Tôi ơi đừng sáo ngữ

Chủ nhật - 11/06/2023 02:49 224 0
 

TÔI ƠI ĐỪNG SÁO NGỮ


            Văn là người mà ! Ta vẫn thường nghe câu nói đó để rồi ta cũng dễ nhận định ai nào đó qua cách nói, qua cách hành văn của họ. Có những người chọn lời bình dị nhưng rồi có những người chọn những lời hoa mỹ.
            Trong cuộc sống, dĩ nhiên người ta cũng cố gắng hết sức để dành những lời tốt lành nhất để cảm ơn nhau. Thế nhưng không khéo thì những lời xem ra đẹp đẽ có cánh đó lại là lời không thật mà người hay thường nói với nhau là sáo ngữ.
              Thực tế thì ta thấy những lời sáo ngữ xem chừng ra là hay nhưng nó lại rỗng tuếch. Tiếc thay là người ta vẫn thích sáo ngữ với nhau. Càng sáo ngữ xem ra càng tốt.
            Mấy ngày qua, dân cư mạng loan truyền với nhau một đoạn trích dẫn lời đáp từ của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng sau khi nhận lời cảm ơn của một Giáo Lý Viên giáo xứ kia cảm ơn Đức Tổng về việc Đức Tổng đến giáo xứ Ban Bí Tích Thêm Sức. Giáo Lý viên nói như thế này : “Chúng con xin cảm ơn các Đức Cha mặc dù bận trăm công nghìn chuyện, các Đức Cha đến để ban Bí Tích Thêm Sức....”
Trong lời đáp từ, Đức Tổng Giuse nói : “Anh Chị em các giáo xứ lần sau bỏ cái câu đó đi, tôi nghe thấy nhột nhột ...  Thưa anh Chị em, đây là việc làm chính của Đức Cha, Đức Cha mà không đi thêm sức thì Đức Cha đi chơi ở đâu ?””
Còn nhớ cách đây 5 năm, Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Bà Rịa đã nói như vậy tại Nhà thờ Giáo họ biệt lập nọ thuộc Giáo Hạt Bình Giã- Giáo Phận Bà Rịa.
Vị đại diện giáo họ nói lời cảm ơn Đức Cha : “Dù bận trăm công ngàn việc, đường xá xa xôi, nắng nóng oi ả…mà Đức Cha vẫn đến Giáo xứ chúng con ban Bí tích Thêm sức…”.
Nghe thế, đạp lời, Đức Cha Emmanuel dặn : “Lần sau ông không nên Cám ơn như thế này nữa”.  Đức Cha nói : Tại sao không nên nói khách sáo như vậy? Rất đơn giản bởi vì đó là công việc của người Mục tử, là trách nhiệm của người Chủ chăn.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma Ngài nói : “Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12, 2)
Và đâu đó ta cũng nghe ai đó nhận định:
Lời nói đẹp thì thường không được thật.
Lời nói thật thì thường không được đẹp.
Thế cho nên trong những lần cảm ơn các đấng các bậc hay cảm ơn nhau thì cũng không nên sáo ngữ làm gì. Nên chăng nói những lời thật, lời tự đáy lòng của mình.
Ai ai cũng ngao ngán một bài cảm ơn được viết ra giấy dài thườn thượt. Dĩ nhiên cẩn trọng nên viết giấy là bình thường nhưng viết ngắn gọn và đủ ý chứ đừng dài lê thê. Thường ta thấy những Lễ lớn như Thêm Sức, khánh thành Nhà Thờ hay an táng của trùm này trùm nọ đã dài rồi mà còn thêm bài cảm ơn dài nữa thì thật sự lúc đó chả ai muốn nghe và có nghe thì cũng như nghe đài chứ chả cảm được tâm tình. Cứ đơn giản, ngắn gọn và đủ ý là được.
Nghe đâu một cha kia gần rời nhiệm sở. Cha nói với giáo dân là không cần thiết phải tổ chức tiệc chia tay hay tiệc này tiệc nọ. Cha cũng dặn chả cần phải khóc lóc hay bịn rịn cũng như cảm ơn làm chi. Nghe những lời cảm ơn xem chừng ra sáo ngữ. Cha dặn nhớ đến Cha thì cầu nguyện cho Cha cũng như nhớ những điều Cha đã chia sẻ với dân là hiệp nhất yêu thương. Mà thật ! Điều Cha cần nơi giáo xứ là mỗi thành phần trong giáo xứ phải sống hiệp nhất yêu thương và đùm bọc lẫn nhau chứ không phải hình thức bên ngoài hay những lời cảm ơn hoa mỹ. Đơn giản là Cha đó không thích sáo ngữ và sáo rỗng.
Ở đời! Khổ là nhiều người thích sống cái bề ngoài và những lời có cánh nên rồi người ta vẫn dùng những lời có cánh.
Con cái của Chúa, mỗi chúng ta phải sống thật cũng như nói thật, nói tự đáy lòng mình. Ước mong ai nào đó có cảm ơn thì cũng chân thành và đơn sơ tự đáy lòng chứ không phải dài dòng văn tự hay hoa mỹ chi cả.
Sáo ngữ là chính là "bệnh hình thức" trong phiên bản ngôn từ. Sáo ngữ cũng chỉ là cái vỏ để chứa đựng một cái thùng rỗng biết kêu to. Từ ngữ sáo rỗng khi đọc lên nghe “kêu như chuông, nổ như pháo”, nhưng nghĩa của chúng vượt quá tính chất, mức độ cần thiết so với nội dung biểu đạt.
Có lẽ, bệnh sáo ngũ hay sáo rỗng thời nay dễ thấy nhất là hầu như đi đâu, chỗ nào người ta cũng nói đến từ “4.0” như một thứ mốt thời thượng. Trong hội nghị, trên đăng đàn, ở văn bản báo cáo, thậm chí cả lúc trà dư tửu hậu, người ta liên tục nhắc đến đủ thứ “4.0”. Không chỉ “trí thức 4.0”, “doanh nghiệp 4.0”, “doanh nhân 4.0”, “lãnh đạo 4.0”, “quản lý 4.0”, “trường học 4.0”... mà còn “công nhân 4.0”, “nông dân 4.0”, “trồng rau “4.0”, “nuôi cá “4.0”,... thậm chí là “bảo mẫu 4.0”, “ô sin 4.0”, “lao công 4.0”...
Nghĩa là bất cứ thành phần giai cấp nào, nghề nghiệp nào, việc làm nào thời nay người ta cũng vô tư, hồn nhiên gắn với từ “4.0” trong phát ngôn, diễn ngôn, diễn văn để chứng tỏ ta đây là am hiểu thời cuộc “4.0” mà đôi khi chính người nói, người viết, người nghe chả hiểu ngọn ngành thời đại “4.0” là gì.
Mỗi chúng ta hãy tự nhắc chính mình : Tôi ơi đừng sáo ngữ !

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây