NIỀM TIN CỦA ABRAHAM – NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA
Đã là người, ai ai cũng khao khát đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời mình. Với những người tin thì hạnh phúc đích thực chỉ ở nơi Thiên Chúa. Khó khăn và đau một chỗ là Thiên Chúa là Đấng vô hình, không giới hạn, trong khi con người chỉ là thụ tạo giới hạn hữu hình làm sao con người vươn lên tới Thiên Chúa?
Chính vì thế, ta thấy Thiên Chúa đã mạc khải cho con người qua các hiện tượng, các biến cố lịch sử từ khởi nguyên cho tới Đức Kitô, là sự mạc khải trọn vẹn. Nhưng mạc khải sẽ rơi vào hư không nếu không có lòng tin đón nhận. Vậy lòng tin là gì? Con người sống niềm tin vào Thiên Chúa như thế nào? Trở lại với Kinh Thánh chúng ta cùng tìm hiểu qua niềm tin của Abraham trong Cựu Ước được mệnh danh là “cha của những kẻ tin” (Rm 4,11) và niềm tin sống động của Gioan được diễn tả trong Tin Mừng của Ngài.
Ta dừng lại một chút để nhìn thấy niềm tin của Abraham và rồi ta cũng nhìn lại niềm tin của mỗi chúng ta. Trong lắng đọng, ta sẽ thấy ta đang tin ai và ta đang tin vào điều gì ?
Ta thấy Abraham là Tổ phụ không chỉ theo nghĩa phả hệ, mà còn là “cội nguồn” của dân tộc Israel đặc biệt trên bình diện đức tin. Lòng tin của Abraham hàm chứa hai yếu tố đặc trưng: Từ bỏ quá khứ và từ bỏ tương lai. Thật vậy, Ápraham rời bỏ tất cả để ra đi chỉ vì một lời kêu gọi chứ không phải do ý định riêng của mình (x.St 12,1-3). Dẫu đối với người xưa đó là điều hầu như không thể, vì như thế chẳng khác nào đi vào chỗ tiêu vong. Nhưng Abraham vẫn ra đi, bất chấp tất cả, cuộc đời và tương lai của ông từ nay dựa vào lời kêu gọi chứ không dựa vào điều gì khác. Như thế, Tin nơi Abraham là sự đáp ứng lại một tác động, một sự lên đường theo lời kêu gọi mà ông coi là đến từ Thiên Chúa.
Và rồi đức tin của Abraham đã trải qua nhiều thử thách, trước hết là lời hứa về vùng đất thực ra đã có người cư ngụ, thứ đến là về miêu duệ khi ông đã cao niên, và cuối cùng thử thách ghê gớm nhất là sát tế đứa con duy nhất của mình (x.St 22,2-19). Tin đối với Abraham có nghĩa là sẵn sàng lấy Lời, Lệnh Truyền và là Lời Hứa làm nền tảng cho cuộc đời và tương lai của mình.
Nhìn lại niềm tin của Abraham ta thấy niềm tin ấy xem chừng ra là mang tính chủ vị, vì trước lời kêu gọi, ông đã vâng theo, và đã đi tới một quyết định triệt để, một quyết định ảnh hưởng tới tất cả cuộc đời và tương lai của mình. Đức tin đó tất nhiên mang ý nghĩa bao trùm, hay nói đúng hơn đem lại ý nghĩa cho tất cả, cho dù ý nghĩa của nó dường như vượt ra ngoài những gì ông có thể hình dung. Như thế, lòng tin đó không dựa trên Lời Hứa cho bằng vào Đấng ban lời Hứa.
Kiểu đức tin của Abraham là kiểu thức độc đáo của hiện hữu nhân linh: Ra khỏi thế gian, từ bỏ những gì bám víu của thế gian và tựa vào Thiên Chúa và gắn bó với Ngài. Một niềm tin không những vươn lên trên mọi xao xuyến và sợ hãi mà còn mạnh hơn mọi nghi nan, vượt ra khỏi mọi mộng tưởng nơi mình hoặc nơi vinh quang của mình.
Và ta thấy niềm tin của Abraham là niềm tin tiêu biểu cho niềm tin trong Cựu Ước là tin qua Lời, giờ đây Gioan lại cho chúng ta một cái nhìn về niềm tin sống động được ông cảm nghiệm qua chính tương quan sống động với Đức Giêsu, như thế tin trong Tin Mừng Gioan đồng nghĩa với biết và sống: “chúng tôi đã tin cùng nhận biết, Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69), tuy nhiên “biết” ở đây là không chỉ là “biết về” mà là một tương quan trao đổi, có thể nói tin trong Tin Mừng Gioan đồng nghĩa với sống theo nghĩa tròn đầy nhất của nó là đến với Ngài, đón nhận Ngài, yêu mến Ngài, lưu lại với Ngài và ở trong Ngài…
Trong Tin Mừng Gioan, Thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chính là đấng Mạc Khải độc nhất về Cha, là đấng không chỉ loan báo về Lời mà còn chính là Lời “ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga1,1), trung gian ở đây không còn là khoảng cách mà đúng hơn là sự “trong suốt” đến nỗi “Ai thấy ta là thấy Chúa Cha” (14,9).
Và như vậy, khi tin Chúa Giêsu không chỉ là mạc khải về Thiên Chúa mà còn là lời đáp cho những vấn nạn căn bản của con người ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; là Cửa chuồng chiên, là Mục tử tốt lành, là Ánh Sáng, là Bánh, là Cây Nho, là Sự Sống lại và là Sự Sống…
Mặt khác nữa, ta cũng thấy Tin Mừng Gioan mang đậm chiều kích cánh chung. Tin là được tái sinh, được tham dự vào hành trình vượt qua, từ sự chết đến sự sống. Cuối cùng, tin đối với Gioan là hồng ân của Thiên Chúa: “Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, đấng đã sai Ta không lôi kéo kẻ ấy” (6,44). Con người có thể làm trong hành vi tin, đó là sự khai mở, đón nhận Đức Giêsu, Hồng Ân của Thiên Chúa.
Và như thế, ta thấy từ thời Abraham Thiên Chúa không tỏ hiện cách cụ thể nhưng chỉ mạc khải qua Lời, mãi đến thời Tân ước Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, sống như con người để con người được gặp gỡ, đụng chạm, được tiếp xúc, được sống cùng với Ngài. Nhờ đó đức tin nơi Gioan là tương quan sống động với chính Đức Giêsu. Ngày nay, Thiên Chúa cũng hiện diện với chúng ta nơi bí tích thánh thể, nơi tha nhân là hình ảnh Thiên chúa, nơi trật tự của vũ trụ, sự hài hòa của thiên nhiên…như thế niềm tin của chúng ta cũng sống động như niềm tin trong Tin Mừng Gioan là tương quan sống động với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, với tha nhân, với thiên nhiên. Tuy thế, Thiên Chúa cũng mạc khải cho chúng ta về tình yêu của Ngài qua biến cố, qua những khó khăn, thử thách, qua thập giá của đời mình. Khi đối diện với những thử thách, nhất là thử thách trong đêm tối của đức tin, càng đòi hỏi chúng ta phải giữ vững niềm tin, gắn bó với thiên Chúa, sống chứng tá cho niềm tin như Abraham “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin”.
Với tất cả những điều đó, ta thấy tin là ơn thiên Chúa ban để giúp chúng ta đón nhận những mạc khải của Thiên Chúa. Bao lâu còn lữ hành ở trần thế, đức tin là khí cụ để chúng ta chống chọi với sóng gió cuộc đời, vì “Đức tin là bảo đảm cho điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Tin là sự nương tựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, nhờ đó ta có thể vững bước trong hiện tại và tương lại, đồng thời giúp ta đạt tới ý nghĩa đích thực của cuộc sống là quy hướng về Thiên Chúa.
Phần chúng ta, trong thực tại của cuộc sống. Ta đang tin vào ai ?
“Tôi biết tôi đã tin vào ai”. Đó phải là lời khẳng định của mỗi người tín hữu, nếu họ muốn sống đúng với danh xưng này. Niềm xác tín ấy không dừng lại ở một công thức, hay một lời tuyên xưng nơi môi miệng, nhưng là kim chỉ nam cho đời sống hằng ngày và chi phối bao trùm trọn vẹn con người của mỗi chúng ta.