DÀN Ý
- Lời mở đầu
- Khai triển nội dung
- Những nét khác biệt của các mảnh ghép (Mảnh ghép được nhân cách hóa là con người).
2.1.1. Em thiếu nhi.
2.1.2. Người bạn trẻ.
2.1.3. Người cha-người mẹ, người anh-người chị.
2.1.4. Người linh mục, người tu sĩ.
2.1.5. Người lãnh đạo, người thầy- người cô.
2.1.6. Người đau bệnh, người cao niên.
2.1.7. Người ẩn danh.
-
- Những nét chung của các mảnh ghép.
2.2.1. Nền tảng Tin Mừng
2.2.2. Giáo huấn của Giáo Hội
2.2.3.Thiện chí và nỗ lực đáp trả của các mảnh ghép.
- Lời kết
*****&*****
1. LỜI MỞ ĐẦU
Đẹp thay, vì chỉ là những mảnh ghép thôi, nhưng nếu có ánh sáng từ Trời chiếu rọi thì bức họa trở nên lấp lánh, lung linh huyền nhiệm. Huyền nhiệm đến nỗi người ta sẽ không hiểu được nếu không có ơn ban, nếu không có khao khát kiếm tìm, học hỏi và tin yêu. Đó là bức họa tổng thể công trình cứu độ của Tạo Hóa được biểu lộ nhờ ánh sáng tình yêu của Người chiếu soi cùng sự góp phần của “từng mảnh ghép biểu trưng mọi tầng lớp con người thụ tạo muôn hình muôn vẻ, gọi là từng cá thể độc đáo”. Một cách nào đó, thánh Phaolô đã diễn tả bức họa cứu độ này như công trình xây dựng của ngôi đền thánh là thân thể Đức Kitô, qua thư gởi giáo đoàn Êphêsô 2, 21-22: “Trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Chúa ngự, nhờ Thần Khí.”
Vâng, đẹp thay cho những mảnh ghép là dấu ấn của những bước chân con người theo thầy Chí Thánh Giêsu. Đó là hình ảnh đẹp của những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Mảnh ghép ấy có thể là: (1) em thiếu nhi, (2) người bạn trẻ; (3) người cha-người mẹ; người anh - người chị; (4) người linh mục, người tu sĩ; (5) người lãnh đạo, người thầy cô; (6) người đau bệnh, người cao niên; (7) người ẩn danh.
Tất cả họ được mời gọi để làm nên phận vụ của mình ngõ hầu cho bức họa được cả sáng, cho Nước Trời trị đến, và ý Đấng Tạo Hóa được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Từ muôn thuở những mảnh ghép thụ tạo này đều được “Ánh Sáng cứu độ” chiếu ban phúc lành để họ được lương thực hằng ngày, được ơn tha thứ và được sức mạnh để vượt thắng mọi chước cám dỗ, chỉ cần là họ luôn khao khát trung thành đón nhận ánh sáng soi dẫn của Chúa qua cầu nguyện và thực hành theo hướng dẫn của Chúa Ba Ngôi.
Cho dù tội nguyên tổ Adam-Eva gieo bóng tối, giao tranh với ánh sáng, và con người phải tận lực để đương đầu với sự dữ, nhưng nhờ tình yêu thương sáng tạo, quan phòng của Chúa Cha, ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, con người dù ở thế hệ nào, hoàn cảnh nào cũng có thể theo Chúa để gieo mầm cứu rỗi. Chúng ta thấy được bức họa với đủ thứ hình dạng: lớn - bé, tròn - vuông, bồi - khuyết, lồi- lõm… tượng trưng nét độc đáo của đặc sủng Chúa ban cho mỗi người, tạm gọi là “ Những nét khác biệt của các Mảnh Ghép”:
Để hiệp nhất trong đa dạng, các mảnh ghép cần bắt nguồn và triển nở từ những điều căn bản để thi hành sứ vụ bước theo Đức Kitô trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, tạm gọi là “ Điểm chung của các Mảnh Ghép”. Nói khác đi, mỗi “Mảnh Ghép” thi hành đặc sủng Chúa ban theo sứ mạng khác nhau nhưng nối kết trong nhiệm thể Chúa Kitô cho chương trình cứu độ được thành toàn. Chúng ta có thể nhìn lại đặc sủng và sứ mạng từ em thiếu nhi đến cụ già trong đời sống chứng tá của mình, kể cả điểm khác nhau và điểm giống nhau.
2. KHAI TRIỂN NỘI DUNG
2. 1. NHỮNG NÉT ĐẶC BIỆT CỦA CÁC MẢNH GHÉP
2.1.1. Em thiếu nhi
Trong lớp giáo lý, chị giáo lý viên hỏi, tuần vừa qua, như chị đã căn dặn trước đó, các em đã chuẩn bị gì để đóng góp cho tuần khánh nhật truyền giáo sắp đến. Từng cánh tay nhỏ bé dễ thương của các bé đưa lên phát biểu:
-Em đọc 3 kinh kính mừng mỗi ngày. Em vâng lời ba mẹ, không chơi game nhiều nữa.
-Em cho bạn em con dế mà em thích nó lắm. Em không nói chuyện trong lớp. Em vâng lời anh chị giáo lý viên và thầy cô.
-Em dắt người mù qua đường. Khi ba mẹ em không đọc kinh tối sáng thì em đọc một mình.
-Em bớt tiền ăn quà để cho bác ăn xin trước cổng trường. Em nhịn khi bạn trêu chọc em. Vô nhà thờ em không nói chuyện.
- Giờ dâng lễ vật trong thánh lễ em không có gì dâng Chúa, em dâng Chúa nụ cười và hứa với Chúa em sẽ cười vui luôn.
-Em giúp má quét nhà. Em lo học bài và làm bài về nhà, em chơi với em của em và không đánh em.
-Em xem truyện kinh thánh trong sách “Bông Hồng Nhỏ”.
-Em bớt tiền ăn quà để bỏ vào giỏ nhà thờ, để ông biện mua nến thắp trên bàn thờ, và trả tiền điện nữa.
-Sinh nhật của ba em, em không có gì tặng, em kiếm một cái hộp thổi vào đó nhiều nụ hôn, gói giấy đẹp và tặng cho ba.
-Em bắt chước chị thánh Têrêxa Hài Đồng, em không phàn nàn khi ai lấy đồ gì của em. Em im lặng không nói lại khi được người lớn nhắc bảo hay quở trách.
-Em không đòi mua áo mới, giày mới như bạn em có, vì em thấy ba mẹ em làm rất khổ mà cũng không có tiền nhiều.
Chị giáo lý viên tươi cười khen các em: "các em đã có những bước chân đầu tiên để theo Chúa rao giảng Tin Mừng rồi đó. Các em hãy cố gằng thường xuyên thực hành như vậy nhé. Vì theo Chúa đâu phải mình chỉ theo có tuần khánh nhật truyền giáo thôi, mà theo từ khi mình có trí khôn, có sự hiểu biết cho đến khi chết, các em à. Các em còn nhớ chuyện thánh Marcellinô không? Cậu bé không có gì dâng Chúa, chỉ có mấy cái bánh dâng Chúa với cả tâm tình mến thương, và Chúa Giêsu trên thập giá đã đưa tay ra nhận mấy cái bánh của cậu bé đó. Hơn thế nữa, Chúa còn nói: khi mình cho ai, nhất là cho người bé mọn ly nước lã là mình cho chính Chúa đó. Các việc bé nhỏ các em vừa chia sẻ, sẽ làm cho các bạn chưa biết Chúa, thấy thiếu nhi có đạo tốt như vậy, có thể các bạn muốn làm bạn với các em và thấy Chúa nơi các em, như vậy các em là thiếu nhi truyền giáo rồi đó".
2.1.2. Người trẻ (thanh thiếu niên)
Người trẻ được nhiều người quan tâm, nhất là các đấng bậc, vì con người ai cũng qua thời của tuổi trẻ mới đến tuổi cao niên, tuổi trẻ là hiện tại của gia đình, là tương lai của xã hội và Giáo hội. Trong thư gởi cộng đồng Dân Chúa đề ngày 16/10/2020, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dành phần số 6 để đề cập đến giới trẻ: “Thế giới kỹ thuật số cũng là "ngôi nhà" thân thương của người trẻ. Giáo Hội luôn quan tâm đến người trẻ, vì thế Giáo Hội Việt Nam dành ba năm 2019-2022 để tập trung vào mục vụ giới trẻ. Chủ đề mục vụ của năm 2021 tới đây là "Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình". Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện, tương quan hiếu thảo với cha mẹ, và tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà. Gia đình cũng là nơi người trẻ học tập những đức tính nhân bản như trung thực, quảng đại, phục vụ, tinh thần trách nhiệm. Ước mong các bạn trẻ cùng với cha mẹ mình vun đắp gia đình thành ngôi nhà cầu nguyện, mái ấm yêu thương và nơi đào tạo con người trưởng thành toàn diện”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở về đường hướng hoạt động chính yếu của mục vụ giới trẻ: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cách vắn tắt rằng: mục vụ giới trẻ gồm hai hướng đi chính. Một là tìm kiếm, mời gọi, thu hút các bạn trẻ hướng tới một kinh nghiệm về Chúa. Hai là thăng tiến, phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống. số 209). Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm: “Mục vụ giới trẻ phải mang tính hiệp hành (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một hành trình chung, điều đó bao hàm sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm… ” (Sđd. Số 206a).
Bên cạnh đó, như để khích lệ hơn cho người trẻ cần chuyên chăm “lao động” về mọi chiều kích để triển nở thành người toàn diện, cách riêng thực hiện được ước mơ truyền giáo của mình, Vatican News 25/8/2020, trong mục “Giáo hoàng và người trẻ ” có đoạn đã chia sẻ: “Bà Melania, phát biểu từ sân khấu dựng lên tại Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc trước sự có mặt của Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Pence, Đệ nhị phu nhân Karen Pence và đông đảo quan khách, đệ nhất phu nhân Melania Trump đã trình bày bài phát biểu gần 30 phút, trong nội dung có chỗ bà đã nhấn mạnh: ‘nhờ lao động chăm chỉ và tinh thần quyết tâm, tôi đã có thể đạt được giấc mơ “Mỹ” của chính mình.’ ” Lao động trí óc hay lao động chân tay là góp phần cộng tác vào chương trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, và noi gương Chúa Giêsu: “Cha Ta đã làm việc liên lỉ, Ta cũng làm như vậy” (Ga 5,17).
Nỗ lực của người trẻ luôn là niềm hy vọng cho mọi người, trong Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” số 106b, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng bất chấp cơn khủng hoảng hiện nay về dấn thân và các mối quan hệ cộng đồng, nhiều người trẻ đang chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề của thế giới chúng ta và đang thực hiện những hình thức khác nhau trong việc cổ động và hoạt động tình nguyện.”
Ngài tỏ bày cách tha thiết hơn với người trẻ “Đức Kitô hằng sống ở trong các con, và Người không bao giờ bỏ các con. Dù các con đi lạc xa đến đâu, Người là Đấng Phục Sinh vẫn luôn ở đó. Người kêu gọi các con trở về với Người và bắt đầu lại mọi sự. Khi các con cảm thấy mình già đi vì ưu phiền, vì phẫn uất hay sợ hãi, vì nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để phục hồi nghị lực và hy vọng của các con.” (Tông huấn Đức Kitô Đang Sống, số 2).
Mặt khác, để chuẩn bị vào đời sống hôn nhân, xây dựng tương lai lý tưởng kế thừa và phát huy gia sản tinh thần của cha ông để lại, người trẻ cần phân định ơn gọi, tích góp vốn liếng thiêng liêng cho bậc sống được chọn lựa phù hợp với mình. Nếu là bậc sống gia đình giữa đời, người trẻ cần qua việc học giáo lý trong hành trình chuẩn bị hôn nhân. Có như vậy người trẻ mới hòa nhập được trong xã hội phức tạp, dù có nhiều thách đố họ vẫn thủ đắc được đời sống đạo đức, nhất là đức khiết tịnh là điều kiện quí báu cho sự tăng trưởng đích thật của tình yêu liên vị. “Các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã khẳng định bằng nhiều cách khác nhau rằng cần giúp các bạn trẻ khám phá giá trị và sự phong phú của hôn nhân” (Relatio Synodi 2014, 26).
Cùng nhịp với các vị lãnh đạo Giáo Hội, uớc gì người trẻ được người lớn kiên nhẫn lắng nghe hơn, trân trọng các mối quan tâm và đòi hỏi của họ, và nói với họ bằng một ngôn ngữ dễ hiểu hơn (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 105). Đồng thời người trẻ luôn bắt đầu lại mỗi ngày với ân sủng Chúa ban và luôn giữ lửa nhiệt huyết của tình Chúa - tình người đang ban tặng cho lớp trẻ, để lớp trẻ luôn là lao động chính, sức mạnh chính của nhiều phương diện trong gia đình, Giáo hội và xã hội.
Cho nên: “Tuổi trẻ ơi đừng để bị khinh thường. Vì như: Có một loài chim ở rất xa. Đưa con rời khỏi chốn quê nhà.Vượt núi vượt đồi qua biển cả. Ước mong đời con sẽ thăng hoa…Và nếu các bạn trẻ không muốn ai khinh thường tuổi trẻ của minh, ‘các bạn làm ơn đừng về hưu non’ (x. Đức Kitô Đang Sống, số143); và ‘hãy bắt tay hành động ngay bây giờ’ (x. Đức Kitô Đang Sống, số147)” (x.Trương Đình Hiền. Mẹ Tôi Là Thế Đấy. An Tôn và Đuốc Sáng 2019. Trang 82&99).
Đức Thánh Cha Phaxicô gởi đến các bạn trẻ niềm mong ước của ngài: “Các bạn trẻ thân mến, cha sẽ vui mừng khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và rụt rè. Các con cứ chạy, vì ‘được Tôn nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng ta tôn thờ trong Thánh Thể đang nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con trong hành trình tiến về phía trước. Hội Thánh đang cần đà tiến của các con, cần những trực giác và đức tin của các con. Và khi cac con đến nơi mà chúng tôi chưa đến, các con hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi’ (Canh thức cầu nguyện với giới trẻ Italia tại Circus Maximus, Roma 11/8/2018. L’ Osservatore Romano” & Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 299).
2.1.3. Người cha - người mẹ; người anh - người chị
Người cha- người mẹ
Người cha, người mẹ là cột trụ của gia đình, là nơi góp phần rất lớn hình thành nhân cách, sự trưởng thành toàn diện, sự hài hòa, hạnh phúc cả đời cho những người con mà Chúa quan phòng đã đặt định trong gia đình của mình. Bài hát ‘Cầu cho cha mẹ’ của Linh mục Phanxicô đã nói lên điều này: “(1)Xin Chúa i a chúc lành cho đời cha mẹ của con, công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con xin đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha me suốt đời coi nhẹ khổ đau. (2) An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lơn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha. (ĐK) Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.”
Để sống vai trò truyền giáo trong bổn phận là cha mẹ “Cả người nam và người nữ, người cha và người mẹ đều là những người cộng tác với tình yêu Thiên Chúa Tạo Hóa và như thể họ là những thông dịch viên của Ngài” (Gaudium et Spes, 50). Có nghĩa là họ cần phải “tỏ lộ cho con cái họ dung mạo người mẹ và dung mạo người cha của Chúa. Hơn nữa, họ cùng dạy dỗ con cái về giá trị của sự hỗ tương, sự gặp gỡ giữa những khác biệt, trong đó mỗi người đóng góp bản sắc riêng của mình và cũng biết đón nhận từ người khác. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà thiếu vắng một trong hai người, thì điều quan trọng là tìm cách nào đó để bù đắp sự mất mát, để đứa con được phát triển cách thích đáng cho tới trưởng thành” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 172).
Bên cạnh đó họ cần sống ân sủng của Bí tích hôn phối, chia sẻ sự tự nguyện hy sinh - cống hiến cho nhau, và cảm nghiệm được Tin Mừng gia đình là một niềm vui như “chứng tá đầy hoan lạc của đôi vợ chồng và của gia đình, Hội thánh tại gia” (Relatio Synodi 2014, 30). Nhờ vậy, họ có sức thiêng của Đức Kitô để được “giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô độc”(Evangelii Gaudium, 1).
Mặc khác, bậc cha mẹ ý thức trong bổn phận nuôi dạy con cái như sự cộng tác gieo trồng hạt giống, còn lại là công trình của Thiên Chúa. Qua Hội thánh, Chúa đã, đang và sẽ “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ,” (Relatio Finalsis 2015, 56).
Trong thực tế, biết bao vị thánh đã để lại cho hậu thế gương sống chứng nhân trong bậc làm cha, làm mẹ. Chẳng hạn như, cha mẹ chị thánh Têrrêsa Hài Đồng đã sống gương mẫu, thương con nhưng không chìu con, huấn luyện đạo đức cho con cái, dạy con sống tình yêu Chúa bằng những hy sinh bé nhỏ ngay từ tuổi ấu thơ. Và kết quả cha mẹ nên thánh và Têrêsa đã thành mẫu thánh tuyệt vời, và được chọn làm bổn mạng cho các xứ truyền giáo. Người mẹ của cậu Augustino đã thực tiễn trong kiên nhẫn, cầu nguyện trong tin yêu, sửa dạy có kích hoạt, chịu đựng gian khó, giáo dục con với tình thương, cậy trông có Chúa đồng hành, nên dù người con nhiều năm tháng lầm lỡ, cuối cùng người mẹ đã hoán cải người con tội lỗi và đã trở thành vị thánh.
Đẹp thay, dẫu biết rằng, gia đình nào cùng có những khó khăn riêng, khủng hoảng riêng, nhưng “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, và sự tha thứ, hiệp thông để lại những dấu ấn lịch sử đẹp: thắng vượt bao nỗi thăng trầm của gia đình. Họ luôn ý thức rằng: “Sống với nhau không để hạnh phúc suy yếu dần đi, nhưng để học sống hạnh phúc theo cách thức mới, khởi đi từ các khả năng mở ra từ một giai đoạn mới. Mỗi khủng hoảng là một thực tập giúp cho cuộc sống chung thêm mạnh mẽ, hay ít nhất tìm thấy được một ý nghĩa mới của kinh nghiệm hôn nhân (Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, số 232).
Người anh- người chị
Người anh-người chị là những người con đầu tiên của cha mẹ. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu quan tâm lo lắng cha mẹ dành cho những người con đầu tiên này. Nhiều cha mẹ đã chia sẻ, họ không mong để lại gia sản gì cho con cái, chỉ cầu mong để lại kiến thức và lòng đạo đức. Ước mong sao những người con, nhất là người con đầu tiên của gia đình, là những người anh - người chị, để tiếp tay với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ qua đời, người anh–người chị này sẽ lo cho các em của mình, như cha mẹ đã lo cho những người con đầu tiên trong gia đình vậy. Quả thật: “tình huynh đệ trong gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi chúng ta thấy những sự quan tâm, những ứng xử kiên nhẫn, những tình cảm thương yêu của anh chị vây bọc các em nhỏ yếu đuối nhất, lúc ốm đau hoặc mang khuyết tật” (Huấn Giáo 18.02.2015: Báo L’Osservatore Romano, 19.01.2015, tr. 8). Cha mẹ và họ hàng sẽ yên tâm biết bao, và những người em cảm thấy thật hạnh phúc khi “có một anh em trai, một chị em gái thương yêu mình, là một kinh nghiệm mạnh mẽ, vô giá, không gì thay thế được” (Huấn Giáo 18.02.2015: Báo L’Osservatore Romano, 19.01.2015, tr. 8).
Bên cạnh đó, người em trong gia đình cũng phải biết kính trọng anh chị mình và vâng nghe anh chị như vâng nghe cha mẹ mình. Anh chị em biết xin lỗi nhau khi xúc phạm đến nhau và quảng đại tha thứ cho nhau, cho cơ hội để người có lỗi bắt đầu lại. Anh chị em xem sự hòa thuận yêu thương là dấu chỉ của gia đình có đạo, có Chúa, và có thể gọi đây là: “cách thức hoán cải truyền giáo: không được chỉ dừng lại ở việc loan báo hoàn toàn có tính lí thuyết và xa rời thực tế với những vấn đề của con người” (Relatio Synodi 2014, 32). Gia đình, cha mẹ và anh chị em, cần sống liên kết với bà con, láng giềng, và với các thành phần khác trong xã hội bằng phẩm giá của con người. Đây cũng là sự thực hiện viên mãn trong tinh thần tương trợ, hiệp thông và phong nhiêu, làm cho người ta cảm thấy được rằng: Tin mừng về gia đình đáp ứng những mong đợi sâu xa nhất của người Kitô hữu. Thật vậy, để mục vụ gia đình: “không chỉ là giới thiệu các luật lệ, nhưng là đề xuất các giá trị đáp ứng nhu cầu thiết thực của con người ngày nay, ngay cả trong các nước bị tục hóa nhiều nhất (Relatio Synodi 2014,33).
2.1.4..
Người linh mục- người tu sĩ
Người linh mục
Cao đẹp thay thiên chức và sứ vụ linh mục, như linh mục nhạc sĩ Sơn Ca Linh đã từng cảm hứng “Từ lâu xa trước Cha đã yêu thương con dạt đào, cha đã chọn con giữa bao người thế. Hôm nay con bước lên bàn thờ, dâng Cha niềm yêu mến vô bờ. Trọn đời con xác hồn trắng trong …”. Linh mục nhạc sĩ Ánh Đăng đã xác tín: “ từ đó vâng từ đó Chúa đã chọn con con, ấn tin trao tay là lời hứa sắt son…”. Sr. Trầm Hương, FMSR, trong bài thánh ca ‘Đuốc sáng tâm linh’, có đoạn đã ca ngợi: “Linh mục hình bóng Chúa trong kiếp người, tham dự vào chức thánh Con Chúa Trời. Linh mục là muối ướp cõi trần ai là tinh hoa của Giáo Hội, ngọn hải đăng thắp trên dương trần. Linh mục người thánh hiến bao lễ vật, trung thành làm chứng tá cho nước Trời. Linh mục là đuốc sáng giữa trời đêm, dù phong ba dù phủ phàng, một niềm tin chứng nhân muôn đời.” Linh mục còn được Giám mục nhắn nhủ trong nghi thức truyền chức: “Con hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều con tin, hãy thực hành điều con dạy”
Đời linh mục thật ý nghĩa, được nhiều người quý mến tôn trọng, nhưng cũng không thiếu người gièm pha vu khống, bởi vì “môn đệ không hơn thầy” (Mt 10,24a), họ đã tung hô Thầy Giêsu trong ngày Lễ Lá và sau đó đã đưa Thầy vào cuộc tử nạn, thì môn đệ cũng thế thôi. Nhưng dù hoàn cảnh nào, người linh mục cũng sát cánh bên Thầy để thi hành sứ vụ mục tử. Điển hình, thời dịch Covid-19, từ cuối năm 2019, các linh mục vì sứ vụ dâng lễ, ban bí tích giải tội, thăm viếng bệnh nhân và phục vụ cho họ, nên đã lây nhiễm bệnh. Chẳng hạn, tính đến ngày 15/4/2020 có khoảng 109 linh mục ở Ý đã chết vì nhiễm Covid 19 (http//hdgmvietnam.com/chi-tiet/109-linh-muc-y-chet-vi-virus-corona-39681). Có 9 Đức Giám mục trên thế giới qua đời vì Covid 19 (Vatican News 22/7/2020). Chỉ tính ở Brazil vào ngày 03/9/2020 thống kế cho biết có 500 linh mục bị nhiễm bệnh virus Corona và 20 linh mục bị chết vì bệnh này. (Vatican News 3/9/2020). Ở Châu Âu, 400 linh mục chết vì nhiễm Covid-19 (Vatican News 2/10/2020). Và cho đến hôm nay 2/2021 số các linh mục đã nhiệm virus Covid-19 và qua đời chắc chắn là nhiều hơn thống kê nêu trên.
Đẹp thay, trong đời thường, linh mục trung thành trong sứ vụ hằng ngày, âm thầm lặng lẽ nhưng ảnh hưởng thật sâu rộng. Bởi linh mục sống độc thân, không có vợ con nhưng có đại gia đình là giáo dân, chăm sóc họ như mục tử chăm sóc đàn chiên của mình. Linh mục không có nhà cửa riêng tư nhưng có Giáo xứ, Giáo phận, Giáo hội là nhà, có trách nhiệm bảo quản giữ gìn di sản tinh thần và tài sản chung. Linh mục không có giờ tự do nhiều như người thường, bởi lẽ đến giờ ấn định phải chủ tế thánh lễ cho giáo dân, phải ngồi tòa giải tội khi giáo dân cần, nhất là với bí tích xức dầu bệnh nhân, không kể giờ giấc, dù là chiều tối hay đêm khuya, dù trời nắng ráo hay mưa gió bão bùng. Ngoài ra, các ngài còn dành nhiều thời gian hơn để đồng hành với tha nhân, không kể lương giáo, nhất là những ai đang gặp khó khăn trong đời sống thiêng liêng, đời sống tinh thần hay vật chất, ở quanh giáo xứ của ngài. Và để đồng hành tốt, các ngài phải hy sinh rất nhiều và cần có nghệ thuật nữa, như Đức Thánh Cha đã nhắc lại ý tưởng trong sách Xuất hành 3, 5: “ Nghệ thuật đồng hành nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác.” (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam- Ủy Ban Loan Báo Tin Mùng. Học Hỏi Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, trang 33).
Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, trong niềm thao thức cho nhiều người nhận biết Chúa, khi nhìn vào số giáo dân trong Giáo phận Qui Nhơn với tỉ lệ 1, 65 %, (chỉ có 76.114 giáo dân trên tổng dân số của 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là 4.599.990 người), ngài ước mong và mời gọi các Kitô hữu trở thành nắm mem nhỏ vùi trong đấu bột để dậy men Tin Mừng, riêng với các linh mục giáo phận ngài đã nhắn nhủ:"Để thực hiện được điều này, các linh mục phải là những người trước hết đầy nhiệt tâm và đi đầu trong các hoạt động truyền giáo, phải vượt qua mục vụ bảo tồn để tiến đến mục vụ truyền giáo như lời Đức Phanxicô đã dạy. Đặc biệt các linh mục phụ trách các giáo xứ phải cùng với giáo dân tiếp cận anh chị em lương dân trong địa bàn mục vụ của mình, bằng những tương quan thân thiện, những sự giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần. Trong khi rao giảng tin mừng, tuyệt không được chê bai hay công kích niềm tin tôn giáo của các anh chị em ngoài Công giáo, trái lại phải biết tôn trọng, tìm cách đối thoại và trình bày đạo lý Tin Mừng cho họ với sự đơn sơ chân thành. Các linh mục đào tạo giáo dân thành những tông đồ truyền giáo. Đặc biệt mỗi giáo xứ phải có những anh chị em tham gia Legio Mariae. Vì đây là đoàn thể tông đồ rất hữu hiệu.” (Trích thư Đức Giám muc Giáo phận gởi Cộng đồng dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn nhân Chúa Nhật truyền giáo 2020).
Như đã đề cập ở trên, sứ vụ linh mục thật cao cả, nhưng hồng ân càng cao quí, trách nhiệm lại lại càng nặng nề, như người “lãnh nhận nhiều nén bạc cần phải sinh lợi nhiều nén bạc hơn…(x. Mt 25, 14-30). Trong tình thần hiệp nhất yêu thương của các mảnh ghép cùng chung trong ‘khung kính màu cứu độ’, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, cách riêng cho những ‘mảnh ghép’ được chọn gọi trong sứ vụ linh mục cao cả này.
Người tu sĩ
Tu sĩ là ai? Nói chung, họ là những người nam người nữ sống đời thánh hiến trong các Tu hội, các Hội dòng chiêm niệm và các Đan viện, các Tu Hội đời và các Tu hội mới thành lập, thành viên của Hội dòng các trinh nữ, các ẩn sĩ, thành viên của các Tu đoàn Tông đồ. Trong thư của Bộ Đời Sống Thánh Hiến gởi cho những người sống đời thánh hiến ngày 21/01/2021 đã nhấn mạnh: “chúng tôi xin tất cả anh chị em hãy đặt Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phaxicô vào trung tâm đời sống, vào việc đào tạo và sứ mạng của anh chị em. Chúng ta không thể cứ coi nhẹ chân lý này: tất cả chúng ta là anh em, chị em với nhau, như trong thực tế chúng ta vẫn cầu nguyện trong kinh Lạy Cha – dù không nhất thiết phải ý thức điều này – rằng, “nếu không mở ra với vị Cha chung của mọi người, sẽ không có những lý do vững mạnh để thúc đẩy tình huynh đệ” (Thông điệp Fratelli Tutti, s. 272).
Sự liên kết mật thiết với Cha trên trời và sống tình huynh đệ với nhau quả là yếu tố nòng cốt của đời sống mọi Kitô hữu và nhất là người thánh hiến. Đẹp thay, đáng trân quí thay, có những tu sĩ trung thành vượt qua những thách đố va chạm của đời sống cộng đoàn. Họ bỏ mình với những nét riêng của văn hóa vùng miền, tính khí của tâm lý khác biệt, sở thích riêng tư của khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa… để sống hài hòa với anh em/ chị em trong cộng đoàn, để theo luật sống chung với qui tắc kỷ cương và nề nếp, để sao cho đời sống cộng đoàn thánh hiến phản chiếu được mẫu gương cộng đoàn Nazaret, cộng đoàn Betania, và cộng đoàn tiên khởi của các tông đồ. Và đẹp thay, nhiều cộng đoàn tu sĩ đã thực thi được tôn chỉ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).
Tuy nhiên, ở môi trường nào cũng có cám dỗ, có người chiến thắng, có người sa ngã, nhất là cám dỗ làm tổn thương nhau qua lời nói. Quan tâm đến vấn đề này, trong lời chào cuối thánh lễ nhân ngày đời sống thánh hiến lần thứ 25, chiều 02/2/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các tu sĩ: Đừng nhiều chuyện, đừng nói xấu nhưng hãy có tính hài hước.
Đức Thánh Cha nhận định rằng, trong đời sống thánh hiến, đời sống cộng đoàn có một luyện ngục nhưng chúng ta cần kiên nhẫn để tiến bước. Ngài đưa ra hai điều có thể giúp các tu sĩ tránh biến cộng đoàn thành luyện ngục. Thứ nhất là phải tránh nhiều chuyện, Đức Thánh Cha nhận định rằng: điều giết chết cộng đoàn là tính nhiều chuyện, do dó đừng nói xấu người khác.
Ngài giải thích: điều bạn nói xấu đến từ lòng đố kỵ, từ rất nhiều tội lỗi chết người mà chúng ta mang trong lòng, hãy thoát khỏi nó. Ngài nói cách hài hước rằng, có loại thuốc để chữa trị thói nhiều chuyện, trước khi nói xấu người khác hãy cắn vào lưỡi, để lưỡi sưng to lên trong miệng của bạn và bạn không thể nói xấu. Xin hãy tránh thói nhiều chuyện, điều phá hoại cộng đoàn.
Điều thứ hai, hãy có tính hài hước. Luôn luôn có sự không suy thuận từ bề trên, từ cố vấn, và từ người khác, luôn có những điều chúng ta không thích... Vậy hãy giữ tính hài hước, điều này giúp chúng ta rất nhiều, giúp ta tránh được tính nhiều chuyện. Hãy biết cách cười chính mình với trái tim nhân hậu, cười trước các tình huống, và thậm chí với người khác nhưng đừng để mất tính hài hước của bạn.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: những gì tôi khuyên anh chị em không phải là những lời khuyên quá giáo điều, mà là nhân bản để phát triển tính kiên nhẫn. Ngài cũng cảm ơn chứng tá của các tu sĩ về những khó khăn nhưng họ đã tiến bước vì đau khổ thiếu ơn gọi. Ngài khuyến khích: hãy tiến bước, can đảm, vì Chúa luôn luôn vĩ đại, người yêu thương chúng ta, hãy bước theo Người (Đài Radio Vatican 04/2/2021).
Các tu sĩ sống sứ vụ qua nhiều đặc sủng, có Dòng chuyên chiêm niệm, có Dòng vừa chiêm niệm vừa hoạt động, nhưng tất cả là cho vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Cho dù các sứ vụ có khác nhau như: giảng thuyết, giáo dục, lao tác, cầu nguyện, y tế, xã hội… thực hiện ở tại quê nhà hay ra đi các xứ truyền giáo xa xôi, tất cả trong hành trình theo sát Chúa Kitô hơn, sống tinh thần từ bỏ của bí tích rửa tội và sự tự hủy của ba lời khuyên Phúc Âm cách tích cực hơn. Đẹp thay, phúc thay nhờ các tu sĩ âm thầm phục vụ mà bao người nghèo khổ, bao bệnh nhân nan y, bao người khuyết tật, bao người cơ nhỡ, lỡ lầm, bao trẻ thơ vô gia cư, không trường học…, tìm được sự an ủi đỡ nâng và chăm sóc. Bao người chưa biết Chúa hay xa lìa Chúa được trở về và cảm nhận tình Chúa yêu thương hơn.
Để thực thi linh đạo - đặc sủng - sứ vụ của Hội dòng mình, các tu sĩ luôn tiếp tay với các linh mục ở hậu phương (các giáo xứ) cũng như ở tiền tuyến (các xứ truyền giáo, các nơi dịch bệnh đang bùng phát). Xin đan cử một ví dụ nhỏ, tại thành phố Aleppo, Syria, cộng đoàn các cha Dòng Phanxicô chỉ có 5 thành viên và đã có 4 thành viên bị nhiễm vius Corona và 2 cha bị chết vì dịch này, do sứ vụ đồng hành thiêng liêng, phải ra đi với dân để giúp đỡ tinh thần cũng như chăm sóc và chia sẻ vật chất (Vatican News 19/9/2020). Dòng Thánh Giá ở Âu Châu có 50 nữ tu bị dương tính, 1 nữ tu qua đời (Hãng thông tín Thụy Sĩ 01/11/2020; Đài Vatican News 14/11/2020). Đó là chưa kể đến các linh mục, các chủng sinh , các nữ tu bị bắt cóc, bị ám sát, bị bách hại trong khi thi hành sứ vụ, thi ân cho mọi người, qua sự hy sinh bỏ mình, bỏ quê hương xứ sở, bỏ mọi tiện nghi. Nhưng đẹp thay, dù bị bách hại, đau khổ bằng cách này hay cách khác, các tu sĩ đã noi gương các thánh nam, các thánh nữ, các thánh tử đạo: “nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến ra pháp trường", can đảm trong sứ vụ truyền giáo vì "không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu.”
Ngoài ra các tu sĩ cần chú ý hơn để cộng tác trong chương trình truyền giáo của Giáo phận mình thuộc về, như lời mời gọi của Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn “Các tu sĩ thuộc các Hội dòng đang hiện diện và phục vụ trong Giáo phận hãy tích cực tham gia công tác truyền giáo theo sáng kiến của Hội dòng cũng như theo chương trình chung của Giáo phận và chương trinh riêng của mỗi giáo xứ. Mỗi cộng đoàn phải là một đơn vị truyền giáo. Ngoài việc phục vụ tại nhà thờ và trong cộng đoàn giáo xứ, các tu sĩ hãy cố gắng dành nhiều thời giờ để đi thăm viếng những gia đình lương dân, đặc biệt những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại những vùng sâu vùng xa. Tại Việt Nam, các tu sĩ vẫn được anh chị em lương dân có thiện cảm, vì vậy hãy tận dụng lợi điểm này để tiếp cận và rao giảng Tin Mừng cho họ”. (Thư Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, gởi Cộng đồng dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn nhân Chúa Nhật truyền giáo 2020).
2.1. 5. Người lãnh đạo- người thầy cô
Người lãnh đạo
Người lãnh đạo dù ở cương vị nào, chính thể nào, tập thể nào, thời nào hay nơi chốn nào cũng cần có sự hài hòa giữa tâm, trí và lòng. Đôi khi họ phải gánh chịu nghịch cảnh: cưu mang nhưng bị nguyền rủa, giúp đỡ lại bị miệt thị, vị tha lại bị lợi dụng. Họ được mời gọi sống hiền lành nhưng không nhu nhược, cương quyết nhưng không độc tài, nghiêm khắc nhưng không khó tính.
Để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cụ thể qua việc chữa lành những đau thương của nhân loại, nhất là thời chiến tranh loạn lạc hay thời đại dịch Covid -19, Giáo hội đề nghị các nhà lãnh đạo chính trị xã hội cần điều hành các thành phần mình chịu trách nhiệm dựa trên các nguyên tắc căn bản và có liên đới với nhau: (1) Tôn trọng nhân phẩm con người, (2) Chú trọng đến công ích, (3) Chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, (4) Phân phối tài sản phổ quát, (5) Sự liên đới hỗ tương, (6) Chăm sóc ngôi nhà chung. (x. Vatican News 06/8/2020).
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Spe Salvi, số 35, đã nhắc nhớ: “Nếu chúng ta không thể hy vọng hơn điều đạt được trong một thời gian nhất định, hay hơn điều được các nhà cầm quyền chính trị và kinh tế hứa hẹn, cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng mấy chốc không còn hy vọng. Điều quan trọng là biết rằng tôi luôn có thể tiếp tục hy vọng, dù cho trong đời sống chúng ta hay giai đoạn lịch sử mà tôi sống, dường như không có điều gì để hy vọng…”. Vì tình yêu Thiên Chúa kêu gọi chúng ta vượt qua tất cả những gì ngăn cách và chóng qua; củng cố sức lực chúng ta để tiếp tục làm việc trong công cuộc tìm kiếm công ích cho mọi người, cho dù chưa thực hiện ngay bây giờ, và những gì chúng ta cố gắng thực hiện.
Đẹp thay, đã có nhiều nhà lãnh đạo kinh qua một đời hy sinh cho tổ quốc, cho quê hương, cho Giáo hội, hoặc cho đoàn thể mà họ được ân trao. Họ không chỉ là một nhà chính trị, một chuyên gia hay một bậc tài ba nào đó; mà họ là người đa năng với tính chất của người cha, người mẹ, người thầy, người bạn và thậm chí là người phục vụ cho mọi người. Họ đặt quyền lợi của mọi người lên trên lợi ích cá nhân và gia đình của họ. Họ tôn trọng và giữ gìn lịch sử, truyền thống, di sản tinh thần của dân tộc, của đoàn thể họ được trao trách nhiệm làm đầu. Họ xác tín rằng: qua bao thế hệ, có biết bao di sản được trao lại, cần được giữ gìn và phát triển: niềm tin bất khuất, sự trung thành bảo tồn và phát huy nét đẹp hòa bình, tình đoàn kết giữa người với người, cũng như tận lực góp sức xây dụng công việc chung. Lý tưởng này không những chính người lãnh đạo nỗ lực thi hành, mà họ còn gây ý thức kế thừa và sự chú ý phát huy di sản tinh thần đó đến mọi thành viên thuộc về dân tộc hay đoàn thể đó nữa. Vì sống chí công vô tư như vậy nên người lãnh đạo có khi cũng bị những người trục lợi ganh ghét và muốn trục xuất hoặc hủy diệt họ. Lịch sử thế giới còn ghi danh nhiều anh hùng lãnh đạo như thế.
Người thầy, người cô
Nói đến thầy cô, có lẽ ai cũng có những kỷ niệm, những ký ức êm đẹp. Bởi lẽ thầy cô là cha mẹ thứ hai, học đường là gia đình thứ hai. Thầy cô đã cộng tác tích cực với cha mẹ để cho học trò không những kiến thức chữ nghĩa mà còn dạy cách sống làm người tốt nữa, thế mới gọi thầy cô là nhà giáo dục, nhà đào tạo.
Đẹp thay, hình ảnh thầy cô suốt đời tận tụy cho học sinh, ngoài việc giảng dạy, thầy cô còn quan tâm đến từng nhân cách, từng niềm vui nỗi buồn của các em. Về nhà, thầy cô chấm bài, soạn giáo án, suy nghĩ cách thức để giúp cho từng em, nhất là với các em cá biệt theo từng hoàn cảnh, cách thức học tập, và trình độ khác nhau của mỗi người học trò. Ngược lại thầy cô phải đón nhận những hiểu lầm, những ngỗ nghịch của học sinh tuổi mới lớn, ảnh hưởng tâm lý hoặc xã hội đương thời. Thầy cô nhẫn nại, trung thành trong sứ vụ giáo dục chỉ vì nghĩ ơn gọi truyền giáo của mình chính là đây: “Chứng nhân hơn thầy dạy”. Cuối cùng nhờ sự nhân từ đức độ của thầy cô nên đã cảm hóa được một số em học sinh quậy phá, và giúp cho các em hoán cải nên tốt hơn.
Thầy cô âm thầm phục vụ dù công tác ở thành phố, thôn quê, hoang đảo, hay núi rừng, lương bổng đủ dùng là may lắm rồi, không vì danh lợi, không vì vật chất, chỉ mong sao cho lý tưởng đào tạo của mình được truyền đạt tốt, có hiệu quả cho thế hệ trẻ để các em trở thành công dân tốt xây dựng nước nhà mai sau. Thầy cô giảng dạy với tấm lòng và lương tâm chứ không chỉ dựa trên nguyên tắc và lý thuyết suông. Vì “khi chỉ muốn giáo dục bằng những nguyên tắc lý thuyết không nghĩ rằng điều quan trọng là con người trước mặt chúng ta, thì bạn sẽ rơi vào một trào lưu mà đối với giới trẻ không có nghĩa gì cả, bởi vì không đồng hóa việc giảng dạy kèm theo một chứng tá của đời sống và của sự gần gũi.” (Andrea Torniell. Phanxicô cùng với cuộc đời ý tưởng, lời nói của một vị Giáo Hoàng đang làm thay đổi Giáo Hội. Chuyển ngữ: Augustino Nguyễn văn Dụ, trang 132-133).
Quan tâm đến vấn đề giáo dục thiếu nhi và giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định rằng: “Trường học chắc hẳn là môi trường thuận tiện để tiếp cận thiếu nhi và người trẻ. Vì trường học là nơi ưu việt để phát triển con người, nên cộng đoàn Kitô hữu đã luôn rất quan tâm huấn luyện giáo viên và các nhà quản trị, thành lập các trường của mình với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau. Trong lĩnh vực giáo dục người trẻ, Thánh Thần đã khơi lên rất nhiều đặc sủng và chứng tá thánh thiện…Thật ra, một trong những niềm vui lớn nhất của một nhà giáo dục là nhìn thấy học trò của mình trở thành một con người mạnh mẽ, thống nhất, chủ động và có khả năng cống hiến…Chúng ta rất thường bị điều khiển bởi những lối sống tầm thường phù phiếm, lôi kéo chúng ta theo đuổi sự thành công rẻ tiền, hạ giá sự hy sinh và tiêm nhiễm tư tưởng cho rằng giáo dục là không cần thiết trừ phi nó đem lại hiệu quả cụ thể tức thời. Không, giáo dục giúp chúng ta biết chất vấn, ngăn ngừa chúng ta không bị u mê bởi cái tầm thường, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta cần đòi lại quyền của mình không để bị lung lạc bởi những ‘thứ quyến rũ’ tràn ngập ngày nay làm sao lãng khỏi cuộc tìm kiếm này… ”(Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 221 và 222).
2.1.6. Người đau bệnh, người cao niên
Người đau bệnh
Đức Thánh Cha chia sẻ: “Truyền giáo là thông truyền sự tốt lành của Thiên Chúa cả trong lời nói và trong hành động ngay những người yếu đuối nhất, bị tổn thương nhất cũng có thể trở thành nhà truyền giáo cách riêng của họ, bởi vì người ta có thể nói theo sự tốt lành của họ ngay cả trong tổn thương và yếu đuối ” (Giáo Hoàng và người trẻ, số 239).
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa thánh ở Việt Nam, trong thư gởi đến Việt Nam từ Singapore ngày 15/8/2020, ngài đã lập lại lời của Đức Thánh cha Phanxicô đã nói trong cơn đại dịch Covid-19: “Niềm hy vọng cũng bởi nổ lực của chúng ta, và chúng ta cần giúp nhau để giữ cho niềm hy vọng được sống động và hiệu nghiệm. Tôi muốn nói rằng một niềm hy vọng lan tỏa được nuôi dưỡng và xác tín trong sự gặp gỡ với người khác, và, như một món quà và bổn phận, được trao ban cho chúng ta để tạo nên một ‘trạng thái bình thường mới’ mà chúng ta đang hết lòng mong đợi”.
Đẹp thay những bệnh nhân đau đớn nơi thân xác nhưng vẫn giữ được niềm tin yêu hiện trên đôi mắt và đôi môi tươi cười. Tôi đã chứng kiến, trong cơn đau đớn, một số bệnh nhân đã thì thào: “con xin hiệp thông với cuộc khổ nạn Chúa, xin cứu con và toàn thế giới.” Có bệnh nhân lại đọc mãi rằng: “Không, không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa tôi”; còn bệnh nhân khác nữa miệng không ngớt đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng hay Kinh Sáng Danh trong lúc quằn quại trên giường bệnh. Đây là điểm sáng chứng nhân cho đời truyền giáo của Kitô hữu. Họ là của lễ toàn thiêu đẹp lòng Chúa, Chúa hài lòng tuôn đổ ơn lành qua niềm tin sắt son của họ. Thay vì than van kêu trách, họ đã đón nhận thánh ý Chúa như lời mời gọi cộng tác vào cuộc thương khó Chúa để cứu rỗi nhân loại.
Đức Thánh Cha luôn quan tâm đến các bệnh nhân. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới bệnh nhân lần thứ 29, được cử hành vào ngày 11/02/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một cách thức chữa lành dựa trên mối quan hệ tin tưởng và liên cá nhân giữa người bệnh và những người chăm sóc họ. Sứ điệp mang chủ đề: Anh em chỉ có một Thầy và tất cả anh em là anh em với nhau” (Mt 23,8). Một tương quan tin tưởng hướng dẫn việc chăm sóc bệnh nhân”. Sứ điệp gồm 5 số, được Đức Thánh Cha ký ngày 20/12/2019: (1) Chống lại sự giả hình: cần chăm sóc bệnh nhân với tấm lòng yêu thương, phục vụ tận tình. (2). Bệnh tật và đức tin: khi đau bệnh thấy mình yếu đuối, đau khổ, cần người giúp đỡ. Ta phụ thuộc vào Chúa, trong đức tin ta hướng về Chúa, tin rằng đau khổ là mầu nhiệm, chứ không phải là hình phạt hay tình trạng xa cách với Thiên Chúa, càng không phải là dấu hiệu cho thấy sự thờ ơ dửng dưng của Thiên Chúa. (3) Sự gần gũi người bệnh và người chăm sóc: Sự gần gũi này là một thứ dầu xoa dịu quý giá mang lại sự hỗ trợ và an ủi cho những người bệnh đang đau khổ. Là các Ki-tô hữu, chúng ta cảm nghiệm rằng sự gần gũi là một dấu hiệu của tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô. (4) Tình liên đới và tương quan huynh đệ: Để một cách thế trị liệu có hiệu quả, nó phải có khía cạnh tương quan, vì điều này cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Mối quan hệ như vậy với người bệnh có thể tìm thấy một nguồn động lực và sức mạnh không bao giờ cạn trong lòng bác ái của Chúa Ki-tô, được thể hiện qua chứng tá trong suốt cả ngàn năm của những người nam nữ, những người đã nên thánh qua việc phục vụ các bệnh nhân. Thực tế là từ mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô đã tuôn trào thứ tình yêu có khả năng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho trải nghiệm của cả bệnh nhân và người chăm sóc. (5) Giới răn yêu thương trong tương quan với bệnh nhân: Một xã hội càng nhân văn hơn thì càng biết chăm sóc cách hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.
Người cao niên, già yếu
Theo định luật đào thải của tiến trình lão hóa, người cao niên, già yếu dần dần không những ở thể lý mà còn trong tinh thần nữa. Thường tình, sức khỏe người cao niên theo thời gian suy yếu dần từ các hệ tim mạch, hệ cơ-xương khớp, hệ tiêu hóa, đến các ngũ quan và ngũ tạng. Tinh thần và tính tình cũng biến đổi theo tình cảm, cảm xúc, môi trường và hoàn cảnh chung quanh nhiều hơn.
Nhưng nét đẹp của người cao niên là họ chấp nhận họ như mình là. Đã có thời trẻ trung, mạnh khỏe tháo vát và lao động thì cũng phải có lúc già nua, yếu sức đau bệnh và nghỉ ngơi. Họ nghĩ và nói như thánh Gióp: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao? Hơn nữa, “Thân tro bụi tôi cũng trở về bụi tro.” Họ vui vẻ cộng tác với Chúa, qua việc cố gắng luyện tập, tu dưỡng, giữ gìn sức khỏe tinh thần cũng như thể lý trong khả năng còn lại của mình. Nhờ tinh thần tin tưởng - lạc quan - hài hòa giúp cho người già vẫn còn năng động tâm lý, tư duy được những điều tốt đẹp Chúa ban cho họ. Họ hài lòng rút lui vào bóng mờ, mặc dù quá khứ họ đã dày công làm nên đại sự, giờ đây vui mừng để lại sự nghiệp cho lớp trẻ kế thừa và phát huy tiếp nối. Họ tin tưởng có Chúa Ba Ngôi cùng đồng hành, soi sáng, trợ lực cho từng thời đại với nét đặc trưng riêng, sáng tạo riêng, để với sự hài hòa giữa truyền thống và việc canh tân, tất cả luôn qui về đích điểm: Tin Mừng Chúa được đến với mọi người, cho Nước Cha trị đến, cho danh Cha được cả sáng hơn.
Thánh Vịnh 92 đã sánh ví tuổi già như người công chính: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn.” (Tv. 92,13-15).
Sách khôn ngoan giải thích thêm:“Vì chưng tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người bạc đầu thì khôn ngoan, và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch. Người già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu, và nếu đang sống giữa những kẻ tội lỗi, cũng được Chúa dời đi nơi khác. Và được đem đi như thế, kẻo sự gian tà biến đổi lòng họ, hoặc sự gian dối lừa đảo linh hồn họ.”(Khôn Ngoan 4, 8-11)
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã ca ngợi tuổi già: “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục sinh một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên dạy: “Lời Chúa khích lệ chúng ta giữ sự gần gũi với người già, để học hỏi từ kinh nghiệm của các vị ‘Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó…Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ.’ (Hc 6, 34-36). Dù gì đi nữa, chiều dài những tháng năm họ sống và tất cả những gì họ kinh nghiệm trong đời phải làm cho chúng ta kính trọng họ: ‘Thấy người đầu bạc ngươi phải đứng lên’ (Lv19,32). Vì ‘sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão.’ (Cn 20,29). ” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 188).
2.1.7. Người ẩn danh
Người ẩn danh, dù tôi không biết tên, không rõ nguồn gốc, nhưng chắc chắn họ đã, đang và sẽ hiện hữu trên cõi đời này. Họ có thể ở gần tôi, hay xa tôi. Có thể tôi đã gặp họ, có thể chưa lần nào gặp. Có thể họ theo bất cứ tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào. Họ là người ở bất kỳ quốc gia nào và chủng tộc nào. Họ là người làm bất cứ nghề nghiệp nào, có địa vị gì. Nhưng họ cùng có điểm chung là sống và tranh đấu cho sự thật, công bằng và tìm về chân, thiện, mỹ. Họ chủ trương mình sống càng âm thầm, càng không ai biết đến càng tốt, chỉ mong sao cho sự hoàn thiện được thể hiện nơi cá nhân họ, cho gia đình, xã hội và đất nước họ thuộc về.
Đẹp thay, người ẩn danh có tấm lòng bao la như biển cả, người còn đó hay đã ra đi, nhưng hương thơm người vẫn thoang thoảng trong gió biển trời lồng lộng, êm nhẹ thổi về muôn nơi. Jonathe Nắng Tím mời gọi ta hãy học bài học của biển để hình dung những người ẩn danh “Ta học được bài học bao dung của biển để biết lặng thinh trước cám dỗ vạch trần sự thật làm tổn thương. Học với biển dịu dàng, trìu mến để không nóng nảy, phẫn nộ khi trái ý, phật lòng. Học tế nhị, ân cần như biển để sống huynh đệ tương thân. Học ngay thẳng, trung thành với biển để tình không bạc, nghĩa không phai. Học nhẫn nại, chịu đựng như biển để không ai bị loại trừ khỏi tình người, lòng nhân ái”. (Tin Mừng Đường Phố, Mùa Xuân Tân Sửu 2021).
Muôn tạo vật vẫn xinh đẹp khi biển vẫn còn đây, khi người ẩn danh vẫn hiện hữu đâu đó, khiến mỗi lần gặp lại biển, nhớ người anh hùng ẩn danh, người ta nhận ra Đấng Tạo Hóa với lòng thương xót bao la, với sự quảng đại bao dung vô ngần, vác Thánh giá đi bước trước, và từng lớp lớp người bước theo, bước theo… cho nhân loại tiếp tục cảm nhận được hạnh phúc, ca ngợi tình Chúa vĩ đại, cảm phục những con người ẩn danh: “ Lần này gặp lại biển, giật mình thấy biển còn tình hơn. Nhìn rừng người ngụp lặn trong niềm vui của biển, mới hiểu tình biển bao la thế nào khi bao dung đón muôn người với sự thật trần trụi của họ. Tình biển độ lượng làm sao khi không vạch trần, kể tội ai, như ngàn năm lòng biển vẫn che đậy, cất giấu rác rưới đủ loại, phế thải đủ cỡ. Biển quảng đại rất đỗi mới không hẹp hòi kỳ thị, không bủn xỉn tính toán, không ích kỷ ghen tương, nhưng tình biển mặn nồng tìm hóa giải mọi mâu thuẫn, đố kỵ và hoà giải đối kháng, tị hiềm cho đại dương mãi xanh màu hy vọng”. (Jonath. Tin Mừng Đường Phố. Xuân Tân Sửu 2021)
2.2. ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC MẢNH GHÉP VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
2.2.1. Nền tảng Tin Mừng
Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, đến trần gian để thi hành sứ vụ cứu chuộc loài người, thế nên căn tính của Ngài là lòng thương xót và đem Tin Mừng đến muôn dân trong sứ mệnh truyền giáo. Ngài động lòng thương khi sứ mệnh ấy chưa hoàn tất: “ Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Ngài khẩn thiết mời gọi mọi người: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại quá ít ỏi, vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ đến đồng gặt lúa” (Lc 10,2).
Cách riêng trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu như người lữ hành không chỗ gối đầu, ngài đã đến với mọi người ở khắp nơi, để đồng hành, để chia sẻ kiếp người, để đem niềm an vui đến với họ “Người rong ruổi khắp các thành thị và xóm làng loan báo Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Chúa Giêsu rất cần có nhân sự cộng tác với Ngài và Ngài đã kêu gọi nhóm Mười Hai là những người đầu tiên theo Ngài, Ngài muốn các ông ở với Ngài và để sai các ông đi rao giảng (x. Mc 3,14). Sau khi Chúa phục sinh, Ngài truyền lại cho các ông một sứ điệp khẩn thiết “như cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con, các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,23). Vâng, truyền giáo còn lời là di chúc của Chúa Giêsu, khi Ngài sắp về Trời, “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần." (Mt 28,19).
Chúa Giêsu cũng chọn bảy mươi hai môn đệ, Ngài cặn kẽ chỉ dạy, quan tâm, chuẩn bị và chia sẻ cho họ các vấn đề liên quan trên bước đường truyền giáo. Ngài còn tỏ bày điều sâu kín nhất giữa Chúa Cha và Ngài cũng như giữa Ngài và con người qua đoạn Tin Mừng thánh sử Luca 10, 17-24: “Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con. Người bảo:Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp và mọi quyền lực của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con…. Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe".
Đến lượt các môn đệ, hiểu được tâm tình và ước nguyện của Thầy mình, các ông cũng chia sẻ lại cho các anh chị em, đối tượng rao giảng của mình, như thánh Phaolô nói: “Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín sâu xa” (1Tx 5), và để nói lên tầm quan trọng của việc truyền giáo cũng như gây ý thức cho người nghe, các ông nhấn mạnh “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Như vậy truyền giáo hay loan báo Tin Mừng không những là bản chất của Giáo Hội mà còn là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi lẽ, Giáo hội chính là thân thể Chúa Kitô. Các tông đồ và các các đấng kế vị các ông được Chúa ủy thác hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa thi hành lệnh truyền của Ngài, ước gì mọi người cùng hiệp nhất để lắng nghe lời Chúa dạy qua Giáo Hội.
2.2.2. Giáo huấn của Giáo Hội
ĐứcThánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Giáo Hội hoặc là loan báo Tin Mừng hoặc là không có Giáo Hội ” (ĐTC Phanxicô. Không có Chúa Giêsu chúng ta sẽ không làm được việc gì. Nhà xuất bản Thánh Phaolô). Ngài nói thêm: “Niềm vui của Tin Mừng đong đầy trái tim và cuộc sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu” (ĐTC Phanxicô. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 11/2013).
Nói về bản chất của truyền giáo Đức Thánh Cha nhiệt tâm nhắc đi nhắc lại: “Việc loan báo Tin Mừng không phải là việc chiêu dụ tín đồ, mà là Giáo Hội phát triển nhờ sự thu hút và bởi chứng tá. Tất cả các diễn dạt đều nhằm mục đích gợi ý để nhấn mạnh đâu là tính năng động của mỗi hoạt động tông đồ, và điều gì có thể là cội nguồn của các hoạt động này.” (ĐTC Phanxicô. Không có Chúa Giêsu chúng ta không thể làm được việc gì).
Qua trình thuật của Lc 24, 33-34 về hai môn đệ trên đường Emmaus, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích tín hữu: “tỉnh thức, sẵn sàng nhận ra gương mặt của Người và chạy đi báo Tin Mừng cho anh em chúng ta ‘Chúng tôi đã thấy Chúa!’” (Tông thư Nova millennio ineunte [Khởi đầuThiên niên kỷ mới, s. 59].
Đức Hồng y Luis Antonis Tagle, Tổng trưởng bộ loan báo Tin mừng cho các dân tộc đã chia sẻ: “Ngày nay việc truyền giáo không còn hiểu là ai gởi người đi và ai nhận người đến, nhưng từ ngữ truyền giáo phải được hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn, đó là: Phúc Âm Hóa. Nghĩa là làm cho nơi mình sống thấm nhuần tinh thần Phúc Âm với cái nhìn bao quát 360 độ trước hoàn cảnh thực tại của thế giới”. Cách riêng khi nhìn vào những người đau khổ cách này hay cách khác, cụ thể là trong bối cảnh nạn dịch Covid -19, với nạn nhân vô cùng đáng thương, Đức Hồng y đã nói tiếp: “Tất cả chúng ta là người truyền giáo, vì chúng ta đã lãnh nhận Tin Mừng cùng với trách nhiệm sống và làm chứng cho Tin Mừng đó luôn luôn và mọi nơi. Loan báo Tin Mừng là một việc của đời sống thường ngày. Truyền giáo trở thành kinh nghiệm thiêng liêng, là ơn gọi và là món quà. Hơn nữa khi hiểu truyền giáo là Phúc Âm Hóa thì thì mỗi người đều thấy mình có điều gì đó để cho trong đức tin, đó chính là con người của mình, là tình yêu của mình. Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho; không ai giàu đến nỗi không cần nhận điều gì! Tình yêu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là của tất cả, cho tất cả” (Vatican News 7/10/2020).
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chia sẻ “Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cũng rất quan tâm đến những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Vì thế, xin anh em linh mục, với đức ái mục tử, hãy nỗ lực đồng hành với anh chị em trong các giáo xứ nhằm giúp họ trở thành những môn đệ và tông đồ thực thụ của Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống của tất cả mọi người (x. Ga 14,6)” (HĐGMVN - Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa 16/10/2020).
Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, sau khi đã nhắn nhủ riêng các linh mục và tu sĩ về sứ mạng truyền giáo, đã có lời khuyên cho các tín hữu: “Về phần anh chị em giáo dân là những người đang ở tuyến đầu trong công cuộc truyền giáo, anh chị em hãy tận dụng sự gần gũi thân tình với anh chị em lương dân do địa bàn sinh sống hay do lãnh vực nghề nghiệp, để rao giảng Tin Mừng cho họ, không những bằng lời nói mà còn bằng chứng từ cuộc sống. Để thực hiện được điều này, trước hết anh chị em hãy luôn tìm hiểu học hỏi về Lời Chúa, cố gắng sống và thực hành Lời Chúa, nhờ đó anh chị em lương dân cảm nhận được những hiệu quả tốt lành của Tin Mừng trong cuộc đời anh chị em và dễ dàng đón nhận những chia sẻ đức tin cách chân thành của anh chị em” (Thư Đức Giám mục Giáo phận gởi cộng đồng dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn nhân Chúa Nhật truyền giáo 15/10/2020).
2.2.3..
Thiện chí và nỗ lực đáp trả phía các mảnh ghép
Người truyền giáo hay người tông đồ thường có những đáp trả bắt nguồn từ những thiện chí và nhiệt huyết phát xuất từ con tim khao khát nên trọn lành và ước muốn thực thi đức ái trọn hảo với tha nhân.
Họ tin rằng, niềm vui đời tông đồ không hệ tại ở sự thành công, mà ở việc con người có lưu lại trong tình mến và thường xuyên kết hợp thân mật với Đấng đã sai mình đi làm chứng nhân không. Vì từ sự liên kết này, người tông đồ mới có “lửa” cũng như có “chất liệu” để truyền sang cho người anh em, để đạt được kết quả cuối cùng là hưởng Nước Trời, là quê hương đích thực, như lòng Chúa mong muốn: “…Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời” (Lc 10, 20).
Sự khiêm tốn, thanh bần, đòi hỏi người truyền giáo/tông đồ luôn chân nhận mình thật bé mọn, và xác tín cách sâu sắc lời mời gọi của Chúa là hồng ân cao quí, như gương Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21).
Người tông đồ rao giảng Tin mừng cho muôn dân phải chuyển tải Lời và cuộc sống của Chúa mà mình đã được đón nhận và trải nghiệm: “Như chúng tôi đã nói trước kia, thì nay tôi xin nói lại: ai giảng Tin Mừng cho anh em khác điều anh em đã chịu lấy, thì nó hãy là điều chúc dữ! ”(Gal 1,9).
3. LỜI KẾT
Chúng ta được sinh ra trong hồng ân và lớn lên trong trao ban. Nhưng xét cho cùng, chúng ta lại lãnh nhận hơn là trao ban? Chúng ta được mời gọi để hiệp thông và có trách nhiệm liên đới với nhau trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.
Mặc dù các thành phần dân Chúa đã nỗ lực nhưng các linh hồn nhận biết Chúa gia tăng rất ít. Ngày 14/10/2020 văn phòng thống kê của Giáo Hội cho biết: sự hiện diện các tín hữu trên thế giới trong vòng 5 năm gần đây (2013-2018) tăng 6% (từ 1 tỉ 254 triệu tăng lên 1 tỉ 329 triệu). So sánh với độ tăng dân số toàn cầu là 7 tỉ 94 triệu lên 7 tỉ 496 triệu. Số tín hữu Công giáo tăng nhẹ từ 17, 68 % đến 17,73% (Vatican News 16/10/2020).
Tại Việt Nam, năm 2020 kỷ niệm 60 năm thành lập “Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, vào khoảng thời điểm 1961, ở Việt Nam có khoảng 1.500.000 (một triệu rưỡi) người Công giáo thuộc 17 giáo phận, ngày nay (2020) trên toàn quốc có khoảng 7.000.000 (7 triệu) trong 27 giáo phận. Đây là dấu hiệu sự trưởng thành và phát triển của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, mặc dù việc loan báo Tin Mừng vẫn còn nhiều giới hạn (x. HĐGMVN - Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa 16/10/2020).
Lời vang vọng của Chúa vẫn khẩn thiết “Ta chạnh lòng thương đám đông này vì họ như chiên không người chăn” (x. Mc 6, 30-34). Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Lời Chúa luôn thúc bách cuộc sống người Kitô hữu là nên thánh và làm cho người khác nên thánh. Nói đến nên thánh, có câu chuyện: em bé trả lời khi mẹ em hỏi: các thánh là ai? Em bé nhìn lên khung cửa kính màu ở nhà thờ và nói: “ Các thánh là khi có ánh mặt trời chiếu qua bức tranh trong khung kính màu". Câu trả lời đơn sơ của em bé, làm chúng ta suy nghĩ.
Nhờ ánh sáng mặt trời chiếu qua làm rõ những nét người trong tranh kính màu được sáng lên và đẹp nên em bé gọi đó là các thánh. Qua câu chuyện trên, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội đã chia sẻ: “Các thánh đã để cho sự thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa. Nói cách khác, các ngài đã đón nhận hào quang của Thiên Chúa rồi làm cho hào quang ấy lan tỏa mọi môi trường chung quanh, để rồi người khác nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi các ngài.” Phải chăng, đây là một định nghĩa cụ thể của đời truyền giáo, đời chứng nhân cho Tin Mừng. Như vậy để cho hào quang Chúa chiếu soi chính là lắng nghe và thực hành lời Chúa, là sống từ tâm, bao dung và bác ái. Trải nghiệm sự thánh thiêng này, ngôn sứ Isaia đã reo lên: “Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ được chữa lành, đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi, bây giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu Người liền đáp lại ‘có Ta đây’.”
Nhưng hiện tại có nhiều người vẫn chưa biết Chúa là ai! Đã vậy họ còn ngăn cản không cho người biết Chúa được tự do tôn thờ Chúa. Cụ thể, xin đan cử một ít thông tin từ Vatican News đã cho biết:
Ngày 10/7/2020 tượng Đức Mẹ Maria tại đền thờ Chính Tòa và Chủng viện gần New York, cách thủ đô 75 dặm, bị đốt phá và bị viết từ ngẫu tượng dọc theo thân tượng. Cùng ngày ở Uganda bọn cướp cắt camera, nhảy tường nhập vào tu viện khi các nữ tu đang ngủ, cưỡng hiếp và đánh đập một số nữ tu (Vatican News 20/7/2020). Ngày 11/7/2020 nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình ở Osplano, Florida, USA bị quấy phá. Cùng ngày, tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ thánh Phêrô, vùng lân cận Boston, USA cũng bị đốt phá. Nhà thờ Paris cũng bị đốt cháy trước đó…. Đền thờ Santa Sovia ở Roma thành đền thờ Hồi giáo, hai nhà thờ ở Santiago, Chile bị đốt phá (Vatica New 20/10/2020).
Phải chăng, sự hận thù, dịch bệnh, chiến tranh, bách hại, phá đổ… dấu chỉ thời đại, cũng là tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn truyền giáo của mỗi người. Và đây cũng là lời mời gọi nhân loại cần cộng tác hơn vào chương trình cứu độ của Chúa bằng nỗ lực sống trọn vai trò “mảnh ghép” Chúa đã quan phòng cho mỗi người. Đây quả là trách nhiệm liên đới, nếu một số mảnh ghép còn bị che khuất trong tối tăm, thì khung ảnh màu bị loang lỗ, hình bóng Ba Ngôi Thiên Chúa không thể rõ nét, thậm chí có thể bị xuyên tạc thành hình ảnh méo mó nào đó, hay biểu trưng cho thân hình Đức Kitô vẫn còn quằn quại trên thập giá cứu độ, và do đó nhân loại chưa cảm nghiệm thấy niềm vui và ánh sáng Phục Sinh, vì bóng tối sự dữ còn đe dọa con người.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh cả Giuse, xin Chúa ban cho anh chị em chúng con biết “ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật (Ep 5,8-9). Xin cho chúng con nhớ mình là chi thể của nhau trong nhiệm thể của Giáo Hội và Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh. Do đó, cùng một căn tính với Chúa Giêsu, cùng bản chất với Giáo Hội, chúng con phải xác tín rằng: rao giảng Tin Mừng luôn là một bổn phận, là việc cấp bách và có tính liên tục. Chúng con phải thực hiện cuộc “ra đi” cách phổ quát, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm người nhất định nào, mà phải đến với mọi đối tượng ở mọi nơi, mọi chốn, nhất là với những ai thiếu may mắn, những người ở vùng ngoại biên, ở nơi xa xôi hiểm trở, thiếu tiện nghi. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí, nung nấu sự nhiệt thành, và củng cố sự trung thành của chúng con, Amen.