Giày dép cũng có số !

Thứ bảy - 01/04/2023 08:27 765 0

GIÀY DÉP CŨNG CÓ SỐ !
           
Dép cũng có số và con người mang nó cũng có số ! Có người mang đôi giày (dép) vài triệu nhưng lỗi mode là có thể vất đi ngay. Chỉ cần không  ưng ý là dù mới mua họ cũng cho người khác ngay mà không hề nuối tiếc dù phải bỏ ra số tiền quá lớn. Thế nhưng rồi lại có người lại cứ phải mang đôi dép tội nghiệp dù nó đã sờn, đã rách.
            Cơm trưa ngày tĩnh tâm. Nhìn xuống gầm bàn thấy đôi dép thật tội nghiệp !
            Từ xưa nghe nói và thấy cái chuyện người ta vá ruột xe chứ chưa thấy vá dép. Không tin vào mắt mình. Dán con mắt kỹ một chút thì thấy : Ồ ! Dép vá thật ! Dép cũ rách có cột kẽm thì có ! Hồi nhỏ, nhà nghèo nên tôi từng đi dép ... cột kẽm. Nhìn thấy đôi dép thấy là lạ và chạnh lòng.
            Cơm xong, rủ chủ nhân đôi dép đi mua. Trên xe hỏi chủ nhân có biết ama chở đi đâu không thì chủ nhân nói ama chở đi dạo phố. Nghe thế mới nói : “Trời nắng chang chang này mà dạo gì ông ơi !”.
            Một lát sau đến tiệm dép. Chỉ vào đống dép đang trưng bày và rồi nói với chủ nhân đôi dép vá là muốn lấy đôi nào tùy thích. Lát sau đã có đôi ưng ý.
            Mua đôi dép mới cho chủ nhân đôi dép cũ và chỉ xin có 1 điều : Giữ đôi dép vá làm kỷ niệm.  
            Lòng cũng đâu yên. Nghèo và hoàn cảnh nên mới đi dép vá chứ ! Thế là kéo vào kho và cho 1 bao gạo về ăn cho đỡ đói. Giữa trưa nắng cháy da mồi mà khi nhận bao gạo, lòng này vui lắm ! Nhìn anh ta cười mà lòng mình cũng vui lây ! Cho đi nó sướng gì đâu đó ! Nhưng cũng có phải của mình đâu. Mình cũng chỉ là người trung chuyển thôi mà.
            Hồi nhỏ, gia đình cũng khổ nhưng cũng chưa đến mức như thế này. Ngày nay, khi xã hội phát triển như thế mà còn có những hoàn cảnh như thế âu cũng là điều đau đớn.
            Dép nó cũng có số phận của nó như con người (mà người ta hay nói : Dép còn có số). Đúng như vậy. Nếu như đôi dép cũ kia rơi vào tay người khác thì chắc có lẽ cũng chả phải mang trên mình 5 mảnh vá như vậy.
            Nhìn lại đôi dép mình đang mang cũng na ná như đôi dép mình mới đi sắm cho chủ nhân đôi dép cũ thôi. Và, nó cũng là đôi dép. Xem chừng ra êm chân và nhẹ lắm. Rồi lòng nghĩ đến những đôi dép hiệu, những đôi dép đắt tiền ở chỗ nọ chỗ kia.
            Tánh kỳ ! Suy nghĩ chi cho nó nặng đầu. Bác sĩ báo là đang bị triệu chứng teo não rồi mà ! Có hỏi bác sĩ là giờ bớt suy nghĩ sẽ không teo phải không bác thì bác nói bệnh thì chịu chứ không có cách nào hơn đâu Cha ! Thôi thì đành chịu ! Không suy nghĩ làm sao khi thấy những cảnh nghèo nơi đang sống.
            Thật thế ! Trị giá đôi dép mới mua đâu đáng là gì đâu ! Thế nhưng vì hoàn cảnh để rồi cứ tận dụng đôi dép kia bằng cách vá !
            Đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra là vậy. Có những nơi vinh hoa phú quý giàu sang nhưng có những nơi nghèo như vậy. Khi nghĩ đến phận người. Giàu cũng như nghèo rồi cuối cùng chết cũng như nhau thôi mà. Được một cái thì người nghèo ở đây họ bình an lắm và chưa thấy ai than vãn về cái phận nghèo của họ. Họ đơn giản lắm!  Có gì ăn đó và có sao sống vậy, qua ngày rồi cũng xong.
            Hôm nọ, khi gửi hình ảnh áo quan nhập về chia sẻ với những phận nghèo. Một số người đùa : “Cha cho con 1 cái nha Cha”. Ờ thì đùa ! Cứ ở đây đi ! 2 cái Cha cũng cho được đó mà !
            Tôi muốn trải những dòng chia sẻ này để gửi đến những người đang no đủ. Có khi no đủ quá nhưng vẫn cảm nhận mình thiếu thốn và càm ràm. Cứ thử đến với người nghèo một cách thật sự sẽ cảm nhận được phận người của họ.
            Được ở với nơi mà có đôi dép vá và những chủ nhân nghèo thấy thương lắm ! Nhờ như thế mới cảm và đồng thân đồng phận với người nghèo. Và khi đó, mình lại thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Có như thế chả bao giờ mình dám ta thán một lời nào. Đơn giản là mình không phải mang dép vá. Đơn giản là mình không phải vất vả như những người vất vả kiếp phù sinh nơi vùng này.


 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây