Một vị giáo sư bước vào lớp học và viết ba chữ số lên bảng đen 2 4 8. Giáo sư quay về phía học sinh và hỏi: “Thế đó, giải đáp thế nào?” Một vài học sinh trả lời: “Cộng chung là 14”, giáo sư lắc đầu. Nhóm học sinh khác phát biểu: “Tính tiến lên và số kế tiếp là 16”, giáo sư lại lắc đầu. Một nhóm học sinh ngồi cuối lớp lên tiếng: “Là số 64”. Giáo sư nói: “Không phải”. Tất cả các bạn đã vội vã đi tìm đáp án, nhưng các bạn đã thất bại để hỏi: “Vấn đề là cái gì?” Trừ khi các bạn tìm hiểu chìa khóa của câu hỏi, các bạn không thể biết vấn đề là gì và cũng không thể giải quyết vấn đề.
Vị giáo sư nói đúng. Chúng ta thường quên một việc rất đơn giản trong vấn đề này. Chúng ta thường vội vã tìm câu trả lời, trước khi biết chắc chắn vấn đề cần giải quyết là gì. Chúng ta muốn nhanh chóng giải đáp ngay các vấn đề, mà chưa hiểu rõ căn nguyên. Có thể vì chúng ta trực tính, thiên kiến, thiển cận, tự ái, yên trí và nóng nảy vội vàng. Đi đến kết luận suy diễn theo chủ quan. Chính vì thế, chúng ta dễ bị mắc sai lầm. Có nhiều sự cố chúng ta thấy vậy, mà thật sự không phải vậy. Trong cách đối nhân xử thế, chúng ta không nên vội vàng xét đoán và kết án. Khi chưa có đủ bằng chứng, đáp án dễ bị thiên tư và lầm lạc.
Có khi câu chuyện bé, lại xé ra to hoặc cố ý thêm mắm, thêm muối để câu chuyện thêm thuận tai hấp dẫn. Chúng ta có hai lỗ tai để nghe, nhưng chỉ có một cái miệng để nói. Đôi khi chỉ vì lòng thù hận sôi sục với những ý tà tâm, nên chúng ta phát biểu lung tung vô căn cớ. Bốn điều uẩn khúc do miệng nói ra là: Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn và ý ngữ. Lưỡng thiệt là lưỡi đôi chiều lật dở thật hư. Ác khẩu là độc địa và nói chuyện tốt xấu của người. Vọng ngôn là nói những lời không thật, gian dối. Ý ngữ là nói những điều tạp nhạp và vô ý thức. Lòng đầy, miệng mới nói ra. Người ta dễ dàng đánh giá chúng ta qua những câu chuyện hàng ngày.
Cổ nhân nói: ‘Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.’ Ý nói rằng chúng ta phải luôn cẩn thận suy nghĩ chín chắn trước khi phát biểu một vấn đề gì. Khi nói, chúng ta nên biết đối tượng là ai, để không phạm thượng và không làm tổn thương người khác. Tại sao phải uốn lưỡi bảy lần? Con số bảy trong Kinh Thánh là con số thánh được lập đi lập lại nhiều lần. Số bảy là số hoàn hảo. Bảy lần gợi ý là phải trông trước, ngó sau, nhìn trên, nhìn dưới, ngó ngang, ngó dọc và vận dụng ái ngữ để giữ hòa khí. Số bảy cũng có thể là các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, thượng, hạ và xung quanh. Có nghĩa là sự xét suy bao gồm nhiều khía cạnh khách quan, chủ quan, tích tực và tiêu cực.
Con người cao quý hơn mọi loài vật, vì con người có ngôn ngữ để truyền thông. Chúng ta biết rằng trong thế giới động vật, mỗi loài đều có những thứ ngôn ngữ riêng để thông tin. Ngôn ngữ là một khả năng giúp con người mở cánh cửa tri thức ra thế giới bên ngoài. Theo thống kê, nhân loại có tất cả khoảng 6500 thứ ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, có khoảng 2000 ngôn ngữ chỉ dùng cho nhóm thiểu số, ít hơn một ngàn người. Ngôn ngữ là cầu nối. Cầu nối giúp mọi người cảm thông, hiểu biết và liên kết với nhau.
Ngôn ngữ hay lời nói của con người giống như chiếc dao hai lưỡi. Nó có thể xây dựng và cũng có thể giết chết hoặc phá đổ. Cho nên chúng ta phải cẩn trọng trong mọi lời nói. Cha ông ví rằng: ‘Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy’. Một lời phát ra, bốn con ngựa đuổi không kịp. Đúng thế khi lời nói phát ra, khó rút lại lời đã nói. Hoặc khi viết xuống rồi, thì ‘bút sa gà chết’. Có nhiều người đã thành công hay thất bại cũng chỉ vì một lời nói hay một câu viết. Tục ngữ ca dao nhắc nhở: ‘Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây’. Đúng vậy, chậm mà chắc hơn là nhanh nhẩu đoảng.
Trong đời sống gia đình, vợ chồng cần thông hiểu và đối thoại. Đừng để cảnh ‘ông nói bà nói vịt’, không ăn nhập gì với nhau. ‘Hãy nhai cho kỹ, nghĩ cho lâu.’ Cần thông đạt vấn đề để hiểu nhau và tôn trọng nhau. Bất cứ vấn đề gì cũng có nguyên nhân riêng của nó. Chỉ khi nào hiểu thấu cặn kẽ nội tình, chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng. Nếu không phơi trần sự thật, vấn đề vẫn còn đó. Chúng ta đừng dối nhau để tô son bằng lớp da non, mà bên dưới vẫn còn là vết thương mưng mủ. Làm sao chúng ta có thể giải quyết các vấn đề tự căn nguyên cội rễ? Nói thì đơn giản và dễ dàng, nhưng thực tế cuộc sống có muôn vàn ngăn trở. Chỉ vì chúng ta, ai cũng muốn tự vệ cho mình. Cần sự khiêm nhường và dẹp bỏ tự ái.
Nên nhớ, kiến thức chuyên môn của chúng ta có là bao, so với kho tàng kiến thức của nhân loại. Chúng ta bị giới hạn mọi bề về lối suy nghĩ, về khả năng chuyên môn, về tri thức, về kinh nghiệm, về ngôn ngữ và về ý thức hệ. Hầu như mỗi người chúng ta đều bị ảnh hưởng trong một ý thức hệ nào đó. Có thể là tâm thức tôn giáo, văn hóa, truyền thống, phe nhóm chính trị và quan niệm sống. Người hữu thần và người vô thần nhìn mọi sự việc dưới nhãn quan khác nhau. Con người của thế giới tư bản tự do và cộng sản suy nghĩ khác nhau. Cho nên sự phán đoán đều tùy thuộc vào ý thức hệ đã vùi chôn sẵn trong mỗi con người. Không ai đúng hoặc sai hoàn toàn. Hãy chấp nhận những sự khác biệt của nhau để sống hài hòa.
Biết được giới hạn sự hiểu biết của mình là đầu mối sự khôn ngoan. Chúng ta không thể ‘cả vú lấp miệng em’. Không ai quản lý sự thật. Sự đối thoại giữa những ý kiến bất đồng là một việc tốt để giúp chúng ta nhìn được nhiều khía cạnh hay của vấn đề. Sự thật chỉ có một, nhưng có nhiều cách giải quyết. Không có một lý tưởng nào là tuyệt đối. Chúng ta có nhiều con đường dẫn tới sự hoàn thiện cuộc sống. Mỗi người tự chọn cho mình một cách thế thích hợp để sống vui và hạnh phúc. Chúng ta có thể góp ý xây dựng cho nhau và không nên kết án.
Trong cuộc tranh cãi, chẳng ai thua, mà cũng không có ai thắng. Chúng ta nên chấp nhận sự đa dạng của đời sống con người. Chúng ta không thể gò ép người khác rập theo khuôn mẫu và cách sống của mình. Hãy mở cửa tâm hồn để đón nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau và cùng xây dựng một xã hội muôn mầu. Chúng ta không phải là những người ‘ba phải’, nhưng cần sự cảm thông và hiểu biết. Có nhiều sự tranh đấu giữa hai quan niệm sống bảo thủ và cấp tiến. Chúng ta cần ‘ôn cố tri tân’. Cuộc sống không thể dậm chân tại chỗ, mà là sự diễn tiến và phát triển không ngừng. Điều quan trọng là tất cả mọi quan điểm cần bám sát với nguồn cội rễ: Chân, Thiện và Mỹ để tiến lên hoàn hảo hơn. Giống như sợi giây của chiếc diều được cột nối với trụ, diều tha hồ tung cánh bay trong bầu trời mênh mông.
Là người Kitô hữu, chúng ta có Chúa Kitô là đầu và là cứu cánh. Trong mọi trạng huống cuộc đời, chúng ta cố bám chặt lấy Chúa Kitô. Chúng ta sẽ được tự do tung bay trong bầu trời tình yêu bao la. Xin Chúa nâng đỡ và chở che chúng ta trên mọi nẻo đường.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Nguồn tin: https://daminhtamhiep.net
Ý kiến bạn đọc