềm hạnh  phúc của con người là yêu và được yêu. Khi cảm nghiệm mình được Chúa yêu  thương, một cách tự nhiên, chúng ta chỉ có một cách đáp đền đó là yêu mến Ngài  bằng cách sống theo Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương với anh chị em đồng loại. Cách sống yêu thương đó là lời chứng cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu và là Đấng giàu lòng thương xót.

Trong đời sống thánh hiến, hãy tự vấn lại mình xem, tôi có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Một khi đã chạm được tới lòng thương xót của Thiên Chúa thì tôi có trở nên ngôn sứ của lòng thương xót không? Lòng thương xót của Thiên Chúa phát huy hiệu năng và được nhận diện là tinh thần tha thứ trước những lỗi lầm của anh chị em xung quanh, là biết nâng đỡ động viên nhau khi đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, là nỗ lực của mỗi thành viên để đảm bảo người chị em sống trong cộng đoàn không cảm thấy bị loại trừ hoặc bị gạt ra bên lề. Là sự tham gia sinh hoạt của cộng đoàn với tâm thế tích cực, linh hoạt chứ không phải bàng quan như khách trọ hay khán giả. 

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Ngước mắt nhìn Ngài, tình yêu đóng đinh trên thập giá, con tin thác nơi Ngài, xin Ngài mau đến cứu con”(YLS)
  • Mở lòng để cảm thông với những lầm lỗi, thiếu sót của chị em.

Tuần 5: Yêu thương, hiệp thông, tham gia để tích cực sống đức vâng lời.

Lời Chúa: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12, 23-24.27).

Suy niệm:

Nhìn lại cuộc đời của Ðức Giêsu, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy nhiều lần Người tuyên bố: “Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4; 7,30; 8,20). Qua cách trình bày của thánh Gioan, Giờ của Người không phải là những lúc thành công trong bước đường rao giảng Tin Mừng, không phải hệ tại những phép lạ thực hiện, cũng không phải những lúc được dân chúng ngưỡng mộ, tôn phong Người làm vua..., nhưng là giờ thực thi giao ước mới bằng cái chết trên thập giá, giờ chu toàn sứ mạng cứu chuộc trần gian.

Mỗi chúng ta hãy đặt mình trước sự đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu trước giờ chịu nạn. Với thân phận con người, Ngài cũng lo sợ, cũng muốn tránh né những cực hình sắp phải chịu, nhưng vì vâng lời, ngài đã vui nhận chén đắng Chúa Cha trao. Rà soát và rọi chiếu lại bản thân để xem chúng ta đã thực hiện đức vâng lời của mình như thế nào? Có dễ dàng đón nhận những trái ý trong mọi hoàn cảnh chưa? Hay vâng lời nhưng không thuận ý?

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha” (YLS)
  • Tập nhanh nhẹn thực hiện đức vâng lời vì lòng yêu mến.

Tuần 6: Yêu thương, hiệp thông, tham gia để bước đi với Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn.

Lời Chúa:“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến” (Mc11- 10)

Suy niệm:

Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem được dân chúng đón tiếp cách nồng nhiệt, hân hoan rộn rã, người người hô to chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến. Dân Israel đã đặt tất cả niềm tin vào Đức Giêsu là Chúa của mình, qua bao năm tháng hy vọng vào Đấng Messia, giờ đây niềm hy vọng của dân tộc đã đến. Chính vì thế, dân chúng lại càng hô to: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến”. 

Chúng ta hãy ý thức rằng: Con đường thập giá là con đường đau khổ: đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy dùng tuần lễ này để sống với Chúa Giêsu bằng việc suy niệm sự thương khó của Ngài để biết theo gương Ngài đi theo con đường Ngài đã chỉ vẽ:Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đồng thời chúng ta hãy vui vẻ đón nhận mọi đau khổ trong đời sống hằng ngày với mục đích thông hiệp vào sự thương khó của Chúa Giêsu để mang ơn cứu rỗi cho chính chúng ta và cho nhiều người khác.
Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Vì yêu con Ngài đã chết cho con được sống, tình yêu đó, con vẫn nhớ, nhớ mãi trong lòng” (YLS)
  • Giữ tâm hồn thinh lặng để kết hiệp mật thiết với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

THỰC HÀNH CHUNG
  1. Mỗi cộng đoàn tùy sáng kiến, dọn đài Thánh Giá nhắc nhớ chị em sống tâm tình Mùa Chay
  2. Gia tăng hy sinh và trung thành thực hiện các giờ thiêng liêng trong ngày để cầu nguyện cho tình yêu thương và hiệp nhất trong cộng đoàn.
  3. Mỗi sáng thức dậy và sau giờ kinh tối hát: ĐK bài: “Trên con đường trở về “(Sách Chay Phục Sinh trang 22)
ĐK : Con xin trở về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về tội đời xin sám hối. Con xin trở về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về tội đời xin giã từ.

 

 

Tác giả bài viết: Vùng Kon Tum

 Tags: Phụng vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây