Phiên trực đêm ở Bệnh Viện

Thứ năm - 08/02/2024 02:30 357 0
 
Phiên trực đêm ở Bệnh Viện
 
Lại một đêm đi trực người chị vừa được phẫu thuật tại Bệnh Viện Bình Dân- Sài Gòn, thêm một lần Tôi được nhìn, được nghe, được thấy và được cảm nhận sâu hơn về phận người. Ở Bệnh Viện này ít tấp nập, xô bồ hơn những nơi khác; không chứng kiến cảnh vài ba người ra đi trong đêm khuya, ít bệnh nhân phải cấp cứu vì nguy kịch như đợt trực chị Kiều Nhi, nhưng vẫn không thiếu những điều làm Tôi nghĩ suy,

Cái cảnh bệnh nhân quá tải trong các Bệnh viện ở Thành phố vẫn còn đó. Hai bệnh nhân nằm chung trên một chiếc giường, bệnh nhân phải mang 2, 3 túi dịch trước sau sau phẫu thuật ...họ không dám trở mình sợ đụng người bên cạnh thì lấy đâu được một giấc ngủ yên lành, sức khỏe của họ có được nhanh chóng bình phục hay không? Trước cửa nhà vệ sinh cũng có một chiếc giường, suốt đêm kẻ qua người lại, cộng thêm những cái mùi bốc ra từ bao nhiêu thứ chất thải dù khó ưa đến mấy cũng phải tiếp nhận nó. Các dãy hành lang cũng đã được tận dụng trở thành phòng bệnh, người nhà trải tạm chiếc khăn, chiếc chiếu dưới chân giường bệnh để ngã lưng chợp mắt trong chốc lát... nhìn thấy cảnh này càng thêm xót lòng.

Nơi đây, chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ xíu mà hơn 30 người cả bệnh nhân và người nhà..., người đến trước, kẻ tới sau, xa lạ bỗng dưng trở nên gần gũi thân quen. Họ chia sẻ cho nhau từ cách chăm sóc người bệnh; rồi... mấy giờ thì có cơm từ thiện, đi hướng nào- trước sau, bên hông của bệnh viện sẽ có những loại trái cây, những loại thức ăn gì rẻ, ngon...Và từ góc xa xa trong căn phòng, Tôi còn nghe được những câu chuyện hài hước, những tâm sự về gia cảnh mà họ trao nhau. Có những cuộc gọi thăm, nhắn gởi: “sáng mai con vào thì mua thêm 3 tô cháo lòng cho mẹ”, “ngày mai nhớ luộc rau nhiều nhiều đem vô cho các cô ở đây nữa nha! ”…Nghe những lời thân thương, mang thêm những thứ này thứ kia vô để chia sẻ cho nhau vì đa số họ đến từ tận Sóc Trăng, Cần Thơ, Phú Yên, Bình Định... lòng tôi như ấm lên, bởi còn đó những nghĩa cử thật đẹp giữa muôn khó khăn, khốn cùng mà anh chị em đi nuôi bệnh chia sẻ, trao gởi cho nhau.

Thật thế, bệnh tình, sức khỏe chẳng phải là chuyện xưa như trái đất nhưng là chuyện của hôm nay và ngày mai. Chẳng vậy, những ngày tháng gần đây nơi nhà dòng- xã hội thu nhỏ mà Tôi đang sống cũng không ít thông tin về hiện trạng bệnh tình của Dì này, chị kia, em nọ. Thông tin được coi là “hot” trong Hội Dòng với những ca nhập viện, phẫu thuật, tiểu phẫu diễn ra liên tiếp…Và biết đâu ngày mai, ngày kia, tên chị, tên tôi cũng sẽ phải ghi vào một Bệnh viện nào đó với những căn bệnh hiểm nghèo ? Đúng là cuộc đời không ai biết trước được điều gì. Đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều đã từng viết:
 
                             “Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Với Tôi, những điều trông thấy, cảm nhận trong đêm trực cho Tôi thêm chút trải nghiệm. Tạ ơn Chúa vì trong chính giây phút hiện tại mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người... Biết vậy để thêm lời cầu nguyện cho họ, tranh thủ thời gian thăm hỏi, động viên và cùng đồng cảm với những người bên cạnh khi còn có thể. Cuộc sống vẫn còn đó những điều không bao giờ gọi là đầy đủ. Có lẽ không chỉ trong Bệnh Viện Bình Dân mới có cái cảnh bệnh nhân nhập viện quá tải nhưng hầu như mọi Bệnh viện đều như vậy. May thay, nơi ấy đang đong đầy tình cảm của tình đồng loại. Nơi đây, ánh đèn không bao giờ tắt bởi đội ngũ áo trắng luôn hy sinh vì sức khỏe của những người họ có trách nhiệm, dù đêm hay ngày, dù lễ tết hay ngày truyền thống nào đó họ vẫn nhiệt tình với trong công việc. Đây cũng là cơ hội để Tôi cộng tác với ơn Chúa chăm lo cho sức khỏe của bản thân cũng như chị em vốn dĩ mang bản chất nặng nề nhưng dễ vỡ.

Trực ca đêm, Tôi cảm thấy thấm thía câu nói của tiền nhân: “Thức đêm mới biết đêm dài”. Dành thời gian suốt đêm của phiên trực Tôi cầu nguyện cho nhân viên  y tế, cho người nhà của bệnh nhân, cho chính mình được nhẫn nại và dịu dàng...Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương Người Samari nhân hậu (x. Lc 10,25-37), vào khả năng sống chậm lại và gần gũi với người khác, vào sự dịu dàng mà người Samari nhân hậu xoa dịu những vết thương của người anh em đau khổ của mình” [1]

Tạ ơn Chúa về những điều trông thấy, để con thêm yêu cuộc sống này; cho con thêm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót. Mối tương quan gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau trong khi chăm sóc các bệnh nhân cho con cảm thấy nguồn động lực và sức mạnh không bao giờ vơi cạn nơi lòng bác ái mà con người dành cho nhau. Bởi vì “Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống” (Mahatma Gandhi)
 

[1] (x. Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 32 )

 
 
 

Tác giả bài viết: Nt. Têrêxa Thanh Hữu

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây